Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh
Quá trình hình thành và phát triển đoàn luật sư ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
I. SÀI GÒN: CÁI NÔI CỦA NGHỀ LUẬT SƯ VIỆT NAM
1. Ngày 26-11-1867, Thống đốc Nam Kỳ De La Grandière ban hành Nghị định về việc hành nghề bào chữa trước các Tòa án Pháp. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên về nghề luật sư được chính quyền thực dân ban hành ở xứ “Nam Kỳ thuộc Pháp”. Người hành nghề bào chữa lúc đó gọi là “biện hộ viên” (Défenseur); sau (từ 1884) gọi là “luật sư biện hộ” (Avocat défenseur).
2. Sau khi thôn tính cả nước Việt Nam (1883-1884), năm 1887 Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, gồm thuộc địa Nam Kỳ và 3 xứ bảo hộ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Cao Miên (Cambodge)). Sau có thêm Lào (1899) và Quảng Châu Loan (1900).
Đến năm 1911, có một cuộc cải tiến quan trọng theo Sắc lệnh ngày 30-1-1911, các luật sư bào chữa ở Đông Dương được lập thành hai danh biểu: một danh biểu ở Sài Gòn bào chữa tại các tòa án ở Nam Kỳ và Cao Miên (Campuchia); một danh biểu ở Hà Nội bào chữa tại các tòa án ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Trong thời kỳ này, chỉ có một vài luật sư Đông Dương người Việt đã vào Pháp tịch. Ở Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn có các luật sư người Việt quốc tịch Pháp như: Luật sư Phan Văn Trường (1876-1933), Luật sư Trịnh Đình Thảo (1901-1986), Luật sư Bùi Thị Cẩm (1912-?)… Các luật sư này đều học luật và đỗ bằng Tiến sĩ Luật ở Pháp.
Qua lịch sử nghề nghiệp, có thể nói Luật sư Phan Văn Trường là nam luật sư đầu tiên, Luật sư Bùi Thị Cẩm là nữ luật sư đầu tiên người Việt Nam, cả hai luật sư tiền bối này lúc đó là thành viên của Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn.
3. Đến năm 1931, do Sắc lệnh ngày 25-5-1930 được sửa đổi, bổ sung bởi Sắc lệnh ngày 21-7-1931, có cuộc cải tổ quan trọng nhất: danh hiệu “luật sư bào chữa” được rút gọn thành “luật sư” (Avocat), xã hội vẫn thường gọi là “trạng sư”; ngoài những công dân Pháp, người Đông Dương cũng được phép làm luật sư.
Quy chế này được áp dụng tới ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong giai đoạn này, số lượng luật sư người Việt tăng lên đáng kể, dần dần chiếm đa số trong Luật sư đoàn Tòa Thượng thẩm Sài Gòn. Các luật sư có tên tuổi nổi tiếng ở Sài Gòn thời kỳ này có thể kể đến là: Phan Văn Trường (1876-1933), Trịnh Đình Thảo (1901-1986), Nguyễn Hữu Thọ (1910-1996), Phạm Văn Bạch (1910-1986), Phạm Ngọc Thuần (1914-2002), Bùi Thị Cẩm (1912-?), Trần Công Tường (1915-1991), Nguyễn Thành Vĩnh (1904-1995), Thái Văn Lung (1916-1946), Vương Quang Nhường (1902- 1963), Nguyễn Văn Huyền (1913-1995), Trần Ngọc Liễng (1923-2011)…
Sau khi Việt Nam giành được độc lập, thống nhất nước nhà, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vốn hành nghề ở Sài Gòn và các tỉnh miền Tây vào những năm 30 trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đã tham gia lãnh đạo đấu tranh giải phóng dân tộc và trở thành Quyền Chủ tịch nước (1980-1981), Chủ tịch Quốc hội (1981-1987), Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-2002) nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
II. SAU CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945, LUẬT SƯ SÀI GÒN THAM GIA KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP TRỞ LẠI
1. Hơn một tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 10-10-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 46 tổ chức đoàn thể luật sư. Theo đó, các tổ chức luật sư cũ được duy trì với một số điểm sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới. Do điều kiện lúc bấy giờ, số lượng luật sư ở nước ta, cả trong Nam ngoài Bắc, đều rất ít.
2. Thực tế ở Sài Gòn lúc đó, Việt Minh giành được chính quyền chỉ có 28 ngày thì phải tiến hành cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp trở lại tái chiếm Đông Dương. Một số trí thức đang hành nghề luật sư ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Kỳ, từ đấu tranh yêu nước đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng hành cùng lịch sử tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang và chính trị kéo dài suốt 9 năm (1945-1954). Trong hàng ngũ kháng chiến, các luật sư đã được bố trí sử dụng vào những chức vụ quan trọng như: Luật sư Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ; Luật sư Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch có thời kỳ giữ Quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ, kiêm nhiệm Chính trị Ủy viên Bộ Tư lệnh Nam Bộ phụ trách 3 quân khu 7, 8 và 9; Luật sư Trương Tấn Phát, Giám đốc Sở Tư pháp; Luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, Giám đốc Sở Tài chánh; Luật sư Lê Đình Chi, Trưởng phòng Quân pháp Bộ Tư lệnh Nam Bộ; Luật sư Thái Văn Lung, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Thủ Đức, v.v..
III. LUẬT SƯ SÀI GÒN DƯỚI CHẾ ĐỘ CHÍNH QUYỀN SÀI GÒN
Sau Hiệp định Genève năm 1954 đến tháng 4 năm 1975, đất nước tạm phân chia thành hai miền Nam – Bắc. Miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa có hai quy chế luật sư lần lượt được ban hành: Quy chế theo Luật số 1/62 ngày 8-1-1962 thời Tổng thống Ngô Đình Diệm và quy chế theo Sắc luật số 025/66 ngày 7-7-1966 thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Văn phòng Luật sư đoàn Sài Gòn đặt trong trụ sở Tòa Thượng thẩm Sài Gòn (số 131 đường Công lý, nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa)..
IV. BÀO CHỮA VIÊN NHÂN DÂN VÀ LUẬT SƯ Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ SAU NGÀY 30-4-1975 ĐẾN NAY
1. Tổ chức bào chữa viên nhân dân được thành lập trong suốt 10 năm đầu ở Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày 30-4-1975
Sau ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975, Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam cho thực hiện và triển khai tổ chức bào chữa viên nhân dân theo Thông tư số 06/BTP-TT ngày 11-6-1976 của Bộ Tư pháp.
Theo đó, lúc này, ở Thành phố Hồ Chí Minh thiết lập một Phòng Bào chữa viên, đặt tại địa chỉ 97 Nguyễn Thị Minh Khai (nay là đường Pasteur) quận 1.
Những bào chữa viên đầu tiên công tác ở Thành phố Hồ Chí Minh là những cán bộ công chức nhà nước
Ngày 31-10-1983, Bộ Tư pháp ra Thông tư số 691/QLTPK hướng dẫn kiện toàn tổ chức bào chữa. Thực hiện Thông tư này, Ủy Ban Nhân Dân thành phố ra quyết định thành lập Đoàn bào chữa viên nhân dân với 28 người, gồm những bào chữa viên đã tham gia hoạt động này từ ngày mới giải phóng và bổ sung thêm một số thành viên mới đã dự xong lớp bồi dưỡng pháp lý xã hội chủ nghĩa do Bộ Tư pháp tổ chức dành cho các trí thức ngành luật cũ ở miền Nam.
2. Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh ra đời ngày 24-10-1989
Ngày 18-12-1987, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức luật sư.
Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã được Ủy Ban Nhân Dân Thành phố ra Quyết định số 633, 634 và 635/QĐ-UB cùng ngày 24-10-1989 thành lập, với nhân sự gồm 68 thành viên (28 luật sư và 40 luật sư tập sự).
Từ lúc mới thành lập, trụ sở Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại số 104 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.
3. Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh phát triển từng bước theo Pháp lệnh Luật sư năm 2001, Luật Luật sư năm 2006 và Luật Luật sư sửa đổi, bổ sung năm 2012
Đến nay, đã trải qua hơn 25 năm với 6 nhiệm kỳ Ban Chủ nhiệm lần lượt kế tiếp nhau: nhiệm kỳ I (1995-1998), nhiệm kỳ II (1998-2002), nhiệm kỳ III (2002-2005), nhiệm kỳ IV (2005-2008), nhiệm kỳ V (2008-2013). Đại hội Đại biểu Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ VI, nhiệm kỳ VI (2013-2018) đã được triệu tập trong 2 ngày 12 và 13-10-2014, tại Hội trường Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, với gần 600 luật sư đại diện cho 3.786 luật sư thành viên tham dự, đã bầu ra Ban Chủ nhiệm nhiệm kỳ VI với 15 thành viên và Hội đồng Khen thưởng – kỷ luật nhiệm kỳ VI gồm 9 thành viên.
Trong chức năng xã hội, tham gia các hoạt động ngoài dịch vụ pháp lý, một số luật sư của Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (1989-2015) đã từng là Đại biểu Quốc hội, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố, quận, phường… Một số luật sư đã và đang là thành viên Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ và Thường trực Liên đoàn luật sư Việt Nam, Ban chấp hành Hội Luật gia Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học – kỹ thuật Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Bảo trợ trẻ em Thành phố, Hiệp hội Bất động sản Thành phố…
Về hoạt động ngoại giao nhân dân và hội nhập quốc tế, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua đã có quan hệ với nhiều Đoàn luật sư nước ngoài và các tổ chức luật sư quốc tế. Đoàn đã tổ chức thành công hai sự kiện lớn về hợp tác quốc tế về luật sư: Hội nghị các Chủ tịch Đoàn luật sư châu Á POLA (The Presidents of Law Association in ASIA) năm 2008 và Hội nghị thường niên Hội Luật châu Á – Thái Bình Dương LAWASIA (The Law Association for Asia and the Pacific) lần thứ 22 năm 2009.
Hiện nay, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh có số lượng luật sư chiếm tỷ lệ trên 40% tổng số luật sư của cả nước, trong đó có nhiều luật sư chuyên về thương mại và đầu tư, chẳng những thông thạo tiếng Anh mà còn có thể tranh luận về các vấn đề pháp lý bằng tiếng Anh với các luật sư nước ngoài. Những luật sư trên có khả năng tham gia bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp trong các vụ tranh chấp thương mại quốc tế khi có yêu cầu…
Ngày 29-01-2015, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập ĐoànLuật sư thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Truyền thống-Đoàn kết-Phát triển”, quyết tâm xây dựng đội ngũ luật sư “đông đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp”, xứng đáng là Đoàn Luật sư lớn nhất nước, được vinh dự mang tên Thành phố Hồ Chí Minh.
Đoàn Luật Sư Thành phố Hồ Chí Minh – HCMC Bar Association
Địa chỉ: 104 Nguyễn Đinh Chiểu, Phường Đakao, Quận 1, Tp.HCM.
Điện thoại: +84 (08) 3822 2113 – 3829 5308 – Fax: (08) 8829 6437
E-mail: [email protected] – Website: www.hcmcbar.org