Giai thoại về Trương Tam Phong: Nhất đại tông sư võ học muôn đời

TRƯƠNG TAM PHONG VÀ TRUYỀN THUYẾT ĐẠO GIÁO

Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung, những nhân vật có thật trong lịch sử có lẽ chỉ được tính trên đầu ngón tay. Trương Tam Phong là một trong số đó.

Trương Tam Phong tên thật là Trương Quân Bảo, là một đạo sĩ, người sáng lập Võ Đang – môn phái võ thuật lớn ở Trung Quốc. Theo tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, ông còn là người sáng tạo Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm.

Tương truyền ông sinh năm 1247 tại Long Hổ Sơn, tỉnh Giang Tây vào thời Nguyên mạt. Ông  được cho là người có hình dung cổ quái, tóc dài, râu rậm, mặt đỏ, môi thắm, ăn khỏe như cọp, đi nhanh như gió cuốn. Mặc dù được biết đến là tổ sư Võ Đang, kỳ thực địa vị và công lao của Trương Tam Phong trong lịch sử Đạo giáo còn rực rỡ hơn nhiều.

Đạo giáo bắt đầu từ đời Kim và Nguyên, dần dần chia ra làm 2 nhánh lớn là Chính Nhất Giáo và Toàn Chân Giáo, một ở phương Nam, một ở phương Bắc, đại để họ lấy vùng Nam Bắc sông Giang – sông Hoài làm ranh giới. Chính Nhất Giáo là tên gọi tắt các phái sùng bái quỷ thần, vẽ bùa niệm chú, đuổi ma trừ tà; còn Toàn Chân Giáo chú trọng vào đạo đức tự thân và tu dưỡng hành công.

Trương Tam Phong chính là người có công lớn dung hợp 2 nhánh của Đạo giáo vào thời cuối nhà Minh đầu nhà Thanh. Vị ‘ẩn tiên’ tiêu diêu tự tại Trương Tam Phong là người hành tung vô định, một đạo sĩ thần bí.

Giai thoại về Trương Tam Phong: Nhất đại tông sư võ học muôn đời - Ảnh 2.

Trương Tam Phong có phong tư khôi vĩ, mắt lớn tai to, râu dài tới rốn. Bất cứ thời tiết nóng hay lạnh, ông chỉ mặc một áo nạp và một nón mê, có khi ăn nhiều hết mấy đấu cơm nhưng cũng có khi một ngày chỉ ăn một lần, hoặc mấy tháng không cần ăn. Vì không chú ý về ăn mặc nên ông còn được người ta gọi là “Trương lạp thác”. (lạp thác: bẩn thỉu).

Theo truyền thuyết Đạo giáo, Trương Tam Phong từng là thuộc viên của Thái thú Hoa Châu. Một lần nọ, ông cùng Thái Thú đến Hoa Sơn bái yết một Đạo sĩ tên Trần Đoàn. Trần Đoàn mời họ ngồi, bày trà và đặt một chỗ ngồi cao quý như có ý chờ đợi ai đó. Một lúc sau, quả nhiên có một vị Đạo sỹ đến với áo bào lam, nón vải, thái độ ngạo nhiên. Trần Đoàn hết sức cung kính với vị Đạo sỹ ấy, hai người nói chuyện một hồi. Thái Thú thấy mình bị đối xử lạnh nhạt có phần không vui. Vị đạo sỹ nọ rút từ ống tay áo ra 3 hột táo, 1 đỏ, 1 trắng, 1 xanh và nói:

“Tôi đến đây vội quá không mang theo vật gì, chỉ có 3 hột táo này, chúng ta chia nhau cùng ăn nhé”. Rồi tự ăn một hột màu đỏ, hột trắng chia cho Trần Đoàn, hột xanh cho viên Thái thú.

Thái Thú cho rằng Đạo Nhân khinh mình nên trao hột xanh ấy cho Trương Tam Phong. Trương Tam Phong ăn liền và lập tức thấy tinh thần như đổi khác, thân thể nhẹ nhàng, khỏe mạnh hẳn lên.

Đạo nhân cười lớn bái biệt rồi đi mất dạng. Thái Thú lấy làm lạ bèn hỏi nguyên do, Trần Đoàn đáp: ‘Đạo nhân ấy là tiên ông Lã Đồng Tân đó. Ba hột táo kia là táo tiên chia ra làm 3 loại thượng, trung, hạ. Đại nhân còn tục cốt nên chỉ ăn hột xanh. Đạo tu thân không thể một bước lên trời được mà phải tiến theo tuần tự, dục tốc bất đạt mà’. Thái Thú nghe xong lấy làm ân hận vì mình đã bỏ mất cơ duyên vào tay Trương Tam Phong.

Giai thoại về Trương Tam Phong: Nhất đại tông sư võ học muôn đời - Ảnh 3.

TRƯƠNG TAM PHONG – NHẤT ĐẠI TÔNG SƯ VÕ HỌC MUÔN ĐỜI

Trong các môn phái Võ thuật ở Trung Quốc thì 2 phái nổi tiếng nhất chính là Võ Đang và Thiếu Lâm. Một phái Nam, một phái Bắc. Một phái Đạo gia, một phái Phật gia. Nói đến Thiếu Lâm không thể không nói đến Đạt Ma Tổ Sư. Nói đến Võ Đang không thể không nói đến Trương Tam Phong.

Núi Võ Đang là đại bản doanh của Trương Tam Phong tu luyện và truyền đạo, ông vào núi Võ Đang rồi nhưng chưa công khai tự lập môn phái, chỉ lấy danh nghĩa là đạo gia du phương tự nhận đệ tử.

Sau niên hiệu Vĩnh Lạc, các đạo sỹ ở núi Võ Đang đều thờ Trương Tam Phong là tổ sư phái Võ Đang.

Khác với những phái đạo gia khác, Võ Đang coi trọng tu luyện “nội đan”, đối lập với “ngoại đan” (điều chế dược thảo bằng lô đỉnh để chế tạo thành thuốc ‘trường sinh bất từ’).

Giai thoại về Trương Tam Phong: Nhất đại tông sư võ học muôn đời - Ảnh 4.

Trong các tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, Trương Tam Phong vốn là một đệ tử Thiếu Lâm. Sau một biến cố oan khuất tại chùa, ông được sư phụ Giác Viễn cứu ra khỏi chùa cùng Quách Tương (con gái của Quách Tĩnh và Hoàng Dung) đồng thời cả 2 cũng được đại sư Giác Viễn truyền lại một phần của bộ Cửu Dương thần công. Nhờ đó, Quách Tương đã lập nên Nga My phái, còn Trương Tam Phong thì sáng lập ra Võ Đang phái.

Đến cuối đời, ông còn sáng tạo ra 2 môn võ công thượng thừa, đó là Thái Cực quyền và Thái Cực kiếm. Hai môn võ công ấy đã từng cùng đồ tôn Trương Vô Kỵ đả bại biết bao cao thủ võ lâm. Dù chưa biết thực hư nhưng bằng sự nổi tiếng của phim và truyện Kim Dung, nhiều người tin tưởng rằng chính Trương Tam Phong là người sáng tạo ra Thái Cực quyền và Thái Cực Kiếm.

Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn gốc, người sáng tạo ra môn Thái Cực quyền đến nay vẫn còn là một điều gây nhiều tranh cãi. Nhưng có 1 điều không ai có thể phủ nhận đó là nói về Võ Đang, không thể không nhắc tới Nội gia quyền. Nói về nguồn gốc Nội gia quyền, lại có rất nhiều sự việc nhuốm màu huyền bí.

Giai thoại về Trương Tam Phong: Nhất đại tông sư võ học muôn đời - Ảnh 5.

Tương truyền, có một đêm Trương Tam Phong nằm mộng thấy Chân Vũ Đại Đế, Chân Vũ Đại Đế đã truyền dạy cho ông một môn quyền pháp. Từ môn quyền pháp đó cộng với vốn võ học của bản thân, Trương Tam Phong sáng tạo ra Võ Đang phái Nội gia quyền, chuyên về nội công. Cuối đời Minh có Hoàng Tông Hy viết “Vương Trưng Nam mộ chí minh” nói rằng: “Sở dĩ gọi là Nội gia vì lấy tĩnh chế động, kẻ sử dụng ứng theo tay mà phát ra để phân biệt với nội gia của Thiếu Lâm, đó bắt đấu từ Trương Tam Phong”.

Trương Tam Phong cho rằng tập luyện Nội gia quyền trước hết là để dưỡng tâm định tính, tụ khí thu thần. Cũng giống như Thiếu Lâm quyền, Nội gia Quyền không truyền cho người ngoài môn phái, đến nay truyền thống ấy vẫn còn.

Võ đang do Trương Tam Phong sáng lập, sau này dần dần được sát nhập vào Toàn Chân giáo, người đời sau thu thập các tác phẩm của ông thành bộ “Trương Tam Phong toàn tập”.

Rate this post