Đồng nghiệp thương tiếc ca sĩ Ngô Quốc Linh

Đồng nghiệp thương tiếc khi nghệ sĩ Ngô Quốc Linh đột ngột qua đời sau thời gian điều trị Covid-19, bỏ lại nhiều công việc dang dở.

Ngô Quốc Linh qua đời chiều 11/12, khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp sững sờ. Ca sĩ Long Nhật – đồng nghiệp thân thiết của Ngô Quốc Linh – nói anh thức trắng cả đêm sau khi biết tin buồn. Long Nhật nói: “Theo kế hoạch, sáng 12/12, Quốc Linh sẽ cùng tôi bay ra Hà Nội làm giám khảo cho một cuộc thi bolero”.

Ca sĩ Ngô Quốc Linh (1971 - 2021). Ảnh: Facebook Ngo Quoc Linh

Ca sĩ Ngô Quốc Linh (1971 – 2021). Ảnh: Facebook Ngo Quoc Linh

Trong ký ức của nhiều đồng nghiệp, Ngô Quốc Linh đa tài, giản dị. Chơi thân đã lâu, Long Nhật nói ở anh và đồng nghiệp hợp nhau ở tính cách vui nhộn, hoạt ngôn. Mỗi lần gặp nhau, Long Nhật thường trêu bạn: “Chừ ta hỏi mi, đứa mô nói trước?”, do cả hai là đồng hương Thừa Thiên – Huế. Hơn Ngô Quốc Linh vài tuổi, anh quen ca sĩ từ thập niên 1990. Khi ấy, Long Nhật đã vào nghề và trở thành ca sĩ nổi tiếng, đi hát chung đoàn với ca sĩ Ánh Tuyết, Mỹ Hạnh…, còn Quốc Linh chưa được ai biết đến. Lần đầu gặp nhau, Quốc Linh nói mến mộ giọng ca Long Nhật đã lâu, mong một ngày được bước lên sân khấu chuyên nghiệp như anh. Lúc đó, anh không có ấn tượng nhiều về đàn em, ngoài vẻ giản dị, hiền lành, giọng nói nhẹ nhàng.

"Tuổi nàng 15" - Hoàng Phương, Song Ngọc sáng tác (Ngô Quốc Linh)

 

 

“Tuổi nàng 15” – Hoàng Phương, Song Ngọc sáng tác (Ngô Quốc Linh)

“Tuổi nàng 15” (Hoàng Phương, Song Ngọc sáng tác – Ngô Quốc Linh). Video: Youtube Giaitri01

Bẵng một thời gian, Long Nhật nghe đồng nghiệp trong giới kháo nhau “có một cậu ca sĩ mới nổi, hát giọng thổ, khàn khàn, mộc mạc”, và nhận ra Quốc Linh. “Từ chỗ em ấy mê tôi, giờ tôi chuyển qua mê nghe em hát”, Long Nhật nói. Thời sung sức, Quốc Linh có thể hát live hơn 20 bài một đêm, càng hát càng “máu lửa”. Xuất thân từ hoàn cảnh khó khăn, ca sĩ luôn nỗ lực phấn đấu trong nghề. Có tối, anh chạy show hai, ba điểm diễn để dành dụm cát-xê. Năm 2005, anh dồn tiền quay các MV và làm liveshow. Từ đó, anh trở thành giọng ca được ưa chuộng ở miền Tây với loạt bản hit như Anh biết em đi chẳng trở về, Chuyện tình bên ao cá, Tuổi nàng 15, Mười năm đợi chờ, Tôi không cô đơn… Sau này, khi đã nổi tiếng, anh còn thành lập đoàn, mời nhiều ca sĩ lưu diễn.

Nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa – đồng nghiệp gắn bó với Quốc Linh nhiều năm qua – bàng hoàng bởi vài tuần trước, cả hai còn lên kế hoạch làm poster cho chuyến lưu diễn ở châu Âu dịp Tết Nguyên đán 2022. Họ từng hát chung đoàn ở miền Tây, sau nay rẽ hướng vì Quốc Linh theo ca nhạc, còn Hoàng Đăng Khoa nối nghiệp tuồng cổ của gia tộc. Với anh, Quốc Linh là một trong ca sĩ dòng nhạc trữ tình hàng đầu vì giọng “ăn” mic, không kén phòng thu. Có lần, cả hai thu âm trong một phòng studio ở Quy Nhơn (Bình Định). Dù điều kiện thu thanh còn nghèo nàn, khi Quốc Linh cất tiếng, nhân viên kỹ thuật vẫn ngạc nhiên vì phong độ nội lực của anh.

Nhạc sĩ Tô Hiếu nói, với Quốc Linh, chỉ cần nghe giọng, không cần nhìn người cũng đủ nhận ra anh trong nhiều ca sĩ bolero, bởi lối hát mộc, âm sắc khàn đặc trưng. “Thể loại nào anh cũng hát rất truyền cảm”, nhạc sĩ nói.

"Chuyện tình bên ao cá" - ca sĩ Ngô Quốc Linh

 

 

“Chuyện tình bên ao cá” – ca sĩ Ngô Quốc Linh

Ngô Quốc Linh thể hiện “Chuyện tình bên ao cá” (Trương Quang Tuấn sáng tác). Video: Youtube Hoang Tuan Ho

Ngô Quốc Linh được thương mến bởi sống hết lòng vì đồng nghiệp. Một lần, Long Nhật lên kế hoạch xây dựng kênh Youtube, mời Quốc Linh quay MV. Ca sĩ nói sẽ tự quay sản phẩm gửi sang cho anh, hoặc hát không lấy cát-xê, đàn anh chỉ cần trả chi phí ghi hình. Khi Long Nhật bảo đồng nghiệp nhắn số tài khoản ngân hàng để trả thù lao, ca sĩ chỉ “cười hề hề”.

Những ngày dịch bệnh bùng phát, Quốc Linh thường gọi Long Nhật nói cố gắng giữ sức khỏe, hướng dẫn anh cách tự trồng giá trong nhà. Hơn 10 ngày trước khi mất, như dự cảm có chuyện không hay xảy ra, Quốc Linh nhắn tin cho một người em – vốn thân thiết với cả hai, nói anh rất thương Long Nhật. Anh nói: “Tôi trân quý tình cảm của em. Đi đâu, em ấy cũng nói là em ruột tôi. Điều khiến tôi tiếc nuối là đến giờ, cả hai vẫn chưa có một bản song ca nào”.

Nghệ sĩ Bình Tinh nhớ mãi kỷ niệm một lần chạy show cùng Ngô Quốc Linh. Khi đó, ca sĩ trễ giờ cho một sự kiện khác, xin phép chị hát trước dù chưa đến lượt. Chị nói: “Anh ơi, em thì sao cũng được nhưng có em nam ca sĩ kia ngồi từ sáng đến giờ chưa tới lượt hát. Nếu anh và em mà hát trước, khán giả bỏ về hết, không ai coi em ấy diễn nữa thì tội nghiệp lắm”. Suy tính một hồi, để khuyến khích giọng ca trẻ, Quốc Linh nắm tay anh bước ra sân khấu hát chung trong sự thích thú của khán giả. “Tôi thương cách anh dìu dắt các nghệ sĩ đàn em, không phân biệt cao – thấp, nổi tiếng hay vô danh”, chị cho biết. Hoàng Đăng Khoa nói những ngày anh suy sụp vì mẹ nuôi – nghệ sĩ Bạch Mai – qua đời trong đại dịch, Quốc Linh thường gọi hỏi thăm, động viên anh vượt qua cú sốc.

"Có buồn nào buồn hơn" (Trúc Phương sáng tác) - Ngô Quốc Linh

 

 

“Có buồn nào buồn hơn” (Trúc Phương sáng tác) – Ngô Quốc Linh

“Có buồn nào buồn hơn” (Trúc Phương sáng tác) – Ngô Quốc Linh. Video: Sky Bolero

Tin Ngô Quốc Linh qua đời gây sốc cho những khán giả một thời yêu mến giọng hát anh sau thời gian dài ca sĩ vắng bóng. Trên VnExpress, độc giả Lê Thị Dinh chia sẻ: “Anh là thần tượng của tôi từ khi Tuổi nàng 15 ra đời, đến nay bản nhạc chờ trong điện thoại cũng là nhạc của anh”. Thảo LP viết: “Phân khúc khán giả của anh đa phần là người tỉnh lẻ và lao động nghèo, nhất là người miền Tây, trong đó có mình. Ai ngày xưa đi xe đò về miền Tây thì có lẽ từng nghe anh hát mà không biết. Một thời gian dài không nghe tin tức về anh, đến khi có tin tức thì lại là một tin quá đau lòng. Mong anh an nghỉ. Tuổi nàng 15, Chuyện tình bên ao cá vẫn luôn trong lòng khán giả”.

Tam Kỳ

Rate this post