Đệ nhất danh cầm Văn Vĩ: Người con của đất Cần Giuộc
Danh cầm Văn Vĩ tên thật là Đinh Văn Dậm, sinh năm 1929, tại huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Ông mất năm 1985. Xưa nay tạo hóa thường ban cho những người có tật thì thiên phú cho họ cái tài, ông bị khiếm thị lúc mới vừa 3 tuổi và sau này trở thành một danh cầm khiếm thị tài hoa nhất trong các nhạc sĩ Cải lương Nam bộ.
Ông biết đờn Gáo từ năm 7 tuổi, sau đó học đờn Kìm, Guitar lõm, Violon… Nhạc cụ nào ông cũng thành thạo, nhưng riêng Guitar phím lõm là nhạc cụ đã đưa ông lên hàng “Đệ nhất danh cầm” và nét riêng của ông là kỹ thuật nhấn chữ “xang” vọng cổ trên cả tuyệt vời, mà cho đến bây giờ chưa một ngón đờn nào vượt qua nổi.
Cuộc đời một nhạc sĩ tài hoa như ông lại phải vượt lên số phận bất hạnh của mình để tạo tên tuổi không là chuyện đơn giản. Thời thơ ấu của ông không được may mắn.
Hồi đó, mẹ ông và mẹ NSƯT Út Bạch Lan kết nghĩa chị em vì đồng cảnh ngộ, nên ông và bà Út trở thành 2 anh em (Văn Vĩ là anh). Văn Vĩ biết đờn nên dạy Út Bạch Lan ca, rồi Út Bạch Lan dẫn Văn Vĩ đi hát rong kiếm tiền để phụ mẹ.
Nhờ ca dạo mà nhiều người biết đến và mến mộ, rồi 2 người được một số nghệ sĩ biết đến và quan tâm giúp đỡ. Cô Năm Cần Thơ và nghệ sĩ Thành Công giới thiệu Út Bạch Lan ca ở Đài Phát thanh Pháp Á, nhạc sĩ Bảy Hàm và Hai Biểu giới thiệu Văn Vĩ đờn cho đài phát thanh này.
Danh cầm Văn Vĩ đờn cho Đài Phát thanh Pháp Á từ năm 1956, hãng dĩa Thanh Long năm 1957; sau đó, ông đờn cho gánh cải lương Minh Tinh, Kim Chung, Họa Mi, Việt Nam Cổ nhạc Kịch đoàn…
Khi danh cầm Văn Vĩ nổi tiếng, gánh Kim Chung mời ông làm Trưởng Ban nhạc cổ.
Những tưởng ông sẽ mãi sống với niềm đam mê, nào ngờ, theo lời kể của một số nghệ sĩ cải lương lão thành, lúc gánh Kim Chung khai trương vở Bên cầu vọng thê, nghệ sĩ Hùng Cường hát chánh, khi anh ca vọng cổ bị rớt nhịp, cho rằng Văn Vĩ phá nên anh vào cánh gà dùng kiếm đâm thùng loa và đập dàn âm li đờn, định đánh Văn Vĩ. Mặc dù sau đó, mọi chuyện được bầu Long dàn xếp yên xuôi, nhưng Văn Vĩ rời sân khấu vì bị xúc phạm, và từ đó ông không đờn cho gánh nào nữa cho đến cuối đời (1985).
Sau năm 1975, ông mở lò dạy học trò tại gia, khá nhiều học trò ca và đờn của ông đã thành danh như: NSƯT Út Bạch Lan, Thanh Hương, Đức Lợi, NSƯT Vũ Linh, Tuấn Thanh, Bình Trang, Minh Trung, Minh Long, Tài Lương, Tấn An, Hoài Thanh, Hữu Tài, Thu Huệ…
Ông còn truyền nghề lại cho: Văn Bền, Văn Mách, Văn Hải, Minh Thảo, Huỳnh Khải và 3 người con của ông đều thành nhạc sĩ tài danh Văn An, Văn Hậu và Văn Tài. Một trong những môn đệ sáng giá của danh cầm Văn Vĩ là nhạc sĩ Văn Hải. Bên cạnh đó, ông đờn chánh cho các Đài phát thanh và truyền hình, hãng băng không biết bao nhiêu chương trình ca cổ và cải lương để lại cho đời.
Trong nghệ thuật diễn tấu Guitar phím lõm, tài cao thấp, hay dở là ở kỹ thuật nhấn chữ “xang”, ông có lối nhấn rất độc đáo. Chỉ ở một cung “xang” ông nhấn ra nhiều âm biến hóa: Xang xang, xang xảng, xáng xang, xảng xảng xang xang… nghe điệu đàn càng nức nở, mùi mẫn, tựa hồ như tiếng lòng của ông gởi đến bạn tri âm, như tiếng của người có tâm sự kể lể, than van vậy.
Văn Vĩ còn có độc chiêu là đờn dây “bán ngân giang” (do nhạc sĩ Văn Còn ở Bình Dương sáng tác), với phong cách thản nhiên dàn trải ngón đờn rất hài hòa trầm – bổng – nhặt – khoan, du dương – huyền hoặc, tiêu biểu là ông độc tấu 6 câu vọng cổ 32, đờn độc chiếc cho cố NSND Út Trà Ôn ca trong bài Đài hoa dâng Bác, NSƯT Minh Vương ca bài Lòng dạ đàn ba… là những tác phẩm đỉnh cao nghệ thuật cả nội dung lẫn hình thức, cả người diễn tấu và giọng ca.
Người viết chỉ lược ghi những thông tin do người thân của ông và những nghệ sĩ, nhạc sĩ biết về ông kể lại với tất cả lòng ngưỡng mộ và tôn kính.
Theo ĐỖ DŨNG (Báo Long An)