Độc đáo sáo diều Song An

2,036 lượt xem

0

lượt thích

Thú chơi diều sáo ở xã Song An, huyện Vũ Thư có từ hàng trăm năm. Đến nay, môn nghệ thuật dân gian tao nhã này vẫn đang được nối truyền qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ thể hiện nét đẹp truyền thống với đặc trưng riêng của làng quê mà còn gửi gắm trong đó nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống.

Diều sáo ở xã Song An, huyện Vũ Thư

Đến xã Song An, huyện Vũ Thư sẽ dễ bắt gặp hình ảnh của những gia đình nhiều thế hệ làm diều sáo – một thú chơi dân dã từ bao đời nay. Với đủ kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng, những chiếc diều được thiết kế tỷ mỷ và công phu. Và dù có nhiều hình dáng như diều con bướm, diều con công,.. thì diều cánh cung hay còn gọi là diều cung trăng, vẫn là mẫu diều được người chơi ưa chuộng nhất, không chỉ bởi đẹp mắt mà thường được sử dụng làm diều sáo. 

Diều ngày nay không chỉ được bằng tre mà còn được các thợ diều đưa vào những vật liệu bắt mắt và tiện lợi hơn

Còn về sáo thì có bộ sáo chỉ 3 chiếc nhỏ nhưng có bộ lên 9 ống lớn. Tiếng sáo trong trẻo, âm thanh giữa các sáo trong bộ sáo phải phối hợp với nhau hài hoà, ngọt ngào, du dương.

Bộ sáo càng nhiều ống, càng to thì càng đòi hỏi tay nghề người thợ làm sáo điêu luyện hơn

Ông Đinh Công Hán – Thôn Gián Nghị, xã Song An, huyện Vũ Thư:

Phong tục mấy trăm năm nay chúng tôi cũng duy trì, dần dần già đì thì truyền cho các cháu sau này!

Anh Nguyễn Hoàng Đức – Thôn Gián Nghị, xã Song An, huyện Vũ Thư:

Từ trước đến giờ cha ông các cụ để lại nên bọn em tiến bước noi theo. Chơi thì lành mạnh nhưng theo đuổi nó cũng lắm công phu lắm!

Nghệ thuật chơi diều sáo ở Song An gắn với tích cổ xưa của ngôi Sáo Đền – nơi thờ quốc mẫu Ngô Thị Ngọc Dao – mẹ của vua Lê Thánh Tông. Bà có thú chơi diều sáo, được truyền từ cậu ruột là Quốc công Ðinh Lễ. Tục thả diều nhằm tưởng nhớ ông, vị tướng lĩnh tài ba trong khởi nghĩa Lam Sơn. Trong những năm chiến đấu, ông chỉ huy nghĩa quân đóng quân ở núi Tùng Lĩnh (Hà Tĩnh) kết hợp khai khẩn, trồng cấy ở bờ sông La Giang để tự cấp lương thực. Ðinh Lễ chỉ dẫn binh sĩ làm cánh diều cong như vành trăng khuyết, đục các bộ sáo với kích cỡ khác nhau rồi cùng binh sĩ thả diều.

Những chiếc diều sáo được thờ trang trọng trong hậu cung Đền Sáo, xã Song An, huyện Vũ Thư

Để tỏ lòng thành kính với đấng sinh thành, khi Quang thục Hoàng thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao mất, vua Lê Thánh Tông đã cho xây ngôi đền mẫu, nay là đền sáo xã Song An. Nghệ thuật chơi diều sáo được lưu giữ đến tận ngày hôm nay. Và cứ đến 25/3 âm lịch, để tưởng nhớ đến các vị tiền nhân, người dân xã Song An lại mở hội, gọi là hội Sáo Ðền, tức là hội có thi thả diều sáo.

Diều sáo dự thi tại lễ hội Sáo đền tổ chức vào 25/3 âm lịchRước sáo diềuThi thả diều qua câu liêm

Ông Vũ Văn Chính – thủ nhang đền mẫu Sáo đền, xã Song An, huyện Vũ Thư: 

Với truyền thống của quê hương, trước đây theo phong tục của địa phương, chư vị tiền nhân cho binh sĩ làm diều, làm sáo thả trên bầu trời vừa cấy cày, đánh giặc. Nối tiếp ông cha để lại, hàng năm cứ đến ngày hội 25/3 âm lịch thì địa phương lại tổ chức thi diều sáo, trong đó có tục thi thả diều độc đáo, riêng có ở đây: thả diều qua câu liêm.

Niềm đam mê sáo diều đang được người dân Song An nối truyền hàng trăm đời nay. Những con diều thể hiện khát vọng tự do, cầu mong thuận buồm xuôi gió trong làm ăn cũng như trong cuộc sống.

Chính nét đẹp truyền thống của nghệ thuật dân gian tao nhã này mà Bộ VH-TT&DL đã công nhận tục chơi sáo diều trong lễ hội Sáo đền là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây không chỉ là niềm vui của người dân xã Song An nói riêng mà của tỉnh Thái Bình nói chung.

Hoài Thu

Rate this post