Đạo diễn Phạm Đông Hồng: “Hãy cứ nhàn nhạt như anh đi”

Thứ Hai 17/09/2018 | 10:06 GMT+7

VH- Không vô cớ khi mọi người gán cho anh – đạo diễn Phạm Đông Hồng biệt danh “ông trùm phim hài xứ Bắc”. Một phần vì Hãng Nghe nhìn Thăng Long mà anh làm Chủ tịch HĐQT gần 20 năm nay cứ “đến hẹn” Tết đến lại ra mắt 1-2 DVD phim hài, cạnh tranh sát ván với các chương trình hài do các đơn vị phía Nam sản xuất khá đông đảo về số lượng và kinh nghiệm thị trường.

Quan trọng hơn và cũng là điều làm nên thương hiệu phim hài “Phạm Đông Hồng” chính là sự kiên định của một lối đi, một duyên hài phảng phất hơi hướng dân gian cho dù đề cập đến những vấn đề của cuộc sống hiện đại. Đang dở dang các dự án nghệ thuật, anh đột ngột qua đời ở tuổi 63.

“Vẫn thấy anh nhạt lắm đúng không?”

Biết đạo diễn Phạm Đông Hồng từ hơn 20 năm trước. Thời đó, không có internet, văn hoá PR hay còn gọi là “thông cáo báo chí” chưa thịnh hành, muốn gặp nghệ sĩ chỉ có cách là “đến tận nơi, nhìn tận mặt để hỏi”. Thời đó, đạo diễn Phạm Đông Hồng mới bắt đầu làm công ty riêng. Phố Hàng Dầu, Hàng Bồ, quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm là nơi tôi và anh thường xuyên gặp để trao đổi về các chương trình CD, VCD anh đang và sắp làm. Khi anh quyết định làm phim hài Tết, anh hào hứng kể cho tôi nghe kế hoạch của mình, gửi cho tôi CD hình ảnh hậu trường quay phim để tôi có được hình dung tác phẩm anh đang làm, nuôi cảm xúc để viết bài khi phim ra mắt. Tôi cũng hào hứng và hồi hộp chờ đợi tác phẩm đầu tay của anh. Nhưng tôi lại chẳng thể làm anh vui với lời nhận xét khi xem nó. Cảm nhận của tôi về tác phẩm là sự đầu tư nghiêm túc; là cái tâm của người làm nghề; là chất nghệ thuật đầy ắp trong từng khuôn hình mà anh gửi gắm nhưng… tôi không cười được. Những bộ phim sau cũng vậy, vẫn cái cảm giác ấy trong tôi. Có lần tôi bảo: “Nếu anh không phải là bạn, chắc em sẽ nói khác. Em cứ thấy nó nhàn nhạt sao ấy”. Anh cười hiền lành: “Hãy cứ nhàn nhạt như anh đi”. Nói rồi anh bỏ đi, cái dáng cao gầy lỏng khỏng như lẫn vào hàng cây trên đường khiến tôi có cảm giác ân hận.

Chẳng màng đến lời chê của tôi, phim của anh cứ đều đều ra mắt vào dịp Tết: Xuân Hinh 2009, Xuân Hinh 2013, Râu quặp, Thầy dởm, Lên voi, Người ngựa, ngựa người, Trẻ con không ăn thịt chó, Kẻ cắp gặp bà già, Một ngày ở trần gian, Cổ tích thời @, Cả Ngố, Giấc mơ Chí Phèo, Quan trường – Trường Quan, Bờm, Enter, Chôn nhời 1, 2, 3, 4, 5… được khán giả đón nhận, tìm mua một cách nồng nhiệt.

Một lần, anh gặp tôi, cười thủng thẳng: “Vẫn thấy anh nhạt lắm đúng không? Viết kịch bản cho anh đi…”. Anh hướng dẫn tôi chi tiết, còn cho xem một số kịch bản mẫu đã làm. Tôi lặng im hồi lâu rồi lắc đầu. Chê thế thôi, chứ để viết được như người ta, “nhạt như người ta” – theo cách tôi chê anh dạo đầu… thì lại là cả một vấn đề mà tôi tự lượng sức mình không thể làm được. Anh kiên định với lối đi của mình, xác định rõ đối tượng khán giả của bộ phim là ai và hướng đến họ. Anh tiếp nhận những lời khen, chê của giới báo chí chúng tôi một cách từ tốn, trọng thị như chính tính cách của mình, để rút kinh nghiệm, điều chỉnh tác phẩm hấp dẫn hơn, tính nghệ thuật cao hơn.

Bên cạnh những chương trình hài Tết, anh và Hãng Nghe nhìn Thăng Long là thương hiệu mà nhiều ca sĩ, nghệ sĩ phía Bắc tin tưởng, gửi gắm. Phạm Đông Hồng là đạo diễn của nhiều DVD cho các ca sĩ, nghệ sĩ: Xuân Hinh với văn ca thánh mẫu, 40 năm Quang Thọ (NSND Quang Thọ), Tình ca vang mãi (Anh Thơ, Lan Anh, Trọng Tấn, Đăng Dương), Đồng đội (Trọng Tấn), Sông Đợi (Tân Nhàn, Tuấn Anh), Em yêu anh như câu hò ví giặm (Anh Thơ), Chút tình em gửi (Phạm Phương Thảo)… và album nào cũng đắt khách.

Và những kỷ niệm

Suốt hơn 20 năm quen biết anh, có 2 lần tôi gặp anh để… nhờ vả. Lần thứ nhất, cách đây hơn 10 năm, tôi cầm hồ sơ xin việc của một cô bé đến gặp anh. Gặp, nói luôn: “Trước giờ chỉ là anh nhờ em, giờ em có việc nhờ anh. Cô bé này là người yêu cậu gia sư của con em. Cậu ấy tốt nghiệp đại học Kinh tế, vừa trúng tuyển làm cho một ngân hàng lớn. Cô ấy trượt đại học, lang thang làm thuê ở Hà Nội để gần người yêu. Gia đình cậu kia phản đối quyết liệt. Cô ấy muốn vào nhà đó thì phải có việc làm đủ sức thuyết phục bố mẹ cậu kia. Cô ấy xinh. Hai đứa ấy đã quá khổ rồi nên… em cần anh giúp và… cũng đừng tán cô ấy”.

Đạo diễn Phạm Đông Hồng nghiêm mặt: “Em nói hết chưa?”. Rồi bất ngờ cười phá lên: “Đưa hồ sơ đây”. Vài phút sau, anh nói với tôi: “Ngày mai cô ấy có thể đi làm”.

Nhờ sự giúp đỡ của đạo diễn Phạm Đông Hồng, đôi bạn trẻ ấy đã làm đám cưới sau đó ít lâu. Ngày đám cưới, anh cho 1 xe ô tô chở các nghệ sĩ về dự đám cưới, chỉ duy nghệ sĩ Xuân Hinh đang làm chương trình tại hãng thì… “không được về”. Anh nói: “Ông Hinh về, cả làng người ta chỉ xem ông Hinh, không ai để ý đến cô dâu, vỡ đám cưới của chúng nó à”.

Cũng nhờ sự giúp đỡ ban đầu của đạo diễn Phạm Đông Hồng, cô bé trượt đại học ngày nào giờ đã tốt nghiệp đại học kinh tế và có một việc làm khác thu nhập tốt hơn. Nhưng với họ, đạo diễn Phạm Đông Hồng luôn là ân nhân giúp họ bước tiếp con đường hạnh phúc và kể câu chuyện tình có hậu.

Lần thứ hai cách đây 8 năm, tôi đưa NSƯT Quốc Hưng đến gặp đạo diễn Phạm Đông Hồng nhờ anh phát hành album đầu tay Hà Nội ơi! Thầm hát. Anh nghe bản demo, đồng ý nhận phát hành album cho Hưng sau khi nghe tôi kể lể đủ thứ về kỷ niệm của hai chị em. Lúc ra về, anh gọi tôi quay lại, nói nhỏ: “Lần sau, nếu cậu ấy còn làm album, em nói với anh sớm, anh tư vấn cách chọn bài. Album này chọn bài… chưa ổn. Với giọng đặc biệt của Hưng, có những ca khúc khác tạo được ấn tượng hơn”.

Với sự hỗ trợ của anh và Hãng Thăng Long, album đầu tay của NSƯT Quốc Hưng đã đến được với đông đảo khán giả để anh tự tin làm tiếp album thứ hai, thứ ba sau đó.

“Ông trùm phim hài xứ Bắc”, “bà đỡ của các ca sĩ dòng nhạc chính thống”, tất cả sẽ không mất đi mà ở lại trọn vẹn trong tình cảm và nỗi nhớ của nghệ sĩ. 

 CHU THU HẰNG

Rate this post