Giáo sư Đào Duy Anh (1904 – 1988)
ĐÀO DUY ANH VỚI KHÁT VỌNG VĂN HOÁ DÂN TỘC
Giáo sư Đào Duy Anh, một trong số học giả lớn nhất ở thế kỷ XX, đã để lại cho đất nước một sự nghiệp khoa học nhân văn đồ sộ và đa dạng. Sau ngày qua đời, tên của giáo sư đã được đặt cho một đường phố tại thủ đô Hà Nội. Năm 2000,giáo sư được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Riêng đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giáo sư là một trong số người có công đầu và rất lớn, với tư cách là một giáo sư sử học. Hầu hết các giáo sư sử học ở Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (kể cả trường ĐHQG Hà Nội) hiện nay đều là học trò cũ của giáo sư Đào Duy Anh. Chúng tôi xin được đăng lại đây bài viết có nhan đề trên của tiến sĩ Đỗ Lai Thúy (báo Tia sáng ra ngày 5/1/2001) để thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hôm nay biết được một phần nào về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư – học giả Đào Duy Anh.
Năm 1925, cái năm có nhiều sự kiện chính trị ấy, Đào Duy Anh đang dạy học ở Đồng Hới, chờ cơ hội thi tú tài. Đời sống tỉnh lẻ ở một thị xã ven biển xinh đẹp và thơ mộng dễ làm ngủ yên một tâm hồn trí thức. May nhờ việc Phan Bội Châu bị áp giải vào Huế an trí qua Đồng Hới mà Đào Duy Anh tỉnh giấc mơ. Ông thấy không thể chôn vùi tuổi thanh xuân của mình ở không gian nhỏ hẹp như vậy được, nên đã “treo ấn từ quan” vào Sài Gòn làm báo, một nghề mới ở Việt Nam thời bấy giờ nên rất hấp dẫn mọi người.
Trên đường Nam tiến, Đào Duy Anh dừng lại ở Đà Nẵng được Huỳnh Thúc Kháng giữ lại để ra Huế làm báo Tiếng Dân. Sau đó ông tham gia hoạt động trong đảng Tân Việt, rồi bị bắt và được thả. Ông thôi hoạt động chính trị và chuyển sang hoạt động văn hoá. Có thể nói, đây là bước ngoặt lớn trong đời Đào Duy Anh. Một sự xui khiến của số phận để ông được làm đúng với khả năng trời phú cho mình, được trở thành chính mình?
Chuyển sang làm văn hoá, Đào Duy Anh đã mang theo nguyên vẹn cả khối tâm huyết với đất nước, cả tinh thần cách mạng sang địa hạt học thuật. Hơn nữa, ngay từ thuở học sinh ông đã được hun đúc trong một tinh thần yêu quốc văn từ những câu Kiều mẹ ru đến những trang văn quốc ngữ thuở sơ khai. Ông còn rất hâm mộ nền dân chủ tư sản phương Tây qua Rousseau, Diderot…, hâm mộ chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Trung Sơn và cách mạng Nga. Bởi vậy, ông đến với chủ nghĩa Marx như một điều tất nhiên. Và khi không còn làm chính trị nữa, thì chủ nghĩa Marx với ông trở thành nhân sinh quan, vũ trụ quan, thành phương pháp nghiên cứu trong các khoa học xã hội cũng lại là một điều tất nhiên.
Thế hệ Đào Duy Anh đón nhận chủ nghĩa Marx với tất cả tấm lòng trinh trắng của mối tình đầu. Ông đã dùng khoa học xã hội để giới thiệu học thuyết này, giới thiệu phương pháp nghiên cứu mác-xít. Ông chủ trương bộ sách Quan Hải Tùng Thư cùng với Trần Đình Nam, Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu… Các sách do ông và đồng nghiệp của mình lược thuật, biên dịch đều là các sách mácxít như Lịch sử nhân loại, Lịch sử các học thuyết kinh tế, Tôn giáo là gì? Xã hội là gì? Dân tộc là gì?… Bởi vậy, có người coi ông là một Plékhannov, một Lý Đại Chiêu của Việt Nam, người đầu tiên đưa chủ nghĩa Marx vào nước ta một cách công khai. Đến khi chuyển sang làm văn hoá, Đào Duy Anh thực hiện một thao tác ngược lại là dùng phương pháp mác-xít để nghiên cứu những vấn đề của xã hội Việt Nam.
Có thể nói Đào Duy Anh góp mặt ở nhiều lĩnh vực khác nhau: làm Từ điển, nghiên cứu lịch sử, văn hoá, triết học… hầu như ở đâu mà ông đến, thậm chí chỉ đi qua, cũng để lại dấu ấn. Tuy không phải là một người quảng canh, nhưng những người đi mở đường, dẫu không muốn cũng dễ bị buộc phải trở thành người quảng canh. Đào Duy Anh là một người mở dường như vậy cho phương pháp mác-xít trong khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam.
Đào Duy Anh thuộc tầng lớp trí thức Tây học bản địa. Đây là những người thuộc thế hệ thứ hai của trường Pháp – Việt. Tuy học vẫn thường chỉ dừng lại ở thành chung, tú tài nhưng trình độ văn hoá của họ lại rất cao. Vì họ biết tự học. Hơn nữa, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc do phong trào đòi ân xá Phan Bội Châu và đám tang Phan Chu Trinh hun đúc từ thuở thiếu thời nay chuyển thành khát vọng xây đắp một nền văn hoá và khoa học nước nhà khiến cho họ học tập và làm việc vô tư đến quên mình.
Đào Duy Anh là tiêu biểu cho mẫu nhà bác học tự đào tạo đó. Thực ra, với một nhà khoa học thì việc tự học là chuyện đương nhiên. Nhưng với một người chỉ đi học đến thành chung rồi phải đi dạy để kiếm sống như Đào Duy Anh thì việc tự học là cần thiết. Hơn nữa, trong bối cảnh nền giáo dục thuộc địa bấy giờ, chỉ có tự học mới vượt thoát ra ngoài để tiếp thu văn hoá Pháp ở chính quốc. Đào Duy Anh đã học hàm thụ (qua thư từ) một trường đại học Pháp. Nhưng có lẽ cách tự học có hiệu quả nhất ở Đào Duy Anh là vừa làm vừa học. Những tác phẩm của ông như Việt Nam văn học sử cương, Khảo luận về Truyện Kiều, Cố sử Việt Nam… đều nảy sinh trên cơ sở những bài giảng ở trung học hoặc đại học. Khi đã có ý đồ dựng thành sách rồi thì lại tiếp tục học hỏi thêm để tự hoàn chỉnh. Cứ thế, làm để học, học để làm. Song có điều đáng nói là, ở Đào Duy Anh hai quá trình này xoắn luyến với nhau làm một, nhiều khi không phân biệt được đâu là học, đâu là làm. Ví như khi cần tìm hiểu Đạo đức kinh của Lão Tử, ông đọc rất nhiều bản để tham chiếu. Thấy một độ chênh (écart) rất lớn giữa các bản dịch và các chú giải, ông bèn tự dịch lấy một bản cho mình và của mình. Và trên cơ sở bản dịch ấy, ông nghiên cứu tư tưởng của Lão Tử. Cũng vì nhận thức xã hội nước Sở thời Chiến quốc có nhiều nét tương đồng với xã hội người Việt, nên Đào Duy Anh đã dịch Ly Tao của Khuất Nguyên, coi đó là một tài liệu văn hóa – lịch sử quan trọng đối với việc tìm về bản sắc văn hoá dân tộc. Nhưng khi dịch tác phẩm này, Đào Duy Anh đã tìm thấy tâm sự của mình trong những vần thơ của nhà thi hào cổ đại Trung Hoa.
Và cũng vì làm việc như một nhu cầu tự thân, nên ông không màng danh cũng không cầu lợi. Theo bà Đào Duy Anh kể lại, trong thời gian chờ phân công về Viện Sử, ông đã dịch chơi một số sách, trong đó có cuốn Lịch sử mỹ thuật Trung Hoa. “Cuốn sách này anh dịch rất công phu, vì phải tra cứu nhiều tên người, tên tác phẩm hội hoạ cổ, chỉ biết qua tên gọi chứ chưa ai thấy các bức tranh đó, nên rất khó đoán ra nội dung. Cuốn này dịch xong biết khó mà in được, nên anh cho đánh máy làm nhiều bản, gửi cho một số bạn hoạ sĩ như các anh Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn. Mục đích dịch sách của anh là giúp cho người khác đọc, nên dù có được in hay không anh vẫn cứ làm. Anh cũng không nghĩ đến việc có nhuận bút hay không đã thế lại còn phải bỏ tiền ra thuê người đánh máy để gửi cho bạn bè”. Và vào những năm cuối đời, khi thấy sức khoẻ không cho phép mình làm việc được nữa, Đào Duy Anh cho bạn bè và học trò rất nhiều sách vở, bản thảo, kể cả những công trình ông đang viết dở. Ông chỉ nghĩ làm sao có ích cho mọi người mà không cần biết đến những trang bản thảo đó trôi giạt đến những bến bờ nào, đã “hóa thân” vào những cuốn sách của ai… Một khía cạnh khác khi nói về tự học của Đào Duy Anh là ông học ở nhiều nguồn. Xuất phát từ nhu cầu nội tại của mình, rồi đối chiếu, lý giải những ý kiến trái ngược nhau, những luận điểm tương đồng với nhau để xây dựng lấy cho mình một tư tưởng riêng, một bản lĩnh khoa học riêng.
Năm 1972, sau khi viết xong tập hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm (mà 17 năm sau mới được in), Đào Duy Anh có đưa cho một nhà nghiên cứu văn hoá vẫn được ông coi là bạn vong niên cầm về nhà đọc với lời nói kèm: đây chỉ là tập hồi ký vo. Thấy bạn ngơ ngác ông vội giải thích: vo ở đây là chỉ nói được một khía cạnh của cuộc đời mình mà là khía cạnh dễ nhìn thấy nhất. Tuy nhiên, dẫu không trực tiếp quen ông, nhưng bạn đọc hôm nay của cuốn hồi ký học thuật quan trọng này vẫn thấy được, dù chỉ là thấp thoáng, con người thứ hai ẩn kín của ông qua những trang dịch Sở Từ của Khuất Nguyên, Thơ chữ Hán Nguyễn Du và Khảo luận về Truyện Kiều… Ông nghiên cứu tâm sự người xưa để ký gửi vào đấy tâm sự của người nay. Tâm sự ấy bắt nguồn từ đoạn đầu đời hoạt động chính trị chảy tràn sang quãng đời sau hoạt động văn hoá. Đúng như ông nói trong Lời đầu sách của cuốn hồi ký, người ta “có biết tôi cũng chỉ ở Lịch sử dân tộc mà có buộc tội tôi cũng chỉ ở Lịch sử dân tộc”. Tuy nhiên, trong cô đơn ông vẫn thanh thản, buồn một “nỗi buồn trong sáng” bởi ông biết rằng ông đã thuộc về Lịch sử.
Đỗ Lai Thúy
(Nguồn: Đại học Sư phạm Hà Nội – Một nửa thế kỷ)