Diễn viên ‘Gia đình phép thuật’ làm bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch
Sau “Gia đình phép thuật”, Gia Kỳ tạm gác lại sự nghiệp diễn xuất để theo đuổi ngành y. Anh hiện là bác sĩ trực tiếp điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19.
Buổi tối của ngày nghỉ duy nhất trong tuần, Gia Kỳ dành ra chút thời gian trả lời phỏng vấn Zing. Nam diễn viên từng thủ vai phù thủy Ma Suri ở phim Gia đình phép thuật (2009) giờ đã là bác sĩ trực tiếp điều trị và chăm sóc bệnh nhân F0 ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP.HCM).
Trong 30 phút trò chuyện qua điện thoại, Gia Kỳ chia sẻ về quyết định chuyển hướng từ nghệ thuật sang ngành y, cũng như những trải nghiệm không thể nào quên trên hành trình đồng hành cùng bệnh nhân chiến đấu với Covid-19.
“Vui nhất khi máy hiển thị nồng độ oxy trên 90%”
– Hành trình trở thành bác sĩ chống dịch của Gia Kỳ bắt đầu thế nào?
– Đại dịch bùng phát lúc tôi học năm thứ 6 ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Khi TP.HCM giãn cách đợt một, tôi đã hăng hái đăng ký làm tình nguyện viên trực tổng đài 115. Sau đó tôi tốt nghiệp và công tác ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tôi được giao nhiệm vụ khám sàng lọc vaccine, điều trị cho bệnh nhân thường chứ chưa tiếp xúc F0.
Đến đợt dịch này tôi mới được cử xuống Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2). Tôi đã ở đây đã hơn một tháng, mỗi tuần làm việc 4 ngày theo ca trực, nghỉ một ngày, rồi tiếp tục xoay vòng như vậy, bất kể thứ bảy chủ nhật.
Nhiều bác sĩ trong thành phố và ngoài Bắc được cử đến đây làm nhiệm vụ. Máy móc ở bệnh viện tạm đủ, nhưng 70 giường bệnh lúc nào cũng đầy. Khoảng 20% những người mắc Covid-19 có triệu chứng nặng cần nhập viện, đa số là người già. Bệnh thường chuyển biến nặng từ ngày thứ 8-10. Bệnh nhân bị thiếu oxy, thở rất khó khăn, lại không có người thân chăm sóc.
Không chỉ trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, Gia Kỳ còn đi hiến máu để cứu người. Ảnh: Gia Ky Nguyen.
– Công việc cụ thể của anh là gì?
– Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là bệnh viện tuyến cuối nên tôi trực tiếp điều trị F0. Ở khoa, mỗi sáng bác sĩ sẽ khám và cho thuốc bệnh nhân. Mỗi bác sĩ trung bình cho thuốc 6-8 bệnh nhân và sau đó chia nhau theo dõi 70 ca bệnh. Hai kíp trực sẽ có khoảng 8 bác sĩ.
Đầu buổi sáng tôi đi đo nồng độ oxy cho tất cả ca bệnh. Với tôi, vui nhất là khi máy hiển thị nồng độ oxy trên 90%, bệnh nhân thở êm. Chỉ cần ghi vào hồ sơ hai câu đó tôi đã rất hạnh phúc.
Chúng tôi ai cũng có nhiệm vụ riêng hẳn hoi, bác sĩ lo điều trị, y tá cho thuốc và chăm người bệnh. Nhưng vì số lượng bệnh nhân đông nên chúng tôi phải san sẻ công việc cho nhau. Bệnh viện hiện giờ cũng có tình nguyện viên hỗ trợ bệnh nhân uống nước, thay tã.
Giữa những khoảng nghỉ, mọi người ít khi tụ tập hoặc nói chuyện, ăn uống. Chúng tôi đoàn kết trong lúc làm và giữ khoảng cách khi tan ca để hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo.
– Theo chia sẻ, Gia Kỳ chỉ mới trực tiếp điều trị cho F0 trong hơn một tháng qua. Lúc mới bắt đầu anh đã gặp khó khăn gì?
– Nói thật, ban đầu tôi sốc và ngộp. Tôi chuyên về khoa ngoại niệu, chưa nhiều cơ hội tham gia vào những ca phải tiến hành hồi sức cấp cứu. Phải mất khoảng thời gian ngắn tôi mới quen nhịp công việc và giữ bình tĩnh để chăm sóc bệnh nhân.
– Đối mặt với nhiều nguy hiểm, rủi ro, anh tự bảo vệ mình ra sao?
– Tôi xác định bản thân phải an toàn trước đã. Nếu một bác sĩ nhiễm bệnh, đồng nghiệp sẽ áp lực gấp đôi, vì thế tôi luôn đảm bảo biện pháp phòng hộ, mặc trang phục bảo hộ, mang khẩu trang, xịt khử khuẩn đầy đủ cũng như xét nghiệm liên tục. Tôi tiếp xúc trường hợp nặng nên những lúc cấp cứu, hồi tim cho bệnh nhân, tôi không nghĩ gì nữa và cũng chẳng biết khi nào mình sẽ bị nhiễm.
Vì là sinh viên mới ra trường nên tôi tranh thủ cập nhật kiến thức y tế và theo dõi phác đồ điều trị trên thế giới. Mục tiêu của tôi là cố gắng không để bệnh nhân bước vào giai đoạn nặng.
– Anh ăn ngủ, sinh hoạt thế nào trong giai đoạn này?
– Chúng tôi được bệnh viện, sở y tế và ủy ban thành phố sắp xếp chỗ ở tại khách sạn. Việc này sẽ đảm bảo sức khỏe cho bác sĩ và người thân của chúng tôi. Mọi thứ đến nay vẫn ổn. Tôi là người con của TP.HCM và đã hơn một tháng chưa về nhà, thỉnh thoảng có việc ghé ngang lấy đồ chỉ dám gọi mẹ mang ra trước cửa. Tôi là con một trong nhà nên được ba mẹ dành mọi sự quan tâm, vì vậy khi gọi điện thoại về nhà tôi không dám than vãn vì sợ gia đình lo lắng.
“Nghẹn lòng khi bệnh nhân nói muốn bỏ cuộc”
– Chứng kiến những khoảnh khắc bệnh nhân đau đớn giành giật sự sống, suy nghĩ đọng lại trong anh là gì?
– Như mọi người cũng biết bệnh nhân F0 gặp vấn đề nghiêm trọng nhất là hô hấp. Khi họ thiếu oxy và trở nặng thường ra đi rất nhanh. Bác sĩ chúng tôi phải hồi sức để giữ lấy sự sống cho họ. Nhưng đáng tiếc, có nhiều trường hợp đã không qua khỏi.
Những lúc đó, tôi buồn lắm. Một số bệnh nhân mà tôi chăm sóc từ đầu, hỏi thăm mỗi ngày, theo dõi tình trạng sức khỏe, xoay trở họ nằm đúng tư thế khi khó thở đã ra đi. Chứng kiến họ rời bỏ thế giới là điều tôi cảm thấy rất kinh khủng. Cứ mỗi đêm trực mà có bệnh nhân mất, tôi lại bị ám ảnh.
Gia Kỳ gác lại việc đóng phim để tập trung cho nghề bác sĩ. Ảnh: Gia Ky Nguyen.
– Vừa qua, VTV phát sóng phim tài liệu “Ranh giới” ghi lại cảnh nghẹn lòng với câu nói muốn rút máy thở để về nhà của sản phụ mắc Covid-19. Trong quá trình điều trị bệnh nhân, anh có nghe những câu tương tự?
– Có phải khi nghẹt mũi là bạn đã cảm thấy rất khó chịu không? Đằng này, bệnh nhân F0 thở nhưng oxy không vào, họ phải gồng người lên để thở, rất tốn sức và mệt mỏi. Tôi từng nghẹn lòng khi một bệnh nhân nói rằng: “Tôi mệt quá bác sĩ, tôi muốn bỏ cuộc”. Câu đó nghe đau đớn lắm.
Tôi và đội ngũ y bác sĩ đã cố gắng chữa trị hết mức có thể, hỏi thăm bệnh nhân về hoàn cảnh gia đình, con cái của họ. Tôi luôn động viên họ cố gắng vượt qua giai đoạn này để về bên người thân.
– Có bao giờ, những khoảnh khắc yếu lòng khiến anh phải quay đi, vội lau nước mắt?
– Tôi không quên được lần đầu vào phòng hồi sức cho 2 ca bệnh. Bệnh nhân tuột oxy rất nhanh và chúng tôi phải tiến hành hồi tim trong 40 phút. Sau cùng thì khoảnh khắc buồn nhất đã xảy ra. Anh bác sĩ lớn trong ca trực nói: “Bệnh nhân không qua khỏi, tim ngừng rồi”.
Tôi bước ra ngoài, bần thần, đơ cả người. Tôi đã rơi nước mắt vì chưa bao giờ chứng kiến tình trạng bệnh nặng đến vậy. Trải qua những lần tương tự, tôi đã bình tĩnh hơn để tiếp tục theo dõi các bệnh nhân khác.
– Thay đổi rõ rệt nhất của anh sau hơn một tháng qua?
– Tôi trưởng thành, có những trải nghiệm và suy nghĩ sâu sắc về nghề bác sĩ. Tôi nhận ra quan trọng nhất là đồng hành cùng bệnh nhân, bởi nếu chỉ một mình bác sĩ sẽ không làm được gì cả. Tâm trạng tôi gần đây tốt lên vì số lượng ca bệnh nặng có xu hướng giảm, dù không nhiều. Tôi chỉ muốn chia sẻ thông tin tích cực này đến mọi người thông qua mạng xã hội.
Nếu có duyên sẽ tiếp tục đóng phim
– Gia Kỳ từng được khán giả yêu mến qua bộ phim thiếu nhi Gia đình phép thuật (2009). Một diễn viên lúc ấy mới 13 tuổi đã cân bằng việc học và đóng phim ra sao?
– Đạo diễn hiểu chúng tôi còn đi học nên ráng sắp xếp lịch quay vào cuối tuần, hoặc kẹt lắm tôi mới phải xin nghỉ vào những tiết buổi chiều, kèm theo điều kiện là cùng mẹ lên phòng giám hiệu để cam kết kết quả học tập. Nói thật, nhờ đóng phim mà tôi mới học tốt. Tôi đặt ra mục tiêu học và đảm bảo thành tích khả quan thì mới được cho nghỉ.
– Có nền tảng nghệ thuật tốt như vậy, tại sao anh quyết định chuyển hướng?
– Tôi đóng phim từ nhỏ và kéo dài khoảng thời gian ăn, ngủ trên phim trường suốt 7 đến 8 năm. Dẫu vậy, trong lòng tôi luôn ấp ủ ước mơ trở thành bác sĩ vì tò mò về khoa học và chữa bệnh, giúp đỡ mọi người.
Những tập cuối của phim Gia đình phép thuật rơi vào năm tôi học lớp 10. Mọi người lúc ấy hỏi tôi rằng có tiếp tục theo nghệ thuật hay không. Tôi đã suy nghĩ rất lâu và quyết định gác lại con đường diễn xuất để tập trung học và thi bác sĩ.
Khi lớn, đường nét gương mặt của Gia Kỳ không có nhiều thay đổi so với trước. Ảnh. Gia Ky Nguyen.
– Sau 12 năm, khán giả vẫn thường xuyên nhắc về hình tượng phù thủy Ma Suri qua diễn xuất của Gia Kỳ. Anh có nghĩ một ngày sẽ trở lại nghệ thuật?
– Được mọi người yêu mến và dành tình cảm sau Gia đình phép thuật là niềm hạnh phúc lớn với tôi. Bộ phim kết thúc nhưng các diễn viên chúng tôi vẫn giữ liên lạc, thỉnh thoảng đi chơi cùng nhau. Hiện chỉ còn Nhật Hạ là nhiệt huyết theo nghề diễn, số còn lại đều có công việc khác nhau, ở mỗi nước khác nhau.
Học hành, công việc cứ cuốn lấy khiến tôi không còn thời gian suy nghĩ đến chuyện khác. Nếu có cơ hội, tôi muốn một lần nữa được trở lại đóng phim.