Đồng chí Lê Thanh Vân: Cả cuộc đời gắn bó với công tác An ninh chính trị

Lúc nhỏ, Lê Thanh Vân là học sinh của Trường Collège Mỹ Tho, sau đó học ở Pétrus Ký Sài Gòn tới bậc tú tài nên sau này mọi người gọi là Năm Tú. Phong trào yêu nước đã bắt đầu được xây dựng từ trong lớp trẻ, học sinh của trường Pétrus Ký Sài Gòn, trong đó có đồng chí Lê Thanh Vân. Sau ngày khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra, đồng chí Lê Thanh Vân bắt đầu tham gia thanh niên Tiền phong, Quốc gia Tự vệ cuộc – Ty Công an Sài Gòn – Chợ Lớn.

Năm 1945, đồng chí Lê Thanh Vân tham gia cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám với vai trò chiến sĩ Quốc gia Tự vệ cuộc. Khi thời cơ cách mạng đã đến, theo kế hoạch đã đề ra, ngày 25 tháng 8 năm 1945 diễn ra cuộc biểu tình vũ trang của đông đảo quần chúng Nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn và các tỉnh xung quanh, sau đó ra mắt Ủy ban Hành chính lâm thời. Các cửa ngõ vào thành phố đã được các tổ vũ trang của Công đoàn và Thanh niên Tiền phong chiếm giữ. Khoảng 19 giờ, sau khi nghe phổ biến lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, các Đội tự vệ vũ trang của Thanh niên Tiền phong, Công đoàn tiến hành chiếm các điểm quan trọng như: Dinh Khâm sai, Dinh Đốc lý, Sở Mật thám. Đồng chí Lê Thanh Vân (lúc này tên là Trần Văn Tú) cùng đồng chí Cao Đăng Chiếm (Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Thứ Trưởng Bộ Công an, Nguyên Phó ban An ninh Miền Nam) được Quốc gia Tự vệ cuộc Nam Bộ giao nhiệm vụ hỗ trợ Đội xung phong thuộc Đoàn Thanh niên Tiền phong Lê Lai đánh chiếm Dinh Khâm sai (nay là trụ sở Bảo tàng Cách mạng). Đồng chí Lê Thanh Vân chính là người tháo lá cờ quẻ ly (biểu tượng của phát xít Nhật và tay sai), treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam lên. Sự kiện trên đã đánh dấu thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám tại Nam Kỳ, báo hiệu sự sụp đổ của chế độ phát xít và tay sai.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954), đồng chí Lê Thanh Vân lần lượt giữ các chức vụ là Thư ký Ủy ban Kháng chiến miền Nam, Phó phòng, Trưởng phòng Trinh sát Ty Công an Sài Gòn – Chợ Lớn, Phó Ty Công an Sài Gòn – Chợ Lớn, Trưởng Ty Công an Sài Gòn – Chợ Lớn, Phó Ban Điệp báo Sở Công an Nam Bộ, đã có nhiều đóng góp cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Với chức trách là người trực tiếp phụ trách, chỉ đạo công tác trinh sát của lực lượng Công an Sài Gòn – Chợ Lớn gần suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Lê Thanh Vân đã có nhiều đóng góp trong việc tổ chức, xây dựng, phát triển công tác trinh sát. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, mạng lưới trinh sát của Công an Đặc khu Sài Gòn – Chợ Lớn phát triển đến hầu hết các cơ quan đầu não quan trọng của địch và các tổ chức, đảng phái phản động như: Sở Mật thám Nam kỳ, Sở Chiêu hồi – Chiêu hàng, Cơ quan Thủ hiến Nam Việt, Cảng Sài Gòn, đạo Cao Đài (Tây Ninh), đảng Đại Việt, lực lượng Bình Xuyên… Nhờ vậy, ta đã thu thập được nhiều tin tức địch tình (tình hình của địch) phong phú, đa dạng, trong đó có nhiều nguồn tin có giá trị chiến lược, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến của quân, dân thành phố và Nam Bộ.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975), đồng chí Lê Thanh Vân lần lượt giữ chức vụ cán bộ, Phó phòng, Trưởng phòng, Cục phó, Cục trưởng Cục Phái khiển (Cục C49) – Bộ Công an; Đảng ủy viên Đảng Đoàn Bộ Công an; Phó Ban An ninh Sài Gòn – Gia Định; Khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn – Gia Định tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam. Khi được điều động giữ chức Phó Ban An ninh Khu Sài Gòn – Gia Định, kiêm Trưởng Tiểu ban Điệp báo, đồng chí Lê Thanh Vân đã từng bước góp phần giúp cho công tác điệp báo được củng cố phát triển mạnh, tạo thành thế trận điệp báo sâu rộng trong lòng địch; kịp thời phục vụ lãnh đạo hoạch định chiến lược, sách lược đánh giặc làm thất bại những âm mưu của Mỹ ngụy; góp phần quan trọng vào thắng lợi cuối cùng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đồng chí Lê Thanh Vân phụ trách cánh đô thị của An ninh Khu Sài Gòn – Gia Định trực tiếp chỉ đạo chiếm lĩnh Bộ Chỉ huy Cảnh sát Đô thành, đảm bảo nguyên vẹn các hồ sơ tài liệu được lưu giữ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Lê Thanh Vân tiếp tục công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và được giao những trọng trách quan trọng như: Thành ủy viên, Phó Giám đốc Công an Thành phố; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an Thành phố; Trưởng Ban Nội chính Thành ủy. Bước vào thời kỳ đổi mới, cả nước thống nhất thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng chí Lê Thanh Vân cùng với ban lãnh đạo An ninh – Nội chính Thành phố (tiền thân của Công an Thành phố Hồ Chí Minh) nhanh chóng tổ chức triển khai các mặt công tác, phục vụ nhiệm vụ trước mắt của Thành phố là ổn định đời sống kinh tế – xã hội, thiết lập chính quyền cách mạng và trấn áp các tàn dư phản động cả về chính trị lẫn quân sự.

Giai đoạn từ năm 1976 đến năm 1979, đồng chí Lê Thanh Vân đã cùng với tập thể Đảng ủy – Ban Giám đốc Sở Công an Thành phố tập trung chỉ đạo, huy động các lực lượng, liên tục tấn công trấn áp, phá rã hàng trăm tổ chức, nhen nhóm phản động, truy bắt nhiều tên phản động đầu sỏ nguy hiểm, phá tan nhiều âm mưu chuẩn bị gây biến động chính trị, họat động vũ trang, phá nhiều tổ chức khi chúng mới hình thành. Trong những năm 1980, lực lượng Công an Thành phố do đồng chí Lê Thanh Vân làm Giám đốc đã kịp thời tham mưu, đề xuất nhiều chương trình, kế hoạch hành động ở hai lĩnh vực chính là chống địch phá hoại kinh tế và chống địch phá hoại chính trị, tư tưởng, văn hoá. Ở lĩnh vực đấu tranh chống địch phá hoại kinh tế, Công an Thành phố tập trung chỉ đạo làm rõ các vụ án, góp phần ổn định từng bước tình hình sản xuât, xuất nhập khẩu, phân phối lưu thông cả địa bàn Thành phố. Ở lĩnh vực tư tưởng – văn hoá, đã phối hợp với các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục quần chúng, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự xâm nhập của nhiều loại văn hoá phẩm đồi trụy, phản động, vạch trần những luận điệu chiến tranh tâm lý của địch. Các mặt công tác đấu tranh chống gián điệp, phản động, chống người trốn ra nước ngoài, chống tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội… cũng đạt được nhiều thành tích.

Năm 1987, đồng chí Lê Thanh Vân chuyển sang công tác tại Ban Nội chính Thành ủy và giữ chức vụ Trưởng Ban, đồng chí công tác tại đây đến khi nghỉ hưu. Trên cương vị Trưởng Ban Nội chính, đồng chí Lê Thanh Vân đã tham mưu cho Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cụ thể hóa, thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết về công tác an ninh, đề xuất nhiều giải pháp hiệu quả trên lĩnh vực tư pháp, qua đó góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tăng cường giữ vững kỷ cương pháp luật.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, bên cạnh những cống hiến, những chiến công đã lập trong hai cuộc kháng chiến đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc bảo vệ xây dựng Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng chí Lê Thanh Vân luôn tận tâm, tận sức với sự nghiệp cách mạng, trong công tác đồng chí luôn nêu cao tinh thần tự giác, không ngại nguy hiểm, khó khăn, gian khổ, tuyệt đối luôn chấp hành mệnh lệnh, chỉ thị cấp trên, nghiêm túc thực hiện phương châm, nguyên tắc đánh địch, đảm bảo tuyệt đối bí mật cho lực lượng, quyết liệt với kẻ thù nhưng cũng rất nhân văn; trong cuộc sống đồng chí luôn nêu cao phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ lối sống lành mạnh, khiêm tốn, giản dị, trung thực, cương trực, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, gương mẫu với đồng đội nhất là các đồng chí tham gia suốt cuộc chiến tranh, được đồng chí đồng đội quý mến, kính trọng.

Đồng chí từ trần năm 2005. Với những đóng góp cho cách mạng, đồng chí Lê Thanh Vân đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất. Ngày 13 tháng 6 năm 2016 Chủ tịch nước đã có Quyết định số 1195/QĐ-CTN về việc truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân cho đồng chí Lê Thanh Vân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Rate this post