Đồng chí Nguyễn Phong Sắc- Người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
Tháng 3/1929, đồng chí tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Tháng 6/1929, đồng chí tham dự hội nghị thành lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng và được cử là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời.
Tháng 2/1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Ðảng. Tháng 10/1930, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ nhất của Ðảng, đồng chí được bầu là Ủy viên Thường vụ Trung ương Ðảng, phụ trách hệ thống tổ chức Ðảng ở Trung Kỳ. Ngày 3/5/1931, đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị mật thám Pháp bắt tại Hà Nội và sáng ngày 25/5/1931 đồng chí đã oanh liệt hy sinh. Cuộc đời cách mạng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc tuy ngắn ngủi, nhưng hết sức cao đẹp, vẻ vang và có nhiều cống hiến to lớn đối với sự nghiệp cách mạng trong buổi đầu thành lập Ðảng.
1. Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc, một trí thức yêu nước nhiệt thành, người tham gia sáng lập Ðông Dương Cộng sản Ðảng – một trong những tổ chức tiền thân của Ðảng Cộng sản Việt Nam
Kế thừa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương và gia đình, đặc biệt là tấm gương của thân phụ – một chiến sĩ yêu nước từng tham gia đấu tranh chống Pháp, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã sớm mang trong mình tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh chống áp bức, bất công. Ðồng chí là một trong những hội viên đầu tiên ở Hà Nội của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Với nhiệt huyết cách mạng của tuổi trẻ, đồng chí đã hăng hái tham gia tuyên truyền, kết nạp hội viên, phát triển tổ chức và được cử tham gia Ban Chấp hành Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội ngay khi được thành lập.
Tháng 9/1928, tại Ðại hội đại biểu lần thứ nhất Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tích cực ủng hộ và nêu gương đi đầu về thực hiện chủ trương đưa các hội viên đi “vô sản hóa”, để đẩy mạnh tuyên truyền, giác ngộ công nhân, nông dân và giáo dục, rèn luyện hội viên. Với những hoạt động cách mạng tích cực ấy, đồng chí đã được bầu vào Ban Chấp hành Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ.
Nhận thức rõ sự cần thiết phải thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng Việt Nam, ngày 7/3/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc và 7 hội viên tiên tiến của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ đã họp bàn và quyết định thành lập Chi bộ Cộng sản gồm 8 đảng viên. Ðây là bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Từ một trí thức yêu nước nhiệt thành, đồng chí đã trở thành một trong những người cộng sản Việt Nam đầu tiên ở trong nước và là một thành viên sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Là Ủy viên phụ trách tuyên truyền của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phong Sắc rất chú trọng đẩy mạnh “vô sản hóa”, thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ và tích cực để chuẩn bị cho sự ra đời của Ðông Dương Cộng sản Ðảng. Với những đóng góp và vai trò nổi bật trong phong trào cách mạng, đồng chí đã được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Ðông Dương Cộng sản Ðảng.
Tháng 7/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc vào Trung Kỳ để xây dựng hệ thống tổ chức của Ðảng. Với tài năng tổ chức và phong cách làm việc sâu sát, gắn bó mật thiết với quần chúng trong các xóm thợ, vùng quê, đồng chí đã nhanh chóng thành lập Kỳ bộ Ðông Dương Cộng sản Ðảng Trung Kỳ do đồng chí làm Bí thư. Vừa chỉ đạo và trực tiếp xây dựng các cơ sở Ðảng ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế…, đồng chí đã rất quan tâm đến công tác tuyên truyền và xây dựng các đoàn thể quần chúng. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, các tờ báo Bônsơvích, Công hội, Công Nông Binh, Xích Sinh, đã ra đời và làm tốt nhiệm vụ “người tuyên truyền, cổ động tập thể, người tổ chức tập thể”; đồng thời, các tổ chức Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Sinh hội đỏ cũng được thành lập, phát triển mạnh mẽ ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác ở Trung Kỳ.
Mùa Xuân năm 1930, Ðảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí Nguyễn Phong Sắc được cử là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Sự ra đời của Ðảng Cộng sản Việt Nam là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Ðó là kết quả của quá trình được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đưa đến bước phát triển nhảy vọt về chất trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam; đồng thời là thành quả của những hoạt động tích cực, sáng tạo của những người cộng sản ưu tú, tiên phong, trong đó có vai trò và đóng góp quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc.
2. Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Ðảng và cách mạng Việt Nam
Sau ngày Ðảng ta ra đời, trên cương vị Ủy viên Trung ương, rồi Ủy viên Thường vụ Trung ương Ðảng, được phân công trực tiếp chỉ đạo hệ thống tổ chức Ðảng và phong trào cách mạng ở Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã có những cống hiến to lớn đối với cách mạng Việt Nam. Ðồng chí đã chủ trì kiện toàn và thống nhất cơ quan lãnh đạo của Ðảng ở Trung Kỳ, lập ra Phân cục Trung ương Ðảng Cộng sản Việt Nam ở Trung Kỳ và chỉ đạo thành lập các Tỉnh ủy Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam trong tháng 3 và tháng 4/1930, sau đó là các Tỉnh ủy Ðà Nẵng và Quảng Ngãi, tạo đà cho hệ thống tổ chức Ðảng và các tổ chức quần chúng phát triển rộng khắp. Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú trọng gắn công tác xây dựng Ðảng với phong trào đấu tranh của quần chúng. Ðồng chí đã trực tiếp tổ chức và tham gia giảng dạy nhiều lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, đảng viên; chỉ đạo tăng cường công tác báo chí và tuyên truyền cách mạng. Ðây là cơ sở cho sự bùng nổ của cao trào cách mạng trong những năm 1930-1931.
Nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, thực hiện chủ trương của Trung ương Ðảng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo tổ chức các cuộc mít-tinh, tuần hành, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn, diễn thuyết,… ở nhiều tỉnh Trung Kỳ, đặc biệt ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ðồng chí đã theo sát, trực tiếp chỉ đạo, đồng thời động viên, hướng dẫn cấp ủy đảng các cấp tổ chức quần chúng đấu tranh, trở thành linh hồn của phong trào Xô viết Nghệ-Tĩnh.
Phong trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là Xô viết Nghệ-Tĩnh, là mốc son chói lọi trong lịch sử cách mạng Việt Nam, thể hiện rõ vai trò, bản lĩnh, uy tín, sức chiến đấu và khả năng to lớn của Ðảng ta trong lãnh đạo, tổ chức nhân dân đấu tranh làm nên lịch sử; là thành quả chung của biết bao cán bộ, đảng viên ưu tú và quần chúng trung kiên đã không quản hiểm nguy, đấu tranh, anh dũng hy sinh dưới cờ Ðảng, trong đó có vai trò và dấu ấn hết sức quan trọng của đồng chí Nguyễn Phong Sắc. Khi cao trào Xô viết Nghệ-Tĩnh bị chính quyền thực dân, phong kiến đàn áp đẫm máu, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã chỉ đạo các chi bộ Ðảng tuyệt đối bảo đảm bí mật, tích cực xây dựng các đoàn thể quần chúng, tuyên truyền, động viên, củng cố tinh thần cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng chống lại âm mưu lung lạc, dụ dỗ của kẻ địch.
3. Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc- tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực
Là một học sinh có thành tích học tập xuất sắc, được chính quyền thực dân cho đi du học ở Pháp để đào tạo thành quan chức trong bộ máy cai trị thuộc địa, nhưng với tinh thần yêu nước, ý chí chống áp bức, bất công, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã dứt khoát từ chối. Vào làm việc và trở thành một viên chức cao cấp trong Sở Tài chính Ðông Dương với mức lương cao, có cuộc sống sung túc, nhưng đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã từ bỏ con đường “vinh thân phì gia” để lựa chọn sự nghiệp cách mạng đầy gian khổ, hiểm nguy, nhưng hết sức vẻ vang, cao đẹp.
Trở thành người đảng viên cộng sản, đồng chí đã phấn đấu, hy sinh trọn đời cho mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của Ðảng, tận tụy cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Ðồng chí là tấm gương tiêu biểu về phẩm chất cao quý của người chiến sĩ cộng sản luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, yêu thương đồng bào, đồng chí và được đồng chí, đồng bào tin yêu, cảm phục, hết lòng che chở, bảo vệ. Dù trong hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn đặt lợi ích của Ðảng, của dân tộc lên trên hết và trước hết, kiên quyết giữ vững tinh thần cách mạng son sắt, kiên định.
Bị kẻ địch bắt và tra tấn dã man, nhưng đồng chí Nguyễn Phong Sắc vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Không khuất phục được người chiến sĩ cộng sản kiên trung, thực dân Pháp đê hèn đã đưa đồng chí đi xử bắn. Ðồng chí anh dũng hy sinh, nhưng tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực của đồng chí vẫn sống mãi với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc.
4. Ðồng chí Nguyễn Phong Sắc- người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội
Hà Nội là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước, nơi hội tụ hồn thiêng sông núi và những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu truyền thống văn hiến và anh hùng, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã sớm kế thừa, phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương, từ đó hình thành nên chí hướng cách mạng cứu nước, cứu dân. Hà Nội đã ghi dấu hành trình người thanh niên Nguyễn Phong Sắc từ chủ nghĩa yêu nước chân chính đến với con đường cách mạng vô sản, trở thành người chiến sĩ cộng sản ưu tú, một trong những người cộng sản đầu tiên ở Việt Nam.
Là nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Ðảng và cách mạng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã làm rạng rỡ thêm truyền thống cách mạng hào hùng của Hà Nội, là niềm vinh dự, tự hào của Ðảng bộ và nhân dân Thủ đô. Học tập, noi gương đồng chí, Ðảng bộ và nhân dân Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng và Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ thành phố lần thứ XVII, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng đáng với danh hiệu “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.
Kính thưa các đồng chí!
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Nguyễn Phong Sắc, chúng ta tưởng nhớ và tri ân người chiến sĩ cộng sản tiên phong của Ðảng và dân tộc, người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Vinh dự, tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang của cách mạng Việt Nam, chúng ta càng ý thức sâu sắc trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương quyết tâm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW và Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; cùng đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nhất là trong việc thích ứng linh hoạt, an toàn và kiểm soát có hiệu quả đại dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, xứng đáng với sự cống hiến, hy sinh to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và của toàn dân tộc ta.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí! ■