Edgar Davids: Sự dung hòa của chiến binh và họa sĩ | ELLE Man Việt Nam
Khi Van Gogh tự sát, thế giới mất đi một họa sĩ thiên tài; khi Edgar Davids giải nghệ, bóng đá mất đi một “thị trưởng đường phố”.
Nói về tiền vệ phòng ngự, chúng ta có thể nghĩ ngay đến De Rossi – người con của Roma với lối chơi chắc, rắn, và rát đậm chất Ý; Bastian Schweinsteiger chốt chặn tuyến giữa của Bayern Munich với tinh thần kỷ luật tuyệt đối của người Đức hay Claude Makelele – kẻ giết chết số 10 – với nền tảng thể lực vô tận cùng lối chơi hoang dã như thảo nguyên châu Phi. Tuy nhiên, chúng ta cũng đừng quên từng có một tiền vệ phòng ngự đến từ xứ sở của hoa tulip, một cầu thủ dung hòa giữa sự quyết liệt và hoa mỹ, tên anh là Edgar Davids.
Với mái tóc dreadlock thời thượng, cặp kính cá tính, Edgar Davids trở thành tâm điểm của mọi ánh nhìn từ khi anh vừa bước chân ra ngoài sân cỏ, và bên cạnh vẻ ngoài “street style” đó cũng chính là một con người năng nổ, nhiệt huyết, sẵn sàng va chạm, luôn xuất hiện ở những điểm nóng trên sân và lao vào cuộc giao tranh bằng “tốc độ ánh sáng”. Mọi chuyện đều có lý do, dĩ nhiên, biệt danh “Pitbull” mà Louis van Gaal đặt cho Davids cũng như thế – dữ dội, hăng hái, máu lửa.
Edgar Davids sinh ngày 13/3/1973 tại Suriname – nơi mà những tên tuổi kiệt xuất như Clarence Seedorf, Ruud Gullit hay Patrick Kluivert chào đời – trong một gia đình gốc Do Thái, và Edgar cùng bố mẹ chuyển đến Hà Lan sống khi anh lên 2. Từ nhỏ, Edgar Davids đã bắt đầu ra ngoài đường phố chơi bóng freestyle cùng với anh trai mình và các bạn, do đó, kỹ thuật điêu luyện sau này mà anh phô diễn trên sân cỏ đều bắt nguồn từ những năm tháng chơi bóng 3vs3, 5vs5.
Ở Suriname, người dân có một món ăn truyền thống đó chính là dưa chuột đắng thường được hấp lên trong những bữa ăn, nó giúp cho người ta có sức khỏe và sự dẻo dai trong vận động. Edgar Davids nói rằng điểm chung giữa anh và những tên tuổi lớn đến từ Suriname là do gen, hoặc do thức ăn. Khi anh lọt vào con mắt xanh của những tuyển trạch viên Ajax, các vị huấn luyện viên đều phải nhìn chàng cầu thủ nhỏ con này bằng một ánh mắt khác bởi mặc cho vẻ ngoài nhỏ bé, bên trong Edgar là một người năng lượng vô tận.
Năm 12 tuổi, Edgar Davids gia nhập Ajax và trở thành một phần không thể tách rời của câu lạc bộ. Năm 17 tuổi, ‘gã nghệ sĩ đường phố’ đã giành được UEFA Cup và 3 năm sau, chàng trai đôi mươi đến từ Suriname đã nâng cao chiếc cúp vô địch UEFA Champion League danh giá cùng những người đồng đội. Dưới triều đại Louis van Gaal, Ajax đè đẹp những đối thủ sừng sỏ tại giải quốc nội từ Feyenord đến PSV Eindhoven để lên ngôi vô địch mùa 1994/95 với thành tích thua đúng 1 trận.
Nguyên nhân thành tựu của Ajax lúc đó nếu phân tích sơ qua cũng dễ hiểu, bởi khi nhìn vào đội hình của đội bóng mà “Bông tulip Thép” dẫn dắt lúc bấy giờ thôi cũng khiến cho người hâm mộ bóng đá nổi da gà: Edwin van der Sar, Frank de Boer, Frank Rijkaard, Edgar Davids, Clarence Seedorf, Patrick Kluivert, Marc Overmars,… Ở tuổi 24, “Pitbull” hầu như đã có mọi danh hiệu cấp câu lạc bộ mà bất cứ cầu thủ nào cũng thèm muốn: Champion League, Siêu cúp châu Âu, Cúp Liên lục địa, …
Năm 1996, Edgar Davids gặp phải vấn đề về mắt (năm 1999 anh bắt đầu đeo kính vì tăng nhãn áp) và đó cũng là khởi sự của một giai đoạn tồi tệ: xuống phong độ, ngồi ghế dự bị, bất đồng với Guus Hiddink. Ngay sau đó, anh bị đẩy sang Ý và khoác áo AC Milan, tuy nhiên vận đen vẫn chưa thôi bám đuổi chàng tiền vệ hào hoa này. Anh không tìm được tiếng nói chung với những người đồng đội tại San Siro, đặc biệt là sự rạn nứt không thể hàn gắn với Fabio Capello và chấn thương chân đã làm nốt phần còn lại – anh buộc phải khoác áo đại kình định của Rossoneri – Juventus.
Edgar từng thừa nhận: “Chuyển đến AC Milan là một sai lầm lớn, đó là trải nghiệm cay đắng nhất trong sự nghiệp của tôi. Nhưng trong hoàn cảnh khốn cùng, tôi đã học được một điều quý giá: những con người ở đẳng cấp thế giới phải biết tự kiềm chế và hạ mình.”. Quả thật, phần thưởng mà Edgar Davids nhận được trong màu áo của “Bianconeri” đã đền đáp lại những ngày tháng đen tối ở San Siro.
Bị buộc rời khỏi câu lạc bộ, Edgar Davids cập bến Juventus trong tâm thế của một kẻ đi tìm sự khẳng định vô cùng mãnh liệt. Tại ngôi nhà mới, Edgar gặp Zinedine Zidane và Didier Deschamps – hai con người đã giúp Edgar hoàn thiện bản thân mình. “Lão đầu bạc” Marco Lippi khi đấy rất độc đoán, ông xây dựng đội hình 4-4-2 với cặp tiền vệ phòng ngự Edgar Davids – Didier Deschamps sau khi đẩy Zidane lên ghế dự bị. Đó là chưa kể đến việc ông đã “tống cổ” một tài năng lớn như Baggio ra đường chỉ vì muốn xây dựng lại triết lý bóng đá tập thể, nhưng mỉa mai thay, lý do đằng sau đó chính là để phát triển Del Piero.
Với một con người khắc nghiệt như Marco Lippi, Edgar Davids vẫn trụ lại và trở thành rường cột tuyến giữa cùng ‘Zizou’ sau khi Deschamps rời đội bóng. Trong suốt 6 năm thi đấu cho Juventus, Edgar Davids đã giành được thành công rực rỡ với 3 chiếc Scudetto, 2 Siêu cúp Ý và 1 Cúp Intertoto. Năm 2004, anh chuyển đến thi đấu cho Barcelona dưới hình thức cho mượn và sau đó quay trở về Ý để hoàn tất thủ tục chuyển nhượng đến Inter, tiếc thay, nếu ở Camp Nou thêm 1 năm nữa, anh đã có thể giành được cú đúp La Liga và Champion League cùng “Blaugrana”.
Giống như Roy Keane của Manchester United hay Paolo Maldini của AC Milan, Edgar Davids luôn là linh hồn của những đội bóng mà anh thi đấu. Patrick Kluivert nói về người đồng hương: “Điều quan trọng nhất đối với một tiền vệ phòng ngự chính là vào bóng mãnh liệt nhưng phải chuẩn xác chứ không phải đánh người. Đội bóng nào cũng cần có một người như anh ấy, và tôi thích phong cách thi đấu của Edgar”. “Pitbull” tiếp tục chuyển sang khoác áo “The Spurs”, Ajax, Crystal Palace rồi kết thúc sự nghiệp tại Barnet.
Dù là một tiền vệ phòng ngự, Edgar Davids luôn tỏa sáng theo cách của riêng mình và anh thi đấu như tiền vệ kiến thiết hơn là máy quét tiền đạo. Với vẻ ngoài nghệ sĩ, đôi chân của “Pitbull” nhảy múa khắp sân cỏ và khiến cho những khán giả yêu thích sự phóng khoáng phải phát rồ. Khi mà World Cup 2006 tại Đức khởi tranh, Hà Lan không còn Edgar David trong đội hình và đó cũng là dấu chấm hết cho thời kỳ có một “Pitbull” bất diệt ở tuyến giữa của “Cơn lốc màu Da Cam”.
Đối với những khán giả 8x và 9x đời đầu nói chung, những ai từng “ăn bóng đá”, “ngủ bóng đá”, sẽ không bao giờ quên được cái thời mà xem TV chưa bao giờ là dễ dàng. Đó là một thời kỳ chuyển giao với nguồn cảm hứng đường phố bắt nguồn từ châu Âu và các sàn catwalk. Sân cỏ cũng không thể thoát khỏi ảnh hưởng, và khi đó có những con người ngoại hình đặc trưng chỉ ‘liếc’ sơ là biết: Gabriel Batistuta, Ruud Gullit hay Roberto Baggio.
Khi Van Gogh tự sát, thế giới mất đi một họa sĩ thiên tài; khi Edgar Davids giải nghệ, bóng đá mất đi một “thị trưởng”. Chúc mừng sinh nhật, “Pitbull”.
__
Minh Phong (Tạp chí Phái mạnh ELLE Man, ảnh tham khảo)