ĐỒNG CHÍ TRẦN QUÝ KIÊN VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM

PGS.TS NGUYỄN DUY BÍNH

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

ThS. NGUYỄN VĂN BIỂU

Viện Sử học

 

Trần Quý Kiên tên thật là Đinh Xuân Nhạ[1] (còn có tên là Dương Văn Ty), sinh năm 1911, quê quán phố Hàng Nứa, Yên Phụ, Hà Nội. Quê gốc ở thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (tỉnh Hà Đông cũ). Do nhà nghèo mà bố mẹ thân sinh ra ông sớm phải bỏ quê ra Hà Nội kiếm sống, gia đình thuê trọ ở đường Yên Phụ, Hà Nội. Đồng chí Trần Quý Kiên tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ông là một trong những lớp đảng viên đầu tiên của đảng, được kết nạp Đảng tháng 5-1930, ngay khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới thành lập. Đồng chí Trần Quý Kiên là một nhà cách mạng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam, có nhiều cống hiến to lớn đối với tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Quý Kiên là một tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu thời xây dựng Đảng.

 

  1. 1. Những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Trần Quý Kiên

 

Tháng 6-1930, Thành ủy Hà Nội chính thức ra đời do đồng chí Nguyễn Ngọc Vũ làm Bí thư. Để thực hiện chủ trương của Xứ ủy Bắc Kỳ về việc đẩy mạnh đấu tranh, củng cố phát triển tổ chức, tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng, chống khủng bố của thực dân Pháp. Thành ủy Hà Nội đã quyết định thành lập Đội tuyên truyền xung phong gồm các đồng chí: Lê Đình Tuyển, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường. Đội Tuyên truyền xung phong tập trung xây dựng cơ sở Đảng và vận động quần chúng công nhân, nông dân và các giới trong thành phố[2]… Có thể nói, đây chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội sau này.

 

Trong năm 1930, sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới thành lập (từ tháng 10-1930, đổi là Đảng Cộng sản Đông Dương) thực dân Pháp tiến hành khủng bố rất ác liệt hòng phá vỡ phong trào cách mạng trong cả nước. Tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng liên tục bị đánh phá và tổn thất nhiều. Các đồng chí lãnh đạo của Trung ương, Xứ ủy lần lượt bị bắt. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, bị thực dân Pháp bắt, như: Nguyễn Ngọc Vũ, Lê Đình Tuyển, Đặng Xuân Khu, Đinh Xuân Nhạ, Giang Đức Cường, Hoàng Ngọc Bảo[3]… Đồng chí Đinh Xuân Nhạ bị thực dân Pháp bắt tháng 10-1930 cùng các đồng chí: Trường Chinh, Lê Đình Tuyển… Ông bị kết án 10 năm tù giam.

 

Một buổi sáng giữa tháng 12-1931, đồng chí Trần Quý Kiên cùng 75 tù nhân, phần lớn là những chiến sĩ cộng sản, xuống Hải Phòng để đày ra Côn Đảo. Trong số này có các đồng chí Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến, Lê Thanh Nghị, Trần Quý Kiên, Nguyễn Tuân Thức, Trần Bảo… Khi đoàn tù chính trị phạm được đưa đến Hải Phòng, trên các nóc nhà thờ đang được chăng đèn kết hoa để chuẩn bị kỷ niệm ngày Lễ Giáng sinh. Thực dân Pháp đưa cả đoàn tù vào giam trong nhà lao Hải Phòng.

 

Trong đoàn tù có Nguyễn Thành Long, nguyên là một học sinh quê ở Thái Bình. Nguyễn Thành Long có biệt hiệu Long tàu bay, vì giỏi nghề cơ khí và có tài mở được các loại khoá. Được anh em tù chính trị phạm ủng hộ, Long quyết định sẽ vượt ngục. Long xé chăn lấy sợi bện dây thừng và chuẩn bị móc sắt. Đêm 20-12-1931, các anh em đứng chồng lên vai nhau làm thang cho Long trèo lên mái dỡ ngói và dùng dây thừng, móc sắt leo qua sân thoát ra ngoài. Sáng hôm sau, phát hiện có người trốn, bọn cai ngục liền cùm chân tất cả tù nhân. Anh em bàn nhau phải tổ chức đấu tranh phản đối. Đồng chí Lê Duẩn đề nghị tuyệt thực để chống lệnh cùm chân. Các đồng chí Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân Thức, Vũ Thiện Chân… cũng chủ trương không nên manh động. Sau giờ ăn cơm chiều ngày 21-12-1931, những tiếng hò la vang dội trong nhà giam mở đầu cho cuộc đấu tranh. Bọn cai ngục và lính gác xông vào các phòng giam đe doạ khủng bố. Những người khỏe mạnh như Trần Quý Kiên, Trần Bảo, Lê Thanh Nghị… cầm gậy đứng trấn giữ cửa ra vào; Lê Duẩn, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Tuân Thức, Vũ Thiện Chân đứng hỗ trợ phía sau. Bọn cai ngục và lính gác không sao vào được… Sau đó, từ Hải Phòng vì chưa có tàu đi Côn Đảo, cả đoàn tù bị cùm chân suốt một tháng, rồi lại bị đưa về giam ở nhà tù Hoả Lò[4].

 

Cuối năm 1932, Chi bộ nhà tù Hỏa Lò tổ chức cho các anh em vượt ngục. Các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Bùi Xuân Mẫn, Vũ Trọng Đàm họp bàn, thảo luận và vạch kế hoạch tổ chức cuộc vượt ngục một cách chu đáo, tỉ mỉ. Đêm No-en 1932, bảy chiến sĩ cộng sản đã thoát khỏi nhà tù Hoả Lò, là: Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Tạo, Vũ Như Cương, Phạm Quang Lịch, Bùi Xuân Mẫn, Vũ Trọng Đàm, Lê Đình Tuyển[5]. Cuộc vượt ngục đêm No-en cuối tháng 12-1932, khiến thực dân Pháp thấy phải sớm di chuyển số tù nhân mà chúng cho là “bướng bỉnh”, “nguy hiểm” đi nơi khác. Nhà tù Sơn La là đích ngắm tới của chế độ thực dân Pháp.

 

Tháng 2-1933, đồng chí Đinh Xuân Nhạ cùng 210 người tù cộng sản và Quốc dân Đảng ở nhà tù Hỏa Lò bị thực dân Pháp đưa đi đày lên giam ở nhà tù Sơn La, cùng với các đồng chí Trường Chinh, Lê Duẩn, Trần Văn Lan, Khuất Duy Tiến… Đoàn tù tới Sơn La vào ngày 3 tháng 3 năm 1933.

 

Năm 1933, Công sứ tỉnh Sơn La lập danh sách 22 tù chính trị của nhà tù Sơn La không được ân xá, bao gồm: Lê Duẩn, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Trịnh Đình Cửu, Khuất Duy Tiến, Đặng Hữu Rạng, Vũ Thiện Chân, Phạm Văn Tư, Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Tuân Thức, Nguyễn Đình Hang, Nguyễn Văn Ngọ, Mai Lập Đôn, Lê Đình Ninh… Theo nhận xét của Chánh giám ngục nhà tù Sơn La thì đây là những người có hạnh kiểm “bình thường” hoặc “xấu”, thậm chí trong phiếu nhận dạng của mỗi tù nhân, Chánh giám ngục nhà tù Sơn La còn nêu rõ đây là những “phần tử nguy hiểm”, “là kẻ cầm đầu các phong trào phản loạn”, “đích thực là cộng sản”, “là kẻ cầm đầu tại nhà tù”… Trong phiếu nhận dạng của tù nhân Đinh Xuân Nhạ, số tù 289[6].

 

Việc toàn quyền Đông Dương chọn nhà ngục Sơn La là một trong những nơi đày ải tù chính trị, nhằm cắt đứt mối liên lạc giữa họ với tổ chức đảng, đồng thời muốn dựa vào rừng thiêng nước độc cùng chế độ hà khắc của nhà tù để giết dần, giết mòn những người tù yêu nước.

 

Tháng 10-1933, được tin Toàn quyền Đông Dương Pátx-kiê lên Sơn La kiểm tra tình hình và khánh thành con đường mang tên chúa ngục Xanh-pu-lốp, anh em tù dự đoán, viên chúa ngục Xanhpulốp thế nào cũng mời Pátxkiê đến ngục Sơn La để chúng tâng công trong việc đàn áp tù cộng sản. Vì vậy, nhân cơ hội này, anh em tù chính trị quyết định tổ chức đưa yêu sách và đấu tranh tố cáo tội ác của chế độ nhà tù trước viên Toàn quyền. Pátxkiê nhận bản yêu sách và hứa sẽ xem xét giải quyết.

 

Trước sự đấu tranh quyết liệt của những người tù chính trị ở Đông Dương, lại được đông đảo nhân dân Đông Dương và dư luận tiến bộ Pháp ủng hộ, Toàn quyền Đông Dương buộc phải ký lệnh giảm hoặc xóa bỏ một số án tử hình, đưa một số tù chính trị ở ngục Sơn La về giam tại nhà tù Hỏa Lò. Ngày 17-11-1933, đoàn tù bắt đầu khởi hành từ Sơn La về Hà Nội, những người khỏe đi bộ, còn ai ốm yếu được đi thuyền dọc theo sông Đà về xuôi.

 

Sau thời kỳ chống thực dân Pháp khủng bố trắng (1931- 1935), nhiều tổ chức cơ sở đảng dần dần được khôi phục và phát triển ở nhiều nơi, ảnh hưởng của Đảng được mở rộng. Phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân nổ ra tại nhiều địa phương. Thực dân Pháp lo sợ trước tình hình này đã quyết định chuyển một số tù chính trị ở nhà tù Hỏa Lò mà chúng xếp vào loại nguy hiểm ra Côn Đảo. Những người ốm yếu thì đày lên Sơn La. Đồng chí Đinh Xuân Nhạ bị chúng đưa lên nhà tù Sơn La.

 

Trong số các tù chính trị được đưa lên giam giữ ở nhà tù Sơn La dịp này chia thành hai đoàn, một đoàn lên vào tháng 5 và một đoàn vào tháng 6-1935. Đây là lần thứ hai đồng chí Đinh Xuân Nhạ, bị thực dân Pháp đưa lên giam ở nhà tù Sơn La, ngoài ra còn có các đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Sao Đỏ (Nguyễn Lương bằng), Đặng Việt Châu… Trong hồi ký “Trường học cuộc đời đồng chí Đặng Việt Châu viết: “Chúng tôi đến Sơn La ngày 4 tháng 6 năm 1935. Đến nơi vào khoảng 4 giờ chiều đã gặp các anh em đi chuyến trước (ngày 9 tháng 5 năm 1935) ở đó. Thì ra cái phân vân của chúng tôi ở Hỏa Lò Hà Nội thấy bọn thống trị bất chợt lấy hơn 20 anh em phần lớn bị kết án về vụ anh Hào Lịch đưa đi đâu không biết, nay đã rõ. Các đồng chí Hào Lịch, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Mạnh Hồng, Trần Quý Kiên… thấy chúng tôi, vừa mừng vừa căm tức về thủ đoạn xảo trá của đế quốc nhằm giữ bí mật cuộc phát vãng”[7].

 

Trong tù Sơn La, các anh em tù chính trị đã họp nhau lại, để thành lập ra một ủy ban chung để chỉ đạo mọi vấn đề sinh hoạt trong nhà tù, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung trong tù đến ra ngoài đi làm, đối phó với gác ngục và cai lính, giao dịch với đồng bào địa phương, giúp đỡ nhau khi ốm đau… Thế là một ủy ban thống nhất tù chính trị gọi là “Hội đồng thống nhất” được thành lập[8]. Đồng chí Trần Quý Kiên được bầu là Trưởng ban Hợp tác xã, phó là một người thuộc Việt Nam Quốc dân Đảng[9].

 

Giữa năm 1936, hơn một tháng sau khi Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hoà bình, đòi trả tự do cho tù chính trị phát triển mạnh. Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp tuyên bố “đại xá” tù chính trị ở Đông Dương.

 

Nắm được tình hình đó, tù chính trị ở nhà tù Côn Đảo nổi dậy đấu tranh đòi thả tự do. Nhờ vậy, hơn 200 chiến sĩ cách mạng được trở về đất liền. Nhà cầm quyền Pháp ở Đông Dương cũng buộc phải thả một số tù chính trị ở nhà tù Sơn La và một số nhà tù khác trong cả nước. Cuối tháng 7-1936, khoảng 30 trong số gần 70 người ở nhà tù Sơn La được ân xá đợt đầu. Hồi ký của đồng chí Đặng Việt Châu viết: “… Đồng chí Nguyễn Mạnh Hồng, Tạ Văn Cấp và tôi được về chuyến đầu, còn đồng chí Cây Xoan (Trường Chinh) và Trần Quý Kiên về chuyến sau”[10]. Khoảng tháng 8-1936, đồng chí Đinh Xuân Nhạ và đồng chí Đặng Xuân Khu và hàng chục tù chính trị được trả tự do[11]. Từ Sơn La, đồng chí Đinh Xuân Nhạ và những người được thả trong chuyến này đi thuyền xuôi về Hà Nội. Sở mật thám Hà Nội tuyên bố lệnh quản thúc rồi cho người được ân xá trở về quê hương.

 

Sau khi được trả tự do, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều chiến sĩ cộng sản đã trở về Hà Nội hoạt động. Đây là nguồn cán bộ quý của Đảng, vì họ đã được thử thách, rèn luyện trong lao tù, có tài năng, có phẩm chất cách mạng, kiên trung, lực lượng này sẽ góp phần phục hồi và đẩy nhanh phong trào cách mạng tiến lên một bước mới.

 

Từ cuối năm 1935 trở đi nhiều cán bộ đảng viên của Đảng thoát khỏi nhà tù đế quốc lần lượt về tập trung hoạt động ở Hà Nội… Ở tù Côn Đảo về có các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện Khuất Duy Tiến, Trần Huy Liệu… Ở tù Sơn La về có các đồng chí Đặng Xuân Khu, Đinh Xuân Nhạ, Bùi Vũ Trụ… Ngoài ra, còn có một số đồng chí hoạt động cách mạng ở bên Lào bị trục xuất về nước như: Nguyễn Trọng Cảnh (tức Trần Quốc Hoàn), Phan Trọng Tuệ, Lê Hoàng...[12].

2. Đồng chí Trần Quý Kiên tham gia tái lập Xứ uỷ Bắc Kỳ

 

Cũng vào dịp cuối năm 1936, các đồng chí Trần Quý Kiên, Nguyễn Văn Cừ, và Nguyễn Văn Minh hẹn nhau họp tại một thửa ruộng gần sân bay Gia Lâm. Mục đích cuộc họp nhằm trao đổi về việc củng cố và phát triển các cơ sở đảng, cơ sở cách mạng: “để đi tìm và tập hợp các đồng chí mới ở tù ra và các đồng chí còn sót lại ở ngoài, để xây dựng lại phong trào”[13]. Muốn thế cần phải có hình thức tổ chức gì? Các đồng chí bàn nhau “thành lập cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội, lấy tên là Ủy ban sáng kiến”[14].

 

Sau đó, Ủy ban sáng kiến được bổ sung thêm nhiều cán bộ, trong Uỷ ban lúc này có nhiều đồng chí giàu kinh nghiệm, tổ chức thành hai bộ phận, một bộ phận hoạt động công khai, một bộ phận hoạt động bí mật. Uỷ ban sáng kiến phân công đồng chí Tô Hiệu về công tác tại Hải Phòng, Quảng Ninh, đồng chí Hoàng Văn Thụ về các vùng dân tộc thiểu số phía Bắc, và phân công Nguyễn Văn Cừ cùng với Nguyễn Văn Minh, Trần Quý Kiên phụ trách công tác móc nối liên lạc với các đồng chí ở Trung Kỳ, đồng thời trực tiếp tham gia khôi phục và phát triển các cơ sở đảng ở khu vực Hà Nội và các vùng phụ cận[15]. Hoạt động hiệu quả của Uỷ ban sáng kiến, các tổ chức đảng lần lượt được lập lại ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định… “Việc tổ chức lại các tổ chức của Đảng có thể tiến hành khá nhanh, đó là nhờ hoạt động của các cựu tù chính trị được ân xá…”[16].

 

Trên cơ sở phát triển của tổ chức đảng, yêu cầu lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ để thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh trở nên cấp thiết. Tháng 3-1937, Hội nghị thành lập Xứ uỷ Bắc Kỳ lâm thời được tiến hành[17]. Tham gia hội nghị này có các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Tú Hưu (tức Hoàng Văn Nọn), Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Đặng Xuân Khu, Tô Hiệu, Hoàng Quốc Việt, Đinh Xuân Nhạ, Trần Cung, Đinh Văn Di và một số đồng chí khác. Xứ ủy Bắc Kỳ gồm các đồng chí Hoàng Văn Nọn, Hoàng Quốc Việt, Trường Chinh, Tô Hiệu, Nguyễn Văn Minh, Lương Khánh Thiện, Trần Quý Kiên[18]… Hội nghị đã cử Lương Khánh Thiện làm Bí thư Xứ uỷ lâm thời Bắc Kỳ, kiêm Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Xứ uỷ Bắc Kỳ được thành lập đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức lãnh đạo nhân dân Bắc Kỳ đấu tranh cách mạng giành quyền tự do, dân chủ.

3. Đồng chí Trần Quý Kiên tham gia tái lập Thành ủy Hà Nội, Hải Phòng

 

Tháng 3-1937, Thành ủy Hà Nội chính thức được lập lại do đồng chí Lương Khánh Thiện, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp làm Bí thư. Tham gia Thành ủy có các đồng chí: Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Mạnh Đạt (tức Lộc, Ái), Tạ Quang Sần, Nguyễn Trọng Cảnh (Trần Quốc Hoàn)[19]. Phạm vi hoạt động của Đảng bộ lúc này bao gồm cả Sơn Tây và Hà Đông. Thành uỷ Hà Nội được tái lập đáp ứng được yêu cầu bức thiết của các cơ sở Đảng và quần chúng nhân dân. Từ đây, nhân dân Hà Nội có một cơ quan lãnh đạo chính thức, dẫn dắt quần chúng đứng lên đấu tranh.

 

Tháng 3-1937, Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ Chỉ thị cho Hải Phòng phải nhanh chóng thành lập cơ quan lãnh đạo của Đảng bộ và tăng cường cho đồng chí Đinh Xuân Nhạ[20]. Tháng 4-1937, cuộc họp thành lập Thành ủy Hải Phòng được tổ chức (tại nhà đồng chí Dư, ngõ Đá phố Cát Dài). Tham gia Thành ủy có các đồng chí Nguyễn Văn Cúc (Nguyễn Văn Linh), Nguyễn Văn Túc, Đinh Xuân Nhạ, Nguyễn Văn Vượng, Tư Thành, Hoàng Văn Trành… Đồng chí Nguyễn Văn Túc được cử làm Bí thư Thành ủy[21]. Sự kiện Thành ủy Hải Phòng được tái lập lại đánh dấu kết quả của công tác xây dựng Đảng và cơ sở cách mạng, đồng thời phù hợp với sự phát triển của tình hình thực tế, tạo ra sự thống nhất và hiệu quả trong sự lãnh đạo, tổ chức phong trào.

4. Đồng chí Trần Quý Kiên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ

 

Ngay sau khi thành lập lại, các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương bắt tay vào xây dựng và phát triển cơ sở đảng; vận động quần chúng tích cực triển khai, chắp mối bắt liên lạc với những đảng viên đang hoạt động ở Hà Nội; điều động thêm cán bộ, đảng viên tăng cường vào các xí nghiệp, nhà máy, các ngành nghề và về các vùng nông thôn ngoại thành. Thành ủy thường xuyên tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng đào tạo cán bộ và kết nạp đảng viên mới. Năm 1938, cơ quan lãnh đạo Thành ủy được kiện toàn, đồng chí Đinh Xuân Nhạ (tức Trần Quý Kiên) làm Bí thư Thành ủy[22]; Thành ủy Hà Nội được bổ sung thêm 2 đảng viên đang hoạt động trong phong, trào công nhân là đồng chí Nguyễn Văn Trân và đồng chí Văn Tiến Dũng vào Thành ủy. Trong hồi ký “Đi theo con đường của Bác” của đồng chí Văn Tiến Dũng đã viết: “Anh Đinh Xuân Nhạ – người đã tổ chức tôi vào Đảng những năm trước”[23], “Anh Nhạ lúc đó mở một cửa hàng sửa xe đạp ở gần bến Nứa, đường bờ sông… Hoàn toàn không một ai lúc đó, nếu không phải là đảng viên có trách nhiệm, có thể biết được đây lại là một đồng chí trong Thường vụ Thành ủy Hà Nội (Thành ủy Hà Nội vừa mới được khôi phục lại một năm trước). Anh Nhạ phụ trách về tổ chức, chuyên đi xây dựng lại và tổ chức mới những chi bộ Đảng trong công nhân và lao động”[24].

 

Đây là thời kỳ giới cầm quyền ở chính quốc Pháp và thuộc địa nới lỏng cho nhân dân Đông Dương một số quyền, nên đây là thời kỳ hoạt động động của Đảng Cộng sản Đông Dương nói chung và Xứ ủy Bắc Kỳ trong giai đoạn 1936-1939, có phần thuận lợi hơn so với thời kỳ bị khủng bố trước đó. Các cơ sở Đảng đã được các đồng chí trong Xứ ủy Bắc Kỳ và Thành ủy Hà Nội chắp nối, khôi phục, tái lập và phát triển rộng thêm.

 

Ở vùng phía tây bắc của Hà Nội, Xứ ủy Bắc Kỳ có một chương trình lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ cho cả vùng Sơn Tây, Phúc Thọ, Quốc Oai. Tháng 8-1936, tổ Cộng sản Đa Phúc (Quốc Oai, nay thuộc huyện Phúc Thọ – Hà Nội), tổ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Sơn Tây được thành lập, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Thọ – tức Thoả, Phan Trọng Tuệ và Đào Văn Tiễu. Đầu năm 1938, sau một thời gian theo dõi, đồng chí Trần Quý Kiên, Thường vụ Xứ ủy, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã trực tiếp về Đa Phúc công nhận chi bộ dự bị Đa Phúc là một chi bộ chính thức[25]. Đồng chí Trần Quý Kiên giao nhiệm vụ cho chi bộ là phải lãnh đạo phong trào cách mạng của tỉnh Sơn Tây, dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ Hà Nội.

 

Trong thời gian này, đồng chí Hoàng Lương Hữu, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ là người trực tiếp bồi dưỡng, lựa chọn quần chúng tích cực để xây dựng chi bộ Đảng. Trên cơ sở phát triển đó, ngày 15-5-1938, đồng chí Trần Quý Kiên thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ đã về La Cả tổ chức kết nạp 3 quần chúng là: Dương Nhật Đại (La cả), Nguyễn Quý Bình (Đại Mỗ), Ngô Văn Phát (Thượng Cát) vào Đảng, thành lập chi bộ ghép do đồng chí Dương Nhật Đại làm Bí thư[26]. Xứ ủy giao nhiệm vụ cho chi bộ lãnh đạo phong trào toàn tỉnh, đồng thời lập Ban vận động chuẩn bị thành lập Đảng bộ tỉnh Hà Đông.

 

Tháng 8 năm 1939, đồng chí Trần Quý Kiên về Cát Trù (Cẩm Khê, Phú Thọ) nghiên cứu tình hình, tuyên truyền cách mạng và kết nạp một số hội viên đoàn thể phản đế ở địa phương vào Đảng như các đồng chí Trần Văn Cần, Đặng Ngọc Ky, Lê Quý Đôn, Hoàng Văn Hậu… và lập ra chi bộ Cát Trù – Thạch Đê (hay còn gọi là chi bộ “Đọi Đèn”). Nhằm mở rộng địa bàn, cơ sở ra các vùng xung quanh, đồng chí Lương Khánh Thiện và đồng chí Trần Quý Kiên đã đến Thái Ninh (Thanh Ba) bắt mối liên lạc với đồng chí Quốc Thụy (bí danh là Tuân) tập hợp một số đảng viên bị lộ ở vùng xuôi lên đây hoạt động và thành lập chi bộ đảng Thái Ninh… Đây là một trong những công lao đóng góp của đồng chí Trần Quý Kiên vào quá trình vận động cách mạng tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh Phú Thọ.

 

Tháng 6.1940, đồng chí Trần Quý Kiên bị thực dân Pháp bắt trên đường công tác, ông bị thực dân kết án và giam ở đề lao Bắc Giang.

 

Trong các năm 1941, 1942, mặc dù phong trào cách mạng liên tiếp bị địch khủng bố, cơ sở đảng, cơ sở cách mạng bị địch phá vỡ, nhiều đảng viên trung kiên của đảng bị bắt bớ, nhưng thực dân Pháp vẫn không dập tắt được ngọn lửa các mạng ở khắp các tỉnh Bắc Kỳ. Trong đó có cuộc đấu tranh của tù nhân ở đề lao Bắc Giang dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Quốc Hoàn, Trần Quý Kiên đòi cải thiện chế độ lao tù đã giành được thắng lợi, nhân dân làng Đồng Áng (Hiệp Hòa) đấu tranh đòi lại bãi sa bồi; nhân dân Dĩnh Kế đấu tranh chống Nhật bắt nhổ lúa trồng đay, thầu dầu[27]… đồng chí Trần Quý Kiên, cùng với các đồng chí Chu Đình Xương, Trần Quốc Hoàn, lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống chế độ nhà tù ở đề lao Bắc Giang.

 

Đầu năm 1944, thực dân Pháp đưa đồng chí Trần Quý Kiên từ nhà tù Hỏa Lò lên giam ở nhà tù Sơn La, đây là lần thứ 3 ông bị đưa lên nhà tù Sơn La. Theo hồi ký của đồng Lê Thành[28], viết: “Sau tết năm 1943-1944 vào khoảng đầu tháng 2-1944, đoàn “con Voi” chúng tôi bị đày đi Sơn La… cả đoàn tù khoảng 150 người… suốt chặng đường 12 ngày trót lọt, anh em tương đối khỏe mạnh đều tới Sơn La. Dưới sự chỉ đạo của anh Đinh Xuân Nhạ tức Kiên là đồng chí đã từng ở Sơn La… có kinh nghiệm trong hướng dẫn anh em, cũng như giao dịch với sỹ quan binh lính dẫn đường” [29].

 

Tháng 3-1945, sau khi vượt ngục cùng các đồng chí khác, đồng chí Trần Quý Kiên tìm đường về hoạt động và tiếp tục cống hiến cho Đảng, cho dân tộc. Đồng chí được Trung ương cử tăng cường cho Chiến khu Quang Trung, là 5 người trong Ban Chỉ đạo của Chiến khu, được cử giữ chứ Phó thường trực. Hồi ký của Đại tướng Văn Tiến Dũng viết: “Ủy ban quân sự cách mạng Chiến khu Quang Trung (còn gọi là Ban chỉ đạo) gồm 5 người: anh Ty (tức Trần Qúy Kiên, tức Đinh Xuân Nhạ), mới được Trung ương tăng cường, 3 đồng chí bí thư của 3 tỉnh và tôi phụ trách chung. Nhưng vì còn có trách nhiệm thường trực của Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kỳ, nên tôi không ở liền tại chiến khu được và đồng chí Ty được cử là Phó thường trực. Tôi đi đi, về về và vẫn phải trụ ở địa bản huyện Yên Phong, trong mấy xã bên bờ sông Như Nguyệt”.

 

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, không khí cách mạng sục sôi, cao trào kháng Nhật cứu nước do Đảng lãnh đạo ngày một mạnh mẽ, sâu rộng khắp Bắc, Trung, Nam. Căn cứ du kích mở rộng. Khu giải phóng và quân giải phóng Việt Nam thành lập. Chính quyền địa phương của nhân dân đã lập trên sáu tỉnh thượng du và trung du Bắc Kỳ. Tình hình thế giới và khu vực đang thay đổi có lợi cho cách mạng nước ta: Cuộc tiến công của quân Đồng minh để hạ quân Nhật đã đến giai đoạn quyết định. Ngày 8-8-1945, Hồng quân đã kéo vào Mãn Châu. Ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng vô điều kiện. Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương như đã chín muồi. Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới. Tình thế vô cùng khẩn cấp.

 

Theo hồi ký Đi theo con đường của Bác đồng chí Văn Tiến Dũng viết về tình hình lúc này: “Trước tình hình khẩn cấp đó, Bác Hồ và Trung ương Đảng chủ trương cấp tốc triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân TràoĐại biểu của các đảng bộ Bắc, Trung, Nam, các chiến khu, các vùng giải phóng… mau lẹ về “Thủ đô cách mạng” để dự cuộc hội nghị lịch sử trọng đại này. Tôi cùng một số đại biểu của Xứ ủy và của Chiến khu Quang Trung cấp tốc lên đường. Bấy giờ là đầu tháng 8. Còn đang mùa mưa lũ. Sông, suối, nước còn mênh mông, đi lại rất khó khăn, thêm nữa dẫu sao ở dọc đường một số nơi giặc Nhật và tay sai vẫn còn hoạt động bắt bớ…Chúng tôi ra đi hăm hở và lòng đầy tin tưởng… lên hội nghị chắc chắn sẽ được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc… Hội nghị khai mạc ngày 14 tháng 8 năm 1945. Không khí hết sức trang trọng, thiêng liêng. Đúng ngày khai mạc thì nhận được tin phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng Minh!…

 

Nói cho đúng, đoàn chúng tôi đâu có kịp dự Hội nghị! Vừa tới báo cáo, còn ở ngoài trạm (Sơn Dương – Tuyên Quang), Bác đã Chỉ thị quay về ngay, quay về gấp, kẻo không kịp hành động” [30].

 

Sau khi các đồng chí Văn Tiến Dũng, Trần Quý Kiên… không kịp tới dự Hội nghị toàn quốc của Đảng, Lệnh khởi nghĩa đã phát ra, theo lời Chỉ thị của Bác các đồng chí quay về ngay, về gấp, kẻo không kịp hành động. Trong hồi ký đồng chí Văn Tiến Dũng viết: “Tôi về tới Yên Phong gặp ngay nữ đồng chí Minh – cán bộ phụ trách huyện… Nghe tình hình và dặn dò chị Minh mấy việc để củng cố, giữ vững chính quyền, ổn định tình hình, anh Ty và tôi về thẳng Hà Nội. Hà Nội cũng đã xong. Tôi gặp anh Nguyễn Khang ở Bắc Bộ phủ. Trao đổi vắn tắt tình hình với anh, tôi lại cấp tốc lên đường, xuống thẳng Ninh Bình. Cũng như nhiều nơi khác, Ninh Bình đã giành được chính quyền trọn vẹn…” [31].

 

5. Kết luận

 

Đồng chí Trần Quý Kiên (còn gọi là Đinh Xuân Nhạ, Dương Văn Ty) người chiến sĩ cộng sản tiêu biểu thời xây dựng đảng. Từ năm 1930-1945, trong suốt chặng đường cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi kết nạp Đảng năm 1930, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, do vậy mà nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam, trải qua tù đày khắc nghiệt, tra tấn dã man của ngục tù đế quốc; bị thực dân Pháp liệt vào phần tử nguy hiểm nên giam giữ ở nhiều nhà tù khác nhau từ Hỏa Lò, Sơn La (3 lần), nhà lao Hải Phòng, nhà lao Bắc Giang, trại căng Bá Vân (Thái Nguyên), Nghĩa Lộ (Yên Bái). Năm 1936, sau khi ra tù ông đã tham gia ngay cùng với các đồng chí chủ chốt của Đảng khi ấy như Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Minh… tái lập lại Xứ uỷ Bắc Kỳ trên cơ sở Ủy ban sáng kiến (cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ ủy Bắc Kỳ). Sau đó, ông còn tham gia tái lập hàng loạt các Đảng bộ, Thành ủy, Tỉnh ủy như Thành ủy Hà Nội, Hải Phòng, Hà Đông, Sơn Tây, Phú Thọ… Đến năm 1938 trực tiếp làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, rồi Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ cho đến khi bị bắt và bị thực dân Pháp đưa lên giam ở nhà tù Sơn La lần thứ 3.

Sau năm 1945, ông còn trải qua nhiều chức vụ cao cấp của Đảng và Nhà nước ta, như: Phó Văn phòng Thủ tướng*, Bí thư Đảng ủy Dân chính đảng Trung ương, Phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Thủy lợi, Thứ trưởng Bộ Thủy Lợi… Hoạt động và cống hiến của đồng chí Trần Quý Kiên đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc là rất to lớn. Với những cống hiến lớn lao cho Đảng và dân tộc[32], đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý: Huân chương kháng chiến hạng nhất (1961), Huân chương Lao động hạng nhất (1965), Huân chương Hồ Chí Minh (truy tặng, 2003), Huân chương Sao vàng (truy tặng, 2018).

 


[1] Theo Lý lịch tự thuật của đồng chí Trần Quý Kiên tại Ban Tổ chức Trung ương, viết ngày 15-8-1952, được lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, khai tên thật là Đinh Xuân Nhạ, bí danh là Trần Quý Kiên, trong những năm 1945-1946, khi là phái viên của Chính phủ tại Sơn La, Lai Châu đồng chí Trần Quý Kiên lấy tên là Dương Văn Ty.

[2] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Nxb Hà Nội, 2004, tr.54.

[3] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.57.

[4] Đặng Văn Thái (chủ biên), Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2007. Hồi ký của đồng chí Trần Bảo viết là nhà tù Côn Đảo đã chật người, Trần Bảo, Hạt cát (hồi ký), Sđd, tr.203.

[5] Đặng Văn Thái (chủ biên), Lê Duẩn tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2007.

[6] Hồ sơ cá nhân Đinh Xuân Nhạ của nhà tù Sơn La, lưu tại Bảo tàng Sơn La.

[7] Đặng Việt Châu, Trường học cuộc đời (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, 1996, tr.247.

[8] Có ý kiến cho rằng Hội đồng thống nhất là tổ chức tiền thân của Chi bộ Nhà tù Sơn La và cho rằng Chi bộ Nhà tù Sơn La có từ năm 1935. Trong Hồi ký Trường học cuộc đời của Phó Thủ tướng Đặng Việt Châu có nhiều lần nhắc đến Chi bộ Nhà tù Sơn La thời điểm năm 1935, như: “một Ủy ban thống nhất tù chính trị gọi là Hội đồng thống nhất được thành lập… Hội dồng có điều lệ hoạt động, quyền hạn và trách nhiệm hẳn hoi, có các ban, các tổ phụ trách công tác chuyên môn… Chi bộ chủ trương không hoạt động công khai, không ra sách báo như ở Hỏa Lò Hà Nội… Chi bộ không họp định kỳ một cách hình thức, chỉ họp khi thấy cần thiết, còn thường xuyên để Hội đông thống nhất, các ban và các tổ làm việc”.

Từ trước đến nay nhiều tài liệu, công trình viết Chi bộ Nhà tù Sơn La được thành lập từ tháng 12-1939.

[9] Đặng Việt Châu, Trường học cuộc đời (Hồi ký), Sđd, tr.252.

[10] Đặng Việt Châu, Trường học cuộc đời, Sđd, tr.276.

[11] Phạm Hồng Chương (chủ biên), Trường Chinh tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2007.

[12] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, 62.

[13] Lê Thanh Nghị, Trọn một cuộc đời (hồi ký), Nxb Sự Thật, 1989, tr.102-103.

[14] Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.62.

[15] Trần Minh Trưởng (Chủ biên), Nguyễn Văn Cừ tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, 2007, tr.103.

[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, 2002, tr.300.

[17] Việc thống nhất các tổ chức của Đảng (ở Bắc Kỳ, ở Trung Kỳ và ở Nam Kỳ) được chính thức thực hiện tại Hội nghị cán bộ họp ngày 13 và 14 tháng 3-1937… đến tháng 9-1937, tổng số đảng viên trong cả nước có 925 đồng chí, trong đó Nam Kỳ: 590 đồng chí (85 đồng chí người Hoa), Trung Kỳ 218 đồng chí, Bắc Kỳ 117 đồng chí (chưa tính số đảng viên hoạt động hợp pháp), dẫn theo Văn kiện Đảng toàn tập, tập 6, Sđd, tr.300.

[18] Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sơn La, Chi bộ nhà tù Sơn La – giá trị lịch sử và hiện thực, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr.299.

[19] Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội, Sđd, tr.63.

[20] Nguyên văn viết là Đinh Văn Nhạ

[21] Ban Chấp hành Đảng bộ Hải Phòng, Lịch sử Đảng bộ Hải Phòng, tập I (1925-1955), Nxb Hải Phòng, 1991, tr.137.

[22] Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ Thành phố Hà Nội (1930-2000), Sđd, tr.70.

[23] Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, 2004, tr.172.

[24] Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Sđd, tr.36.

[25] Đồng chí Phan Trọng Tuệ là Bí thư Chi bộ đầu tiên của Chi bộ Đa Phúc, dẫn theo Phan Trọng Tuệ, vị tướng – Bộ trưởng đức độ, tài năng, Nxb Giao thông vận tải, 2005, tr.8.

[26] Tỉnh ủy Hà Tây, Lịch sử Đảng bộ Hà Tây, xuất bản năm 1992, tr.90. Ban Chấp hành Đảng bộ quận Hà Đông, Lịch sử Đảng bộ Quận Hà Đông (1926 – 2010), Nxb Hà Nội, 2014, tr.55.

[27] Tỉnh ủy Bắc Giang, Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, tập I (1926-1975), Nxb Chính trị quốc gia, 2003, tr.78.

[28] Lê Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương.

[29] Hồi ký của đồng chí Lê Thành viết về Nhà tù Sơn La lưu tại Bảo tàng tỉnh Sơn La.

[30] Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác, Nxb Quân đội nhân dân, 2004, tr.216.

[31] Văn Tiến Dũng, Đi theo con đường của Bác (Hồi ức), Sđd, tr.217.

* Còn gọi là Thứ trưởng Thủ tướng Phủ. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ ngày nay.

[32] Đồng chí Trần Quý Kiên mất ngày 9-8-1965, khi đang công tác ở Bộ Thủy lợi, khi mới 54 tuổi.

 

Rate this post