ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG :: Đoàn luật sư Tp. Hồ Chí Minh
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
ĐOÀN LUẬT SƯ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: 25 NĂM MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Luật sư Trần Thị Phụng
Năm 2015 là năm đất nước ta đón nhiều sự kiện và ngày lễ trọng đại như 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc Khánh nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam …
Năm 2015 cũng là năm Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (ĐoànTP.HCM) đánh dấu sự trưởng thành của nghề nghiệp luật sư sau chặng đường hoạt động 25 năm kể từ ngày thành lập (24/10/1989- 24/10/2015) với sự lớn mạnh vượt bậc, từ con số 68 luật sư và luật sư tập sự đầu tiên, đến nay đã có trên 4000 luật sư và hơn 1200 người tập sự luật sư hành nghề luật sư, được xem là Đoàn luật sư đông nhất cả nước. Kể từ giai đoạn thành lập đến nay, Đoàn luật sư TP.HCM đã trải qua sáu lần đại hội và đã đào tạo nhiều thế hệ luật sư, đội ngũ lãnh đạo Đoàn luật sư cũng đã duy trì và phát triển hoạt động của Đoàn đạt nhiều kết quả nhất định.
Chặng đường 25 năm qua với nhiều thăng trầm và cung bậc cảm xúc khác nhau. Song, 25 năm nhìn lại, lần lượt các thế hệ luật sư nối tiếp nhau không khỏi tự hào với những thành quả gặt hái được.
Hy vọng khoảng cách gần lại
Người đầu tiên chúng tôi nhớ đến là Luật sư Trương Thị Hòa, một nữ luật sư “đại thụ” có mặt từ giai đoạn đầu tiên tham gia vào hoạt động của Đoàn luật sư. Trong mắt tôi, cô là người luôn gây ấn tượng với vẻ đạo mạo, nghiêm trang nhưng lại rất duyên dáng dịu dàng khi thường xuyên xuất hiện với tà áo dài truyền thống. Vậy nhưng, ai cũng biết, vị nữ luật sư ấy cứ chuyên cần, tận tụy như con tằm nhả tơ, thêu dệt biết bao lụa là gấm vóc, tạo nên những bức tranh đẹp cho làng nghề luật sư cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Khi chúng tôi mời cô chia sẻ về quá trình hành nghề và bám trụ bền vững từ khi khởi nghiệp đến nay, cô chỉ cười bảo: “Rất cảm ơn sự quý mến và đánh giá cao của em đối với cô, nhưng xin cho cô Hòa không nói về cái “tôi” của mình nhé”. Thế nhưng khi chúng tôi đề nghị cô đánh giá về quá trình phát triển hoạt động nghề nghiệp luật sư, cô chân tình chia sẻ: “Nhớ lại những ngày đầu với rất ít luật sư, trụ sở Đoàn luật sư tại số 97 Pasteur, Quận 1 so với bây giờ thật sự là một bước “nhảy vọt” dù vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Nhà nước, của xã hội. Nhớ những Luật sư như Bác Tạ Như Khuê, Bác Sáng, Bác Hưởng, Chị Đoàn Mộng Thu…, nhớ những nhân viên văn phòng Đoàn như Bác Sáu Em, anh Thuận… Không thể nào quên những quan hệ gắn bó giữa các luật sư với nhau, giữa luật sư với nhân viên văn phòng Đoàn trong công việc, chuyện vui buồn. Bây giờ, đông hơn nhưng lại không biết mặt nhau hết, cũng không quan hệ thân thiết, không nhớ nhau hết được. Cũng thật “ngậm ngùi”.
Chúng tôi hiểu cái cảm giác chạnh lòng của người nữ luật sư dày dạn “sương gió’ của vui buồn cuộc sống nghề nghiệp, dường như trong cô cũng có một chút gì day dứt, trăn trở là thế. Tuy nhiên, khi tôi đặt vấn đề trao đổi về những “thăng trầm” trong thời gian qua, Luật sư Trương Thị Hòa đã không che dấu sự lạc quan trong câu trả lời của mình. Luật sư Hòa nói: “Sự kiện 25 năm thành lập Đoàn luật sư TPHCM là một bước đánh dấu sự phát triển của Đoàn luật sư TPHCM và các thành viên của Đoàn trong 25 năm qua về chất lượng và số lượng. Sự phát triển này góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của luật sư Việt Nam. Đó là sự nối tiếp truyền thống gần 100 năm của luật sư Việt Nam, và là mầm tương lai của luật sư Việt Nam trong hội nhập cộng đồng ASEAN và quốc tế về sự nghiệp phát triển dân chủ, bảo vệ quyền công dân và quyền con người”. Tôi hỏi: “Vậy với cá nhân luật sư, nhân dịp 25 năm, cô mong đợi gì từ Đoàn luật sư TPHCM trong thời gian tới?” Luật sư Trương Thị Hòa chỉ cười đáp ngắn gọn: “Mong sao khoảng cách giữa mọi người trong Đoàn gần lại, gắn bó với nhau hơn. Mong làm sao luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM ngày càng phát huy truyền thống tốt đẹp của Luật sư Việt Nam yêu nước, yêu đồng bào như các Luật sư Nguyễn An Ninh, Nguyễn Hữu Thọ, Phan Văn Trường, Ngô Bá Thành…”
Hãy làm việc hơn ngày hôm qua
Là một luật sư cao niên, luật sư lão thành Phan Minh Tâm đang bước qua tuổi 84 với khí chất bản lĩnh, kiên định, sâu sắc và thấu đáo như sự ví von của cuộc sống “gừng càng già càng cay”. Đón tiếp ông tại văn phòng làm việc của chúng tôi, thật khó để nhận ra sự “già yếu” so với tuổi của ông. Vị luật sư này là người luôn thẳng thắn bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình ở mọi diễn đàn cần thiết chỉ với tâm nguyện “Hãy làm việc hơn ngày hôm qua, hoặc chí ít cũng bằng ngày hôm qua. Hãy biến tự hào thành trách nhiệm và hãy luôn sống là một người tử tế”. Là một cán bộ cao cấp công tác trong ngành ngoại giao, là nhà giáo, trọng tài viên, chuyên viên tư vấn pháp luật rồi gia nhập Đoàn luật sư khi ở độ tuổi không còn trẻ. Vậy nhưng Luật sư Phan Minh Tâm đã vào nghề luật sư đầy tâm huyết và trách nhiệm. Luật sư Tâm chia sẻ: “Dù vào nghề khá trễ, nhưng cứ qua mỗi phiên tòa, qua mỗi lần hội họp chuyên môn, nghề nghiệp được nâng lên trông thấy. Ngày càng hoàn thiện về tư cách đạo đức nghề nghiệp, do vậy dù đã trên tuổi 80 tôi vẫn luôn muốn được học tập và không ngừng rèn luyện”. Ông nói: “Các luật sư trẻ bây giờ có nhiều thuận lợi hơn chúng tôi ngày trước rất nhiều. Họ sống và làm việc trong giai đoạn nghề nghiệp luật sư đang được xã hội tôn vinh, nhà nước ghi nhận, do vậy họ cần phải nâng cao ý thức phát triển nghề nghiệp. Thực tế, hiện vẫn còn không ít thách thức. Mặt trái của cơ chế thị trường, nếu không nhận thức tốt và không biết vượt qua thử thách sẽ bị đào thải ngay”.
Khi chúng tôi đề nghị ông cho một nhận xét đánh giá cơ bản về những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp luật sư trước đây và hiện nay, Luật sư Phan Minh Tâm nhấn mạnh: “Chưa bao giờ hoạt động luật sư được thuận lợi và ngày càng được xã hội tôn trọng như bây giờ. Theo đó, nghề luật sư đã được Nhà nước và pháp luật công nhận thông qua quyết định công nhận ngày truyền thống luật sư 10/10 hàng năm. Người luật sư cần phải lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ, lời nói, hành động để nâng tầm giá trị sự ảnh hưởng của luật sư trong đời sống pháp luật”.
Bên cạnh đó, Luật sư Phan Minh Tâm cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế trong đời sống pháp luật hiện nay. Ông cho rằng “Toàn cầu hóa nhưng cũng đồng thời phải biết tiếp thu và sàng lọc những mặt trái của kinh tế thị trường. Dù luật pháp Việt Nam ngày một hoàn thiện nhưng chưa phản ảnh đầy đủ nhu cầu phát triển của cuộc sống. Trong quá trình hoạt động hành nghề các luật sư đã gặp không ít khó khăn rào cản từ các cơ quan tư pháp, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự. Mặc dù luật pháp cũng đã quy định vị trí ngang nhau trong tố tụng giữa luật sư và các thành phần tham gia tố tụng, nhưng thực tế luật sư vẫn còn bị phân biệt đối xử”. Theo Luật sư Tâm, các vấn đề tồn tại đó là do “khẩu vị” của một số người làm công tác tư pháp, được hình thành lâu đời từ ảnh hưởng thói quen của một xã hội nông nghiệp, chứ không thuộc về chủ trương của Nhà nước. Vì trên thực tế, Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng rất quan tâm lắng nghe ý kiến của các chuyên gia pháp lý, luật gia, luật sư để tháo gỡ những vướng mắc của ngành tư pháp.
Nói về sự kiện 25 năm thành lập ĐoànTP.HCM, ánh mắt ông sáng hơn: “Bước vào độ tuổi 84, được mời tham dự lễ kỷ niệm 25 năm của ĐoànTP.HCM lần này, thật sự là niềm hạnh phúc an ủi tuổi già của tôi. Mong rằng thế hệ luật sư trẻ sẽ tiếp tục vinh dự tổ chức các lần kỷ niệm tiếp theo 30 năm, 40 năm …trong tinh thần tự hào về sự phát triển đỉnh cao của nghề nghiệp luật sư”.
Luật sư Phan Minh Tâm cũng nhấn mạnh: “Tăng cường đoàn kết giữa nội bộ Ban Chủ nhiệm, Đảng bộ, Đảng đoàn, giữa các tổ chức hành nghề luật sư và giữa các luật sư với nhau là điều quan trọng. Mong rằng mọi người luôn nắm tay nhau,chan hòa tình thương yêu trong một mái nhà chung của luật sư cả nước”.
Tình đồng đội và một ước mơ về một “Câu Lạc bộ”
Đó là tâm sự của Luật sư Trần Cẩm Chương, một luật sư “lãng tử” nhưng lại là một luật sư gạo cội của Đoàn luật sư TPHCM. Anh cùng với Luật sư Nguyễn Thế Trường, Luật sư Lê Bửu Thành còn được xem như “đại ca” của phong trào ca hát từ trước đến nay của Đoàn. Anh kể lại: Thời gian đầu tiên thành lập Đoàn, do lực lượng luật sư còn quá mỏng, nên hầu như các buổi hội nghị đều thuê ca sĩ bên ngoải vào phục vụ. Khoảng từ năm 1996, Đoàn luật sư TP.HCM đã có hai đợt tập sự luật sư gia nhập nên số lượng thành viên tăng lên. Những nhân tố văn nghệ đầu tiên bắt đầu xuất hiện như Luật sư Mỹ Đức, Luật sư Mỹ Thoa, Luật sư Hồng Liên, Luật sư Thúy Lan, Luật sư Tường Vy, Luật sư Thế Trường, Luật sư Cẩm Chương … Nhưng hầu hết họ chỉ biết hát, không biết đàn. Lúc này không thuê ca sĩ, nhưng phải thuê nhạc công. Một thời gian sau, số lượng thành viên luật sư gia tăng nên số lượng thành viên văn nghệ cũng gia tăng tương ứng. Nhiều nhân tố mới xuất hiện như Luật sư Hà Hải, Luật sư Nguyễn Đỗ Cường, Luật sư Huy Phong, Luật sư Võ Thị Lài, Luật sư Lê Mạnh Hùng, Luật sư Tú Trinh, Luật sư Diễm Châu …và có cả một đội múa gồm rất nhiều luật sư trẻ. Từ đó, Ban Văn nghệ của Đoàn dần dần được củng cố và hình thành. Không còn thuê mướn ca sĩ, nhạc công bên ngoài. Đội hình văn nghệ ngày càng hoàn thiện. Các nhân tố mới xuất hiện nhiều hơn như Luật sư Lâm, Luật sư Bạch Linh, Luật sư Hồng Hạnh, Luật sư Phụng, Luật sư Thúc, Luật sư Trực, Luật sư An, Luật sư Việt, Luật sư Mỹ Linh…
Theo Luật sư Chương kể lại, hoạt động của Ban Văn nghệ là do Chủ nhiệm Đoàn, lúc đó là Luật sư Nguyễn Đăng Trừng khởi xướng. Luật sư Trừng vốn là người trưởng thành từ phong trào đấu tranh sinh viên, đặc biệt là phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” nên rất “có máu văn nghệ”, ông luôn chú trọng “chiêu mộ nhân tài”, phát triển Ban Văn nghệ và đã thu hút được rất nhiều các luật sư, người tập sự luật sư tham gia. Trong 25 năm qua, Ban Văn Nghệ thường xuyên tham gia phục vụ các chương trình hội nghị, giao lưu, hội diễn, hội thi văn nghệ quần chúng do Công đoàn thành phố phát động, thu hình tại Đài truyền hình TPHCM, biểu diễn phục vụ chương trình liên hoan văn nghệ luật sư toàn quốc tại Hà Nội và sắp tới là lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Đoàn luật sư TP.HCM.
Chia sẻ những cảm nhận của riêng mình trước thềm sự kiện 25 năm, Luật sư Chương nói: “Các luật sư chúng tôi tham gia văn nghệ bằng tinh thần tự giác, hoàn toàn không vụ lợi. Cảm thấy vui thì tham gia, hết vui thì về nhà. Vậy nhưng, anh em chúng tôi luôn vui vẻ, chan hòa, giúp đỡ nhau, cư xử như anh em một nhà, có bất đồng nhỏ cũng tự xí xóa. Các thành viên văn nghệ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, tìm tòi học hỏi để có những tiết mục hoàn chỉnh nhất”. Tôi hỏi: “Ngoài đam mê ca hát, điều gì khiến anh thích nhất trong việc tham gia hoạt động văn nghệ của Đoàn? Luật sư Trần Cẩm Chương cười kiểu “lãng tử” và nói to: “Tôi thích sự ‘đợi chờ’. Chúng tôi thường hẹn nhau tập dợt lúc 17giờ30, nhưng các luật sư rất bận nên có những người đến trễ. Người trước chờ người sau, cảm giác cứ như chờ người yêu vậy đó. Bực nhưng mà vui”. Rồi anh lại cười và nói tiếp: “Vui nhất là sau khi tập, cả bọn kéo nhau đi ăn uống hoặc cà phê…, tinh thần ai cũng thấy phấn chấn quên đi việc cả ngày “đáo tụng đình”. Thế là chúng tôi trẻ cũng như già, hát hoài nên không thấy mình già chút nào”. Tôi hỏi: “Các luật sư nhiều việc quá, lại tham gia “hát hò”, các anh chị có được gì đâu?”. Luật sư Chương lắc đầu, trố mắt: “Được chứ, được nhiều à. Được đồng nghiệp lắng nghe và đồng cảm và được hơn cả là tình đồng đội. Tôi nghĩ, nếu ngày nào còn gặp nhau, tập dợt ca hát thì vẫn thấy vui như Tết vậy”. Dừng lại một lúc rồi anh băn khoăn: “Cũng có lúc chúng tôi có ý tưởng cùng nhau thành lập “Câu lạc bộ văn nghệ Đoàn luật sư” để có thể sinh hoạt lâu dài và bền vững hơn. Nhưng không biết đến khi nào?”
Cảm ơn anh, Luật sư Chương. Những chia sẻ đầy cảm xúc của mình trong suốt quá trình 25 ca hát với một ước mơ thật giản dị. Không biết khi nào mơ ước của anh và các đồng nghiệp được triển khai thực hiện, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng, với sự quan tâm của Ban Chủ nhiệm hiện nay, Ban văn nghệ sẽ ngày càng hoạt động sôi nổi, phong phú và đa dạng.
“Luật sư là hiệp sĩ đấu tranh cho công bằng xã hội”
Dù rất bận rộn cho các công việc cuối năm và chuẩn bị lễ tổng kết 25 năm thành lập Đoàn luật sư TP.HCM nhưng Luật sư Trần Mỹ Thoa – Phó chủ nhiệm, vẫn hứa sẽ cố gắng thu xếp thời gian trả lời các câu hỏi phỏng vấn cho bài viết của chúng tôi. Khi tôi hỏi về những kỷ niệm vui buồn trong quá trình tham gia hoạt động nghề nghiệp luật sư vào những ngày đầu tiên Đoàn mới thành lập, cô cười nói: “Nếu kêu tôi nắm bắt vấn đề ngay, giải quyết nhanh gọn thì dễ, nhưng nếu hỏi về ký ức, tâm sự thì cần có thời gian vì bận rộn quá.” Vậy nhưng, thức đêm, hồi tưởng và viết. Không lâu sau đó, cô đã gởi ngay cho chúng tôi một bài viết thật sâu sắc về quá trình 25 năm thành lập Đoàn luật sư TP.HCM. Chúng tôi trân trọng tâm huyết của vị nữ luật sư kiên định ấy. Cô đã rất bản lĩnh và đầy trách nhiệm cùng với các đồng nghiệp trải qua các nhiệm kỳ khác nhau để hoàn thành trọng trách “thượng tôn pháp luật” mà xã hội đã giao phó. Có thể thành công và thất bại, có thể ngọt ngào và cay đắng…Mọi thứ Cô cũng đã từng nếm trải trong suốt 25 năm nghiệp dĩ. Tôi đã thấy và hình dung ra ý chí kiên cường của luật sư Trần Mỹ Thoa, để đến giờ, khi ở gần độ tuổi “vui cùng con cháu”, người phụ nữ ấy vẫn cứ hăng hái, thoăn thoắt, đa đoan công việc cho người, cho đời. Tôi chợt thấu hiểu, có lẽ cô không ham “chức tước phong hầu”, nhưng trọng trách một người luật sư ‘tiền bối” đã thôi thúc cô phải có trách nhiệm gầy dựng và bàn giao cho thế hệ luật sư kế thừa một ‘tài sản” thật giá trị mà cô và các luật sư đồng nghiệp một thời đã dày công tạo dựng. Chúng tôi đã xin phép cô để đăng riêng bài trả lời phỏng vấn của cô thành bài cảm nhận và chỉ xin mượn một câu trong bài như một lời gởi gắm đến với các đồng nghiệp trẻ:“Luật sư là hiệp sĩ đấu tranh cho công bằng xã hội”.
Nắng có còn xuân ?
Những ngày này không khí Tết đang đến thật gần, người nôn nao chờ đón tết, người tất bật với công việc cho kịp thời điểm kết thúc năm…Nhiều luật sư giật mình vì số án tồn trước tết đã có lịch xét xử. Có luật sư luôn bị bít kín thời gian cho những công việc cần xúc tiến với cơ quan điều tra, một số luật sư tất bật vừa đi tòa, vừa đứng lớp. Lại cũng có những luật sư ban ngày làm việc “công”, tối về ‘vùi đầu” vào hồ sơ tư vấn khách hàng còn đang dang dở để hoàn thành ‘việc tư”…Họ cứ như loài ong chăm chỉ, miệt mài trong công việc, không bao giờ ngừng nghỉ.
Luật sư Phạm Thị Ngọt, một trong những nữ luật sư rất “tận tụy” mà tôi hằng ngưỡng mộ. Cô thuộc thế hệ luật sư lão làng luôn rất say mê công việc. Vì thế, dù đã nhiệt tình nhận lời phỏng vấn của tôi nhưng cuối cùng cô đành “xin lỗi” và hẹn một dịp khác.
Luật sư Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, người “thủ lĩnh” luật sư đương nhiệm, là một trong những người tôi ‘đặt hàng” phỏng vấn đầu tiên nhưng “không thành”. Anh cứ thoắt ẩn, thoắt hiện, loay hoay như chong chóng, túi bụi cùng với Ban chủ nhiệm mới, bắt tay khởi động lại công việc, cái mà tưởng chừng như có lúc anh đã mệt mỏi muốn bỏ cuộc. Rồi mọi việc cũng qua đi, công việc dần đi vào ổn định, “sau cơn mưa trời lại sáng” anh nói vậy rồi bắt tay vào làm. Biết anh bận rộn, tôi gởi nhanh câu hỏi phỏng vấn để anh thu xếp trả lời. Thế nhưng, lúc nào anh cũng chỉ nói: “Giúp tôi trao đổi thêm với các luật sư khác nhé!”.
Liên lạc với Luật sư Nguyễn Văn Hòa, nguyên Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM để phỏng vấn, ông nói ngắn gọn: “Chúng ta ai cũng nhận thấy rõ sự phát triển của hoạt động nghề nghiệp luật sư trong những năm qua. Từ việc khắc phục tình trạng “án bỏ túi” đến “cải cách tư pháp”. Tuy nhiên, dù có sự phát triển tốt nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề bất cập gây khó khăn cản trở việc hành nghề luật sư. Tôi nghĩ, đội ngũ luật sư trẻ bây giờ rất giỏi và mạnh. Vậy nên hãy để cho họ nói lên tiếng nói của mình.”
Vâng, sẽ còn những câu chuyện được viết tiếp cho một chặng đường sắp tới. Chúng tôi vẫn muốn nói lời cảm ơn chân thành đến những chia sẻ trải lòng đầy trách nhiệm của các luật sư, dù có thể, họ vẫn còn nhiều trăn trở, suy tư cho nghề nghiệp và cho cuộc sống bộn bề những thử thách đang còn ở phía trước.
Thời gian vừa qua, Đoàn luật sư TP.HCM đã có những lúc “sóng to, gió lớn”, các tay chống, tay chèo nghiêng ngã tưởng chừng như mất phương hướng. Đã có nhiều quan điểm, ý kiến khác nhau từ xung đột, đối lập đến đấu tranh, đồng thuận. Đại hội Đoàn luật sư TP.HCM đã thành công tốt đẹp.
Có quá nhiều chuyện ngày ấy, bây giờ. Đoàn Luật sư TP.HCM 25 năm một chặng đường với bao nhiêu ngọt, bùi, cay, đắng. Song với những gì đã trải qua, chúng ta càng trân trọng, nâng niu những kết quả trong hiện tại và hy vọng, tin tưởng một thành tựu mới trong tương lai. Thời tiết của những tháng ngày gần đây có lúc thật lạnh và cũng có lúc thật ấm áp. Các nhà khoa học vẫn cứ cảnh báo về biến đổi khí hậu và những hậu quả khắc nghiệt không lường của thiên nhiên. Sẽ có người lo lắng vì đại cuộc, nhưng cũng không ít người thờ ơ trước sự tồn vong của nhân loại và đe dọa ngay cả cuộc sống chính mình. Mặc dù vậy, “nắng vẫn còn xuân”! Thế hệ luật sư trẻ chúng tôi vẫn tin vào sự nghiệp của Đoàn luật sư TP.HCM đã được tạo dựng bởi các bậc đàn anh đi trước. Chúng ta sẽ không ngừng lạc quan, nhìn vào sự phát triển đi lên của xã hội, để tiếp tục sống tốt, sống có ích cho xã hội và hoàn thành công việc mà chúng ta đã lựa chọn, làm tròn sứ mệnh, trọng trách mà đất nước, xã hội đã tin tưởng giao phó.