Điện thoại cũ vẫn có thể chụp hình đẹp với những tip cực hay ho này – BlogAnChoi

Những dòng điện thoại mới như iPhone 13 Pro của Apple hay Galaxy S22 của Samsung được trang bị camera cực xịn để chụp được những bức ảnh tuyệt đẹp, nhưng giá quá cao khiến nhiều người không thể sở hữu. Vậy nếu bạn đang dùng một chiếc điện thoại cũ hơn nhiều nhưng vẫn muốn chụp được ảnh đẹp để khoe với mọi người thì sao? Hãy áp dụng những tip sau đây hiệu quả với cả điện thoại Android và iPhone nhé!

Những dòng điện thoại cũ như iPhone X từ năm 2017 vẫn có thể chụp ảnh rất đẹp, nhưng vì phần cứng của máy không thể thay đổi được nên bạn sẽ phải áp dụng những cách khác để nâng tầm bức ảnh của mình từ “nghiệp dư” trở thành tác phẩm nghệ thuật thực thụ.

Chọn góc nhìn phù hợp

Dù bạn sở hữu chiếc máy ảnh hiện đại nhất thế giới nhưng nếu không chọn đúng bố cục của đối tượng cần chụp thì bức ảnh không thể đẹp được. Ví dụ nếu bạn muốn chụp một tòa nhà cao tầng nhưng lại không lấy hết phần đỉnh chóp thì cũng không có cách nào sửa được lỗi đó.

Chụp nhà cao tầng (Ảnh: Internet).Chụp nhà cao tầng (Ảnh: Internet).

Thói quen của nhiều người là khi thấy cảnh đẹp thì giơ máy chụp ngay, nhưng đó chưa chắc đã là góc chụp đẹp nhất. Thay vì vậy, bạn hãy từ từ đi quanh chỗ đó và xem góc chụp nào là đẹp nhất. Ví dụ nếu chụp phong cảnh thì nên tìm những con đường, lối đi hoặc những vách đá dẫn vào sâu bên trong cảnh quan đó. Hoặc bạn có thể tìm những tảng đá, bụi cây, bông hoa làm điểm nhấn cho tiền cảnh.

Chọn góc nhìn từ con đường dẫn vào sâu bên trong cảnh quan (Ảnh: Internet).Chọn góc nhìn từ con đường dẫn vào sâu bên trong cảnh quan (Ảnh: Internet).

Bạn cũng nên áp dụng quy tắc 1/3 trong nhiếp ảnh, tức là chia khung hình thành 9 ô đều nhau và đặt chủ thể của bức ảnh vào một trong 4 giao điểm ở giữa, thay vì đặt ngay chính giữa khung hình. Nhiều điện thoại có sẵn lớp phủ theo quy tắc này giúp bạn đặt bố cục đẹp mắt hơn hoặc để canh đúng các đường thẳng như đường chân trời.

Nếu camera sau của điện thoại có tính năng phóng to hoặc chụp góc rộng thì bạn hãy thử dùng để xem hình ảnh có đẹp hơn không, ví dụ như phóng to có thể giúp loại bỏ các hình ảnh không cần thiết ra khỏi khung hình, hoặc góc rộng giúp bạn thu được nhiều cảnh đẹp vào khung hình hơn.

Nếu camera không có chế độ góc rộng thì hãy thử dùng chế độ toàn cảnh (panorama) để thu được khung hình rộng hơn so với camera thường, hoặc sử dụng ống kính phụ bên ngoài sẽ nói rõ hơn ở phần sau.

Ảnh chụp bằng iPhone 11 Pro không có ống kính góc rộng nhưng dùng chế độ panorama để lấy toàn cảnh (Ảnh: Internet).Ảnh chụp bằng iPhone 11 Pro không có ống kính góc rộng nhưng dùng chế độ panorama để lấy toàn cảnh (Ảnh: Internet).

Bức ảnh mang ý nghĩa

Những bức ảnh có tác động mạnh nhất đối với người xem và khiến họ nhớ mãi không chỉ đơn giản là hình ảnh đẹp về thẩm mỹ mà còn chứa đựng một câu chuyện cụ thể, một thông điệp ý nghĩa hoặc ghi lại một khoảnh khắc đáng nhớ. Kể cả khi bạn không phải là người “văn vở” thì vẫn nên tìm một ý nghĩa nào đó cho bức ảnh để thu hút người xem hơn.

Ví dụ bạn đang đi du lịch ở vùng biển, chắc chắn bạn sẽ muốn chụp toàn cảnh bãi biển từ trên cao (như sân thượng của khách sạn). Nhưng hãy tìm thêm những điều khác làm cho chuyến đi của bạn trở nên đáng nhớ, có thể là những món ăn ngon, những con phố cổ, người dân lao động, hay những gánh hàng rong, v.v. Tất cả đó là những khoảnh khắc đầy ý nghĩa chứa đựng cái hồn của vùng đất và kể lại một câu chuyện bằng hình ảnh khi nhìn vào.

Ảnh chụp người dân lao động vùng biển (Ảnh: Internet).Ảnh chụp người dân lao động vùng biển (Ảnh: Internet).

Không cần đi chơi xa, bạn cũng có thể áp dụng điều này ngay trong cuộc sống thường ngày. Ví dụ như cuối tuần đi dạo phố, thử những món ăn đường phố, chụp lại những đĩa thức ăn vừa ngon vừa đẹp cũng như cảnh mọi người vui chơi xung quanh mình. Không cần camera xịn hay app chỉnh ảnh, bạn chỉ cần tìm ra một ý nghĩa cho bức ảnh là được.

Biết cách sử dụng ánh sáng

Các điện thoại cao cấp như iPhone 13 Pro, Galaxy S22 Ultra hoặc Pixel 6 Pro có khả năng chụp ảnh ban đêm rất tốt, trong khi các dòng điện thoại cũ lại không chụp đẹp khi thiếu sáng. Do đó nếu bạn muốn chụp toàn cảnh rộng như thành phố nhìn từ trên cao thì hãy chụp vào ban ngày, tốt nhất là lúc bầu trời trong xanh và có những đám mây to để không bị chói nắng.

Điện thoại cũ nên chụp ảnh vào ban ngày nhưng không quá nắng (Ảnh: Internet).Điện thoại cũ nên chụp ảnh vào ban ngày nhưng không quá nắng (Ảnh: Internet).

Các nhiếp ảnh gia thường không chụp cảnh ngoài trời vào lúc giữa trưa vì quá sáng. Nhưng nếu bạn muốn chụp cảnh nhà cửa trên đường phố thì có thể tìm sự tương phản ở những nơi có bóng đổ trái ngược với nắng mạnh, sẽ cho ra những bức ảnh ấn tượng.

Dùng ống kính phụ với camera không có nhiều ống kính

Các dòng iPhone cũ có ít ống kính hơn so với các dòng mới gần đây, nhưng bạn có thể khắc phục bằng cách sử dụng ống kính gắn ngoài. Các công ty như Moment và Olloclip nổi tiếng với loại ống kính này, khi gắn vào điện thoại sẽ có tác dụng giống như ống kính góc rộng, ống kính tele, thậm chí cả macro giống như điện thoại xịn.

Ống kính Olloclip gắn vào điện thoại (Ảnh: Internet).Ống kính Olloclip gắn vào điện thoại (Ảnh: Internet).

Chỉ cần mang theo một chiếc ống kính như vậy là bạn sẽ có được tầm nhìn siêu rộng để chụp những cảnh bao quát như thiên nhiên hay thành phố mà không cần phải chi tiền mua điện thoại mới.

Bạn có thể mua ống kính điện thoại ở đây

Bên trái là ảnh chụp không dùng ống kính phụ, góc nhìn hẹp hơn so với khi dùng ống kính phụ (bên phải) (Ảnh: Internet).Bên trái là ảnh chụp không dùng ống kính phụ, góc nhìn hẹp hơn so với khi dùng ống kính phụ (bên phải) (Ảnh: Internet).

Lưu ảnh thô ở dạng DNG

iPhone 12 Pro Max của Apple có thể lưu ảnh ở dạng ProRaw, sử dụng các kỹ thuật hình ảnh máy tính như HDR nhưng vẫn giữ lại ảnh thô DNG để bạn dễ chỉnh sửa hơn với các ứng dụng như Adobe Lightroom. Chức năng này không có trên các iPhone đời cũ, nhưng bạn vẫn có thể chụp ảnh ở định dạng thô để sau đó dễ chỉnh sửa hơn.

Điện thoại cũ không thể chụp ảnh thô DNG, do đó phải cài ứng dụng camera từ bên ngoài để có tính năng này. Bạn có thể dùng ngay app chỉnh ảnh Lightroom vì camera của nó chụp được ảnh thô và tự động đưa hình ảnh đó vào thư viện trong điện thoại. Ngoài ra ứng dụng Moment cũng là lựa chọn tốt.

Chụp ảnh với app Lightroom (Ảnh: Internet).Chụp ảnh với app Lightroom (Ảnh: Internet).

Chụp ảnh ở dạng thô giúp bạn dễ điều chỉnh cân bằng trắng và tông màu, đồng thời làm giảm độ sáng các vùng bị chói và làm sáng các vùng bóng tối dễ hơn. Nếu bạn muốn chụp ảnh bằng điện thoại cũ đẹp như điện thoại xịn thì nên chụp ảnh thô rồi chỉnh sửa, hơi mất thời gian nhưng kết quả sẽ rất đẹp.

Chỉ có một điểm trừ với cách này là file ảnh thô có dung lượng lớn hơn file jpeg tương ứng, vì vậy bạn chỉ nên chọn một số ảnh đẹp để lưu ở dạng thô, tránh bộ nhớ bị đầy.

Tận dụng các app chỉnh ảnh

Chụp ảnh chỉ là bước đầu tiên, còn quá trình chỉnh sửa sau đó có thể làm nên sự khác biệt giữa một bức ảnh bình thường và một tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao. Nếu bạn muốn giữ cho bức ảnh trông tự nhiên thì hãy dùng các app như Lightroom hoặc Snapseed, vì chúng cho phép chỉnh sửa ảnh thô về màu sắc, độ phơi sáng và độ tương phản, đồng thời bạn có thể chỉnh ảnh tùy theo ý thích của mình.

Chỉnh ảnh bằng app Snapseed (Ảnh: Internet).Chỉnh ảnh bằng app Snapseed (Ảnh: Internet).

Nhưng nếu bạn muốn sáng tạo với bức ảnh nhiều hơn thì nên dùng các app như Prisma để tạo ra những “ảo giác” hoặc app Bazaart với chức năng tạo ảnh ghép cực cool.

Khi chỉnh sửa thì không có cách nào là đúng hay sai, tất cả tùy vào sở thích của bạn và nếu cảm thấy không đẹp thì vẫn có thể undo để làm lại cách khác. Nếu biết tận dụng các tính năng của app và thêm một chút sáng tạo, bạn có thể biến một bức ảnh bình thường trở nên lung linh và ấn tượng hơn rất nhiều.

Trên đây là những cách để bạn chụp được ảnh đẹp với điện thoại cũ mà không cần mua điện thoại mới đắt tiền. Bạn đã áp dụng cách nào trong số này? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận nhé!

Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:

Hãy theo dõi BlogAnChoi để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!

Rate this post