Đồng chí Vũ Kỳ – người thư ký tận tụy của Bác Hồ
1/Khi còn là học sinh Trường Bưởi, Vũ Kỳ đã sớm giác ngộ và bắt đầu cuộc đời cách mạng của mình trong tổ chức Đoàn Thanh niên phản đế Hà Nội từ tháng 3/1940. Ngày 25/10/1940, người thanh niên được kết nạp vào Đảng khi vừa tròn 19 tuổi.
Tháng 8/1941, anh Vũ Kỳ thoát ly gia đình cùng một số đồng chí khác tìm đường đến Quảng Tây, Trung Quốc dự Lớp huấn luyện cán bộ quân chính do Đảng ta tổ chức, nhằm đào tạo cán bộ quân sự chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 sau này. Tháng 4/1943, khi đi vận động tuyên truyền, anh bị mật thám bắt lần thứ nhất. Sau hơn hai tháng bị giam tại Sở mật thám Hà Nội, kẻ địch không đủ chứng cớ để buộc tội, phải trả lại tự do cho anh. Ngay sau đó, tháng 7, Vũ Kỳ được điều động lên Tông (Sơn Tây) làm công tác vận động binh lính Âu. Tháng 9/1943, anh bị bắt lần thứ hai, bị kết án 15 năm tù khổ sai và giam tại Hỏa Lò (Hà Nội). Người chiến sĩ Vũ Kỳ tiếp tục hoạt động tích cực trong chi bộ nhà tù, tổ chức đấu tranh, bảo vệ cán bộ và liên lạc với cơ sở bên ngoài, xây dựng kế hoạch vượt ngục. Đến tháng 3/1945, đồng chí đã được chi bộ bố trí vượt ngục để tiếp tục hoạt động, cùng với đồng chí Trần Đăng Ninh và một số đồng chí khác.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, ngày 27/8, Vũ Kỳ có vinh dự lớn, được tổ chức chọn vào giúp việc cho Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa ở chiến khu về Hà Nội, khi đó đồng chí vừa tròn 24 tuổi… Vũ Kỳ trở thành người thư ký trung thành, cần mẫn và gắn bó ở bên Bác Hồ cho đến tận khi Người từ biệt toàn Đảng, toàn dân, đi sang “thế giới người hiền”, ngày 2/9/1969.
2/Sau khi chuyên gia Liên Xô (trước kia) định hình thi hài Bác, một vấn đề nảy sinh là chọn mặc cho Bác bộ quần áo gì? Chuyên gia đề nghị mặc cho Bác bộ dạ đen Bác đã từng mặc trong chuyến thăm Liên Xô năm 1955, giống với Lênin, không phải tính toán lại thông số kỹ thuật. Các đồng chí lãnh đạo Đảng ta không đồng ý, vì bộ quần áo đó nhân dân ta ít thấy. Có ý kiến mặc cho Bác bộ quần áo lụa nâu, rất gần gũi với nhân dân. Ý kiến này cũng không được thông qua. Ông Vũ Kỳ đề nghị mặc cho Bác bộ đồ ka ki, bởi Bác dùng rất thông dụng. Mọi người đồng tình. Ông cho mang cả ba bộ ka ki Bác đang có đến. Đồng chí chuyên gia giơ lên ngắm nghía hồi lâu rồi lắc đầu: Bác còn bộ nào không, cả ba bộ này đều sờn rách. Ông Vũ Kỳ kể: Khi Bác còn sống, chúng tôi đã đề nghị Bác cho may bộ mới, Bác không chịu mà bảo: “Nước ta còn nghèo, nhân dân còn thiếu thốn, Bác mặc thế này là được rồi”. Đồng chí chuyên gia, người đã từng tham gia bảo quản thi hài Lênin nấc lên: “Bác Hồ giống hệt Lênin của chúng tôi”. Xí nghiệp may 10 đã vinh dự được may bộ đồ ka ki cho thi hài đúng theo mẫu của Văn phòng Phủ Chủ tịch.
Vũ Kỳ là pho sử sống về Bác Hồ, vì gần như cả cuộc đời ông sống bên Bác kính yêu. Trong quá trình nghiên cứu để dựng lại chặng đường trường kỳ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh 1945 – 1954, cuốn nhật ký của ông đã phát huy tác dụng lớn. Ông đã ghi chép tỉ mỉ mọi hoạt động hằng ngày của Bác: mấy giờ, ở đâu, làm gì, tiếp ai… Và có thể có cả nội dung làm việc, nếu Bác mời ông tham dự.
3/Sau ngày Bác qua đời, ông đã từ chối lời gợi ý nhận một nhiệm vụ cao hơn, để xin ở lại làm bảo tàng về Bác. Việc làm đầu tiên của ông và các cộng sự là lập Bản đồ mùng 2 tháng 9, vẽ định vị chi tiết mọi hiện vật của Bác ở nguyên vị trí như thời điểm Bác mất. Việc này thuật ngữ bảo tàng gọi là kiểm kê địa hình, giúp cho các thế hệ sau nghiên cứu chính xác về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông từng nói với chúng tôi: Nơi tôi học hỏi rất nhiều là tập thể Bảo tàng T.Ư Lênin, Liên Xô, về cá nhân thì có GS Lâm Bình Tường ở Vụ Bảo tồn, bảo tàng – Bộ Văn hóa (nay là Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)…
Từ tháng 5 đến tháng 8/1982, ông có chuyến công tác xuyên Việt, vừa kiểm tra hoạt động của các Nhà trưng bày và di tích Hồ Chí Minh, vừa tuyên truyền về Bác Hồ. Tôi may mắn được theo. Ông đã kể hàng trăm câu chuyện về Bác. Có chuyện hàng nghìn người nghe, cũng có câu chuyện chỉ vài người quanh mâm cơm. Ông kể hấp dẫn, lôi cuốn, tinh tế, nhẹ nhàng, sâu lắng.
Nhân 100 năm ngày sinh của ông, xin nhớ về người thư ký tận tụy của Bác Hồ với tất cả sự kính trọng của lớp cán bộ được ông dìu dắt, dạy bảo.