Đại tướng Võ Nguyên Giáp với những nữ anh hùng trên “đất lửa” Quảng Bình – Bài 3: Tình người bên dòng Nhật Lệ
(QBĐT) – Tháng 11-1965, nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương vào thăm Quảng Bình và sáng tác bài thơ “Mẹ Suốt”. Bài thơ sau đó lan tỏa khắp cả nước, đi vào tâm thức nhiều thế hệ người Việt Nam đến tận bây giờ. Bài thơ khắc họa chân dung bà mẹ Bảo Ninh “anh hùng, trung hậu, đảm đang” không quản mưa bom, bão đạn “Một tay lái chiếc đò ngang. Bến sông Nhật Lệ quân sang đêm ngày”-mẹ Nguyễn Thị Suốt.
Mẹ Nguyễn Thị Suốt (SN 1908), lớn hơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp 3 tuổi. Cuộc đời mẹ Suốt có lẽ được khái quát trọn vẹn trong bài thơ “Mẹ Suốt” của nhà thơ Tố Hữu. Nhờ những chiến công oanh liệt đưa đò chở cán bộ, thương binh và vũ khí qua sông, giữ vững thông tin liên lạc giữa đôi bờ Nhật Lệ nên ngày 1-1-1967, mẹ Suốt được phong tặng danh hiệu Anh hùng ngành Giao thông vận tải.
Mẹ Nguyễn Thị Suốt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Ngày 21-8-1968, mẹ Suốt hy sinh vì trúng bom địch trong một lần vận chuyển lương thực trên sông Nhật Lệ.
Sinh thời Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành một tình cảm rất đặc biệt cho mẹ Nguyễn Thị Suốt và chị Trần Thị Lý vì những chiến công quả cảm của người mẹ “Sáu mươi còn một chút tài đò đưa” và con “rái cá” Nhật Lệ “Mười chín tuổi đời mặc bom rơi, lấy thân mình che súng/Nhẹ lướt con đò truyền lệnh sang sông”.
Khi đến thăm đoàn các anh hùng Quảng Bình tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV, Đại tướng bảo chị Lý kể về mối quan hệ giữa hai “mẹ con” Suốt-Lý.
Mẹ Suốt cùng những anh hùng trên “đất lửa” Quảng Bình.
Chị Lý mộc mạc, tự hào “khoe” về mẹ Suốt: “Chiến tranh phá hoại lan rộng ra toàn miền Bắc, mẹ như con thoi qua về trên dòng Nhật Lệ, tranh thủ những lúc ngớt tiếng bom đạn, mẹ lại tìm Lý và anh em dân quân trực chiến Phú Hải. Nhà có củ khoai, củ sắn, con cá chi ngon mẹ đều đem cho Lý và đồng đội. Thỉnh thoảng, Út Lý ôm lấy mẹ, vuốt vuốt mái tóc bạc, mân mê hai bàn tay rám nắng, thấm đẫm gió biển thầm thì: “Mạ phải giữ gìn sức khỏe nghe, khi mô mệt, chúng con chèo phụ giúp”.
Mẹ Suốt cười: “Tau còn chèo chống được mười, mười lăm năm nữa, chờ sáp bay trưởng thành, chờ đến lúc nước nhà thống nhất”. Ngắm Lý, mẹ Suốt thương ra mặt: “Út Lý ni giỏi lắm, người long nhong như que tăm mà không sợ giặc, không lo thân mình mà giỏi lo cho đồng chí, đồng đội, đồng bào. Tau nói thiệt nghe, thời ly loạn, giặc giã ni, đứa mô hăng hái công tác, đánh Mỹ giỏi, tau thương, nhà có chi, tau cho hết”.
Thương Lý, mẹ Suốt bảo với mấy anh chỉ huy: “Tau già rồi, sống bao lăm hơi… chết cũng thân già. Mấy đứa trẻ như con Út Lý giống cây mới lớn, giống lá còn xanh, có chuyện chi, tội nghiệp chúng nó”. Nghe Trần Thị Lý kể chuyện về mẹ Suốt, Đại tướng cười , khóe mắt âng ấng đỏ…
Tượng đài mẹ Suốt bên dòng sông Nhật Lệ.
Trong hành trình tìm lại những kỷ niệm, tình cảm giữa Đại tướng và những nữ anh hùng trên “đất lửa” Quảng Bình, tôi gặp ông Lại Tấn Chuyên (SN 1945), hiện sinh sống tại phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới), người một thời dọc ngang dưới mưa bom, bão đạn cùng mẹ Suốt chèo đò trên dòng Nhật Lệ đưa “quân sang đêm ngày”…
Rất tiếc, ông Lại Tấn Chuyên không còn nhớ nhiều. “Chiến tranh, trên bom dưới đạn, cứ có công việc mẹ Suốt gọi là lập tức lên đường ngay”- ông Chuyên chia sẻ- “Trở về từ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV, mẹ khoe những tấm ảnh chụp chung với Đại tướng, với đoàn đại biểu Quảng Bình cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mẹ đưa cho gói thuốc lá, gói kẹo bảo quà Đại tướng cho, mẹ mang biếu Chuyên. Mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng, công lớn một phần thuộc về Chuyên nữa. Vì thế Chuyên cố gắng lên, tiếp tục cùng mẹ đưa đò, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ cấp trên giao phó”.
Theo lời ông Lại Tấn Chuyên, tôi tiếp tục đi tìm những người con của mẹ Suốt để hiểu thêm tình cảm trân quý Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành cho bậc sinh thành khi mẹ đang còn sống.
Một góc xã Bảo Ninh, quê hương mẹ Suốt hôm nay.
Và tại thôn Trung Bính, xã Bảo Ninh, tôi hội ngộ cùng bà Trần Thị Thái, con gái đầu mẹ Suốt, năm nay 72 tuổi. Bà Thái chia sẻ: “Tôi gái đầu, Trần Thị Loan thứ hai, hiện sống ở xã Thuận Đức, Trần Thị Huệ thứ ba, từng buôn bán tại chợ Đồng Hới, nay về nghỉ ở Bảo Ninh. Đứa em út Trần Hùng đã mất. Trong mấy chị em, gia cảnh tôi là khá giả nhất”.
Bà Trần Thị Thái kết hôn với ông Nguyễn Văn Hóa, người thôn Trung Bính, nguyên giáo viên tại địa phương.
Trong ký ức của vợ chồng ông bà Thái-Hóa, mẹ Suốt có kể lại: “Sau Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IV tháng 1-1967, Bác Hồ gặp mặt đoàn Quảng Bình. Trong buổi gặp này có Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Tiếp đó, Bác Hồ còn gặp riêng 5 nữ anh hùng của “đất lửa” Quảng Bình, gồm: Nguyễn Thị Suốt, Nguyễn Thị Khíu, Trần Thị Lý, Trương Thị Diên , Nguyễn Thị Kim Huế”.
“Với mẹ anh hùng cao tuổi nhất Nguyễn Thị Suốt, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng rất nhiều quà gửi về biếu bà con Bảo Ninh anh hùng. Tất nhiên quà giá trị không lớn, chỉ đơn thuần là bánh kẹo, thuốc lá. Riêng mẹ, Đại tướng biếu một tấm vải lụa để may áo…”.
“Tấm vải lụa, kỷ vật thiêng liêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng mẹ tôi quý hơn cả châu báu, quyết giữ gìn chứ không chịu may áo. Cho đến khi mẹ tôi mất năm 1968, con cháu tôn trọng ý nguyện của mẹ, gửi theo cùng người đã khuất”-bà Trần Thị Thái cho biết thêm.
Ngô Thanh Long
Bài cuối: Tình người bên chân sóng Biển Đông