GS.Tôn Thất Tùng – người cống hiến trọn đời cho y học Việt Nam – Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội
Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10.2.1912 tại Thanh Hóa và lớn lên ở Huế, một miền đất có truyền thống hiếu học. Tận mắt chứng kiến cảnh tượng của quan lại ở Huế, người thanh niên trẻ tuổi Tôn Thất Tùng đã quyết không theo nghiệp học làm quan mà ông quyết định ra Hà Nội, học ở trường Bưởi. Năm 1932, ông học tại Trường Y – Dược, một trường thành viên của Đại học Đông Dương, đóng tại Hà Nội. Bởi theo ông, nghề Y là một nghề “tự do”, không phụ thuộc vào đám quan lại hay chính quyền thực dân.
Trong thời gian làm việc ngoại trú tại Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt – Đức), ông rất bất bình trước việc chính quyền thực dân Pháp không chịu tổ chức cuộc thi vào nội trú chỉ bởi vì chúng không muốn có những người dân bản xứ có trình độ chuyên môn cao có thể cạnh tranh với người của “nước mẹ”. Ông đã kiên quyết đấu tranh đòi chính quyền thực dân phải tổ chức cuộc thi nội trú cho các bệnh viện ở Hà Nội vào năm 1938. Ông là người duy nhất trúng tuyển một cách xuất sắc trong kỳ thi khóa nội trú đầu tiên của trường. Cuộc đời khoa học của ông thực sự bắt đầu từ đây.
…Một buổi chiều mùa đông ở phòng mổ xác, một sự việc đã ảnh hưởng tới định hướng trong cuộc đời khoa học của người bác sĩ trẻ này. Ông phát hiện trong gan của một người bệnh có hàng chục con giun chui ở các đường mật. Với một dụng cụ thô sơ, chỉ bằng một con dao nạo, ông đã phẫu tích kỹ lưỡng cơ cấu của lá gan. Bằng phương pháp này, trong suốt thời gian từ năm 1935 đến năm 1939, ông đã phẫu tích trên 200 lá gan của tử thi để nghiên cứu các mạch máu. Rồi ông vẽ lại thành các sơ đồ, đối chiếu chúng với nhau để tìm ra những nét chung. Trên cơ sở đó, ông đã viết và bảo vệ thành công luận án tốt nghiệp bác sĩ y khoa với nhan đề “Cách phân chia mạch máu của gan“. Với bản luận án này, ông đã được tặng Huy chương Bạc của Trường Đại học Tổng hợp Paris (mà Trường Đại học Y – Dược tại Hà Nội lúc bấy giờ là một bộ phận). Bản luận án được đánh giá rất cao và trở thành tiền đề cho những công trình khoa học nổi tiếng của ông. Sau này, chính vì biết rõ các cơ mạch trong gan, vào những năm 1960, ông đã nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới và hiện đại, khác hẳn với những phương pháp trước đây. Vì từ xưa đến nay, do chưa có mô tả chính xác các mạch máu trong gan nên người ta vẫn quen dùng phương pháp “cắt gan không có kế hoạch“. Ông cho rằng làm như vậy thì thật nguy hiểm, vì cắt xong nếu không đúng mạch, bệnh nhân có thể chết do chảy máu hoặc do hoại tử gan. Để ghi nhận công lao của người đầu tiên đã tìm ra phương pháp này, người ta gọi đó là “Phương pháp mổ gan khô” hay “Phương pháp Tôn Thất Tùng“. Chính vì thế, giáo sư người Pháp nổi tiếng Malêghi trong báo Lion Phẫu thuật, năm 1964 đã viết: “Trường Đại học Y khoa Hà Nội có thể tự hào đã có hai thành tựu trong lịch sử của mình, một là đã nghiên cứu lần đầu tiên về cơ cấu các mạch trong gan, hai là lần đầu tiên đã thành công trong việc cắt gan có kế hoạch“.
Cách mạng tháng Tám 1945 bùng nổ ở Hà Nội. Cùng với anh em Việt Minh, bác sĩ Tôn Thất Tùng đã tham gia cướp chính quyền của Pháp ở Hà Nội. Bác sĩ Tôn Thất Tùng đã được vinh dự giao trách nhiệm chữa bệnh cho Bác Hồ ở Bắc Bộ phủ. Cùng thời gian đó, Tôn Thất Tùng đã viết cuốn sách tóm tắt kinh nghiệm nghiên cứu về giun với vấn đề “Viêm tụy cấp tính và phẫu thuật“. Sau khi hoàn thành, ông đã đến gặp GS. Vũ Đình Hòe lúc đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục. Giáo sư Hòe rất tán thành việc in cuốn sách này nhân dịp chào mừng sự thành lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một tháng sau, cuốn sách được in xong. Đây là cuốn sách khoa học được xuất bản đầu tiên tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – cuốn sách thuộc ngành Y học.
Rồi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Cả nước cùng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Thầy và trò các trường đại học tạm rời Hà Nội, chia thành các bộ phận nhỏ để duy trì hoạt động tại chiến khu cách mạng hoặc các vùng tự do. Trường Đại học Y khoa Hà Nội cũng vậy. Vân Đình – Hà Đông (1946), Lăng Quán – Tuyên Quang (1947), Phù Ninh – Phú Thọ (1948), Đại Lục – Phú Thọ (1949), Chiêm Hóa – Tuyên Quang (1950) là những điểm dừng chân của trường. GS. Tôn Thất Tùng ba lô trên vai cùng với các giảng viên và sinh viên dựng lớp, dựng phòng thí nghiệm duy trì hoạt động của trường trong những điều kiện hết sức khắc nghiệt. Nhiều công trình nghiên cứu của ông đã được thai nghén và tiến hành chính trong hoàn cảnh khó khăn đó. Cùng với GS. Đặng Văn Ngữ, ông đã góp phần sản xuất Penicilline phục vụ thương bệnh binh. Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, để đối phó với các loại vết thương do vũ khí mới gây ra, năm 1965, ông đã chủ trì hội nghị khoa học đầu tiên bàn về việc điều trị các vết thương do bom bi.
Với một bộ óc quan sát khách quan, một phương pháp nghiên cứu đúng đắn, ông đạt được những thành công rất xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu Y học. Những quan sát về cấu trúc mạch máu và đường mật trong gan không những giúp ông ngày càng hoàn thiện về phương pháp cắt gan, đồng thời còn giúp ông có được những chẩn đoán ngày càng chính xác trong các bệnh lý có liên quan đến đường ống mật. Các biểu hiện của những bệnh lý này không giống với những gì mà các nhà y học phương Tây đã nghiên cứu. Nó mang đặc thù của bệnh lý ở một xứ nhiệt đới như Việt Nam. Trong những lần phẫu thuật cắt gan và điều trị ung thư gan, ông cũng nhận thấy có một mối quan hệ không bình thường giữa người ở chiến trường B với tần suất ung thư gan. Từ đó, ông đã nghiên cứu về tác hại của chất điôxin có trong chất độc màu da cam của Mỹ trên cơ thể con người và trong môi trường ở Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu bắt tay vào công việc của một bác sĩ nội trú, rồi trong suốt cuộc đời của một bác sĩ phẫu thuật, ông luôn đặt cho mình những nguyên tắc học tập và làm việc. Trước hết phải coi công việc của mình làm hàng ngày là quan trọng nhất – đó là nguồn động lực đi vào khoa học. Ông quan niệm “quan sát là cơ sở của khoa học”. Bên cạnh những đánh giá cao về năng lực, về khả năng nhanh nhạy trong việc tiếp thu cái mới của thanh niên, của thế hệ trẻ, ông cho rằng thanh niên thường thích đọc sách hơn là quan sát thế giới bên ngoài – đây là điểm yếu nhất của thanh niên và một số người khác. Điều quan trọng hơn hết là cần phải biết vươn lên để sửa chữa điểm yếu này. Đặc biệt trong giáo dục, đào tạo lớp trẻ thanh niên, ông luôn nhấn mạnh đến phương pháp, tinh thần làm việc và ý thức trách nhiệm về nghề nghiệp. Đặc biệt, đối với sinh viên y học, sự trung thực, hết lòng yêu thương người bệnh là hết sức cần thiết. Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế của bản thân và mong muốn đào tạo thế hệ bác sĩ trẻ – tương lai của đất nước sau này, ông luôn nhắc nhở: “Bưng kỹ thuật từ nước ngoài về mà không thích hợp với hoàn cảnh kinh tế của nước nhà, là một thảm họa cho đất nước“. Ông rất coi trọng việc tiếp thu y học phương Tây trong nghiên cứu bệnh tật và chữa trị cho người Việt Nam, nhưng đồng thời cũng rất tâm huyết trong việc xây dựng và phát triển nền Y học truyền thống nước nhà. Đem khoa học ở Việt Nam phổ biến và tuyên truyền ở nước ngoài, đồng thời đưa khoa học của nước bạn về nghiên cứu và áp dụng ở Việt Nam đó là hai nhiệm vụ mà GS. Tôn Thất Tùng luôn tâm niệm trong suốt cuộc đời. Đúng như những lời nhận xét của nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Xuân Hồi: “Cuộc đời của GS. Tôn Thất Tùng là một bài học sống động và phong phú, một tấm gương trong sáng đối với những người đang sống, nhất là đối với những người làm công tác khoa học và đối với thanh niên“.
Với tư cách là một nhà khoa học nổi tiếng, một nhà phẫu thuật kiệt xuất, một nhà giáo ưu tú, GS. Tôn Thất Tùng đã từng tham gia nhiều hội nghị khoa học quốc tế về y học, được mời giảng bài ở nhiều trường Đại học Y khoa và Viện Y học tại nhiều nước. Ông được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, Hội Quốc gia Những nhà phẫu thuật nước Cộng hòa Dân chủ Đức, Viện Hàn lâm phẫu thuật Paris và Hội Những nhà phẫu thuật Lyon (Pháp), Hội Quốc gia Những nhà phẫu thuật Angiêri. Trong nhiều năm, ông cũng được giao trách nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức và Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại trường Đại học Y khoa Hà Nội. Trên cương vị nào, ông cũng dành tâm sức cho sự nghiệp đào tạo cán bộ, nghiên cứu khoa học, phát triển ngành Y học Việt Nam.
Năm 1977, GS. Tôn Thất Tùng được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương phẫu thuật quốc tế mang tên Lannelongue. Đây là một phần thưởng cao quý dành cho những nhà phẫu thuật xuất sắc thế giới được trao định kỳ 5 năm một lần. Ông vinh dự và xứng đáng là một trong mười hai người trên thế giới và là người duy nhất ở Việt Nam được tặng huy chương ấy. Danh hiệu Anh hùng lao động, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Ba là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp và cống hiến to lớn của GS. Tôn Thất Tùng trong lĩnh vực Y học cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hơn 20 năm đã qua kể từ ngày GS. Tôn Thất Tùng ra đi nhưng những người thầy thuốc Việt Nam, nhân dân Việt Nam và bạn bè thân thiết trên thế giới mãi mãi ghi nhớ hình ảnh giáo sư với một cuộc đời trong sáng, một sự nghiệp vinh quang và những cống hiến to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cho nền Y học Việt Nam và thế giới./.