Đức Maria, Vị Ngôn Sứ Vĩ Đại
Môn học: Ngôn sứ
Giáo sư: Cao Gia An, S.J.
Học viên: Trần Thiên Kính, S.J.
Sau khi cẩn thận đối chiếu, so sánh và làm rõ một số đặc nét trong cuộc đời của một ngôn sứ với cuộc đời của Đức Maria như: người của đặc sủng, người được linh hứng, người của công chúng, trình thuật ơn gọi và sứ điệp, người viết tiến xa hơn khi làm rõ những khía cạnh trổi vượt nơi Mẹ trong những đặc nét ấy. Từ đó cho thấy thực sự Đức Maria không chỉ là một ngôn sứ, nhưng là một ngôn sứ vĩ đại.
Chắc hẳn khi nói Đức Maria là vị ngôn sứ, hơn nữa là vị ngôn sứ vĩ đại, sẽ không khỏi gây ngạc nhiên cho nhiều người Kitô hữu, vì bản thân người viết chưa nghe ai nói về Mẹ như thế cả. Trong bài viết này, người viết sẽ cố gắng minh chứng lập trường của mình qua việc tìm hiểu một số đặc nét ngôn sứ nơi Đức Maria, từ đó thấy được sự vĩ đại của Mẹ trong tư cách là một vị ngôn sứ được Thiên Chúa đặc tuyển. Để thực hiện điều này, trước hết người viết sẽ trình bày về các đặc tính ngôn sứ của Đức Maria, thứ đến là ơn gọi ngôn sứ của Mẹ và cuối cùng là sứ điệp của Mẹ.
1. Những Đặc Tính Ngôn Sứ Của Đức Maria
Trước hết, Đức Maria là người của đặc sủng. Theo Kinh Thánh, Mẹ có họ hàng với dòng họ của tư tế Dacaria và Elisabét; Mẹ đã đính hôn với Giuse và cư ngụ ở làng Nadarét miền Galilê xứ Palestine (x.Lc 1:26). Mẹ sống trong cảnh khó nghèo của những người dân thường; vì là phụ nữ, Mẹ cũng phải gánh chịu thiệt thòi và thái độ khinh miệt của xã hội Do Thái thời bấy giờ. Tuy vậy, Mẹ đã được Thiên Chúa đặc tuyển giữa bao người xuyên suốt bao thế hệ. Đặc ân ngôn sứ Thiên Chúa dành cho bất cứ ai ở bất cứ địa vị xã hội nào; Đức Maria đã được lãnh nhận đặc ân đó từ chính Thiên Chúa ngang qua biến cố truyền tin.
Nơi biến cố truyền tin, Đức Maria đã đón nhận trực tiếp Lời của Thiên Chúa hay Ngôi Lời ngay khi Mẹ thưa tiếng “Xin Vâng.” Do đó, Đức Maria là người của Lời. Ngôn sứ là người của Lời, truyền đạt Lời đó cho dân và cho họ một định hướng để sống. Việc Đức Maria là người của Lời khác với tất cả mọi ngôn sứ khác, Mẹ không chỉ là người của Lời thuần túy vốn Lời được mặc khải từ Thiên Chúa, nhưng còn là người của Lời vốn là Ngôi Lời-Ngôi Hai Thiên Chúa. Điều này cho thấy sự vĩ đại của Mẹ. Mẹ vĩ đại ở nơi chính bản thân mình-Mẹ được Thiên Chúa ban đặc ân Vô nhiêm nguyên tội (tất cả các ngôn sứ khác điều nhiễm nguyên tội và mang tội riêng), và nhất là vĩ đại ở nơi chính Ngôi Lời mà Mẹ được trao phó để trao ban cho toàn thể nhân loại. Chính Ngôi Lời sẽ dạy dỗ toàn dân bằng Lời hằng sống để họ được sống dồi dào, và thậm chí Ngôi Lời còn chết đi [và phục sinh] để cứu độ họ.
Thứ hai, Đức Maria là người được linh hứng. Biến cố truyền tin có thể được hiểu theo hai nghĩa: nghĩa đen, thực sự một thiên thần của Thiên Chúa đã đến truyền tin cho Mẹ; nghĩa bóng, nhờ đời sống cầu nguyện và chiêm niệm mà Đức Maria được Thiên Chúa mặc khải ý định của Người. Vậy nên, dù hiểu theo nghĩa nào thì Đức Maria là người được Thiên Chúa linh hứng để Mẹ có thể biết được ý định của Ngài và thưa tiếng “Xin Vâng!”
Ngôn sứ là người có kinh nghiệm về Thiên Chúa, Đức Maria cũng thế. Không dừng lại ở biến cố truyền tin, đời sống của Đức Maria cho thấy Mẹ là người có một đời sống chiêm niệm sâu xa; đời sống nội tâm của Mẹ được Kinh Thánh diễn tả bằng việc “suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2:19 2:51). Nhờ là người chiêm niệm mà Đức Maria trở nên người có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa, kinh nghiệm về Thiên Chúa: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả” (x. Lc 1,49a). Mẹ nghiệm thấy rằng bàn tay Chúa hoạt động trong cuộc đời Mẹ. Qua chiêm niệm, Mẹ đã lắng nghe, nhận định, học hỏi, đọc ra ý nghĩa của dấu chỉ hay thánh ý của Thiên Chúa.
Thứ ba, Đức Maria là người của công chúng. Trước hết, ngôn sứ được chọn là vì dân; tất cả các ngôn sứ thời Cựu ước được chọn là để loan báo Lời Thiên Chúa cho một hoặc một số dân tộc cụ thể trong một thời đại cụ thể. Đức Maria còn hơn thế nữa; Mẹ được chọn là vì mọi dân mọi người trong mọi thời đại. Đây là một ý tưởng thần học mà Karl Ralner đã khẳng định như sau:
“Việc nhận chức làm Mẹ Thiên Chúa không phải chỉ là biến cố cá nhân, riêng tư cho tiểu sử Maria. Đây là biến cố một người phàm được mời gọi làm Mẹ Thiên Chúa, Đấng xuống cứu chuộc trần gian, và do đó liên quan tới toàn thể trần gian, toàn thể nhân loại.”[1]
Hơn nữa, ngôn sứ là người trung gian chuyển cầu cho dân và biện hộ cho dân trước Thiên Chúa. Trong Kinh Thánh, Mẹ chưa bao giờ đi rao giảng Lời cho dân chúng cũng như biện hộ cho họ trước Thiên Chúa. Chỉ trong tiệc cưới Cana, khi thấy hết rượu, Mẹ đã làm trung gian giữa những người hầu và Chúa Giêsu. Một cách nào đó Mẹ “chuyển cầu” và “biện hộ” cho bên nhà trai thoát khỏi “bẽ mặt”. Tuy nhiên, xét về mặt thần học, hơn ai hết Mẹ là đấng trung gian có thần thế nhất trước mặt Thiên Chúa để bầu cử cho toàn thể nhân loại. Bao lâu còn có con người bấy lâu Mẹ vẫn còn phải vất vả không ngơi để chuyển cầu và biện hộ cho họ, như Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết trong Hiến chế tín lý về Hội Thánh, số 69, như sau:
“Ước gì mọi tín hữu kiên trì khẩn cầu Mẹ Thiên Chúa, cũng là Mẹ nhân loại, để như thuở ban đầu cận kề Hội Thánh với lời cầu xin của mình, thì nay, khi được tôn vinh trên mọi thần thánh nơi thiên quốc, Mẹ hợp cùng chư thánh khẩn cầu lên Con mình, cho đến khi mọi gia đình dân tộc, dù họ có mang danh Kitô hữu hay dù chưa nhận biết Đấng Cứu Độ, được quy tụ thành dân duy nhất của Thiên Chúa…”[2]
Cuối cùng, Đức Maria là người bị đe doạ, là người chịu bách hại. Sau khi đón nhận lời truyền tin, ngay lập tức Mẹ nhận thấy những đe dọa rình rập mình. Đe dọa có thể đến từ những người mình yêu dấu: những nghi vấn từ người thân trong gia đình, nhất là Giuse, vị hôn phu của mình, có thể tố cáo về bào thai Mẹ đang mang. Nếu gia đình hay Giuse tố cáo là Mẹ đã ngoại tình, thì chắc chắn Mẹ không thể thoát khỏi án tử; đây là cái giá mà Mẹ có thể phải trả vì mang Lời Thiên Chúa. Đe dọa lớn nhất xảy đến với Đức Maria từ Hêrôđê, ông muốn tiêu diệt Ngôi Lời đang trong vòng tay của Mẹ; may thay Thiên Chúa đã can thiệp kịp thời để giải cứu (x. Mt 2, 13-14). Cuộc đời của Mẹ và Ngôi Lời chưa hết khỏi những mối đe dọa về thể lý lẫn tâm hồn nhất là lúc Mẹ đứng bên thập giá trên đồi Gôngôtha. Lời tiên tri của ông Simêon đã minh chứng điều đó.
“Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà” (Lc 2, 34-35).
Những đặc điểm trên phần nào minh chứng Đức Maria quả thực là vị ngôn sứ vĩ đại. Để có thể hiểu sâu hơn nữa, chúng ta tìm hiểu hai đặc điểm trọng yếu không thể tách rời khỏi một ngôn sứ đó là ơn gọi và sứ điệp. Ơn gọi của Đức Maria được thể hiện cụ thể qua trình thuật truyền tin và sứ điệp của Mẹ được thể hiện cách sống động ngang qua con người của Đức Giêsu-Ngôi Lời nhập thể.
2. Ơn Gọi
Đối với Habel, trình thuật về ơn gọi ngôn sứ của một số thủ lãnh hay ngôn sứ trong Cứu Ước thường có một khuôn mẫu đặc thù, diễn tiến của trình thuật ơn gọi ngôn sứ diễn ra qua sáu bước: (1) Diện kiến Thần linh, (2) Lời giới thiệu, (3) Trao sứ mạng, (4) Sự phản ứng, (5) Tái khẳng định và (6) Dấu chỉ.[3] Khi so sánh trình thuật truyền tin với khuôn mẫu ơn gọi ngôn sứ, ta thấy có một sự trùng khớp đáng ngạc nhiên.
(1) Diện kiến Thần linh: “Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a. (Lc 1, 26-27). Khi thời gian đã mãn, Thiên Chúa thực hiện chương trình cứu độ của mình bằng việc đến và ngỏ lời cùng Đức Maria. Đức Maria đã có một cuộc diện kiến với thần linh. Đây là một kinh nghiệm gặp gỡ ngoại thường với Thiên Chúa ngang qua hình ảnh một Thiên Thần, kinh nghiệm này có thể được hiểu theo hai nghĩa như đã phân tích ở trên.
(2) Lời giới thiệu. “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.’” (Lc 1, 28). Đây là một lời chào, một lời giới thiệu đặc biệt, nên đã làm cho Maria bối rối và tự hỏi lời chào ấy có nghĩa gì. Phản ứng này của Mẹ là rất tự nhiên, bởi thông thường người Do thái gặp nhau không chào như thế bao giờ mà bằng lời chào “Bình an”(Shalom). Một điểm đáng lưu ý là phản ứng của Mẹ không phải là về diện mạo của vị thiên thần mà là về lời chào. Điều này cho thấy rằng thiên thần không xuất hiện trong diện mạo của thần linh uy nghi, sáng láng hay có đôi cánh như nhiều người vẫn tưởng tượng, nhưng có thể trong diện mạo của một người thường.
(3) Trao sứ mạng: “Sứ thần liền nói: ‘Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.’” (Lc 1, 30-31). Sau khi trấn an Đức Maria, thiên thần đã tỏ lộ sứ mạng cho Mẹ, là cưu mang, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu (nghĩa là Thiên Chúa cứu). Người con này không như những người con bình thường của loài người, mà là Con Đấng Tối Cao, là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Ngôi Lời và là Đấng Cứu Độ toàn dân.
(4) Phản ứng: Đức Maria đã thưa với Thiên Thần rằng: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Phản ứng của Mẹ không phải là một phản ứng tiêu cực, chống đối hay khước từ sứ mạng như một số ngôn sứ khi được trao phó sứ mạng, như trường hợp của Môsê (vị ngôn sứ mà đối với người Do thái là vĩ đại nhất) (x. Xh 3,11), Giêrêmia (x. Gr 1, 6), hay ngay cả với Isaia lúc đầu ông mau mắn đón nhận sứ mạng nhưng sau đó ông cũng phản ứng tiêu cực.[4] Phản ứng của Đức Maria là rất tích cực. Đứng trước một sứ mạng vượt sức tưởng tượng của Mẹ: làm sao một người phàm thấp hèn lại có thể cưu mang và hạ sinh Con Thiên Chúa, Đấng vô cùng cao cả được? Tuy vậy, Đức Maria đã tin vào lời của Thiên Thần, Mẹ chỉ thắc mắc về cách thức thực hiện vì Mẹ chưa đủ điều kiện bình thường để cưu mang một người con, tức là phải có một người nam.
(5) Tái khẳng định: Thiên Thần đã khẳng định chắc chắn về cách thức Thiên Chúa sẽ thực hiện cho Đức Maria: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc 1, 35). Đây là cách thức mà Thiên Chúa sẽ thực hiện nếu như Mẹ nhận lời. Thiên Chúa sẽ làm cho Mẹ cưu mang người Con một cách diệu kỳ.
(6) Dấu chỉ: Để mình chứng và đảm bảo cho chân lý của lời truyền tin của mình, Thiên Thần đã đưa ra một dấu chỉ rõ ràng về người chị họ Elisabét của Mẹ: “Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.” Đây là công trình của Thiên Chúa chứ không phải của người phàm, mà “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Một dấu chỉ mời gọi và làm Đức Maria tin tưởng tuyệt đối vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Qua những điều trên, ta có thể đi đến một kết luận rằng trình thuật truyền tin có thể được hiểu như là một trình thuật về ơn gọi ngôn sứ của Đức Maria. Hơn nữa trong trình thuật này Đức Maria còn có một số nét trổi vượt hơn các ngôn sứ thời xưa trong việc đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
3. Sứ Điệp
Mẹ là người mang sứ điệp cho toàn thể nhân loại. Sứ điệp của Mẹ không chỉ nằm trong lời truyền tin, lời kinh Manificat, không chỉ dừng ở những ngôn từ của Mẹ hay đời sống của Mẹ, mà chính là con người Chúa Giêsu-Chúa Giêsu là một Sứ Điệp của mọi sứ điệp, Sứ Điệp viết hoa. Sứ điệp luôn gắn liền với sứ mạng, việc thực hiện để trao ban Sứ Điệp cho nhân loại chính là sứ mạng của Đức Maria.
Đức Maria thực hiện sứ mạng một cách thật tuyệt diệu. Lời “xin vâng” khởi đầu cho sứ mạng của Mẹ, nói lời xin vâng trong tự do là bất chấp những thách đố, những hiểm nguy xảy đến. Mẹ cũng phải cưu mang Sứ Điệp Giêsu chín tháng mười ngày như bao phụ nữ khác. Khi thời gian đã mãn, qua biến cố giáng sinh, Đức Maria “công bố” Sứ Điệp hay Lời Giêsu cho toàn thể nhân loại dù cho lúc đó chỉ có một số người được diễm phúc đại diện để chứng kiến. Sau khi Lời Giêsu được công bố, tiếp theo là một chuỗi những ngày dài vất vả của Mẹ để dưỡng nuôi Lời lớn lên, dạy dỗ Lời cho đến ngày Lời trưởng thành, ra đi thực thi sứ mạng của mình. Bởi Sứ Điệp của Đức Maria là Ngôi Lời làm người, nên đến ngày Ngôi Lời ra đi thực hiện chương trình của mình; Mẹ không còn có thể có quyền trên Lời nữa, giờ đây tự Lời tỏ hiện quyền năng của mình: Lời giảng dạy, Lời an ủi, Lời mang hi vọng, Lời yêu thương và Lời cứu độ…
Đức Maria đã phải trải qua những thăng trầm trong cuộc đời của một ngôn sứ khi thi hành sứ mạng. Khi thực thi sứ mạng Đức Maria có được niềm vui chứng kiến Sứ Điệp của mình sinh hoa kết quả. Sứ Điệp được Giuse đón nhận, được Elisabet, Simêon, Anna ca ngợi; các đạo sĩ từ phương xa đến chúc mừng; Gioan Tẩy giả giới thiệu cũng như rất nhiều người đón nhận, lắng nghe Sứ Điệp Giêsu. Tuy vây, Đức Maria cũng chứng kiến Sứ Điệp mình gặp nhiều khó khăn đe dọa hay thậm chí bị khước từ. Ban đầu Giuse nghi hoặc và định tâm lìa bỏ Mẹ và Sứ Điệp Mẹ đang cưu mang; những khó khăn khi hạ sinh Lời mà Mẹ phải đối diện: không nơi cư ngụ, phải ở nơi hang bò lừa; Sứ Điệp bị Hêrôđê tìm cách tiêu diệt, phải trốn chạy sang Ai Cập; và chứng kiến cảnh Sứ Điệp bị nhiều người khước từ và giết chết. Quả thực, dù người ta đón nhận hay khước từ Sứ Điệp, Mẹ vẫn phải công bố; ngôn sứ là như vậy.
Đức Maria công bố Lời Giêsu cho các đối tượng khác nhau: người giàu cũng như kẻ nghèo, người có quyền thế hay kẻ vô danh, người hiền cũng như kẻ dữ,… Trong biến cố thăm viếng Mẹ mang Lời Giêsu đến với gia đình ông bà Dacaria, Elisabét và Gioan (x. Lc 1, 39-45). Biến cố giáng sinh là lúc Mẹ công bố Lời cho các mục đồng nghèo (x. Lc 2, 1-20). Sau đó là Ba vua thậm chí có thể ngầm hiểu qua trung gian họ, Mẹ cũng công bố Lời cho Vua Hêrôđê và dân thành Giêrusalem (x. Mt 2, 112). Đến ngày thanh tẩy theo Luật Môsê, Đức Maria dâng tiến Lời Giêsu lên Thiên Chúa, Mẹ đã công bố Lời cho ông Simêon và bà Anna, cũng như với những đang mong đợi ngày Thiên Chúa cứu độ qua miệng bà nói về Lời (x. Lc 2, 21-38). Trong đám cưới Cana, Đức Maria giới thiệu Lời cho đám giai nhân (x. Ga 2, 1-12). Cuối cùng, dưới chân thập giá, có thể nói Mẹ đã công bố Lời Giêsu một cách hùng hồn nhất cho toàn thể nhân loại về một Ngôi Lời đã hoàn tất sứ mạng của mình nơi trần gian để cứu độ mọi người (x. Ga 19, 25-27).
Hơn nữa, Sứ điệp của Đức Maria mang tính vượt thời gian. Sứ Điệp của Mẹ không chỉ nằm trong một giai đoạn lịch sử cách đây 2000 năm, mà Sứ Điệp vẫn được công bố, đụng chạm, thách đố và cứu độ hàng tỷ người trên thế giới trong suốt 21 thế kỷ qua cũng như biết bao nhiêu người sẽ đến trong tương lai. Đặc biệt ngày hôm nay, con người đang sống trong một thời đại với nhiều biến động, khủng hoảng trên mọi bình diện của con người – tôn giáo, chính trị, kinh tế, xã hội, gia đình,…- họ cần lắm được lắng nghe Sứ Điệp của Đức Maria để sống dồi dào hạnh phúc ở đời này và đời sau. Như vậy, phạm vi đối tượng mà Sứ Điệp Đức Maria công bố thật rộng lớn, nhiều hơn bất cứ ngôn sứ nào trong thời Cựu Ước.
Kết Luận
Qua những phân tích trên chúng ta có thể kết luận rằng Đức Maria có đầy đủ các đặc tính của một ngôn sứ, trình thuật truyền tin là trình thuật về ơn gọi ngôn sứ của Mẹ. Đặc biệt, nếu chỉ xét trên bình diện con người (nghĩa là ngoại trừ Đức Giêsu Kitô với hai bản tính), thì Đức Maria quả thực là vị ngôn sứ vĩ đại nhất trong tất cả các ngôn sứ từ cổ chí kim. Mẹ vĩ đại trong chính con người và sứ điệp của mình. Về con người, Mẹ được Thiên Chúa thánh hóa và tuyển chọn; về sứ điệp, Sứ điệp là Ngôi Lời-Chúa Giêsu Kitô, là Thiên Chúa và là Đấng cứu độ. Hơn nữa, phạm vi ảnh hưởng của Sứ Điệp là hết sức lớn lao. Chúng ta cần nhìn nhận vai trò ngôn sứ cao cả của Mẹ, để từ đó học lấy cung cách của Ngôn sứ Maria trong việc thi hành sứ mạng: Đón nhận Sứ Điệp, cưu mang Sứ Điệp, suy gẫm về Sứ Điệp, lắng nghe Sứ Điệp và công bố Sứ Điệp; nhờ thế, được Sứ Điệp biến đổi và cứu độ. Đây là mục đích tối hậu mà Ngôn sứ Maria chờ đợi nơi mỗi người chúng ta.
Tài liệu tham khảo
-
Bản dịch của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Huấn Quyền về Đức Maria (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2007).
-
Fitzmyer, J. A., S.J., The Gospel according to Luke I-IX: Introduction, translation, and notes (New Haven; London: Yale University Press, 2008).
-
Habel, Norm, The Form and Significance of the Call Narratives, ZAW 77 (1965): 297-323.
Rahner, Karl, S.J., Maria-Kẻ đã tin (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2004).
[1] x. Karl Rahner, Maria-Kẻ đã tin (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2004), trang 29-30.
[2] Bản dịch của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Huấn Quyền về Đức Maria (Hà Nội: NXB Tôn giáo, 2007), trang 22.
[3] x. Norm Habel, The Form and Significance of the Call Narratives, ZAW 77 (1965): 297-323.
[4] x. Norm Habel, The Form and Significance of the Call Narratives. ZAW 77 (1965): 297-323, trang 10.