Giáo sư Trần Văn Giàu (1911 – 2010)
NGUỒN HẤP DẪN LỚN TỪ MỘT CHÂN DUNG TỰ THUẬT
Giáo sư Trần Văn Giàu sinh năm 1911, quên tỉnh Long An, vừa là một nhà cách mạng vừa là một nhà khoa học nhân văn nổi tiếng ở nước ta. Cuộc đời của giáo sư thật là phong phú, hấp dẫn. Riêng trong lịch sử trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chính giáo sư là một trong số người có công sáng lập – vì khi thành lập trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa (1951) giáo sư là người được Trung ương giao nhiệm vụ tập hợp đội ngũ, làm Bí thư Đảng ủy và trực tiếp giảng dạy Triết học, Sử học. Giáo sư Trần Văn Giàu đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Sau đây, chúng tôi xin lược in lại một phần trong lời tự thuật của Giáo sư Trần Văn Giàu do Phó Giáo sư Nguyễn Phan Quang vốn là học trò của Giáo sư Trần Văn Giàu và cũng là một cán bộ giảng dạy đã nhiều năm làm Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội ghi chép.
DU HỌC VÀ BỊ TRỤC XUẤT
Tôi chuẩn bị sang Pháp, mang theo một mong muốn cụ thể: phải học thật giỏi để đạt được ít nhất hai học vị Tiến sĩ Luật khoa và Văn khoa, để trở về Sài Gòn làm một Trạng sư giỏi, để viết được những bài báo sâu sắc, thúc giục lòng người như Phan Văn Trường, như Nguyễn An Ninh. Tôi muốn học xong về nước mở một văn phòng luật sư, ra một tờ báo công khai, góp tiếng nói bênh vực quyền lợi đồng bào mình, có thể thôi. Thực tình lúc này mục đích làm chính trị, làm cách mạng chưa có gì rõ nét. Có chăng, tôi chỉ muốn là một người Việt Nam yêu nước, ghét Tây, giúp đồng bào vơi bớt nỗi khổ nhục theo cách một trạng sư, một nhà báo.
Cha mẹ đồng ý cho tôi đi Pháp, tin rằng con mình học giỏi, thế nào cũng “thành tài”, nhưng buộc tôi phải đi hỏi vợ trước rồi mới cho đi Tây; có lẽ các cụ sợ tôi sang Tây lấy một cô đầm nào chăng, nên “buộc con trâu tơ vào cọc” cho yên tâm.
Năm 1928 tôi sang Pháp, học ở Toulouse, một thành phố có phong trào cộng sản khá mạnh. Cảm nhận đầu tiên của tôi là: trên đất nước Pháp lại có nhiều người bênh vực người Việt Nam và khinh ghét thực dân, trong đó nổi bật lên là những người cộng sản, những người tuyên truyền và đưa tôi vào Đảng Cộng sản Pháp. Và cũng mãi tới năm 1928 tôi mới được đọc hết cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong tủ sách của Đảng Cộng sản Pháp.
Hồi đó, Đảng Cộng sản Pháp có tờ báo bí mật “Cờ Đỏ” tuyên truyền trong binh lính người Việt Nam bị đưa sang Pháp, phần lớn đóng ở các tỉnh phía Nam. Tôi được các đồng chí Pháp giao nhiệm vụ dịch những bài tiếng Pháp ra tiếng Việt để đăng lên báo. Có thể nói tôi bắt đầu “làm chính trị” từ đó, lúc tôi 18 tuổi (1929), đồng thời vẫn tiếp tục đi học.
Năm 1930 nổ ra cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Khởi nghĩa bị thất bại quá nhanh. Thực dân Pháp điên cuồng, ra lệnh xử tử 13 người trong đợt đầu, trong đó có Nguyễn Thái Học, Ký Con… Tin bay sang Pháp, Đảng Cộng sản Pháp hô hào quần chúng Paris biểu tình phản đối. Tôi được học sinh thanh niên và thợ thuyền ở Toulouse cử lên Paris tham gia cuộc biểu tình này. Thực tình hồi đó tôi suy nghĩ mung lung lắm: đi Pháp, tính làm hai tiến sĩ rồi về viết báo, mở phòng luật sư. Đã hứa với cha mẹ mình và cha mẹ vợ (chưa cưới) như vậy. Nay đang học dở dang; ngồi yên học tiếp hay ra đấu tranh? Đấu tranh thì nó đuổi học. Khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân đàn áp mà dân Pháp ở Paris thì biểu tình ủng hộ! Mình là người Việt Nam, lại là đảng viên Cộng sản, tính sao đây? Cuối cùng bọn tôi quyết định tham gia biểu tình ở Paris (tháng 5-1930), kéo đến trước dinh Tổng thống, đòi Tổng thống Pháp bỏ án tử hình đối với các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa. Và tôi đã bị bắt ngay trong cuộc biểu tình này. Ngờ rằng nó chỉ giam dăm ba bữa rồi thả ra, vì nước Pháp “tự do, dân chủ” đâu có cấm biểu tình. Nghĩ bụng: trở về Toulouse, cùng lắm là bị đuổi học? Đuổi trường này, tôi học trường khác. Chúng tôi cũng dự tính khả năng bị trục xuất. Và sự việc diễn ra đúng như vậy: tháng 6/1930 tôi cùng 18 người khác bị trục xuất về Việt Nam.
Sang Pháp tính chuyện mang về hai bằng tiến sĩ. Nay trở về chẳng có bằng cấp gì, thậm chí quần áo cũng chỉ có mỗi một bộ mặc trên người từ hôm ở Toulouse lên Paris, không vali, túi xách, nghĩa là “trơ trụi”. Tháng 7/1930 về đến Sài Gòn, chúng tôi bị đưa thẳng vào Khám Lớn lăn tay, chụp hình… rồi mới được thả ra. Tôi thầm nghĩ: chắc hẳn cha mẹ buồn lòng lắm và cha mẹ bên vợ còn buồn hơn, có khi không gả con cho mình nữa. Nhưng sự thực lại khác: cha mẹ tôi không rầy rà gì, phía nhà vợ càng thông cảm hơn, điều này cũng dễ hiểu vì gia đình bên vợ có truyền thống yêu nước, cách mạng. Bản doanh của thủ khoa Huân đặt ngay trong căn nhà ông cụ cố. Ba người con trai của gia đình thì bị Tây bắn, người bị chém, người thứ ba là ông nội vợ tôi thì bị cắt gân nhượng. Nhà bố vợ tôi nhiều lần được tiếp cụ Nguyễn Sinh Sắc ghé thăm. Và trong khi “công khai” cưới vợ, tôi “bí mật” gia nhập ngay Đảng Cộng sản Đông Dương.
LÀM NHÀ GIÁO: MỘT SỰ TÌNH CỜ
Muốn hoạt động bí mật giữa Sài Gòn thì phải có việc làm công khai để che mắt địch. Và tôi đã đi dạy học ở trường trung học Huỳnh Công Phát (Quận 1, Sài Gòn) do ông Hoàng Minh Giám làm hiệu trưởng. Tôi bước vào nghề giáo là một sự tình cờ như vậy.
Nhưng cũng chính vì sự “tình cờ” này, mà trong khi đang làm professeur trường trung học Huỳnh Công Phát, tôi đã được Xứ ủy chỉ định làm giảng viên một tổ T.K. (“Thanh niên Kộng sản”). Lớp học này chỉ có khoảng mười mấy người, phần lớn là học trò trung học, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Kính (về sau làm đại sứ ở Liên Xô). Trường T.K ở đường Đinh Tiên Hoàng (Đakao) hiện nay. Bài giảng đầu tiên của tôi ở trường T.K là giải thích Tuyên ngôn Cộng sản. Hoạt động của trường T.K không lọt khỏi mắt bọn mật thám. Một hôm theo thường lệ, tôi đến lớp thì thấy có ký hiệu trước cửa. Hóa ra đêm hôm trước, trường đã bị vây ráp. Tôi vội quay lưng trốn thoát. Và cũng từ đây (cuối 1930) tôi hoàn toàn hoạt động bí mật, trở thành người cách mạng chuyên môn.
Đến đây, đời tôi như trải qua hai bước ngoặt: thứ nhất, bị bắt trong cuộc biểu tình ở Paris, bị trục xuất về nước, từ một học sinh trở thành mọt người đi làm cách mạng; thứ hai, từ một người hoạt động cách mạng nửa công khai, nửa bí mật trở thành người làm cách mạng chuyên môn. Tóm lại, tôi vước vào nghề giáo là do cuộc đời xô đẩy, không phải là ý định ban đầu. Nhưng khi thực sự hoạt động chính trị, làm người cách mạng chuyên môn, thì “chuyên môn chính” lại vẫn là nghề dạy học.
HAI NĂM Ở TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐÔNG PHƯƠNG LIÊN XÔ
Giữa năm 1931, tôi được cử sang Matxcơva học trường Đại học Đông phương. Tôi kể lan man một chút về thời gian này, vì có những chi tiết liên quan đến cách dạy học của tôi về sau. Hồi đó, các Giáo sư lên lớp có bài bản hẳn hoi. Mở đầu một bài mới, thầy giáo nêu yêu cầu, quy định tài liệu tham khảo (bắt buộc hoặc tự nguyện). Cách vài hôm, thầy giáo trở lại lớp cho sinh viên đặt câu hỏi và trao đổi thảo luận. Buổi tiếp sau thầy mới giảng bài, vừa giảng vừa nhận xét, khen chế các ý kiến tranh luận của sinh viên hôm trước, cuối cùng thầy mới kết luận. Như vậy, bài giảng là khâu cuối cùng, không phải là khâu đầu tiên. Đây là một phương pháp hay, giúp tôi hình thành phương pháp giảng dạy đại học sau này.
Hồi đó có những đồng chí Việt Nam chưa nắm vững tiếng Nga, tiếng Pháp. Tôi và vài anh em khác (Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…) được nhà trường giao công việc dịch các tài liệu kinh điển liên quan đến bài giảng. Tôi dịch chữ Pháp ra chữ Việt, anh Hà Huy Tập dịch từ chữ Nga. Các bài dịch được đánh máy, quay rônêô và được nhà trường trả thù lao, mỗi trang dịch được 2 “rúp”, công của anh đánh máy được 1 “rúp”, vị chi 3 “rúp”. Nhận thù lao, rủ nhau ra quán nhậu thịt cừu nướng và rượu Tây.
Còn nhớ hồi ở Matxcơva, tôi có viết mấy cuốn sách nhỏ, đều in bằng tiếng Việt:
– “Những nguyên lý tổ chức của Đảng Cộng sản”
– “Nghệ An đỏ”
– “Cách mạng Tư sản dân quyền”
Mấy cuốn này hình như còn lưu ở Ban Tuyên huấn Trung ương.
LÀM “THẦY GIÁO ĐỎ”
Đầu năm 1933, tôi bí mật trở về nước, khoảng thời gian 1933 – 1945 tôi hoạt động tổ chức đấu tranh, mà nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo cán bộ ở ngoài cũng như ở trong tù. Trước sau bảy năm ngồi tù ở Khám Lớn, Côn Đảo, tôi trở thành “thầy giáo đỏ” như cách gọi hồi đó – và đây cũng là một nét đặc sắc trong nghề giáo của tôi. Cũng nhờ 2 năm học ở Đại học Đông phương, tiếp thu cách dạy của các Giáo sư, lại dịch tài liệu kinh điển như đã nói ở đoạn trên, nên tôi nhớ kỹ bài bản, thậm chí thuộc lòng nhiều đoạn, nhiều trang kinh điển Marx, Engels, Lénine… Vào tù, với hai bàn tay không, sàn ciment nhà tù là bảng, mấy chục cục gạch vụn làm phấn, thế mà bài giảng của tôi có đầu, có đuôi, bố cục mạch lạc như trên một lớp học thực sự. Hồi đó anh em trong tù khen tôi là “loại thầy giáo mác-xít giỏi nhất”. Tôi không dám tin như vậy, nhưng cũng hơi tự cao.
Trong tù, không chỉ giảng bài mà tôi còn viết thành tài liệu, thành sách hẳn hoi. Thời gian ở Khám Lớn, ở Côn Đảo, nhờ “lươn lẹo” với bọn mã tà nên chúng tôi kiếm được bút và giấy để viết thành sách; mỗi bài giảng là một quyển sách nhỏ khoảng 20, 25 trang. Có khi viết bằng nước cơm rồi bôi teinture d’iode làm hiện nét chữ. Chúng tôi khoét tường, gỡ mấy cục gạch, bỏ sách vào đó, như một cái tủ ngầm. Ở Khám Lớn và Côn Lôn đều có mấy cái “tủ” như vậy. Một vài đồng chí khác cũng viết (như anh Bùi Công Trừng,…), nhưng tôi viết nhiều nhất vì tôi nhớ nhiều nhất.
Ở Khám Lớn tôi viết 13 quyển như vậy, còn ở Côn Đảo thì khoảng 7,8 cuốn. Sau Cách mạng tháng Tám tôi có dịp vào thăm Khám Lớn tìm lại mấy “cái tủ” nhưng đã bị địch phát hiện lấy mất. Anh Trần Giang còn tìm thấy trong lưu trữ của mật thám 5, 7 quyển. Lại nói chuyện giảng bài trong tù. Chúng tôi ở tầng trên, chị em tù tầng dưới, muốn phổ biến bài giảng cho các phòng giam chúng tôi đánh “morse” xuống tầng dưới, chị em lại đánh “morse” sang tầng khác, phòng khác. Mãi sau này gặp lại nhau có đồng chí nói vui: “Hồi bị bắt, tôi có biết gì về Chủ nghĩa Mác – Lênin đâu; vô khám Côn Lôn, thằng Giàu nó dạy tôi đó”. Thực tình hôm nay nhớ lại, tôi nhớ lại tôi tự hào với nhiệm vụ “thầy giáo đỏ” hồi đó, vì đã được góp phần đào tạo được nhiều cán bộ cách mạng cho Đảng.
Làm “thầy giáo đỏ” thực chất là làm thầy giáo chính trị. Điều khó khăn nhất là trình độ người học. Anh em trong tù là người “tứ xứ”, từ anh tú tài đến anh bần nông. Phải biết phân loại các trình độ và phải giảng thế nào để mọi trình độ đều hiểu được. Tôi rút kinh nghiệm dần và có lẽ tôi đã thành công trong phương pháp của mình.
THẦY GIÁO CỦA TRÍ THỨC SÀI GÒN (1944 – 1945)
Nhiều năm giảng dạy trong tù, phần lớn tôi giảng cho anh em lao động công nông. Năm 1944 – 1945, sau khi vượt ngục Tà Lài, tôi có mở lớp học ở Sài Gòn với những đối tượng khác nhau. Một lớp mở liên tiếp từng đợt cho công nhân và cán bộ công đoàn, và những anh em này sau đó đã góp phần đáng kể trong phong trào công nhân đang lên rất cao những ngày trước Cách mạng tháng Tám. Tôi muốn nói cụ thể hơn về lớp học thứ hai: đó là lớp học đàng hoàng cho các sinh viên từ Hà Nội và các trí thức Thành phố Sài Gòn.
Những năm 1942 – 1943 ở Hà Nội có Tổng Hội sinh viên hoạt động khá mạnh. Tiếp đó là phong trào “xếp bút nghiên”, hàng loạt sinh viên ngừng việc học hành lên chiến khu Việt Bắc hoặc trở về Sài Gòn trực tiếp tham gia phong trào yêu nước. Tôi mở lớp thu hút nhưng đối tượng này. Có thể coi đây là một lớp chính trị ở cấp đại học. Học viên là sinh viên luật, là kỹ sư, bác sĩ ở Sài Gòn và Hà Nội. Mỗi tuần tôi giảng một ngày Chủ nhật, học xong một buổi, học viên lại về cơ sở hay về Lục tỉnh giảng lại cho bạn bè mình. Phần đông các sinh viên trí thức lúc này đã tham gia nhiệt tình và có đóng góp hiệu quả vào Cách mạng tháng Tám ở Sài Gòn và các tỉnh Nam bộ.
Nếu như lớp giảng cho công nhân và cán bộ công đoàn dựa theo chương trình của Đảng Cộng sản, thì những bài giảng của tôi ở trên lớp tri thức, sinh viên lại phải dựa theo trình độ, chương trình Đại học Đông phương với các môn Kinh tế – Chính trị học, Triết học, Lịch sử Cách mạng Thế giới v.v… Nhằm phát huy tinh thần phê phán, độc lập suy nghĩ của họ, tôi để cho họ mạnh dạn phát hiểu ý kiến về các nội dung của chủ nghĩa Mác – Lênin, nghĩa là không giáo đều, không áp đặt đối với họ. Do vậy, cách tiếp nhận tri thức cách mạng của họ sâu sắc hơn, được thuyết phục hơn, dù học xuất thân con cái địa chủ, tư sản… Huỳnh Văn Tiểng, Huỳnh Tấn Phát… là những học viên của lớp học hồi này.
Vậy có thể nói: các lớp học trong tù hồi 1935 – 1936 và các lớp giảng cho công nhân và trì thức hồi 1944 – 1945 đã chuẩn bị điều kiện cho tôi đi vào nhiệm vụ thầy giáo ở Dự bị đại học hồi 1951 – 1952 và làm Giáo sư đại học ở Hà Nội từ sau hiệp định Genève. Cũng nói thêm là: năm 1949; tôi lên Việt Bắc và được cử làm Tổng giám đốc Nha Thông tin (một trong hai Nha của Bộ Nội vụ bấy giờ). Thời gian này, tôi có giảng Triết học cho Trường Pháp lý do ông Đỗ Xuân Sảng phụ trách. Chỉ mấy tháng, tôi đã hoàn thành chương trình về Duy vật Biện chứng và Duy vật Lịch sử cho trường này. Cũng từ giáo trình này, tôi viết thành hai quyển sách khi vào Thanh Hóa mở Trường Dự bị đại học (1951 – 1952).
CHUYỂN HẲN SANG GIÁO DỤC
Mở Trường Dự bị Đại học. Giữa lúc chiến sự đang lan rộng (1951), tôi được đồng chí Trường Chinh gợi ý chuyển sang quân đội làm công tác địch vận vì cũng là một dạng giáo dục, nhưng lại muốn vừa được dạy học vừa có hoàn cảnh đi sâu nghiên cứu khoa học. Và thế là tôi được chuyển hẳn sang giáo dục.
Hồi này, Bộ Giáo dục chủ trương thành lập Trường Dự bị Đại học ở vùng kháng chiến Thanh-Nghệ-Tĩnh rộng lớn (vùng tự do) lấy Thanh Hóa làm trung tâm, cũng là để chuẩn bị thành lập Trường Đại học, mặt khác để tận dụng tài năng một số trí thức có trình độ cao.
Vậy là từ năm 1951, tôi mới thực sự là nhà giáo, đánh dấu bước ngoặt thứ ba của đời tôi: lần này lại từ một cán bộ chính trị chuyển hẳn sang làm thầy giáo thực sự, làm Giáo sư Đại học.
Một số anh em, có lẽ muốn khích lệ tôi, bảo rằng: xưa nay những người làm chính trị mà chuyển sang làm Nhà giáo chưa mấy ai thành công (ở cấp Đại học và Trên đại học), nhưng anh Sáu Giàu thì có thể thành công xuất sắc. Thực tình, đối với tôi đây là một “bước nhảy trên không”, nghĩa là chưa hình dung được mình sẽ làm ăn ra sao, thậm chí tôi dự liệu cả khả năng không thành công. Công việc rất khó, nhưng tôi tin có thể làm được, vì hồi nhỏ tôi học giỏi, đã từng ráng sức học tập ở Đại học Đông phương, đã từng mấy năm làm “thầy giáo đỏ”, giảng bài cho công nhân, cho trí thức Sài Gòn… Tôi tin với ngần ấy kinh nghiệm, nếu mình không chủ quan, ráng tự đào tạo không ngừng, đi sâu nghiên cứu, chắc là có thể làm được, làm tốt nữa.
Theo chỉ thị của Bộ Giáo dục, tôi vào Thanh Hóa. Việc đầu tiên là tập hợp một số anh em trí thức có tài năng như ông Phó Đức Tố, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Đức Chính, Đào Duy Anh … lại được sự ủng hộ của ông Đặng Thai Mai (lúc này đang ở Thanh Chương) được khoảng dăm sáu người như vậy. Nhưng Dự bị Đại học chỉ có 12 tháng, sau đó học trò đi đâu? Bộ Giáo dục cho chuyển Dự bị Đại học thành Trường Sư phạm Cao cấp, tiếp đó chuyển thành Đại học Sư phạm thì cũng vừa Hiệp định Genève, thầy trò chúng tôi chuyển về Hà Nội.
Có nhiều kỷ niệm về Trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa, tôi nhớ: mỗi tối đến lớp, ông Đào Duy Anh phải “cuốc bộ” từ Nông Cống đến Thiệu Hóa (Chợ Đu) khoảng mười mấy cây số. Lớp học ngót trăm học trò, mỗi trò một cái ghế nhỏ (như ghế của chị bán hàng xén ngoài chợ làng), một ngọn đèn dầu “phòng không” leo lét làm bằng lọ thuốc pénicilline. Lớp học tù mù. Học trò không nhìn rõ mặt thầy, còn thầy thì cứ “thao thao bất tuyệt!”… Những buổi học thật thú vị. Học trò thông minh, chăm chỉ, có trình độ (phần nhiều là giáo viên có tú tài cũ).
Kỷ niệm về Giáo sư Đại học Hà Nội. Hồi này, tôi làm Bí thư Đảng ủy trường, được phân công dạy môn Khoa học Chính trị, môn Triết học, lại kiêm luôn một phần chương trình môn Lịch sử. Về cổ sử Việt Nam đã có ông Đào Duy Anh, môn Văn có ông Đặng Thai Mai, tiếp đó môn Lịch sử Thế giới Cận đại có Phạm Huy Thông. Tôi phải nhận dạy thêm Lịch sử Cận Hiện đại Thế giới và Lịch sử Cận đại Việt Nam.
Dạy Lịch sử Thế giới Cận Hiện đại đối với tôi không khó, và đã được học ở cấp tú tài, ở Đại học Đông phương, chỉ cần lấy sách ra soạn theo tinh thần cách mạng. Còn Cách mạng Pháp, Cách mạng Nga thi tôi thuộc quá rồi, chẳng có gì phải lo. Tôi lo nhất là Cách mạng cận đại Việt Nam, xưa nay chưa có sách nào. Nhưng tôi phải nhận, vì chẳng còn ai khác trong trường. Sinh viên hồi đó chắc không hình dung được khó khăn của tôi. Mỗi tuần tôi phải dành 5 ngày nghiên cứu, đi thư viện… để sang ngày thứ 6 có bài giảng cho sinh viên, nghĩa là phải chuẩn bị 5 ngày để lên lớp giảng một buổi. mấy cuốn sách “Chống xâm lăng” của tôi ra đời trong bối cảnh như vậy. Học suốt tuần lễ để giảng một buổi! Tôi đã làm liên tục một năm như vậy.
Cũng nên nhắc lại thêm xung quanh việc tôi đề xuất chọn và giữa lại một số sinh viên có triển vọng trở thành thầy giáo đại học. Không phải đơn giản, vì quan niệm hồi đó không dễ nhất trí với nhau. Cái chính theo tôi là sinh viên giữ lại có giỏi không, có năng lực thực sự, có tinh thần yêu nước, yêu tiến bộ hay không. Cuối cùng người ta ủng hộ quan điểm của tôi. Và thực tế đã chứng minh là tôi đúng…
Nguyễn Phan Quang
(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội – Một nửa thế kỷ)