GS Trần Ngọc Thêm: Giả dối đã thâm nhập sâu vào học đường
GS Trần Ngọc Thêm
Trong tham luận gửi Hội thảo giáo dục Việt Nam năm 2021 do Uỷ ban văn hoá, giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 21/11, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm cho rằng trong bối cảnh hiện tại, sứ mệnh của giáo dục Việt Nam là phải thực hiện sự chuyển đổi từ mô hình hướng đến xã hội ổn định sang mô hình hướng đến xã hội phát triển.
Trong sáu mục tiêu: Học để làm việc, Học để sáng tạo, Học trung thực, Học làm người, Học chung sống, và Học để tổ chức thì Học để sáng tạo là mục tiêu cao nhất. Để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động và con người trung thực.
Theo GS Trần Ngọc Thêm, người Việt nay đã bớt thụ động hơn xưa, song nhìn trong tổng thể thì tính thụ động vẫn còn là một đặc trưng chủ đạo.
“Trong cuộc khảo sát năm 2020 của đề tài cấp nhà nước về triết lý giáo dục với 3.070 người tham gia, trả lời câu hỏi về những tật xấu mà học sinh – sinh viên Việt Nam cần tránh thì “bệnh thụ động” đứng ở vị trí thứ tư (chiếm 67,3%); “thói dựa dẫm, ỷ lại”đứng thứ tám (chiếm 57,5%). Thêm vào đó, tính cộng đồng cùng áp lực của số đông; thói cào bằng, đố kỵ; sự dìm hàng”, “ném đá” của cộng đồng giáng xuống đầu những người đi tiên phong đã giết chết mọi sự tích cực (“thói cào bằng, đố kỵ” đứng thứ sáu, chiếm 63,4%)”- GS Thêm dẫn chứng.
Ông Thêm cho rằng, ở Việt Nam phẩm chất thường được đánh giá cao không phải là sự tự tin, càng không phải là tính tiên phong mà là sự khiêm tốn. Trong khi ở phương Tây khiêm tốn được hiểu là thể hiện một sự đánh giá đúng mực về giá trị và tài năng của mình thì ở Việt Nam khiêm tốn lại thường được hiểu là sự nhún nhường, tự hạ thấp mình.
Trong lĩnh vực giáo dục, tính thụ động còn thể hiện ở mọi bình diện khía cạnh như con cái thụ động trong quan hệ với cha mẹ; người học thụ động trong quan hệ với người dạy; người dạy thụ động trong quan hệ với nhà trường; nhà trường thụ động trong quan hệ với bộ máy quản lý giáo dục cấp trên. Mặt khác tính thụ động của người Việt hội tụ ở mức độ đậm đặc trong giáo dục qua khái niệm “trồng người”.
GS Thêm lý giải, cụm từ này tuy được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến trong một bài nói chuyện với giáo viên phổ thông ngày 13/9/1958: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” nhưng Bác không chủ trương giáo dục một cách thụ động, bởi lẽ trong suốt 15 cuốn của bộ Hồ Chí Minh toàn tập, cụm từ “trồng người” chỉ được Bác dùng duy nhất một lần, trong khi cụm từ “trồng cây” thì được Bác dùng rất nhiều lần. Suy ra “trồng người” không phải là hình ảnh thường trực trong tư duy của Bác. Sự phổ biến của khái niệm này không xuất phát từ tư tưởng giáo dục của Hồ Chí Minh, mà nó nằm sẵn trong triết lý giáo dục của người Việt Nam. Khi gặp hình ảnh “trồng người” do Bác nói ra, ai cũng cảm thấy thân thiết gần gũi đến mức dễ dàng chấp nhận và say mê sử dụng nó một cách hoàn toàn tự nhiên. Vì vậy mỗi năm vào dịp 20/11, có hàng mấy chục viết báo tôn vinh sự nghiệp “trồng người”, hàng triệu lời chúc các thầy cô đạt nhiều thành công trong sự nghiệp “trồng người”.
Để có con người sáng tạo
GS Trần Ngọc Thêm cho rằng trong giáo dục và đào tạo con người thig tài đi liền với đức. Để có con người sáng tạo, cần coi trọng bản lĩnh, đề cao dân chủ trong giáo dục. Dẫn chứng cuộc khảo sát về triết lý giáo dục năm 2020, giáo sư Thêm cho hay bệnh thiếu bản lĩnh đứng thứ ba (chiếm 71,2%). Tư duy phản biện đứng ở vị trí thứ tám (chiếm 61,8%), tính sáng tạo đứng thứ ba (chiếm 75,5%) trong danh sách các năng lực mà học sinh – sinh viên Việt Nam cần có để vào đời.
Theo GS Trần Ngọc Thêm để phát triển năng lực sáng tạo và tư duy phản biện, cần chống việc nhồi nhét kiến thức, chống học thuộc lòng. Tuy nhiên cho đến nay cách quản lý giáo dục của chúng ta vẫn vô tình khuyến khích việc học thuộc lòng. Cụ thể các nhà xuất bản thì cung cấp cho học sinh những tuyển tập các bài văn mẫu, trên mạng có hẳn một website về văn mẫu. Việc biên soạn sách giáo khoa ở mọi cấp, từ phổ thông đến đại học, vẫn phổ biến yêu cầu phải ngắn gọn là để đáp ứng nhu cầu học thuộc lòng. Mọi đề thi từ phổ thông đến đại học đều vẫn phải có đáp án sẵn đính kèm. Việc chấm thi theo đáp án giết chết tư duy sáng tạo của cả trò lẫn các thầy cô giáo. Mọi sáng tạo độc đáo khác với đáp án buộc người chấm phải cho điểm kém và buộc người học phải nhận điểm kém.
Mặt khác việc đề cao quá mức vai trò của người thầy có thể kéo theo hệ quả là một bộ phận thầy cô ngộ nhận về quyền lực của mình, dẫn đến những hiện tượng quái đản như trường hợp cô giáo này không nói câu nào suốt ba tháng đứng lớp; cô giáo kia bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt giẻ lau bảng…
“Vai trò thực sự của người thầy trong giáo dục sáng tạo là hướng dẫn người học sáng tạo và tự chịu trách nhiệm về sự sáng tạo của mình. Dân chủ trong giáo dục là dân chủ trong trao đổi và sáng tạo tri thức, dân chủ phải đi cùng với pháp quyền chứ không phải thứ dân chủ dẫn đến rối loạn xã hội, dẫn đến những sự cố như học sinh bóp cổ cô giáo, đâm thủng bụng thầy giáo; phụ huynh xông vào lớp tát cô giáo, phụ huynh bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi…” GS Thêm dẫn chứng.
GS Trần Ngọc Thêm đề xuất để có con người sáng tạo, cần chống bệnh thành tích, bệnh phong trào và bệnh đối phó. Các căn bệnh này có ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý.
“Trong cuộc khảo sát của chúng tôi năm 2020, bệnh thành tích trong giáo dục đứng thứ hai (chiếm 72,3%) và bệnh đối phó đứng thứ bảy (chiếm 63,1%) trong số những tật xấu mà học sinh – sinh viên Việt Nam cần tránh. Trả lời câu hỏi “Bạn thường bổ sung, củng cố kiến thức đã học theo cách nào?” thì tỷ lệ cao nhất thuộc số những người “Ôn lại khoảng 1-2 tuần trước khi thi” (38,6%), và thấp nhất thuộc số những người ôn lại mọi lúc, tức là những người học thực sự vì tri thức, học suốt đời (9,4%). Số đông phụ huynh vẫn chỉ mong con cái có điểm số cao (57,6%), ra trường có thu nhập cao (71,9%) và địa vị cao trong xã hội (57,9%).
Để có địa vị cao, học sinh Việt Nam đua nhau học lên cao (bệnh phong trào). Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia ở Việt Nam năm 2017, có hơn 75% thí sinh tốt nghiệp phổ thông dự thi để đăng ký xét tuyển đại học (trong khi số học sinh tốt nghiệp phổ thông tiếp tục học lên đại học ở Mỹ [vào những năm 80] chỉ có 45%, ở Nhật là 38%, ở Pháp là 25%, ở Đức là 19%. Hệ quả là trong đội quân thất nghiệp ở Việt Nam, thanh niên và người có trình độ cao chiếm một số lượng lớn (năm 2017 có 20 vạn cử nhân thất nghiệp). Người làm quản lý giáo dục thường muốn có nhiều trò thi đỗ, điểm cao; thầy cô thường nhồi nhét kiến thức, bệnh thành tích lan tràn, học trò chịu áp lực lớn, học sinh giỏi vẫn nhảy lầu tự tử.
Để khuyến khích sáng tạo, khuyến khích tư duy phản biện, cần thay việc giáo dục hàng loạt với quan niệm thành tích tính theo điểm số, theo số lượng trò điểm cao, thi đỗ bằng giáo dục cá nhân hóa theo quan niệm giáo dục phải “làm phát triển hoàn toàn các năng lực sẵn có của các em” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến trong “Thư gửi các học sinh” nhân dịp khai giảng đầu năm học năm 1945.
Bên cạnh nền giáo dục phổ thông theo hệ thống do Nhà nước tổ chức, cần sớm thừa nhận và luật hóa mô hình giáo dục tại gia, hay gia thục (homeschooling) hiện nay đang trở nên ngày càng phổ biến ở nhiều nước phát triển trên thế giới như một giải pháp thay thế hợp pháp cho các trường công lập và tư thục.
Trong quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay, các bệnh thành tích và bệnh đối phó tiếp tục được thể hiện ở tâm lý nóng vội, muốn có kết quả nhanh bằng cách làm chắp vá theo kiểu “cuốn chiếu” (trong xây dựng chương trình, biên soạn sách giáo khoa…).
GS Trần Ngọc Thêm cũng nhấn mạnh, ba căn bệnh “bệnh thành tích”, “bệnh phong trào” và “bệnh đối phó” đang tồn tại ở cả người học, phụ huynh và nhà quản lý dẫn đến tật xấu thứ tư là “bệnh giả dối”. Tràn lan trong xã hội là vấn nạn học giả bằng thật, là nạn quay cóp trong thi cử ở bậc phổ thông; việc sao chép trong làm tiểu luận, viết luận văn luận án cũng gặp không ít ở bậc đại học và sau đại học. Ở Việt Nam hiện tượng giả dối đạt tới mức độ trầm trọng và thâm nhập sâu vào văn hóa học đường.
“Trong cuộc điều tra của đề tài cấp nhà nước về hệ giá trị với 5.589 người tham gia thực hiện năm 2014, “bệnh giả dối, nói không đi đôi với làm” được 81% đánh giá là tật xấu điển hình nhất, đứng vị trí thứ nhất trong số 34 tật xấu của người Việt; có 79,3% thừa nhận là đã từng “Giở sách quay cóp khi thi cử” hoặc định thực hiện việc này.
Trong cuộc điều tra về triết lý giáo dục thực hiện năm 2020 thì có 73,8% thừa nhận “Gian lận trong giáo dục” đứng ở vị trí thứ ba trong số 13 nhược điểm của giáo dục Việt Nam và 77,4% thừa nhận “Bệnh giả dối” đứng ở vị trí thứ nhất trong số 15 tật xấu mà học sinh – sinh viên Việt Nam cần tránh khi vào đời. Thời đại 4.0 với mạng internet càng khiến cho vấn nạn gian lận trở nên lan rộng.
Nghiên cứu trên báo cáo tốt nghiệp của 252 sinh viên khối ngành kinh tế năm 2013-2014 cho thấy chỉ số tương đồng trung bình so với cơ sở dữ liệu Turnitin từ 50% trở lên chiếm đến 39,7%; đa phần (52%) tập trung trong nhóm tương đồng từ 25 đến 49%. Với mức độ tương đồng dưới 20% thì chỉ có 4% bài viết được chấp nhận; cá biệt có bài chỉ có 5% nội dung là của riêng tác giả”- GS Thêm dẫn chứng.
“Để xây dựng một xã hội phát triển, đã đến lúc phải làm mạnh tay hơn nữa. Chủ trương “Học thật, thi thật, nhân tài thật” do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tháng 5/2021 có thể xem như một lời tuyên chiến với sự gian lận trong giáo dục. Để có nhân tài thật thì “học thật, thi thật”, hay “học trung thực” là yêu cầu tối thiểu. “Học thật, thi thật”, hay “học trung thực” phải là một mục tiêu nền tảng xuyên suốt, không chỉ giúp chống bệnh gian lận trong thi cử, nạn đạo văn, mà còn góp phần quan trọng bảo đảm tính hiệu quả của giáo dục và chất lượng của sản phẩm giáo dục”- GS Thêm nêu.
Lê Huyền (lược ghi)
“Trở ngại lớn nhất của đổi mới giáo dục là ở giáo viên”
Nhiều ý kiến mổ xẻ những vấn đề còn bất cập trong đào tạo cũng như chế độ đãi ngộ đối với giáo viên được đưa ra tại Hội thảo giáo dục 2017.
Lấy lại sự tôn kính cho nghề giáo
Số ít thầy cô làm sai, nhưng do ấm ức làm giọt nước tràn ly, sự việc bị đẩy đi xa, càng bùng nổ trên mạng xã hội, có lúc tưởng như quật nhào biểu tượng cao quý của người thầy.