Diễn viên Bảo Châu: Tôi diễn như… con ma nghiện

Không nói được giọng Nam là bỏ nghề

Lớp học ngày ấy nay đã có nhiều người thành danh, ghi dấu tên tuổi mình vào làng nghệ thuật Việt Nam. Hàng loạt cái tên nghe qua khán giả phía Nam sẽ không lấy gì xa lạ: Thúy Nga, Việt Hương, Đức Thịnh, Hoàng Mập… và cả cô lớp trưởng Bảo Châu, tóc dài, da trắng, siêng năng, cần mẫn của lớp.

… Tôi gặp Bảo Châu tại Sân khấu kịch Sài Gòn vào một chiều mưa đầu mùa. Cô vừa tập xong vở Trầu cau của tác giả Thanh Hoàng và cho biết tối đó sẽ diễn vở Tri ân. Công việc cứ như quấn lấy cô với hàng loạt vai mới trên sân khấu kịch và cả trên phim trường. “Tôi rất ít khi có thời gian rảnh rỗi dành cho gia đình. Hết tập kịch đến đóng phim rồi đi diễn. Thôi thì còn làm được, phải cố gắng chứ sao. Tính tôi từ trước đến giờ không ngại khó. Ngày xưa, nhọc nhằn, thiếu thốn là thế mà lớp chúng tôi đều vượt qua để được như hôm nay thì bây giờ không chuyện gì có thể làm tôi lùi bước”. Bảo Châu thổ lộ với một giọng rặt Nam Bộ.

Tôi cười hỏi cô gốc gác ở đâu mà trong bụng cứ đinh ninh chắc là dân miền Tây chính cống. Bảo Châu cho biết cô là người Hà Nội dù sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn. “Từ nhỏ, tôi chỉ nói được giọng Bắc mà thôi. Đến khi vào trường Sân khấu – Điện ảnh, tôi nhận ra rằng để có thể làm nghề và thành công trên mảnh đất phương Nam này thì phải nói được giọng Nam, đặc biệt nếu chọn nghề diễn viên”. Vậy là cô lao vào tập. Con đường từ trường về nhà tận Gò Vấp ngày xưa xa là thế nhưng với Bảo Châu lại là một thuận lợi. Tranh thủ lúc lái xe, cô lẩm nhẩm bất cứ thứ gì đọc được trên đường bằng giọng Nam Bộ. Nhiều người đi đường nếu để ý chắc hẳn sẽ cho rằng cô… bị thần kinh.

Ngày đó cả lớp chỉ mình cô có xe máy đi học. Chiếc Chaly nhỏ xíu đã là “bảnh” lắm rồi. Bạn bè toàn đạp xe đến trường nên cần chuyện gì Bảo Châu không ngại xung phong xách xe đi. “Lớp chúng tôi học hành trong thiếu thốn, trường lớp cũ kỹ, chẳng có đạo cụ, thiết bị hiện đại như bây giờ. Nhưng chúng tôi có thứ khác. Đó là lòng yêu nghề mãnh liệt. Ham muốn diễn và được diễn cứ như con ma nghiện, luôn ám ảnh chúng tôi. Mỗi người học và hành bằng gấp hai, gấp ba sức của mình để đạt kết quả cao nhất. Lúc vào trường tôi đỗ thủ khoa nên càng ra sức nhiều hơn bạn bè, không thì ê mặt lắm”.

Câu chuyện tình “phẳng lì như mặt hồ”

Thời sinh viên, lịch học và làm việc của cô gái trẻ Bảo Châu là sáng học, trưa phụ mẹ lo chuyện gia đình, nấu ăn, chiều trở lại trường học tiếp. Tối về nhà mệt đừ chỉ muốn ngủ. Đêm cuối tuần năm thứ ba, nếu có show diễn, cô lại xách xe đi hoặc chủ nhật rảnh làm người mẫu lịch cho các nhiếp ảnh gia. Với gương mặt đẹp, phúc hậu, Bảo Châu từng được nhiều lời mời chào làm người mẫu ảnh nhưng cô xác định chỉ tập trung cho nghề diễn.

“Thế Bảo Châu tìm hiểu vị hôn phu vào lúc nào để bây giờ có tới hai nhóc trai xinh xắn?”, tôi hỏi. Bảo Châu cười tiết lộ ông xã là bạn học từ thời cấp hai. Hai đứa đi học thêm, quen nhau như bè bạn thân tình. Chuyện vui buồn đều có thể tâm sự với nhau. Mười năm ròng rã từ lúc Bảo Châu chỉ là cô học trò lớp 9 đến khi trở thành sinh viên rồi là một diễn viên thành đạt, anh kỹ sư vẫn lặng lẽ chăm chút cho cô, lặng thầm dõi theo từng nấc thang cô bước.

Năm 2000, Bảo Châu quyết định cùng anh “góp gạo thổi cơm chung”. “Nhiều người thắc mắc tại sao tôi sống quá đơn điệu như thế. Yêu một người, chung thủy cả mười năm dài rồi cưới. Chuyện đó dường như khá xa lạ với giới nghệ sĩ. Nếu muốn, tôi có thể tìm hoặc “phiêu lưu” với vô số cuộc tình nhưng tôi không thích thế. Ngày xưa khi quyết định chọn nghề diễn, tôi đã phải khó khăn lắm mới thuyết phục được gia đình. Bố mẹ tôi cực kỳ nghiêm khắc và luôn nghĩ nghề này chỉ là “xướng ca vô loài”. Bằng nỗ lực và lối sống của mình, tôi muốn chứng minh cho bố mẹ hiểu rằng, tôi vẫn là con bé Bảo Châu ngày nào với đầy đủ công-dung-ngôn-hạnh được dạy bảo”.

Đưa tấm ảnh chụp cả nhà cho tôi xem, Bảo Châu tâm sự cô yêu ông xã vì anh ấy đã mang lại sự bình an và biết cảm thông chia sẻ nhiều điều trong cuộc sống. Là người thể hiện nhiều vai diễn với những tính cách khác biệt trên sân khấu, phim ảnh, cô hiểu rõ cuộc đời với đủ cảm xúc hỉ nộ ái ố. Cô không muốn cuộc đời mình đầy trắc trở, cam go như trong kịch, trong phim. Đến hôm nay, chút danh tiếng nhờ nghề nghiệp mang lại, với Bảo Châu điều đó cũng không quan trọng bằng mái ấm gia đình. Hào quang, nếu có, theo cô cũng chỉ là kết quả của những tháng ngày làm việc hết mình kèm theo chút may mắn.

Scandal chỉ là chuyện ngoài song cửa

Bảo Châu không bao giờ chịu áp lực từ danh vọng. Cô cứ chú tâm làm nghề và được đền bù xứng đáng. Bộ phim đầu tiên Bảo Châu tham gia là Đoạn cuối ở Bangkok của đạo diễn Cảnh Đôn và vở kịch đầu tiên cô thủ diễn là Bến bờ xa lắc do thầy Trần Ngọc Giàu dàn dựng. Tiếp theo là hàng loạt bộ phim điện ảnh, truyền hình và kịch sân khấu như Con nhà nghèo, Nợ đời, Xóm gà, Chọn mặt gửi vàng, Chuyên gia tình yêu…, đặc biệt nhất là vai bà Thư trong bộ phim truyền hình dài tập Mùi ngò gai đã giành được nhiều cảm tình của khán giả.

Theo Bảo Châu, nếu đừng quá tham vọng làm giàu, nghề diễn vẫn đủ chi tiêu cho bản thân, gia đình. Tuy nhiên để tập trung hơn cho vai diễn, đầu tư tâm sức nhiều cho nhân vật thì đòi hỏi diễn viên phải được đảm bảo cuộc sống. Nếu không họ sẽ phải cuống cuồng chạy show, khó lòng đầu tư cho nghệ thuật. “Tôi không buồn khi bị đào thải. Nghề này lúc còn son trẻ thì chịu áp lực cạnh tranh cao từ đồng nghiệp và cả bản thân. Khi đứng tuổi lại rất dễ bị quên lãng. Bởi thế nên phải luôn học và hành sao cho khán giả thấy mình thay đổi bằng cách thể hiện khả năng qua tính cách nhân vật”. Bảo Châu kể đã thấy nhiều tấm gương của các cô chú nghệ sĩ đi trước. Họ là những người rất yêu nghề, yêu ánh đèn sân khấu nhưng cuối đời ít người có được sự bình an, thanh thản. Đa số phải sống trong nhọc nhằn, thiếu thốn, hẩm hiu.

Từ chính kịch nhảy sang hài kịch là sự thay đổi lớn trong nghề nghiệp của Bảo Châu. Cô nhìn nhận sân khấu kịch giờ đây mà diễn những vở kinh điển, “học thuật” quá khán giả sẽ chán. Đơn giản vì mọi người làm việc mệt nhọc, cuối tuần xem kịch đa số đều muốn thư giãn giải trí. “Nghệ thuật theo tôi, vẫn phải luôn phục vụ công chúng. Làm nghệ thuật mà cho riêng mình thưởng thức thì chưa thể tròn chức năng của người nghệ sĩ. Công chúng cũng sẽ là người thẩm định tài năng của nghệ sĩ qua những gì họ đã làm được cho đời”.

Trên đường về, tôi cứ miên man suy nghĩ. Một gương mặt diễn viên dù không quá trẻ nhưng vẫn còn đẹp, vẫn sáng lắm mà đã chọn cho mình một con đường thật phẳng, không gập ghềnh trong cuộc đời riêng để dồn hết tâm trí cho nghề nghiệp. Thật lạ. Tôi nhớ mãi lời cô nói trước lúc chia tay: “Tôi không hề tiếc nuối vì đã sống như thế. Nếu làm khác đi, chắc gì tôi có được sự bình an, thanh thản để mà làm nghề. Với tôi, scandal chỉ là những câu chuyện được đọc, được nghe ngoài song cửa. Vào nhà rồi, tôi luôn là người vợ, người mẹ như bao phụ nữ bình thường khác. Nhờ vậy hạnh phúc cứ mãi bên tôi trong căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười của chồng, của con”.

Đỗ Tuấn

Rate this post