[eMagazine] Trần Đặng Đăng Khoa: Không ngại năm tuổi, càng muốn sống hết mình hơn

Trần Đặng Đăng Khoa là cái tên không xa lạ với cộng đồng đam mê xê dịch. Anh được yêu mến với những hành trình, trải nghiệm đặc sắc, mang đến cảm hứng đặc biệt cho người thích khám phá những vùng đất mới và còn là nhân vật tích cực đóng góp thiết thực cho cộng đồng. Cuộc trò chuyện đầu xuân Nhâm Dần hé lộ những điều chưa kể của chàng phượt thủ cầm tinh con Cọp này.


Travel Blogger Trần Đặng Đăng Khoa và hành trình khám phá thế giới của mình

– Phóng viên: Nhắc tên anh thì nhiều người nghĩ ngay đến hành trình hơn 80.000 km, đặt chân tới 7 châu lục, khoảng 65 quốc gia và vùng lãnh thổ, băng qua đường xích đạo khoảng 8 lần. Với người quen chân trên những cung đường như anh, thì dịch Covid-19 khiến những hành trình phải tạm ngừng khá lâu. Điều này ảnh hưởng đến anh ra sao?

+ Travel Blogger Trần Đặng Đăng Khoa: Về chuyện 1.111 ngày đi vòng quanh thế giới thì thật ra do dịch bệnh Covid -19 nên tôi phải quay trở về Việt Nam sớm hơn dự định. Lẽ ra chuyến đi còn kéo dài khoảng 2 năm nữa. Ngày thứ 995 của hành trình (21-2-2020), xe tôi chính thức lăn bánh ở châu Phi – châu lục cuối cùng sau châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, châu Đại Dương (trừ Nam Cực phải đi tàu ra, không được mang xe tới), hoàn thành “sứ mạng” mang chiếc xe máy biển số Việt Nam lăn bánh trên tất cả các châu lục.

Anh Khoa và người bạn đồng hành đặc biệt của mình

Tin tức dịch bệnh ở châu Phi đã manh nha từ thời điểm trùng với Tết Nguyên Đán ở Việt Nam. Hơn một tháng sau, dịch bệnh phủ khắp và lan đến nơi tôi đang dừng chân, biên giới đóng cửa, không thể đi tiếp. Ngày 16-6-2020, tôi trở về Việt Nam từ Mozambique sau khi mắc kẹt ở châu Phi gần 4 tháng.

Đã từng đến nơi xa xôi hẻo lánh như Amazon, Greenland hay đảo Svalbard sát Bắc Cực, xuống “nơi tận cùng thế giới” ở Patagonia rồi xuống châu Nam Cực, từ những hoang mạc rộng lớn giữa lòng nước Úc, những ngôi làng hoang vắng ít ai biết, đến những đại đô thị…song khoảnh khắc trở về quê nhà vẫn là cảm giác thật sự không thể nào quên.

[eMagazine] Trần Đặng Đăng Khoa: “Không ngại năm tuổi, càng muốn sống hết mình hơn” - Ảnh 3.

Hành trang đi phượt của Trần Đặng Đăng Khoa

Tôi xem đây cũng là cơ hội để khám phá Việt Nam bởi có nhiều nơi mình chưa đi. Giai đoạn đó, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát khá tốt và các hoạt động vẫn đang bình thường. Sau khi nhập cảnh và hoàn thành cách ly thì tôi may mắn kịp tranh thủ thực hiện một số chuyến đi. Tôi đã muốn làm một chuyến xuyên Việt, tuy nhiên khi đến Sơn La thì gần Tết Nguyên Đán 2021, dịch bệnh diễn biến căng thẳng hơn nên tôi phải quay về, có thể nói là “ba lần quay xe” vì dịch bệnh. Mong là năm mới, Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn để mọi người được đi lại, thăm thú khắp nơi.

– Sau những tháng quyết liệt chống dịch, gần đây chúng ta bước sang giai đoạn bình thường mới với nỗ lực khôi phục kinh tế, mà trong đó có việc hồi phục ngành du lịch, thì anh liên tục có những chuyến đi, những việc làm cụ thể để quảng bá vẻ đẹp Việt Nam (MV “Việt Nam những chuyến đi” lan tỏa sâu rộng trên mạng xã hội, khám phá hang động Sơn Đoòng, các hoạt động cùng nhiều “phượt thủ” tiếng tăm khác… ). Qua đó, góp phần kích cầu du lịch nước nhà. Anh chia sẻ gì về điều này?

+ Tôi cùng nhiều anh chị travel blogger khác hạnh phúc được cùng chung tay quảng bá cho du lịch Việt Nam. Trong đó có cả những kế hoạch phối hợp cùng một số tỉnh, thành. Chuyến thám hiểm hang động Sơn Đoòng cũng là kỷ niệm đặc biệt. Quá trình đi nhiều nơi, trò chuyện cùng bè bạn nước ngoài thì nhiều người bày tỏ mong muốn được đến hang Sơn Đoòng và hỏi tôi đến đó chưa.

Tôi chợt suy nghĩ: Một địa điểm ngay nước mình nổi tiếng đến mức người ở phương xa sẵn sàng bay nửa vòng Trái đất, dành thời gian công sức tìm đến, mình là người Việt sao có thể bỏ qua nên tôi đã nghĩ về chuyến đi Sơn Đoòng. Khi về Việt Nam, không ngờ là 6 tháng sau được lời mời khám phá hang động này, lại đồng hành cùng người bạn thân thiết hơn mười ba năm là anh Quỷ Cốc Tử, nên càng là chuyến đi đáng nhớ. Sơn Đòong quả thực là một kỳ quan thiên nhiên độc đáo của Việt Nam.

[eMagazine] Trần Đặng Đăng Khoa: “Không ngại năm tuổi, càng muốn sống hết mình hơn” - Ảnh 5.

Trần Đặng Đăng Khoa mặc áo dài chụp ảnh ở hang Sơn Đoong, tỉnh Quảng Bình. Đây là hang động lớn nhất thế giới.

Tôi nhận ra Việt Nam có thể không nằm trong các nhóm nước có sự đa dạng sinh học lớn nhất thế giới như Brazil, Mỹ hay Columbia, nước mình quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn có nhiều giá trị đặc sắc. Chúng ta có những dãy núi cao, có những tiểu sa mạc, những rặng san hô tuyệt đẹp, có biển đảo, rừng nhiệt đới, có rừng lá kim, có những cánh đồng…, ẩm thực phong phú. Con người Việt Nam có chiều sâu tâm hồn, văn hóa có những khác biệt với nước của họ. Về vị trí, Việt Nam nằm trên tuyến đường du lịch phổ biến Việt Nam – Campuchia – Lào – Thái Lan.

Sản phẩm du lịch Việt Nam đa dạng cho nhiều phân khúc, không chỉ thu hút người ham khám phá mà những du khách tài chính dư dả, thích nghỉ dưỡng, muốn tiêu dùng, ở các resort cao cấp thuộc top đầu thế giới thì cũng có. Các tuyến bay dần hồi phục. Du khách có thể cảm nhận và trải nghiệm nhiều cung bậc đủ màu sắc mà không mất quá nhiều thời gian di chuyển từ điểm này đến điểm khác.

Khi dịch Covid-19 chưa “hạ nhiệt” ở nhiều quốc gia thì đây là giai đoạn lý tưởng đi đây đó trong nước. Song chúng ta phải theo dõi tin tức về tình hình dịch bệnh trên phương tiện thông tin đại chúng, tuân thủ khuyến cáo từ cơ quan chức năng. Tôi tin tưởng và hy vọng là du lịch Việt Nam sớm khởi sắc, có thể không được như trước ngay nhưng cũng tốt dần lên.

 Quay trở lại giai đoạn khi dịch Covid -19 bùng phát dữ dội, thành phố buộc phải giãn cách xã hội thì anh cũng không ở nhà mà vẫn miệt mài hoạt động, có ngày chạy như con thoi hỗ trợ thuốc men, giao nhận hàng hóa giúp nhiều người. Trên story, anh cập nhật kết quả tự xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Đâu là lý do và động lực, năng lượng cho những việc làm đó?

+ Tôi biết dịch bệnh nguy hiểm và virus lây lan dữ dội. Nhưng tôi không quá sợ hãi, có lẽ cũng là tính cách trước giờ. Đó không phải là sự liều lĩnh. Gia đình có thể yên tâm để tôi đi khắp nơi là vì biết tôi kỹ lưỡng, biết tìm hiểu các biện pháp ứng phó thế nào khi có sự cố. Tôi hiểu rủi ro mình đối diện. Tiếp xúc F0 hàng ngày khi chở oxy cấp cứu, đi chuyển hàng hóa, lương thực, thuốc men cho các hộ khó khăn, cho những hoàn cảnh yếu thế, tôi cẩn trọng trang bị bảo hộ và khử khuẩn, giữ khoảng cách an toàn.

Tôi không sợ mình bị ảnh hưởng sức khỏe mà là e ngại cho người khác. Tôi lo bản thân khỏe mạnh, không có triệu chứng nhiễm bệnh sẽ vô tình lây cho cộng đồng nên hay xét nghiệm. Tôi gắn bó với TP HCM hơn 15 năm như quê hương thứ hai mà tôi dành tình cảm sâu sắc. Khi thành phố “bệnh” thì phải góp một tay. Nhiều người không ra đường được và có những người cần giúp đỡ. Tôi cảm thấy có trách nhiệm, thôi thúc từ bên trong, không cần ai kêu gọi. Vậy là tôi lên đường.

Tôi nhớ nhất là khi đến những xóm trọ công nhân, hay len lỏi các ngóc ngách hẻm nhỏ. Rồi lúc chứng kiến những gia đình hồi hương mang theo từng món đồ trong nhà chất trên chiến xe cũ kỹ là tất cả tài sản còn lại, tôi thấy những chuyến đi xuyên Việt của mình chẳng thấm là gì so với những gian nan, khổ cực của họ. Khi chở oxy tiếp tế cho F0, thấy những người cao tuổi lẽ ra còn quây quần với con cháu mà vì Covid-19 khiến tính mạng bị đe dọa có thể không cứu vãn nổi, thân nhân đau buồn. Và khoảnh khắc khi các bệnh nhân nặng nhập viện cũng có thể là lần cuối họ còn được nhìn thấy người thân. Những điều đó khiến tôi càng nỗ lực làm được gì thì làm, mong dịch bệnh chóng qua như cơn ác mộng, sớm chấm dứt cảnh đau thương.

– Anh Đăng Khoa đã có kênh Youtube riêng và anh sắp trình làng một cuốn sách, là điều mà những người dõi theo anh, ủng hộ anh lâu nay đang háo hức chờ đón, anh có thể tiết lộ đôi nét về những điều này?

+ Nhiều người nói là nếu tôi đi vòng quanh thế giới mà chịu khó làm Youtube thì chắc cũng được nút vàng, nút bạc gì rồi. Tôi thì nghĩ là: Nếu cơ hội chỉ đến một lần trong đời thì tại sao chúng ta không sống, không tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đó mà phải bận tâm việc làm video hay các chuyện khác. Tất nhiên làm Youtube cũng có giá trị truyền tải cho mọi người nhưng đó là chuyến đi của đời mình. Đi một mình mà còn quay, dựng video thì rất mất thời gian. Tôi có quay lại nhiều dữ liệu nhưng cũng chỉ muốn làm phim ngắn kỷ niệm chuyến đi thôi.

Mình đã đánh đổi vì một chuyến đi của thanh xuân, vì giấc mơ của đời mình thì hãy sống hết mình với nó. Mình chụp ảnh thì cũng có chất liệu để kể lại cho mọi người, cho những ai dõi theo câu chuyện. Hiện nay thì kênh Youtube là cũng là nền tảng hay để chia sẻ thêm với mọi người thông qua các vlog với những cập nhật thú vị khác.

Anh cho rằng Youtube chính là nền tảng hay để anh có thể chia sẻ những trải nghiệm thú vị của mình đến với bạn bè . Ảnh Giang Phạm

Về cuốn sách thì bản thảo cơ bản xong. Hiện tôi còn chọn lựa hình ảnh và đặt tựa sách. Giai đoạn giãn cách xã hội tưởng chừng là có nhiều thời gian trống nhưng thật ra rất bận rộn và khó có tâm trạng cho việc ấy. Bối cảnh dịch bệnh nhiều mất mát, mình khó có thể ngồi yên chú tâm vào kế hoạch riêng mà phải lao ra làm điều gì đó. Đến giai đoạn “bình thường mới” thì lại có những hoạt động chờ đón nên thời gian eo hẹp. Tôi sẽ cố gắng hoàn thành để chính thức ra mắt cuốn sách trong năm mới.

[eMagazine] Trần Đặng Đăng Khoa: “Không ngại năm tuổi, càng muốn sống hết mình hơn” - Ảnh 13.

BTV Xuân Huy trò chuyện đầu năm cùng anh Trần Đặng Đăng Khoa (ngồi giữa) và người bạn thân thiết: phóng viên – travel blogger Ngô Trần Hải An

– Anh thường thích làm gì vào những ngày đầu năm mới và anh có những mục tiêu gì năm nay? Anh có nguyện ước gì gửi gắm đến mọi người dịp Tết Nhâm Dần 2022?

Người ta thường ngại năm tuổi ít may mắn, tôi lại mong năm tuổi càng được đi nhiều hơn. Tôi có mục tiêu leo 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam nhưng do dịch bệnh chưa đạt được thì hy vọng năm nay có thể hoàn tất. Tôi cũng suy nghĩ về những hướng đi mới sao cho phù hợp mà vẫn giữ được đam mê. Làm tốt được công việc yêu thích là điều may mắn và hạnh phúc. 

 Xin chúc toàn thể bạn đọc Báo Người Lao Động thật nhiều sức khỏe, niềm vui. Mong cho tất cả người dân Việt Nam trong nước và cả kiều bào ở hải ngoại được bình an, mọi điều như ý. 

Cảm ơn quý báo về cuộc trò chuyện này!

Rate this post