Diễn viên Bảo Anh: Cái ác sẽ luôn phải trả giá
“Sau khi xem cái kết của bộ phim “Người phán xử”, 50% khán giả muốn giết tôi, 40% chửi tôi, 9% chấp nhận một cách gượng ép, chỉ có 1% ủng hộ. Có người còn hỏi, sao Bảo Ngậu cứ phải là công an… chìm” – diễn viên Bảo Anh chia sẻ.
Có người từng hỏi tôi là ai, tôi bảo, tôi là “trùm cuối”
– Xin bắt đầu câu chuyện bằng cái kết của “Người phán xử” – bộ phim truyền hình “gây bão” suốt thời gian qua. Nghe nói facebook của anh bị “ném đá” thậm tệ lắm? Anh còn có một cái chia sẻ khá dài về việc này…
+ Mọi người cứ nghĩ tôi buồn, nhưng thực sự những chia sẻ đó được viết ra trong trạng thái rất thư thái và thoải mái, chỉ mang tính vui vui thôi. Từ tối hôm qua tới ngày hôm nay, tôi chưa chợp mắt được chút nào vì quá phấn khích. Suốt 46 tập đầu (chính xác là 46 tập rưỡi), khán giả rất là yêu thích Bảo Ngậu; nhưng đến nửa sau của tập cuối, Bảo Ngậu lại bị khán giả quay lưng 180 độ. Quay lưng một cách khủng khiếp, dồn dập, liên tục. Ngay trong buổi tối bộ phim kết thúc, tôi gần như đọc tất cả những phản hồi của khán giả dành cho nhân vật của mình. Đọc hết, đọc hết, từ fanpage, facebook, đến các trang mạng khác. Khi đọc tôi chỉ thấy buồn cười thôi. Thực sự là, tôi thấy rất vui. Từ tối hôm qua đến giờ, có ngủ được tí nào đâu. Tôi vẫn đang còn trả lời mọi người đây. Vẫn đang nghe mọi người “chửi” đây.
Thực ra phản hồi của khán giả rất quan trọng đối với một diễn viên, nhất là với một diễn viên tay ngang, lại ngang “phè” như tôi.
– Là một người”tay ngang” nhưng từ ông trùm Phan Quân, Lương Bổng… cho tới toàn bộ khán giả đã bị anh cho “ăn một quả lừa” quá ngoạn mục rồi còn gì nữa…
+ Thực sự là suốt quá trình làm phim cho tới khi phim phát sóng, tôi gần như đã luôn phải tự lừa dối bản thân mình. Rằng mình là người của xã hội đen, người của giang hồ, mình là Bảo Ngậu. Để khi tất cả những câu hỏi của mọi người rơi vào mình thì mình đều có câu trả lời duy nhất, đó là, tôi không phải là công an “chìm”. Đến khi tới tập cuối, trong đầu tôi vẫn còn một suy nghĩ, mình có phải là một công an “chìm” không nhỉ? Cho tới khi, mặc bộ quân phục vào và xuất hiện thì ngay cả bản thân tôi cũng “à, hóa ra mình là công an”. Đến diễn viên còn phải tự lừa mình trong suốt quá trình quay thì khán giả cảm thấy bị lừa là đúng rồi.
– Nhiều khán giả đã không tin vào cái kết đấy. Có người còn bảo, đó là một cái kết… vô duyên và vô lí?!
+ Không! Tôi thấy đó là một sự hợp lí hoàn toàn. Mọi thứ tội ác, tội lỗi trên đời đều phải trả giá. Những người như Phan Quân, Phan Hải, Lê Thành, tất cả những người đó từng giết người, từng phạm pháp… phải trả giá hết. Sẽ không có một cái kết tốt đẹp nào cho họ được cả, dù cách này hay cách khác.
– Anh nói điều này bởi vì anh vào vai Bảo Ngậu – K3 – một cán bộ công an- một người ở vị thế thực thi công lý… Nói trắng ra thì xung quanh chúng ta, có phải chuyện gì cũng tốt đẹp và có phải lúc nào cái thiện cũng chiến thắng cái ác đâu?
+ Nếu cái thiện không chiến thắng cái ác thì xã hội chúng ta sẽ không phát triển được như vậy. Đấu tranh giữa cái thiện và cái ác luôn song hành từ xưa đến nay. Có ác thì ắt có thiện, và ngược lại. Thiện – ác xung đột là lẽ tất yếu trong xã hội. Tuy nhiên, cái ác sẽ luôn phải trả giá.
Nói điều này, tôi lại thấy buồn cười. Khi tôi đóng vai phản diện, người ta rất thích. Khi trong vai chính diện, lại bị người ta ghét. Tôi nghĩ, mọi người quá yêu thích những vai diễn phản diện của bộ phim mà quên đi rằng, chính diện vẫn luôn tồn tại. Khán giả cứ muốn tập đoàn tội phạm Phan Thị tồn tại vĩnh viễn, nhưng người ta không nghĩ rằng nếu muốn tồn tại, tập đoàn này không nên có những sai lầm. Không nên làm những chuyện sai trái pháp luật.
– Khi xem phim, ai cũng cứ tưởng Phan Quân là người phán xử. Nhưng khi bộ phim kết thúc rồi, mọi người mới té ngửa, hóa ra Bảo Ngậu mới là người phán xử cuối cùng…
+ Tôi nói rồi, có người từng hỏi tôi là ai, tôi bảo, tôi là “trùm cuối”. Trong phim, Bảo Ngậu là người mạnh nhất, là người quyết định số phận của những nhân vật. Thậm chí, nếu không phải là K3 mà là kẻ giang hồ, Bảo Ngậu cũng sẽ là người mạnh nhất. Cho tới thời điểm này, Phan Quân cũng chỉ là người phán xử trong cái ao làng của ông ấy. Những người đại diện cho công lý, đấy mới là những người phán xử cuối cùng.
Trước “Người phán xử”, Bảo Anh từng vào vai công an trong nhiều bộ phim truyền hình.
– Từ khi công chiếu đến tập 46, người ta hay nhắc đến những nhân vật trong phim như Phan Quân, Lương Bổng, Phan Hải, Diễm My, thậm chí cả Hương Phố, Khải Sở Khanh. Bảo Ngậu dường như chỉ là một nhân vật “tay chân”, “tép riu” của Phan Thị. Nhưng hết phim, cái tên Bảo Ngậu lại được mọi người nhớ nhiều nhất, sốc nhiều nhất. Anh nghĩ sao về điều này?
+ Có lẽ trong tập 9, Bảo Ngậu xuất hiện một cách rất bí ẩn nên khán giả đã để ý rồi. Họ đã yêu thích vai Bảo Ngậu đó từ tập 9 cho tới tập 46 “rưỡi”. Dành trọn niềm tin cho Bảo Ngậu, rằng anh ta phải là người giúp đỡ Phan Quân, phải là người của Phan Thị, bởi vì Bảo Ngậu quá giỏi. Nếu mà nói một cách công bằng, Bảo Ngậu không hề thua bất cứ một ai, kể cả Lương Bổng, Phan Quân. Thậm chí, anh ta còn qua mặt được cả 2 người này.
Ngay cả ông trùm Phan Quân cũng phải công nhận một điều rằng, khi tôi còn trẻ, tôi cũng không thể làm được như Bảo Ngậu đã làm. Cả Thế Chột cũng rất đề phòng Bảo Ngậu vì Bảo Ngậu có một cái gì đó rất mạnh. Vì thế, khán giả luôn chờ đợi nhân vật này phải làm một cái điều gì đó thật lớn lao cho Phan Thị. Điều mà khán giả mong ngóng ấy cuối cùng lại thành ra thất vọng vì anh ta là một công an…
Tôi nghĩ, trước đó, một số khán giả đã nghi ngờ, đã biết anh ta là công an nhưng họ không tin, không muốn tin. Đấy là điều bất ngờ mà vai Bảo Ngậu này mang lại. Đấy cũng là một cú sốc hoàn toàn đối với khán giả.
Nếu có ai hỏi ai là vai chính, tôi sẽ nói Bảo Ngậu là vai chính. Thường thì khi xem phim, cái kết thuộc về tuyến nhân vật chính. Nhưng trong “Người phán xử” lại khác.
Đây là vai diễn từ xưa đến nay chưa bao giờ có
– Tôi được biết rằng, trước đây, anh đã nhiều lần đóng vai cán bộ công an trên truyền hình. So với những bộ phim trước, lần này anh chàng Đại úy Vi Ngọc Bảo (bí danh K3) có trải nghiệm gì khác đặc biệt không?
+ Tôi đã vào vai công an, đã khoác màu áo xanh này trên màn ảnh 10 năm rồi. Từ năm 2007, trong “Phóng viên thử việc” – bộ phim đầu tiên mà tôi đóng, tôi đã vào vai công an. Sau đó là sê-ri phim “Cảnh sát hình sự” với “Kẻ sát nhân có tài mở khóa”, “Hành trình bí ẩn”, rồi “Cuồng phong”… hay những bộ phim khác nữa… Với những bộ phim trước, tôi được khán giả trao giải thưởng danh dự là diễn viên đóng vai công an được yêu thích nhất. Nhưng với “Người phán xử”, có lẽ, tôi lại được một cái giải khác: diễn viên đóng vai công an bị ghét nhất trên màn ảnh. (Cười). Có lẽ, đây là vai diễn từ xưa đến nay chưa bao giờ có. Khi phản diện và chính diện trong một vai, khi đóng phản diện lại được thích, khi đóng chính diện lại bị ghét, chỉ có thể là Bảo Ngậu. Bảo Ngậu chứ không phải người nào khác.
– Gắn bó với hình ảnh người Công an trên màn ảnh đến nay đã 10 năm, cá nhân anh có thấy vai dạng này khó không?
+ Không khó, nhưng khó để hay.
– Trên màn ảnh, nhân vật công an thường bị một bộ phận khán giả mặc định rằng, đó là một dạng nhân vật tư tưởng, một nhân vật “tuyên huấn” dễ làm cho người ta “buồn ngủ”…
+Thật ra ngành nào cũng thế, đất nước nào cũng thế, đều sẽ có kẻ xấu, người tốt. Có thể, “một con sâu làm rầu nồi canh” nhưng chúng ta sống không ngừng hướng tới những điều tốt đẹp nhất. Vì thế, trong bộ phim này, ngay cả những tay giang hồ cũng được yêu quý. Vì họ cũng muốn hướng đến những điều tốt đẹp. Người ta nói ếch nhái cũng muốn trở thành người là vậy. Những Phan Quân, Lương Bổng, Trần Tuấn, Trần Tú… họ rất con người; có điều, họ đã đi sai đường. Họ yêu gia đìnhcủa mình và họ cố tình quên đi tội lỗi mà họ gây ra. Họ mang lại hạnh phúc cho gia đình mình nhưng lại làm tổn hại đến cuộc sống của những người xung quanh mình. Đấy là những cái không được phép tồn tại.
Tất nhiên, qua cơn nhập đồng khi bộ phim kết thúc, nếu suy nghĩ một cách thấu đáo hơn, khán giả cũng sẽ không bao giờ mong muốn trong xã hội này tồn tại những người như Phan Quân, Phan Hải… Họ đại diện cho phi nghĩa.
– “Người phán xử” là một dự án dài hơi. Bây giờ thôi cảnh đánh đấm, súng ống, đạn dược để ở nhà, anh cảm thấy buồn không?
+ Không có gì phải buồn cả. Ở nhà vẫn thích hơn. Tôi vốn thích một cuộc sống bình yên. Thỉnh thoảng đi làm thế thôi. Phim “Người phán xử” kéo dài suốt cả một năm trời ròng rã, vất vả lắm mà vẫn bị khán giả chửi đấy.
Một cảnh trong phim “Người phán xử”.
– Khán giả chửi Bảo Ngậu chứ có chửi Bảo Anh đâu mà anh lo?
+ Có người gửi tin nhắn trong trang facebook cá nhân của tôi rằng: “Ôi giời ơi, gặp thằng Bảo Ngậu ngoài đời, tao bắn cho nát sọ”. Có người còn bảo: “Tao sẽ trả thù cho Phan Quân”. Nhiều lắm… Họ “nhập đồng” quá. Thỉnh thoảng kiểm tra tin nhắn, thấy ông nào ăn nói “láo” quá, tôi đáp lại ngay: “Bảo Ngậu đây”. Thế là họ lại cười, bảo: “chỉ là phim thôi”.
Thực ra, khán giả rất vui. Ngay cả sự chửi, sự phẫn nộ của họ đối với nhân vật Bảo Ngậu lẫn người vào vai Bảo Ngậu cũng là một sự đáng yêu. Một sự đáng yêu mà tôi gọi là “đáng yêu thô thiển”. Nói cho cùng, cũng vì họ yêu quý bộ phim này quá nên mới trở nên như vậy mà thôi.
– Xin cảm ơn anh!