Giáo sư Trần Văn Giàu – Trọn đời vì hai tiếng quê hương

Giáo sư Trần Văn Giàu – Trọn đời vì hai tiếng quê hương

Nhà cách mạng – giáo sư tài ba

GS Trần Văn Giàu sinh ngày 11/9/1911, trong một gia đình trung lưu ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành (nay là xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An). Gia đình có nhiều người tham gia nghĩa quân nên GS được nuôi dưỡng, vun bồi lòng yêu nước từ khi còn nhỏ. Lúc còn đang học trường trung học Pháp, các phong trào của Nguyễn An Ninh, Phan Châu Trinh đã tác động mạnh mẽ vào tư tưởng của ông. Thanh niên Trần Văn Giàu quyết tâm xin gia đình đi du học Pháp với mục đích trở về “giúp đồng bào vơi bớt nỗi khổ nhục theo cách một trạng sư, một nhà báo” (Hồ sơ Di tích lịch sử Khu lưu niệm GS Trần Văn Giàu).

Năm 1930, ông tham gia biểu tình đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh khởi nghĩa Yên Bái và bị trục xuất về nước. Cũng trong năm này, ông đứng chân vào hàng ngũ của Đảng và chính thức hoạt động bí mật, trở thành nhà giáo, nhà cách mạng lỗi lạc. Từ năm 1933-1940, ông bị bắt 3 lần, ngồi tù ở Khám Lớn, Côn Lôn, Tà Lài. Trong suốt thời gian đó, ông trở thành “thầy giáo đỏ” truyền bá tư tưởng Mác-Lênin đến cán bộ ta ở trong tù. Ngoài ra, ông còn viết khoảng 20 quyển sách làm tài liệu trong quá trình giảng dạy.

Năm 1941, ông vượt ngục và đi tạm lánh vì địch đang lùng bắt. Sau đó, GS trở lại Sài Gòn góp công lớn vào việc tái lập Xứ ủy Nam kỳ và được bầu làm Bí thư Xứ ủy. Từ 1943-1945, Xứ ủy Nam kỳ đã “khôi phục hệ thống Đảng các cấp, phục hồi tổ chức Công đoàn, tập hợp nhiều trí thức, sinh viên, nhà công thương vào một tổ chức như Tân Dân chủ đoàn, nhóm báo thanh niên,… xuất bản báo tiền phong và các sách bỏ túi, mở hàng chục lớp huấn luyện chính trị” (Hồ sơ Di tích lịch sử Khu lưu niệm GS Trần Văn Giàu).

Khi Nhật đầu hàng Đồng minh, Bí thư Xứ ủy Nam kỳ – Trần Văn Giàu triệu tập Thường vụ Xứ ủy vạch ra kế hoạch khởi nghĩa. Trong khi chờ đợi Hội nghị Xứ ủy thông qua kế hoạch, ấn định thời gian, ông khẩn trương tổ chức lực lượng, tập dượt quần chúng. Hội nghị Xứ ủy lần 3 quyết định đêm 24/8 khởi nghĩa Sài Gòn – Chợ Lớn. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong đó có không ít công sức của Bí thư Xử ủy Nam kỳ – Trần Văn Giàu.

Không lâu sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, thực dân Pháp xâm lược Nam bộ, GS Trần Văn Giàu lúc ấy được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ. Ông phát lời kêu gọi Nam bộ kháng chiến ngày 23/9/1945. “Cùng với các đồng chí của mình, ông đã làm hết sức mình, tập trung lực lượng liên hiệp chống Pháp” – Hồ sơ Di tích lịch sử Khu lưu niệm GS Trần Văn Giàu, có đoạn viết. Sau đó, Xứ ủy Nam bộ được thành lập, ông Trần Văn Giàu nhận nhiệm vụ khác. Đây cũng là thời điểm ông bắt đầu sự nghiệp giáo dục của mình.

Năm 1951, từ một cán bộ chính trị, ông chuyển hẳn sang giáo dục, trở thành một trong những người gầy dựng nên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông được bầu làm Bí thư Đảng ủy trường sau đó, đảm nhiệm việc giảng dạy lịch sử cận hiện đại thế giới và lịch sử cận đại Việt Nam. Đó là thời điểm ông dành nhiều công sức cho việc nghiên cứu về cách mạng cận đại Việt Nam. Ông tiếp tục được cử làm Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi chuyển sang công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).

Ông đã dành nhiều tâm sức cho việc nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, các công trình của ông để lại là cả một kho tàng đồ sộ và quý báu cho thế hệ sau.

Người của quê hương và gia đình

Trong công việc, ông là người tài ba cả về quân sự lẫn giáo dục. Với gia đình, quê hương, ông lại là một người giàu tình cảm. Về lại Châu Thành – quê hương ông, ngày nay, tên tuổi ông vẫn được người dân nhắc đến với tấm lòng yêu mến, biết ơn. Quỹ học bổng Trần Văn Giàu đã tiếp sức cho biết bao thế hệ học trò nơi đây trên con đường học vấn. Trường Mẫu giáo Phú Ngãi Trị do ông, bà xây cất là nơi ươm những mầm xanh. Sau này, khi trường xuống cấp, gia đình ông tiếp tục ủng hộ kinh phí sửa chữa nhằm gìn giữ những kỷ niệm cũng như tấm lòng của ông đối với quê hương.

Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu đang được xây dựng bên cạnh khu mộ Giáo sư

Ở trường vẫn còn tấm biển nhỏ ghi nhớ người đầu tư xây dựng là bà Đỗ Thị Đạo (vợ ông Trần Văn Giàu). Theo lời kể của gia đình, ông bà hứa hôn cùng nhau từ khi ông 18 tuổi. Sau đó, ông sang Pháp học và bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Đến khi trở về với bà thì tóc đã hoa râm. Thương người vợ kiên trung, chung thủy, ông dùng quãng thời gian còn lại bù đắp cho bà. Ông bà có những ngày tháng bên nhau rất hạnh phúc. Theo lời kể của người thân, ông rất trân trọng và yêu quý bà. Trong từng lời nói, cử chỉ hàng ngày đều toát lên điều đó. Dù lớn tuổi, ông vẫn luôn gọi bà bằng tiếng “em” ngọt ngào. Ngày bà mất, tro cốt của bà được chia thành hai phần. Một phần giữ lại quê hương, phần còn lại ông mang về thờ phụng trong căn nhà chung của ông bà tại TP.HCM để “ông được gần bà”. Mãi đến khi ông mất, phần tro cốt ấy được người thân thỉnh về lại quê hương, đặt dưới nấm mồ bên cạnh ông.

Vợ chồng GS Trần Văn Giàu không có con nên tất cả tình cảm ông dành hết cho các cháu trong dòng họ. Với người thân, GS nổi tiếng hiền lành và tình cảm. Anh Trần Tấn Lực (cháu gọi ông Trần Văn Giàu là cố) kể: “Ngày tôi lên 10, được lên nhà ông chơi, tôi thích lắm! Giường, nệm của ông, tôi cứ leo lên nhúng nhảy, bị cô họ rầy. Tưởng sẽ phật ý ông, vậy mà không, ông trìu mến bảo cô rằng: “Để cho cháu chơi”. Rồi ông ngừng hẳn bữa cơm, ngồi nhìn tôi, mỉm cười”. Hình ảnh đó cho tới bây giờ vẫn còn nguyên vẹn trong lòng anh Lực.

Với việc học hành của các cháu, GS luôn quan tâm, khuyên bảo nhẹ nhàng, nhắc các cháu nên chăm chỉ học hành, có kiến thức, sau này tự nuôi sống bản thân. Ông không đặt nặng bất kỳ trọng trách nào lên thế hệ sau, chỉ khuyến khích, động viên và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cháu trong việc học hành. Ông Trần Văn Khoa (cháu gọi ông Trần Văn Giàu là ông) cho biết: “Từ lúc sinh thời đến bây giờ, hễ trong dòng họ có con cháu nào học tại TP.HCM, ông đều bảo đến nhà ông ở. Việc ăn, ở không cần phải lo lắng gì. Bây giờ gia đình vẫn còn một cháu học Đại học Bách khoa TP.HCM ở tại nhà ông”.

Suốt cả đời mình, có thể nói, GS Trần Văn Giàu đã sống cho quê hương, đất nước, cho những người thân yêu của mình. Tài sản của ông hầu hết đều sử dụng để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục (Quỹ học bổng 1.000 cây vàng tại TP.HCM, Quỹ học bổng tại Châu Thành, xây dựng một trường mẫu giáo tại Châu Thành; ông còn tặng thư viện riêng của mình cho tỉnh Long An).

Ngày sắp về với Bác, với Lênin, điều cuối cùng ông nói chính là 2 từ: “Về quê!”, mặc dù Thành ủy TP.HCM ngỏ ý xin phép ông hãy ở lại nghĩa trang thành phố sau khi mất. Vậy là, sau ngày mất, ông về lại quê nhà theo tâm nguyện, nằm cạnh người vợ yêu thương, chung thủy của mình. Phần mộ ông được các cháu trong họ, chính quyền địa phương chăm sóc.

Ngày nay, bên cạnh khu mộ của ông, Thành ủy TP.HCM và Tỉnh ủy Long An đang xây dựng Khu lưu niệm GS Trần Văn Giàu để ghi nhớ công lao và nhắc nhở thế hệ sau về một cán bộ cách mạng tài ba, một vị GS lỗi lạc của nước nhà./.

Với những cống hiến của mình trong giảng dạy và sử học, ông Trần Văn Giàu được phong hàm Giáo sư. Trong suốt quá trình tham gia cách mạng, ông viết hơn 150 công trình nghiên cứu về khoa học, xã hội và nhân văn. Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân chương, danh hiệu cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Giải thưởng Hồ Chí Minh.

(Theo Hồ sơ di tích lịch sử Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu)

Quế Lâm

__________________________________

*Bài viết sử dụng nhiều thông tin, tư liệu từ Hồ sơ Di tích lịch sử Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu

Rate this post