Danh họa Vincent van Gogh là ai, tiểu sử và 4 “ẩn số” cuộc đời
1. Vincent van Gogh là ai và tiểu sử
1. Vincent van Gogh là ai và tiểu sử
Vincent van Gogh là họa sĩ người Hà Lan sinh năm 1853 trong một gia đình trung lưu tại Zundert. Tên thật của ông là Vincent Willem van Gogh. Cha của Van Gogh là mục sư còn mẹ ông là một nghệ sĩ.
Danh họa Vincent van Gogh là anh cả trong gia đình có 6 người con. Trong đó người mà ông gắn bó nhất là Theo van Gogh. Theo không chỉ là người em, người bạn mà còn trở thành chỗ dựa vững chắc về mặt tài chính cho danh họa Van Gogh trong suốt hành trình theo đuổi nghệ thuật.
Tiểu sử Vincent Van Gogh được chú ý khi còn là một thiếu niên, công việc đầu tiên của ông là ở Goupil & Cie – một đại lý về nghệ thuật nổi tiếng hàng đầu ở nước Pháp, có trụ sở chính ở Paris. Trong những năm tháng sống và làm việc tại đây, ông thường ghé qua các phòng trưng bày nghệ thuật.
Nổi tiếng trong lĩnh vực hội họa nhưng ít ai biết đến ông cũng có niềm yêu thích đặc biệt với văn học, đặc biệt là những tác phẩm của Charles Dickens và George Eliot. Chính nhờ sự tác phẩm văn chương, khả năng cảm thụ của Vincent van Gogh đã được đánh thức.
Tuy nhiên, ở thời điểm đó, Van Gogh có một niềm đam mê mãnh liệt hơn cả đó là trở thành một mục sư. Trước đó, ông đã đảm đương nhiều công việc khác nhau như trợ giảng, dạy học, nhân viên của hiệu sách, nhưng rồi ông vẫn quyết định trở về với tôn giáo.
Trong quá trình theo đuổi giấc mộng của mình, Van Gogh đã dành hết tâm huyết để thi vào ngôi trường ở Amsterdam. Tuy nhiên, cơ duyên với mục sư không mỉm cười với ông. Ông không đủ điều kiện vào trường và dần từ bỏ hoài bão bấy lâu nay.
Từ đó, Vincent Van Gogh đã rời Amsterdam để tới Bỉ. Tại đây ông giữ vai trò là nhà truyền đạo ở một mỏ than vùng Borinage. Những ngày tháng ở đây, danh họa đã sống một cuộc đời khắc khổ cùng với những người dân lao động nghèo khổ.
Nhờ đó, Vincent được mọi người tôn vinh là “Đấng cứu thế của những mỏ than”. Nhưng một lần nữa, số phận không mỉm cười với ông. Những người quản lý giáo phận phản đối cách sống bần hàn của Van Gogh. Ông bị từ chối và ước mơ làm mục sư chính thức đặt dấu chấm hết.
Bức ảnh hiếm hoi của danh họa người Hà Lan (Ảnh: Artisera)
Bước ngoặt nào đã đưa họa sĩ Van Gogh đến với con đường nghệ thuật?
Trong khoảng thời gian sinh sống tại Borinage, Vincent Van Gogh thường khắc họa lại hình của những gia đình thợ mỏ và đính kèm chúng trong thư gửi cho em trai Theo van Gogh. Cũng nhờ đó mà Theo đã phát hiện ra anh trai mình có khả năng tiềm ẩn với hội họa, với nghệ thuật.
Nghe theo em trai, Vincent van Gogh bắt đầu thử sức trong một lĩnh vực hoàn toàn mới. Năm 1880, ông chuyển đến Brussels để lĩnh hội kiến thức hội họa từ Willem Roelofs – họa sĩ nổi tiếng người Hà Lan. Không dừng lại ở đó, danh họa người Hà Lan còn chịu ảnh hưởng từ nhiều phong cách khác nhau và đi nhiều nơi để tìm thấy nguồn cảm hứng nghệ thuật của chính mình.
Hai năm sau sau đó, nhà họa sĩ tài ba đã tới The Hague và học vẽ trực tiếp từ người em họ của mình là họa sĩ Anton Mauve. Ông được truyền thụ những kỹ thuật cơ bản về màu nước và sơn dầu. Chuỗi ngày tháng sau này, xưởng vẽ của Mauve chính là điểm đến thường xuyên của Vincent.
Cuối năm 1885, Vincent van Gogh tới Bỉ để đến Học viện nghệ thuật hoàng gia Antwerp. Tại đây, danh họa đã được trau dồi thêm nhiều kiến thức về hội họa nói riêng và nghệ thuật nói chung. Nhưng bước chân của danh họa không dừng lại ở đây quá lâu. Chỉ vài tháng sau, ông rời đi vì cho rằng nơi đây không phù hợp với mình.
Một năm sau, Vincent van Gogh dừng chân tại Paris. Nơi đây mở ra cơ duyên với trường phái Ấn tượng và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách sáng tác của họa sĩ người Hà Lan sau này.
Paris là vùng đất đưa những tác phẩm của Vincent bước sang một chương mới. Đồng thời đây cũng là nơi lưu giữ những ngày tháng yên bình nhất cuộc đời của danh họa Vincent van Gogh.
Chỉ cho đến những năm đầu của thế kỷ 20, danh tiếng của họa sĩ Van Gogh mới được công chúng biết đến và ngưỡng mộ. Một phần câu chuyện về người họa sĩ gốc Hà Lan được tôn vinh là bởi những bi kịch mà Van Gogh đã phải trải qua như nghèo đói, suy sụp tinh thần và tự tử…
2. Cuộc đời Vincent van Gogh là 4 ẩn số cần được lật mở
2. Cuộc đời Vincent van Gogh là 4 ẩn số cần được lật mở
Số phận danh họa Van Gogh được biết đến với một chuỗi những thảm kịch nối tiếp nhau. Ông vốn sinh ra và mang trên mình cái bóng của người anh trai không may qua đời từ thuở lọt lòng. Đến cuối cùng, Vincent van Gogh lại chọn cách tự kết liễu đầy đau đớn…
Chân dung Van Gogh trong bảo tàng (Ảnh: The Economic Times)
2.1. Cả đời sống trong cảnh kiệt quệ
Một trong những bi kịch của Vincent van Gogh là ông chưa từng được vinh danh một ngày khi còn sống và thường xuyên phải vật lộn với đói nghèo.
Mặc dù có xuất thân đặc biệt nhưng Van Gogh đã trải qua cuộc đời trưởng thành trong cảnh khốn khó và phải sống qua ngày bằng những loại thức ăn rẻ tiền. Ít ai ngờ rằng danh họa Vincent van Gogh chủ yếu ăn bánh mì và cafe để sống qua ngày.
Em trai của Theo van Gogh thường hỗ trợ danh họa bằng cách gửi tiền nhưng ông bị ám ảnh bởi nghệ thuật và thường dốc toàn bộ tiền để mua vật dụng sáng tác.
Sinh thời, ông chỉ bán một bức tranh duy nhất có tên “Vườn nho Đỏ” với giá 400 franc ở Bỉ 7 tháng trước khi qua đời. Có lẽ ông không bao giờ nghĩ tới rằng có một ngày bức tranh “Chân dung Tiến sĩ Gachet” được bán với giá 82,5 triệu USD vào năm 1990 (tương đương với 148,6 triệu USD ngày nay).
2.2. Những mối tình ngang trái không có hậu
Vào đầu những năm 1880, khi khởi nghiệp với tư cách là một nghệ sĩ và sống với cha mẹ ở Hà Lan, ông đã đem lòng yêu người chị họ góa bụa có tên Kee Vos-Stricker. Mặc dù bị từ chối thẳng thừng nhưng Vincent không dễ dàng từ bỏ. Điều này dẫn đến căng thẳng giữa danh họa với gia đình.
Khi sống ở The Hague, Vincent Van Gogh gặp Sien Hoornik. Cô vừa trở thành người yêu vừa là hình mẫu của ông. Cha mẹ và bạn bè của danh họa tiếp tục không chấp thuận mối quan hệ này vì quá khứ Hoornik từng là một người hành nghề mại dâm và cô đã mang thai trước khi hai người gặp nhau.
Theo Artnet News, Hoornik đã chuyển đến căn hộ của Vincent ở The Hague. Tại đó, cô sinh ra một người con trai và đặt tên là Willem theo tên đệm của Vincent. Trong suốt 18 tháng họ ở bên nhau, Vincent đã vẽ hơn 50 bức phác thảo về Sien. Đến cuối cùng, do những bất đồng quá lớn, cả hai đã chia tay và chấm dứt mối quan hệ này.
Bức họa Vincent van Gogh vẽ Sien Hoornik (Ảnh: Artnet News)
2.3. Danh họa Van Gogh từng phải vào viện tâm thần
Tai họa ập đến vào đêm Giáng sinh năm 1888. Do chịu áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần, Vincent đã không làm chủ được hành vi của mình. Ông đã tranh cãi với Gauguin và bị cho là đuổi theo người bạn với một con dao lam. Kết quả, ông cắt đứt nửa dưới tai trái của chính mình.
Người ta kể lại rằng ông bị loạn trí khi chạy đến một nhà thổ gần đó và giao phần cơ thể đẫm máu cho một người phụ nữ tên Rachel. Vincent thậm chí còn dặn dò cô gái rằng: “Hãy canh giữ vật thể này cẩn thận”.
Tuy nhiên, một số sử gia cho rằng chính Gauguin mới là thủ phạm cắt tai của Van Gogh và ông lấp liếm tội ác của mình bằng việc chuyển đến một nơi khác. Dù thủ phạm là ai thì sau đó van Gogh cũng phải nhập viện.
Van Gogh bị chuyển đến nhà tị nạn Saint-Paul-de-Ma Lăng ở Saint-Rémy-de-Provence (một nơi điều trị dành cho các bệnh nhân tâm thần) do bị tố cáo rằng ông là người rất nguy hiểm.
Trong tháng đầu tiên lưu trú tại nơi này, danh họa bị giám sát chặt chẽ và bị hạn chế gần như toàn bộ. Không lâu sau, bác sĩ Paul Gachet đã đồng ý nhận van Gogh làm bệnh nhân của mình và ông được chuyển đến Auvers để điều trị.
2.4. Tự sát bằng một phát súng
Khẩu súng mà họa sĩ Van Gogh đã dùng để kết liễu cuộc đời mình (Ảnh: Grunge)
Vào buổi sáng ngày 27 tháng 7 năm 1890, Vincent van Gogh ra ngoài vẽ như thường lệ. Có điều lần này khác mọi khi đó là ông còn mang theo một khẩu súng lục. Theo lời các nhân chứng kể lại, danh họa người Hà Lan đã nạp đạn và tự bắn vào ngực mình.
Phát đạn đó chưa đủ sức kết liễu Vincent vào thời điểm đó. Sau đó người ta tìm thấy ông trong căn phòng với vết thương nghiêm trọng. Vào ngày 29 tháng 7 năm 1890, Vincent van Gogh qua đời trong vòng tay của người em trai Theo van Gogh.
Nguyên nhân qua đời của họa sĩ Vincent van Gogh được kết luận là do bị nhiễm trùng từ vết súng bắn. Khi đó ông chỉ mới 37 tuổi.
3. Top 5 tác phẩm của Vincent van Gogh – Huyền thoại giới nghệ thuật
3. Top 5 tác phẩm của Vincent van Gogh – Huyền thoại giới nghệ thuật
Từ tháng 11 năm 1881 đến tháng 7 năm 1890, van Gogh đã cho ra đời gần 900 bức tranh. Ở tuổi 27, ông từ bỏ tất cả những công việc đang làm để dành tâm huyết cho hội họa. Khi bắt đầu vẽ tranh, những người nông dân thường được ông lấy làm hình mẫu, sau đó mới là hoa, phong cảnh và chính bản thân. Lý do lớn nhất là vì ông quá nghèo nên trả tiền cho mẫu.
Hai năm cuối đời ngắn ngủ đầy bi thương là dấu ấn “vàng son” trong cả cuộc đời cũng như hành trình theo đuổi nghệ thuật của Van Gogh. Các tác phẩm của ông sau này được lưu giữ cẩn thận vì chúng là những báu vật của nhân loại.
Trong số hàng trăm bức tranh của Van Gogh, có thể kể ra ở đây 5 tác phẩm huyền thoại mà danh họa đã để lại cho hậu thế.
3.1. Bức tranh “Đêm đầy sao” (1889)
“Đêm đầy sao” là tác phẩm đứng đầu danh sách khi nhắc đến những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng nhất của Van Gogh. Bức tranh đã trở thành một biểu tượng trong giới nghệ thuật và xuất hiện trang trọng bức tường của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York.
Bức họa “Đêm đầy sao” (Ảnh: ADAM Muzic)
Kiệt tác này mô tả quang cảnh bên ngoài cửa sổ phòng điều dưỡng của Van Gogh tại Pháp. Tác phẩm cho thấy sự quan tâm của danh họa đối với thiên văn học. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đài quan sát Công viên Griffith chứng minh rằng Van Gogh đã tái hiện lại Mặt trăng, sao Kim và một số ngôi sao ở vị trí chính xác trên thực tế. Bức tranh được coi là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất của nghệ thuật phương Tây.
Bức tranh là một trong những tác phẩm nghệ thuật mang tính biểu tượng nhất còn tồn tại. Bầu trời đêm được miêu tả bởi những vòng xoáy hình xoắn ốc theo phong cách biểu hiện, tiếp tục thu hút phản ứng cảm xúc mạnh mẽ từ người xem cho đến ngày nay.
3.2. Chùm tranh “Hoa hướng dương”
không chỉ là một bức tranh, mà trên thực tế là hai chuỗi gồm nhiều bức tranh về hoa hướng dương. Hầu hết khi ai đó đề cập đến “Hoa hướng dương” của Van Gogh là họ đang nói về bộ tranh mà ông đã tạo ra khi ở Arles.
Những tác phẩm vẽ hoa hướng dương của danh họa người Hà Lan (Ảnh: BBC)
Vincent Van Gogh được coi là bậc thầy về tranh tĩnh vật và loạt tranh về ‘hoa hướng dương’ của ông được xếp vào hàng những bức tranh tĩnh vật nổi tiếng nhất từng được tạo ra. Những bức tranh nổi tiếng với việc miêu tả vẻ đẹp tự nhiên của những bông hoa và màu sắc rực rỡ của chúng.
Bức tranh trên có tựa đề “Chiếc lọ có mười lăm bông hoa hướng dương” đã phá vỡ kỷ lục đấu giá khi nó được bán với giá gần 40 triệu USD cho một nhà đầu tư Nhật Bản vào tháng 3/ 1987. Kỷ lục này bị phá vỡ hai năm sau đó bởi “Irises” của Van Gogh.
3.3. Bức tranh “Người ăn khoai tây” (1885)
Đây là tác phẩm đầu tay của Van Gogh. Bức họa được coi là một trong những kiệt tác của Van Gogh nổi tiếng nhất. Được tạo ra vào năm 1885, “Người ăn khoai tây” cho thấy rõ ảnh hưởng từ đất nước Hà Lan đối với danh họa.
Tác phẩm “Người ăn khoai tây” (Ảnh: Van Gogh Museum)
Bị ảnh hưởng bởi các nghệ sĩ từ Trường phái Hague (đặc biệt là Jozef Israëls), Van Gogh đã tìm cách khắc họa những thực tế của cuộc sống nông dân như thực tế của nó: thô kệch, đôi khi xấu xí, nhưng cũng có sự chân thực và đáng yêu được tìm thấy trong khung cảnh gia đình.
3.4. Bức tranh tự họa với tai băng bó (1889)
Vincent van Gogh nổi tiếng với những bức chân dung tự họa. Ông đã vẽ hơn 30 bức chân dung trong cuộc đời của mình.
Trong số những tác phẩm ông để lại, bức chân dung tự họa sau thảm kịch gây ấn tượng mạnh nhất đối với khán giả sau này. Trong bức tranh có thể thấy người nghệ sĩ đang thăm dò nội tâm của mình và phơi bày một khía cạnh hoàn khác trong cuộc sống của mình.
Bức tranh tự họa đầy ám ảnh của Vincent van Gogh (Ảnh: The Guardian)
Chỉ chưa đầy một tháng sau khi bị cắt tai, Van Gogh không hề né tránh những tổn thương mà mình đã phải chịu đựng. Thay vào đó, ông trình bày một hình ảnh mang tính đối lập cao. Ý nghĩa chính xác của nó chỉ Vincent rõ.
Còn đối với nhân loại, thông điệp thực sự vẫn còn là một ẩn số. Liệu đó có phải là tiếng kêu cứu hay nó muốn thể hiện quyết tâm trở lại với nghệ thuật của danh họa? Có lẽ đó là cả hai.
3.5. Bức tranh “Chân dung tiến sĩ Gachet” (1890)
Tiến sĩ Paul-Ferdinand Gachet là người trực tiếp điều trị cho Van Gogh trong những tháng cuối đời. Tác phẩm vẽ bác sĩ Ferdinand Gachet là một trong những bức tranh được Van Gogh tôn kính nhất.
Tiến sĩ Gachet dưới ngòi bút của Van Gogh (Ảnh: Mental Floss)
Thực tế, danh họa Vincent van Gogh đã tạo ra hai phiên bản của tác phẩm này. Tuy nhiên bức chân dung được nhắc đến hiện nay là phiên bản đầu tiên. Vào năm 1990, bức tranh đã được bán với giá 82,5 triệu USD và trở thành tác phẩm đắt nhất từng được bán.
Cho đến nay, nó vẫn là mức giá cao nhất được trả cho tác phẩm nghệ thuật tại một cuộc đấu giá công khai.
4. Ảnh hưởng của Vincent van Gogh đối với nghệ thuật thế giới
4. Ảnh hưởng của Vincent van Gogh đối với nghệ thuật thế giới
4.1. Ảnh hưởng chung
Danh họa Vincent van Gogh được mệnh danh là thiên tài hội họa của thời kỳ Hậu ấn tượng. Các tác phẩm của ông ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa và được thể hiện bằng kỹ thuật mang đậm dấu ấn cá nhân.
Điểm đặc biệt là các đề tài trong tranh của Van Gogh cũng không bị giới hạn. Trong những nét vẽ của ông, người ta có thể cảm nhận được những cảm xúc mãnh liệt. Thời kỳ đầu, tranh của danh họa Van Gogh nhuốm màu sắc u tối, có nét ảm đạm được thể hiện rõ nét bởi những đường nét gồ ghề.
Có thể nói phong cách hội họa của họa sĩ Van Gogh đã đạt đến đỉnh cao từ năm 1886 trở đi. Nét vẽ của ông là kết quả của sự tổng hòa giữa trường phái Ấn Tượng và nghệ thuật in khắc gỗ Ukiyo-e Nhật bản. Tuy nhiên, những phong cách này dưới bàn tay của danh họa đã được thổi hồn và mang dấu ấn cá nhân không thể nhầm lẫn.
Danh họa người Hà Lan là thiên tài trong việc sử dụng màu sắc, thiết lập hệ thống ánh sáng và tạo chiều sâu cho không gian. Thông qua những nét vẽ này, ông còn gửi gắm những thông điệp, cảm xúc có chiều sâu.
Vincent van Gogh đã sống cách đây hơn 115 năm nhưng tác phẩm nghệ thuật của ông vẫn đang thay đổi cách nhân loại nhìn nhận về vẻ đẹp, tính cách, cá tính và phong cách trong nghệ thuật.
Tranh của Vincent van Gogh được trưng bày cẩn thận (Ảnh: Daily Sabah)
4.2. Nhận định của giới chuyên môn
Không phải ngẫu nhiên danh họa Vincent van Gogh lại được công chúng và giới chuyên môn tôn vinh. Ông đã sáng tạo nghệ thuật bằng cả tâm hồn và những cảm xúc chân thật nhất.
Sau này, giới chuyên môn đã thành lập Giải thưởng Vincent nhằm bày tỏ sự kính trọng đối với họa sĩ người Hà Lan. Giải thưởng được tổ chức định kỳ hai năm một lần và dành cho các nghệ sĩ Châu Âu có đóng góp quan trọng đối với nghệ thuật đương đại.
Bên cạnh đó, câu chuyện về cuộc đời và tài năng phi thường của danh họa Van Gogh còn là nguồn cảm hứng cho các tác phẩm văn học, phim ảnh, opera…
Vào năm 2017, bộ phim “Vincent thương mến” ra đời với mục đích tưởng nhớ và tôn vinh cố họa sĩ. Tác phẩm đã khắc họa thành công chân dung một danh họa lỗi lạc cùng với những dấu ấn nghệ thuật của ông.
“Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi của mình, Van Gogh chưa từng đánh mất sự nhiệt huyết. Chỉ trong vài năm cuộc đời, cọ vẽ đã trở thành ngọn lửa và nguồn nhiên liệu cho anh ấy cháy hết mình vì nghệ thuật. Tôi mong muốn được giống như anh ấy, giữ cho ngọn lửa nhiệt huyết luôn rực cháy cho tới phút cuối cùng.” – Edvard Munch.
Có nhận định cho rằng tài năng phi chính thống của Vincent Van Gogh khi đặt trong bối cảnh tối tăm của cuộc đời ông đã tạo nên một khái niệm hiện đại về nghệ sĩ. Trong khoảng một thế kỷ sau khi ông qua đời, Van Gogh đã trở thành một trong những họa sĩ lỗi lạc nhất mọi thời đại.