Dịp 30/4, lại nhớ Bùi Quang Thận
Thoáng thế mà lại đến dịp 30 tháng Tư, ngày Giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước. Chúng ta lại nhớ đến những người đã khuất, nhớ những người làm nên chiến thắng, trong đó có cả người đã cắm lá cờ trận mạc lên nóc Dinh Ðộc Lập. Người đó là Bùi Quang Thận.
Đại tá Bùi Quang Thận nay đã về cõi vĩnh hằng…
Khi tôi viết những dòng này thì Đại tá Bùi Quang Thận đã thành người trong cõi nhớ thương rồi. Anh qua đời đột ngột sáng ngày 24/6/2012 tại Thái Xuân, Thái Thụy, Thái Bình, khi mới tròn 64 tuổi. Tang lễ đã cử hành tại làng quê anh, theo đúng thủ tục của người dân quê. Trước đây, anh cũng đã từng được đề nghị tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Nhưng theo Bùi Quang Thận, khi làm các thủ tục để xét thì địa phương không đồng ý vì ông bố anh có biểu hiện mê tín dị đoan. Thực ra, ông cụ chỉ làm nghề thày cúng. Ở các vùng quê ta, hầu như làng nào chả có ông thày cúng. Hồi đó huyện đội cũng đã can thiệp nhưng vẫn không xong. Anh bảo: “Kể thì cũng hơi buồn. Nhưng mình sống được đến giờ cũng là may mắn lắm nếu so với những đồng đội của mình còn nằm lại trong các cánh rừng lạnh lẽo mà đến bây giờ cũng vẫn chưa tìm được hài cốt”. Năm 2000, Bùi Quang Thận về hưu. Anh cười hiền lành: “Mình xa vợ con biền biệt. Bây giờ mới có điều kiện giúp đỡ vợ con”. Bùi Quang Thận trở về với ruộng đồng. Anh lao động cật lực như một lão nông. Ngoài làm ruộng, anh còn thuê ao, nuôi tôm, thả cá. Rồi vợ chồng anh mở thêm cửa hàng bán gas ở quê. Nhà nào hết gas hay van gas hỏng là anh có mặt thay gas và bảo hành sửa chữa. Anh bảo, thay một van gas hỏng, cái lớn được 5.000, cái nhỏ cũng 500 đồng đấy. “Toàn tiền tươi thóc thật cả!”. Trông anh thợ gas xởi lởi, thật thà, tận tụy và tốt bụng, không ai nghĩ đó là người anh hùng dù lúc ấy, anh không có trong danh sách những người anh hùng.
Có lẽ trong chúng ta, ai cũng biết anh đại đội trưởng xe tăng Bùi Quang Thận – người đã cắm lá cờ trận mạc trên nóc Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975. Nhưng xung quanh việc cắm cờ này còn có khối điều thú vị mà không phải ai cũng có thể biết hết. Chính Bùi Quang Thận cũng không thể ngờ được mình đã làm nên kỳ tích lịch sử chỉ bằng có… hai bàn tay không.
Câu chuyện bắt đầu từ lúc 8 giờ sáng ngày 30 tháng 4. Khi đó, trận đánh đã diễn ra căng thẳng và khốc liệt. Lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài lệnh cho Đại đội 4 ở phía sau vượt lên, chiếm đầu cầu, rồi chớp thời cơ, chọc thẳng vào mạng sườn địch. Bị cú đánh bất ngờ, địch thoáng chững lại. Đội hình chúng có phần nhốn nháo. Xe tăng ta tiến đến đầu cầu Thị Nghè thì bất ngờ mấy chiếc tăng địch chẳng biết ở đâu lù lù hiện ra. Hình như chúng muốn chặn ta ở ngay trên cầu. Đại đội trưởng Lê Tiến Hùng chỉ huy chiếc xe tăng thứ hai bị thương, bắt buộc phải dừng lại. Tình thế khá nguy cấp. Bùi Quang Thận tức tốc cho xe 843 vượt lên, bắn cháy liền một lúc cả hai xe M.41 và M.113 của địch. Trong xe anh chỉ còn duy nhất 2 viên đạn. Sau này, anh mới biết hai viên đạn thối. Thực tình lúc đó, chiếc xe đã hết đạn mà chặng đường còn rất xa, phải vượt qua bao tuyến phòng thủ kiên cố dày đặc của địch mới đến được Dinh Độc Lập. Vừa qua khỏi cầu Thị Nghè, anh lại đụng phải 3 chiếc xe tăng địch xông ra đánh chặn. May sao Vũ Đăng Toàn – chính trị viên Đại đội 4, ngồi trên chiếc tăng 390 đã chỉ huy bắn cháy luôn cả 3 chiếc tăng ấy. Đạn trong xe địch nổ toang toác. Không gian sặc sụa và tanh khét mùi thép cháy. Bọn địch ngồi lố nhố trên mấy chiếc xe bọc thép gần đấy, thấy thế hoảng hốt nhảy khỏi xe, bỏ chạy tán loạn. Thế là tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch hoàn toàn tan vỡ. Được sự giúp đỡ chỉ dẫn của nhân dân và biệt động thành, Lữ đoàn tăng 203 đã chia làm 2 mũi hướng theo đường Hồng Thập Tự tốc thẳng vào Dinh Độc Lập. Lúc 10 giờ 15 phút, chiếc xe tăng 843 của Bùi Quang Thận dẫn đầu đã vượt qua các ổ đề kháng, vượt qua khu Nhà Xanh, vượt qua cả những họng súng đang ngơ ngác của địch, lừng lững tiến thẳng vào cửa Dinh Độc Lập. Khi thấy toà nhà trắng loá hiện ra trước cửa xe, Bùi Quang Thận cho lắp một viên đạn nã thẳng vào Dinh để thị uy. Đạn thối, không nổ. Anh cho nạp viên cuối cùng. Cũng lại không nổ. Hú vía cho cái Dinh Thống Nhất bây giờ đã thoát được hai viên đạn của anh. Nếu đạn nổ, tình thế chắc sẽ khác. Máu sẽ lại tiếp tục đổ, có thể sẽ rất tàn khốc ở “cao điểm cuối cùng”. Nhưng may sao, điều đó không xảy ra. Một chiếc tăng của ta đã húc thẳng vào cánh cổng Dinh Độc Lập. Bùi Quang Thận cho xe lùi ra, húc tiếp vào cánh cổng bên trái của Dinh. Đó là đòn tấn công cuối cùng của chiếc tăng không còn vũ khí. Cũng thật may cho Bùi Quang Thận và đồng đội anh, một người vô danh nào đó trong Dinh đã kịp cắt cầu dao hàng rào điện tử, nếu không, chỉ chạm vào cổng sắt là chiếc tăng của anh và đồng đội anh sẽ bị nổ tung. Phải đến cú húc thứ ba cánh cổng sắt mới chịu đổ sập. Bùi Quang Thận cho xe tốc thẳng vào sân dinh. Trước mặt anh, lố nhố những xe tăng, xe bọc thép tuyến phòng ngự cuối cùng của địch bảo vệ Dinh với bao nhiêu súng ống đạn dược tối tân, còn anh, chỉ có hai bàn tay trắng và chiếc xe tăng lổng nhổng vỏ đạn. Bùi Quang Thận giật phắt lá cờ trận mạc cắm trên xe tăng, quay lại bảo lái xe Lữ Văn Hoá, pháo thủ Thái Bá Minh:
– Các cậu ở lại, mình vào Dinh nhé. Nếu không thấy mình quay ra, cũng không thấy lá cờ này nhô lên thì tức là mình đã chết ở trong Dinh rồi!
Thế rồi, với hai bàn tay trắng, chỉ có lá cờ trận mạc ố xuộm khói đạn làm vũ khí, Bùi Quang Thận xông thẳng vào sào huyệt cuối cùng của kẻ thù. Qua bậc tam cấp, anh bị đánh bật trở lại. Hàng rào đặc biệt chống đỡ chăng? Bùi Quang Thận ngỡ ngàng một chút, rồi chợt nhận ra đó chỉ là bức tường kính trong suốt mà thoạt đầu anh không nhìn thấy, cũng chẳng biết nó là cái gì.
– Cửa ở đây mà, ông!
Một người đàn ông áo cộc tay trắng chỉ cửa cho Bùi Quang Thận. Trong nhà mát rượi như giữa hang đá. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn cũ đã có mặt đông đủ. Họ ngồi, đứng nhấp nhô quanh bàn. Trông ai cũng rất lịch sự. Áo cộc tay trắng. Tóc chải mượt. Mùi nước hoa thoang thoảng khắp phòng. Họ ngỡ ngàng nhìn người đại diện đầu tiên của Quân giải phóng, một người lính gầy gò, gương mặt đen đúa, hốc hác vì đói ăn và thiếu ngủ.
Đại đội trưởng Bùi Quang Thận ra khỏi xe tăng, lấy lá cờ giải phóng trên xe của mình cắm lên cột cờ trên nóc Dinh Độc Lập lúc 11h30 ngày 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. (Ảnh tư liệu)
– Ông nào là Dương Văn Minh? – Bùi Quang Thận quát hỏi. – Cho tôi gặp ngay Dương Văn Minh!
– Dạ thưa, ngài gặp Tổng thống có việc gì ạ?
– Để ông ấy dẫn tôi đi cắm cờ.
– Dạ… dạ, cái việc ấy thì ông này làm được. Chỉ có ông ấy mới biết chỗ…
Một gã béo trắng, da dẻ mỡ màng, áo cộc tay trắng, chỉ vào một người đàn ông cũng mặc áo cộc tay trắng nhưng gầy mảnh hơn, đứng ngay bên cạnh tôi. – Bùi Quang Thận tiếp tục câu chuyện: – Mãi sau này, khi đọc những trang sử quân đội nói về buổi trưa hôm ấy, tôi mới biết đó là Đại tá Vũ Quang Chiêm – Chánh văn phòng Phủ Tổng thống. Ông ta lập cập đưa tôi qua một hành lang, rồi vào hút sâu mãi phía trong, qua một gian nhà nữa cũng mát như hang đá. (Đúng là cảm giác của người lính ở rừng – TĐK). Rồi ông ta chọc một ngón tay vào tường. Bức tường tự nhiên nứt ra thành một cái phòng bé toen hoẻn như cái toa-lét, ba phía đều là tường. Ông ta bước vào, còn tôi thì ngần ngừ, bước vào, rồi lại quay ra ngay lập tức. Tôi nghi quá. Mình đi cắm cờ, chứ có đi toa-lét đâu. Hắn định giở cái trò khỉ gì thế này? Bỏ mẹ! Khéo mình sa vào trận đồ bát quái. “Dạ thưa, ông vào đi. Đây là cái thang máy. Tôi đưa ông đi cắm cờ mà”. Gã nói lắp bắp, có vẻ như là thành thật. Nhưng tôi vẫn phải cảnh giác. Bởi tôi không có vũ khí trong tay. Tôi bắt gã úp mặt vào tường, rồi mới bước vào. Gã lại đưa tay lên, chọc một ngón vào cái nút ở trên tường kiểu như là điểm hoả. Tôi chộp ngay tay hắn. Chỉ chút nữa thì tôi cho gã một quả phật thủ. “Không! Không, tôi ấn nút thang máy mà!”. Gã kêu lên thảm thiết. Cánh cửa lập tức sập lại ngay sau lưng tôi. Bây giờ thì bốn phía đều là tường. Thật chẳng còn hiểu ra làm sao cả. Lên tầng thượng, hắn dẫn tôi đến cột cờ. Hoá ra cờ mình bé quá. Nó là cờ hiệu cắm trên nóc xe tăng. Trong không gian, ở trên đỉnh cái Dinh lồng lộng này, nó chỉ như cái mắt muỗi. Còn cờ địch to lắm, rộng đến mấy chục mét chứ chẳng ít, lại chằng buộc rất kỳ công bằng các nút dây thép, chừng hai mươi phân một nút. Tôi gỡ mãi mới được hai nút. Nhìn xuống dưới sân Dinh, xe tăng và quân ta bắt đầu tiến vào. Thế là tôi xé luôn lá cờ ấy, thay lá cờ của ta rồi kéo lên. Lúc bấy giờ là 11giờ 30 phút.
Đấy, anh Thận của chúng ta như thế đấy. Dường như anh ấy không chú ý, cũng không có ý thức về vai trò lịch sử của mình. – Trung tá Nguyễn Huy Thông – Trung đoàn trưởng Trung đoàn 203 mà tiền thân là Lữ đoàn 203 bình luận: – Thực tình, chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ cho việc cắm cờ trên nóc Dinh Độc Lập này. Đơn vị được chọn làm công việc cuối cùng của cuộc kháng chiến cứu nước ấy là một đơn vị Anh hùng. Người được chọn cắm cờ cũng là người có đầy những kỳ tích, cũng như người bay vào vũ trụ sau này phải là Anh hùng Phạm Tuân – người đã “bắn cháy” B52 và cái máy bay Mỹ thứ 4.000 cũng phải rơi ngay trên đất Tổ 4.000 năm lịch sử của Vua Hùng. Nhưng rồi chiếc xe tăng chở lá cờ lớn được chuẩn bị rất kỹ ấy lại đi lạc, rồi lại phải đánh nhau rất dữ dội ở mãi ngoài Dinh. Và rồi Giời đã thay người cắm cờ ấy bằng anh lính nông dân Thái Bình Bùi Quang Thận. Mọi việc anh Thận làm đều rất giản dị. Khi dứt lá cờ của chính quyền Sài Gòn, thoạt đầu anh định ném xuống sân. Nhưng nhìn lại, thấy vứt đi phí quá. Cái cờ chẳng ra quái gì nhưng vải rất tốt, dày đến mức có thể làm chăn đắp được. Thế là anh cuộn lại, định bụng mang về quê, dùng để lót ổ thay cho rơm rạ hay lá tre khô. Sau này, lịch sử cần biết đích xác người cắm cờ. Lúc ấy mới hay là có quá nhiều người cắm cờ. Sự thật thì họ đều cắm cờ cả. Nhưng cắm ở tiền sảnh, ở góc nhà, ở rất nhiều nơi xung quanh Dinh Độc Lập và ở ngay cả chính Dinh Độc Lập. Nhưng ai là người cắm lá cờ trận mạc, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” trên nóc Dinh kia. “Thì tôi cắm đấy mà” – Bùi Quang Thận trả lời thật giản dị. Vậy thì bằng chứng đâu? Phải có gì làm bằng chứng chứ. Lịch sử vốn cần chính xác và cụ thể. Ai bắt Dương Văn Minh? Ai thảo thư đầu hàng cho Tổng thống Dương Văn Minh? Sau này cũng phải tranh cãi, xác định mãi. Có đến cả mấy cuộc hội thảo khoa học rồi mà vẫn chưa kết luận được đích xác sự việc ấy. Bùi Quang Thận chợt nhớ đến cái lá cờ của địch mà anh cuộn lại, định mang về quê Thái Bình trải ổ thay cho rơm rạ. Người ta khớp vết xé với những nút sắt buộc trên cột cờ mới nhận ra anh. Còn anh thì cười hiền lành: “Ôi dào, có gì đâu. Tôi chẳng nghĩ gì khi làm điều đó. Đấy là một việc rất đỗi bình thường của một người lính trận. Anh nào trong hoàn cảnh ấy cũng sẽ làm như tôi. Đơn giản thế thôi. Có gì mà các bố cứ lằng nhằng rắc rối cho nó hoá to chuyện!”.
Bây giờ, Bùi Quang Thận đã là người trong cõi nhớ thương rồi. Trong ngày anh ra đi, tôi cũng đã có một bài viết, coi như một nén tâm hương của những người chép sử bằng âm thanh VOV tưởng nhớ anh. Kính mong các cơ quan chức năng bàn lại với địa phương để trao lại Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho anh. Bởi anh hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu cao quý ấy. Bây giờ thì Bùi Quang Thận đã chính thức là một người anh hùng, có tên trong danh sách những người anh hùng thời trận mạc. Và rồi cũng còn rất nhiều những người khác nữa. Họ rất xứng đáng để chúng ta tưởng nhớ và tri ân trong những ngày linh thiêng này…