Diễn viên huy cường quê ở đâu
Huy Cường là cái tên bảo chứng cho những vai tính cách, phản diện trên phim truyền hình phía Nam. Mười mấy năm theo nghiệp phim, lượng vai Huy Cường đóng, nếu kể e cũng vài trang giấy. Còn chất, chỉ nghe người trong nghề gọi Huy Cường là “ông trùm vai phản diện” đã đủ độ tin cậy.
Vậy mà, bất ngờ thay, đầu năm 2015, Huy Cường được trao giải Cánh diều Vàng cho vai diễn hiền lành, chất phác vô cùng – Bè – trong “Những đứa con của làng” của đạo diễn Nguyễn Đức Việt. Tôi đề cập đến giải thưởng này, không chỉ vì đó là thành quả của những cố gắng không ngừng, cho sự lăn xả vì vai diễn của Huy Cường mà còn vì, đó là một trong những giải mà Cánh diều năm nay không gồng mình thỏa hiệp.
1. Tôi có một thói quen hơi… lạ. Lâu lâu rỗi rỗi lại lủi vô vài cái hẻm nào quen quen, nhâm nhi café. Ngồi đến khi café trong ly bạc màu, khói thuốc váng trời vẫn chưa muốn về. Tôi thương những con hẻm Sài Gòn, thương cái mùi thân thương của hẻm. Thương cả tiếng khuấy đường lanh canh trong ly café cóc, tiếng đập đá chắc nịch của má hai, cô ba, chị tư nào đó. Thương chú tư xe ôm gật gà ngủ trên yên xe chợt tỉnh ới lại liền: “Ờ, đợi tao xíu nghe bây!” khi nghe tiếng gọi: “Chú ba, chở con đi đằng này chút nghen”. Chú ba hiền queo, chạy xe mấy chục năm mà ai hỏi nhiêu tiền cũng thiệt thà quệt mồ hôi trán, cười: “Dạ, cô cho nhiêu cho!”.
Tôi thuộc câu nói đó, thuộc cái quệt trán của chú Ba tới mức nằm ngủ cũng có thể hình dung vậy mà mỗi khi bất chợt nghe, lòng xúc động như người ta mang thứ gì đó quý giá tặng mình. Bà ba, má bảy đi chợ về ngang cũng ới vài tiếng. “Bữa nay xăng lên, đồ ăn mắc quá chị hai! Tui đi mấy vòng, tính tới tính lui, không biết mua cái gì coi cho đặng”. Đời sống nhiều thay đổi vậy mà hình như ở hẻm, thời gian như tụ lại theo những thanh âm gần gụi, quen thuộc đó. Ngày nào cũng nghe thấy thường, chứ lâu hông ghé, thấy thiếu thiếu trong người, lòng đâm bứt rứt.
Bạn tôi quở, thằng này kỳ, thương nhớ cái gì đâu không! Tôi cũng cười, không biết có kỳ không, thấy mình cũng ngộ. Có lẽ, những gì đi qua tuổi thơ thường để lại trong ký ức mỗi người nếp hằn khó phai. Càng lớn, người ta thường nhớ nhiều những ngày tháng ấy, dẫu lam lũ, cực nhọc và buồn tủi vô cùng. 3, 4 tuổi tôi đã biết thọt tay kéo mớ ghế xếp chồng lên nhau cho khách ngồi, bưng bê, rửa ly rửa tách phụ mẹ. Chỗ mẹ bán gần công ty bột giặt Viso.
Tôi nhớ mỗi lần công ty có họp hội hay gì đó thì y như rằng, đều ghé qua quầy hàng của mẹ khi thì nước chanh, khi thì café, liền lúc mấy chục ly. Ba pha xong xếp hai hàng ly dài, tôi khuấy cùng lúc hai tay hai bên cho kịp. Khách đông tới nỗi hai ba con chia nhau đập nước đá, tay đỏ lựng, không còn chút cảm giác nào. Mệt vậy nhưng vui vì biết bữa đó có tiền đong gạo. Nhiều khi tôi ước, phải chi nắng hoài, thiệt gắt như trời Sài Gòn mấy nay vậy! Mưa ế, mẹ ngồi buồn thiu, chắt mót những đồng tiền lẻ queo quắt, nhẩm tính coi bữa nay lỗ ít hay nhiều.
Tuổi thơ tôi quẩn quanh bên xe café và tủ thuốc lá của mẹ, lớn lên đi học cũng không khác mấy. Buổi tới trường, buổi ra thay phiên nhỏ em gái ngó quầy café phụ ba mẹ đặng ba mẹ nghỉ đôi chút. Sót đâu đó trong ký ức là đám hình ảnh nhảy múa của lần ba cắt củm dành tiền dẫn hai anh em đi thảo cầm viên chơi. Hai đứa mắt tròn mắt dẹt, chỉ trỏ không ngừng. Mình nghèo mà nên chỉ biết cơm ngày hai bữa, tới trường rồi về nhà phụ ba mẹ là hết rồi. Đâu có dám mơ mộng, ao ước gì xa xôi. Cứ sống trôi theo dòng đời, tới đâu hay tới đó.
2. Nhà tôi trụ được ở hẻm Trần Đình Xu được mười mấy năm, buôn bán ngày một ế ẩm, cả gia đình lục tục dọn qua Bình Thạnh, tiếp tục sống nhờ xe café, chớ có biết làm nghề gì khác đâu. Trời xui đất khiến sao, xe café của mẹ tôi gần xe café má của anh Hữu Châu. Hai bà nói chuyện riết thành thân. Biết anh Châu là diễn viên, má mới dắt tay tôi gặp má anh Châu xin gởi tôi theo nghề. Anh Châu dẫn tôi vô Trường Nghệ thuật sân khấu 2 gởi tận tay cho thầy Minh Nhí. Không biết là hên hay xui, thầy nhận lớp A nên mấy đứa theo học diện trù bị bọn tôi theo thầy Công Ninh, lúc đó mới đi học ở Liên Xô về.
Thương cảnh nhà túng bấn, tôi lao đi xin việc này việc kia. Anh Phước Sang ngó tướng coi cũng được, cho chân chạy việc hậu đài, xếp ghế, xé vé ở sân khấu 135, Hai Bà Trưng. Đời tôi ăn ngủ vui buồn sướng khổ gắn liền với sân khấu 135. Thời gian tôi ở sân khấu nhiều hơn ở nhà. Ai kêu gì tôi cũng làm, sai gì tôi cũng chạy, đắp đổi qua ngày, nhất quyết không để gia đình phải lo lắng. Xếp ghế, xé vé hoài, ngó mặt cũng sáng, mấy anh chị cho thêm một chân bật nhạc cho vở diễn. Rồi, dần dần nhắc thoại. Nhờ Tổ thương, tôi học thoại cực nhanh.
Chỉ cần nghe người ta nói qua thôi là tôi thuộc liền nên hễ nhóm hài nào bất thình lình thiếu người hay có sự cố gì đó, tôi đều có thể tráp vai được. Tráp quen mặt tới nỗi mọi người đặt luôn cho tôi biệt danh: “114 của 135!”. Bữa nào không có vai tráp thì ra treo áp phích ở phòng vé. Nhìn mấy anh chị rạng danh trên tấm áp phích đó, buồn buồn nghĩ không biết chừng nào mình được như vậy ha? Lâu lâu, có khán giả đi qua, thấy cái dáng quen quen lại vỗ vai hỏi, ủa bữa nay không có diễn hả? Tôi ngại ngại gãi đầu rồi lủi mất.
Huy Cường vai Bè trong “Những đứa con của làng”. Ảnh: Li Lam.
Mà diễn hoài, lầm lụi từ ngày này qua ngày khác, không thấy bóng mình đâu. Nhiều khi dẹp hậu đài, đứng tần ngần ra, “Không lẽ cuộc đời mình hiu hắt vậy hoài sao?”. Mấy lúc đó, nhiệt huyết, tuổi trẻ, năng lượng bay đi đâu hết. Chỉ có mình, với nỗi chán chường, sự bế tắc và đôi chân rệu rã. Muốn vật ra ngay giữa sân khấu khóc cho thỏa thuê mà nước mắt không rơi được. Sự bức rứt, khó chịu dồn nén như ngày oi không mưa. Khi tâm trạng chán chường xẹp xuống là lúc ý chí nổi dậy. Trời không phụ kẻ khó, tôi dần có được vị trí nhất định trong lòng khán giả và ở sân khấu.
Rồi tôi bén duyên phim ảnh. Như người mù mò đường trong đêm tối, ai kêu vai gì cũng nhận để thử sức. Dần dà nhận ra, đi lừng chừng vậy hoài thì biết mình là ai. Mà dứt sân khấu hẳn thì tôi chưa dám. Lần lữa, lừng khừng mãi, tôi quyết tập trung vào phim ảnh; lòng tự hứa, nhất định phải thành công, bởi không có chỗ cho người thất bại quay về.
3. Có hai lần trong đời, ý định bỏ nghề trong tôi bộc phát thành hành động. Lần thứ nhất, lúc đó đã được khán giả biết tới nhiều, có chân trong một nhóm hài khá nổi tiếng nhưng vì mâu thuẫn với người lập nhóm quá lớn, tôi xin thôi. Thời gian ấy, tôi vừa lập gia đình được đâu chừng 2, 3 tháng. Nghĩ tới tương lai của hai đứa, lòng tôi nặng trĩu. Một thân một mình, mình khổ không sao. Chứ có vợ, để vợ khổ theo, coi sao đặng. Rồi tương lai hai đứa sẽ như thế nào. Còn con còn cái nữa? Trằn trọc mấy đêm, tôi bàn với vợ, vét số tiền dành dụm của hai vợ chồng mở tiệm đĩa. Một cái đĩa như vậy giá hai ngàn rưỡi đồng. Hai đứa tụi tôi cặm cụi làm ngày này qua ngày khác, riết sinh “tật” ăn cái gì, mua cái gì cũng quy ra đĩa. Sợ hụt vốn và xót tiền tới nỗi không dám mua một tô phở.
Anh em sân khấu thấy tôi vắng bóng dần trên sân khấu, sợ bỏ nghề nên người này người kia kêu đi diễn lại, tôi gợn gợn suy nghĩ rồi dứt khoát chối từ. Thời sao anh Duy Phương réo dữ quá, vì quý anh, tôi gật đầu diễn cùng anh một đêm. Tôi nhớ như in, bữa đó ảnh đưa thù lao cho tôi được tới một trăm sáu mươi ngàn – số tiền quá lớn so với vai diễn của tôi – và tôi biết vì anh thương thằng em đang khổ. Cầm số tiền trên tay, tôi nhẩm tính, chừng này là được tới sáu chục cái đĩa nè! Lòng mừng rơn, tính chuyện đi diễn lại, lấy tiền mua đĩa duy trì tiệm. Được 9 tháng thì tôi dẹp tiệm đĩa, tập trung vào nghề diễn.
Lần thứ hai, cách đây 3 năm, thấy nghề diễn bấp bênh quá, vợ chồng tôi tính tới tính lui mở quán ốc. Chứng kiến nhiều cô chú lăn lóc với nghề mà cuối đời không có được mái nhà, phải nương nhờ chỗ này chỗ kia, tôi đâm sợ. Khổ nỗi, hôm nào có tôi thì quán đông, hôm nào tôi không đến thì lác đác người. Người ta vì quý mình mà đến, mình đâu phụ lòng được. Thành ra, đi diễn về là lật đật chạy ra quán liền. Uống với bàn này một ít, bàn kia một chút. Được đúng 9 tháng thì sức tôi chịu không nổi nữa nên đành cất lại dự định đó.
Ông bà mình thường nói, nghề chọn người. Tôi tin vậy. Ngày nào Tổ còn thương, khán giả còn quý, còn nhớ mặt “thằng cha này đóng vai ác lắm nè, thấy ghét lắm nè!” là tôi còn cần mẫn ra phim trường, còn tỉ mẩn nghiên cứu và đào sâu những vai diễn.
Được mệnh danh là “tên trùm phản diện” sau khi đóng một loạt vai ác trong các bộ phim truyền hình như Bão, Hoa dã quỳ, Kiều nữ và đại gia, Hoa xương rồng,… nam diễn viên Huy Cường mới đây xuất hiện trong chương trình “Các ông bố nói gì?” khiến khán giả vô cùng bất ngờ với những câu chuyện làm bố trái ngược hoàn toàn phía sau ống kính máy quay.
Huy Cường sinh năm 1977, dù đóng nhiều vai ác nhưng ngoài đời, anh là ông bố bỉm sữa có cuộc sống hạnh phúc bên người vợ xinh đẹp là diễn viên kịch Chế Hoàng Lan và cậu con trai lớn 13 tuổi giống bố như đúc.
Vào viện chăm con bác sĩ tưởng giang hồ
Là người chuyên đóng vai “ác” nhưng khi lần đầu biết tin được lên chức bố, tôi vô cùng run và lo lắng. “Khi tôi và vợ đến với nhau đã thống nhất 3 năm sau mới có con nhưng không ngờ đến lúc biết tin, mặt tôi vẫn ngơ ngẩn luôn”
Thời gian chuẩn bị để trở thành ông bố bỉm sữa của tôi bắt đầu bằng hành trình chăm vợ trong 9 tháng 10 ngày trước khi sinh. Tôi nhớ mãi món ăn yêu thích của bà xã khi đó là hủ tiếu gõ.”Một lần thèm cô ấy ăn 4 tô, tăng từ 45kg mà lên 75kg.”.
Khi bà xã sinh con, hai vợ chồng tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ. Vậy nhưng còn 10 ngày mới tới ngày sinh, tôi giật mình thấy bác sĩ nói đưa vợ đi bệnh viện để đẻ.
“Đưa vợ vào viện tôi ngồi run run ngoài phòng chờ, vừa ngó qua ngó lại đã thấy tiếng oe oe con trai chào đời. Lúc đó tôi đang đi quay Hoa dã quý, tóc còn nhuộm highlight vàng, vô bệnh viện không đội mũ được…bác sĩ nhìn tưởng tôi giang hồ ở đâu”.
Lần đầu thấy con đã thấy bé rất hồng hào, xinh đẹp chứ không hề da nhăn nheo. Tôi còn tự mình hỏi bác sĩ cách pha sữa cho con rồi 7-10 ngày vợ ở viện, một mình tôi lo hết cho đứa trẻ.
Con trai lớp 7 cao 1m7
3 năm đầu từ khi bé 1 tuổi đến 3 tuổi, tôi chăm con rất vất vả, hai vợ chồng căng thẳng vì con. Hồi con 4,5 tháng cho bé ăn dặm chỉ được ngày đầu, từ hôm sau mỗi lần ăn đều tính bằng muỗng, sữa thì đổi hàng chục loại, phải rút bằng xilanh bơm vào miệng con mà chỉ cần con ho một cái là trớ. Có nhiều đêm hai vợ chồng nằm ngủ gục bên con, suốt 3 năm không được một giấc yên, không dám đi đâu chơi. Vậy nhưng vì gia đình cần có người đi làm kiếm tiền, nên dù rất thương vợ, tôi vẫn phải đi. Vợ hy sinh và lùi lại để chăm sóc gia đình.
Ngày xưa cách đây 13 năm, khi giá cước điện thoại còn rất đắt đỏ, vì để thường xuyên hỏi thăm được sức khoẻ hai mẹ con mỗi lần đi quay xa nhà, tôi còn không ngại “lầy lội” sử dụng chiêu thức khuyến mại 3 giây đầu của nhà mạng để gọi vợ liên tục.
Nuôi con vất vả là vậy, đến bây giờ, tôi cũng nhận được trái ngọt khi con trai vào lớp 7 đã cao 1m7, nặng gần 70kg.
Lúc có con, hai vợ chồng cũng thường xuyên cãi cọ, tôi nóng tính nhưng vợ còn nóng hơn tôi. Khi đó, con trai tôi là cầu nối, con bảo: “Ba ơi, sao ba la mẹ lớn tiếng vậy?” rồi “Mẹ ơi, mẹ làm theo lời ba nói đi, đừng cãi nhau”.
Khi vợ chồng cãi nhau, con rất buồn, bé thường xuyên mở cửa phòng kiểm tra xem bố mẹ có cãi nhau không. Thậm chí những ký ức ấy tồn tại đến tận bây giờ. Cuối cùng, chính vì con như vậy nên 2 vợ chồng phải bớt nóng tính lại.
Chung sống với nhau đã 16 năm nay, tôi rất cảm kích vợ vì đã hy sinh cho gia đình, chấp nhận lùi lại để chăm sóc con cái. Vợ chồng đã chung sống gần 16 năm rồi, tôi không nói nhiều mà chỉ thể hiện bằng hành động, tôi luôn suy nghĩ là làm thế nào để đạt được mục tiêu mà hai vợ chồng thống nhất để có một gia đình hạnh phúc.
Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/ong-trum-vai-ac-huy-cuong-3-nam-hut-xi-lanh-sua-bo…Nguồn: http://thoidaiplus.suckhoedoisong.vn/ong-trum-vai-ac-huy-cuong-3-nam-hut-xi-lanh-sua-bom-cho-con-gio-dua-tre-cao-1m7-d233156.html
Theo Hạ Mây (thoidaiplus.suckhoedoisong.vn)