Đoàn Giỏi
Nhà văn Đoàn Giỏi (17-05-1925 – 02-04-1989) sinh ra tại thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc xã Tân Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Tên khai sinh của ông là Đoàn Văn Giỏi. Ngoài bút danh Đoàn Giỏi, ông còn có các bút danh khác là Nguyễn Hoài, Nguyễn Phú Lễ, Huyền Tư.
Vào năm 1939, sau khi học xong bậc tiểu học ở quê nhà, ông lên Sài Gòn tiếp tục học trung học. Vốn là người say mê hội họa, ông đã trốn gia đình và quyết định thi vào Trường Mỹ thuật Gia Định và theo học ở trường được 1 năm, sau đó ông chọn theo đuổi con đường văn chương của mình.
Tác phẩm truyện ngắn đầu tay “Nhớ cố hương” (1943) là một trong những thành công của nhà văn Đoàn Giỏi. Tác phẩm được đăng trên số Xuân của tờ Nam Kỳ Tuần Báo qua sự xét duyệt và chọn lọc của nhà văn Hồ Biểu Chánh – một trong những đàn anh của làng văn thời bấy giờ.
Năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, ông tạm gác lại công việc sáng tác của mình để trở về quê hương, tham gia kháng chiến. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thành công năm 1954, nhà văn Đoàn Giỏi được tập kết ra Bắc và công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, ông chuyển sang làm việc ở Hội Nhà văn Việt Nam. Trong những năm tháng sống và làm việc ở Miền Bắc, ông cũng có điều kiện chuyên tâm vào sự nghiệp viết văn của mình. Hầu hết những tác phẩm của ông viết ra đều viết về con người và mảnh đất Nam Bộ.
Tác phẩm chính của ông có Người Nam thà chết không hàng (kịch thơ – 1947), Khí hùng đất nước (ký – 1948), Những dòng chữ máu Nam kỳ 1940 (ký – 1948); Đường về gia hương (truyện – 1948), Chiến sỹ Tháp Mười (kịch thơ – 1949), Giữ vững niềm tin (thơ – 1954); Cá bống mú ((truyện – 1956), Ngọn tầm vông (truyện ký – 1956); Trần Văn Ơn (truyện ký – 1955), Đất rừng phương Nam (truyện – 1957), Hoa hướng dương (truyện ngắn – 1960), Cuộc truy tầm kho vũ khí (truyện – 1962), Những chuyện lạ về cá (biên khảo – 1981), Tê giác trong ngàn xanh (biên khảo – 1982).
Nhà văn Đoàn Giỏi vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, năm 2001.
Những trang viết của Đoàn Giỏi đã mang đến cho người đọc những hình ảnh hết sức sinh động về thiên nhiên và con người nơi miền Nam của Tổ quốc,với lòng thương nhớ da diết rẻo đất phương Nam, cộng với một vốn sống phong phú, tác phẩm của Đoàn Giỏi có một giá trị lớn trong việc bồi đắp vốn hiểu biết cũng như tình yêu quê hương, đất nước cho người đọc. Khi xây dựng tác phẩm, ngòi bút của Đoàn Giỏi thể hiện rõ tính chất phác, hồn nhiên rất Nam Bộ. Mặt khác, bạn đọc có thể cảm nhận ít nhiều kỹ thuật của hội họa trong nghệ thuật dựng cảnh của ông.
“Đất rừng Phương Nam” là tác phẩm làm nên tên tuổi nhà văn Đoàn Giỏi, gắn liền với thời điểm ra đời của NXB Kim Đồng, vào tháng 6 năm 1957. Các tác phẩm nổi tiếng của Đoàn Giỏi đã được NXB Kim Đồng xuất bản: “Đất rừng phương Nam”, “Những chuyện lạ về cá”, “Tê giác trong ngàn xanh”, “Cá bống mú”, “Rừng đêm xào xạc”, “Hoa hướng dương”, “Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày”, “Cuộc truy tầm kho vũ khí”, “Trần Văn Ơn”.
Tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” lấy bối cảnh câu chuyện rất đặc trưng của vùng Tây Nam bộ với rừng tràm bạt ngàn, dòng sông mênh mông, con đò bập bềnh, tôm cá đầy đàn. Đất rừng phương Nam đã mang đến người đọc nhiều thú vị về bối cảnh, con người, tập tục văn hóa của vùng nông thôn Nam bộ. Ông mượn hình ảnh một cậu bé bị lưu lạc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp ở Nam bộ để giới thiệu một vùng đất vô cùng giàu có, hào phóng và hùng vĩ với những con người trung hậu, trí dũng, một lòng một dạ theo kháng chiến. Tác phẩm gần như tập hợp tất cả đất rừng và người phương Nam. Có thể nói, “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi như một xã hội của miền sông nước Tây Nam bộ thu nhỏ. Ở nơi đó, người đọc đã tìm thấy hình ảnh người dân của vùng đất phương Nam từ sông Tiền, sông Hậu trải dài đến Kiên Giang – Rạch Giá, rồi xuống tận rừng U Minh, sau đó dừng lại ở Năm Căn – Cà Mau. Bối cảnh trong “Đất rừng phương Nam” là cả một đất trời thiên nhiên ưu đãi, cánh đồng bát ngát mênh mông, sóng nước rì rầm, rừng rậm bạt ngàn trù phú, thú rừng hoang dã muôn loài… Sự tài tình của Đoàn Giỏi là như tái tạo lại bối cảnh sông nước, con người từ thuở ông cha ta còn mang gươm mở cõi.
“Đất rừng Phương Nam” (1957) của Đoàn Giỏi không chỉ là tác phẩm phổ biến trong giới học sinh – sinh viên. Đối với độc giả khắp nơi trên mọi miền đất nước, họ xem tác phẩm ấy như một áng văn về con người, về vùng đất Nam bộ khá điển hình. “Đất rừng phương Nam” càng phổ biến khi được dịch ra nhiều thứ tiếng: Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Đức, Tây Ban Nha… Từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam”, hãng phim truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (TFS) đã sản xuất thành bộ phim “Đất phương Nam” dài 11 tập. Nguyễn Vinh Sơn viết kịch bản và đạo diễn. Hội Điện ảnh Việt Nam đã trao giải A cho đạo diễn vào năm 1997.
Thành công từ những tác phẩm đầu tay, nhà văn như được như được chắp cánh, niềm đam mê thúc đẩy ông một cách mạnh mẽ đi vào con đường văn chương, chọn văn chương để làm điểm tựa. Ông còn tìm đến văn chương như sự chia sẻ, động viên trong những ngày sống xa quê. Và hơn thế nữa, Đoàn Giỏi đã chọn con đường văn chương để làm sự nghiệp trọn đời mình.
Thành Sơn