‘Đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về Việt Nam làm việc’ – Văn phòng luật sư nguyễn văn hậu và cộng sự

‘Đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về Việt Nam làm việc’ - Ảnh 1.

Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì hội nghị – Ảnh: THẢO LÊ

Sáng 19-8, Ban công tác phía Nam Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân khu vực phía Nam quý 3-2022. Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng chủ trì hội nghị.

Nêu ý kiến tại hội nghị, ông Peter Hồng – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài – cho biết vừa qua, Bộ Chính trị có kết luận số 12, nhìn nhận đóng góp quan trọng của người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Hồng cho biết lượng kiều hối về Việt Nam năm qua khoảng 18 tỉ USD/năm, trong đó TP.HCM khoảng 6,1 tỉ USD. Hiện nay, doanh nghiệp của Việt kiều tại Việt Nam có khoảng 4.337 công ty với 45.000 tỉ đồng, trong đó TP có 1.324 công ty với gần 23.000 tỉ đồng.

Theo ông Peter Hồng, lượng kiều hối về Việt Nam chỉ là câu chuyện nhỏ, vấn đề thu hút, tận dụng trí tuệ của người Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài mới quan trọng. Hiện nay, có khoảng 500.000 trí thức là con em người Việt ở nước ngoài được đào tạo bài bản. Nhiều trí thức muốn về Việt Nam làm việc nhưng gặp nhiều khó khăn.

‘Đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về Việt Nam làm việc’ - Ảnh 2.

Ông Peter Hồng – phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài – nêu ý kiến – Ảnh: THẢO LÊ

“Không nói đâu xa, bà xã tôi là bác sĩ trưởng khoa một bệnh viện lớn ở nước ngoài. Lương hiện nay của bà khoảng 187.000 USD/năm (khoảng 4,3 tỉ đồng/năm). Bà muốn về Việt Nam làm việc nhưng mức lương chỉ 14 triệu đồng/tháng, làm sao mà về”, ông Hồng nói.

Dẫn chứng thêm, ông Hồng nói về chương trình “Đường lên đỉnh Olympia”, nhiều người nói vui thành “Đường lên đỉnh Australia chứ không phải Olympia”. Bởi các thí sinh hạng nhất sau khi du học thì chọn ở lại Australia làm việc.

“Tôi khuyên một cháu về. Cháu nói với tôi cháu thương chú cháu về nhưng năm sau cho cháu qua lại, ở đây cháu không làm việc được”, ông Hồng kể.

Theo ông Hồng, mỗi năm Việt Nam phải tiêu tốn 1,4 tỉ USD cho khoảng 100.000 con em du học nhưng sau đó không sử dụng được số trí thức này.

Ông đau xót khi nhắc đề án 165 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Ông cho biết trong số 3.000 tiến sĩ thì có đến 67% ở nước ngoài, 27% đang làm việc ở cơ quan nhà nước, số còn lại bỏ việc.

“Tôi nghĩ mà đau xót khi thấy con em đi du học rồi không về nữa. Tôi buồn khi nghĩ về thế hệ kế tiếp của chúng ta sẽ ra sao”, ông Peter Hồng đặt câu hỏi.

Trước những ý kiến của các ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết sẽ tiếp thu, chọn lọc, tổng hợp để phản ánh đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và chuẩn bị báo cáo cho kỳ họp Quốc hội.

Người tố cáo tham nhũng lại bị coi là “tranh giành, kèn cựa địa vị”

IMG_9044

Luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM – nêu ý kiến tại hội nghị – Ảnh: THẢO LÊ

Góp ý kiến về công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua, luật sư Nguyễn Văn Hậu – phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP.HCM – cho biết vừa qua, cử tri quan tâm về việc sửa đổi Luật đất đai. Trong đó, luật sư cho rằng việc bỏ khung giá đất là rất quan trọng để phòng chống tham nhũng.

“Như những vụ việc vừa rồi, giá đất hàng ngàn tỉ mà định giá có vài chục tỉ, nhiều cán bộ bị bắt. Nhiều vấn đề như tranh chấp đất đai, bồi thường, tiêu cực của cán bộ một phần do thể chế chưa hoàn thiện”, ông Hậu nói và đề nghị có ý kiến về vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo ông Hậu, hiện nay có tình trạng người tố cáo tham nhũng lại bị nhìn nhận là phần tử gây rối, gây mất đoàn kết nội bộ, “tranh giành, kèn cựa địa vị”, “bới lông tìm vết”. Điều này cũng làm nhụt chí người tố cáo.

Do đó, ông Hậu cho rằng muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả thì phải có cơ chế kiểm soát quyền lực mà trước hết là với người đứng đầu. Bởi người đứng đầu có quyền quyết định rất lớn đối với công tác nhân sự và các vấn đề kinh tế – xã hội.

Theo ông Hậu, thời gian qua xảy ra nhóm sai phạm lớn tại các tỉnh thành phải xử lý hình sự. Một số cán bộ cao cấp như bí thư Tỉnh ủy Bình Dương, nguyên bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ cũng lọt qua khâu giám sát từ cơ sở, địa phương và sau khi đảm nhiệm chức vụ khác cao hơn mới bị phát hiện các sai phạm và xử lý.

Ông cho rằng cần đẩy mạnh việc hoàn thành pháp luật về phòng, chống tham nhũng bảo đảm khả thi và hiệu quả. Mặt khác cần khắc phục những sơ hở trong quản lý kinh tế – xã hội, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng.

Có quy định mở về hình phạt xét xử với mức thấp nhất khi người phạm tội tham nhũng khắc phục toàn bộ hoặc phần lớn tài sản chiếm đoạt. Như vậy mới khuyến khích người phạm tội nộp lại tiền chiếm đoạt để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/dau-xot-khi-thay-con-em-di-du-hoc-roi-khong-ve-viet-nam-lam-viec-20220819123423531.htm

Rate this post