Cuộc sống đổi thay trên “hòn ngọc” giữa biển khơi khiến du khách đến đảo Phú Quý một lần nhớ cả đời
Nhịp sống mới trên đảo Phú Quý
Có thể nói, cuộc sống trên đảo Phú Quý ngày càng “thay da đổi thịt”, khi nhiều căn nhà mới xây dựng khang trang mọc lên và người dân trên đảo luôn sống đậm nghĩa tình, mến khách…
Theo nhóm bạn du lịch phượt từ TP.HCM, một ngày cuối tháng 8/2022, chúng tôi lên tàu cao tốc rời bờ Phan Thiết để đến với huyện đảo Phú Quý.
Một góc đảo Phú Quý. Năm 2014, đảo Phú Quý bắt đầu có điện 24/24 thì đời sống vật chất, tinh thần người dân không ngừng phát triển. Ảnh Bùi Phụ
Gần chục năm trước, chúng tôi cũng một lần ra đảo bằng tàu sắt nhưng phải hơn 4g lênh đênh trên biển và phải trải qua những cơn say sóng biển “tối tăm mặt mày”, chúng tôi mới đến được đảo Phú Quý.
Nhưng nay, chỉ sau hơn 2 giờ vượt sóng đại dương bằng tàu cao tốc Superdong êm ả trên ghế nệm, với hành trình dài khoảng 110km, chúng tôi đặt chân lên hòn đảo xinh đẹp Phú Quý mà dân phượt ví như “hòn ngọc”giữa biển khơi…
Thuê chiếc xe máy chạy một vòng quanh đảo, chúng tôi cảm nhận được nhịp sống thay đổi từng ngày trên hòn đảo này. Hai bên nhiều ngôi nhà mới đang xây dựng và hàng quán, khách sạn, nhà nghỉ… phát triển rất nhiều so với lần trước chúng tôi ra đảo Phú Quý.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là đảo Phú Quý rất xinh đẹp, người dân hiền hòa, mến khách. Trên các tuyến đường chính của đảo Phú Quý, chúng tôi được người dân tận tình hướng dẫn những điểm tham và tư vấn ăn gì, nghỉ ở đâu cho phù hợp với túi tiền…
Phú Quý – Văn Minh – Thân thiện- Nghĩa tình… Một tuyến đường ở Phú Quý. Ảnh: Bùi Phụ
Cùng đi và cảm nhận như chúng tôi còn có gia đình thầy giáo Lê Hồng (Bến Tre) lần đầu tiên đến đảo. “Tôi không ngờ ở hòn đảo xa xôi cách trở này mà các tuyến đường giao thông trên đảo lại được trải bê tông nhựa rộng và sạch đẹp thế này. Tôi rất thích ngắm hàng cây xanh 2 bên đường, nhất là những đoạn có cây phượng vĩ đang nở hoa đỏ rực…”, anh Lê Hồng nói
Đặc biệt là cuộc sống của người dân ven bờ kè biển mới được xây dựng xong ở xa Tam Thanh huyện Phú Quý. Một hộ dân sống ven bờ kè cho biết, từ ngày cò bờ kè chắn sóng biển này thì nhiều người dân liền xây nhà mới khang trang đẹp hơn, nhiều quán ăn, cà phê mở ra phục vụ cho khách du lịch nên cuộc sống của người dân theo đó mà thay đổi từng ngày…
Theo UBND huyện Phú Quý, trong 6 tháng đầu năm 2022, các cơ sở lưu trú, nhà nghỉ, nhà trọ trên địa bàn tiếp tục được xây dựng đảm bảo phục vụ nhu cầu du lịch của du khách ngày được tốt hơn.
Trong 5 tháng có 30.708 lượt du khách đến Phú Quý; ước 6 tháng đầu năm có khoảng 44.000 lượt khách đến tham quan du lịch (so với cùng kỳ tăng 6.500 lượt khách).
Anh Hai Thọ (hơn 60 tuổi) là một cư dân sinh ra và lớn lên ở thôn Triều Dương(xã Tam Thanh), cho biết, anh rất thích cuộc sống trên đảo.
“Có mấy lần tôi vào đất liền đi du lịch nhưng cũng vội vàng trở về vì nhớ đảo. Mình ở đây mà còn yêu thích đảo đến thế thì du khách đến đây làm sao mà không mê…”, anh Hai Thọ nói.
Một tuyến đường ở đảo Phú Quý rất sạch sẽ và nhiều bóng cây xanh… Ảnh: Bùi Phụ
Thương hiệu cua Huỳnh Đế của đảo Phú Quý
Trao đổi với Dân Việt, ông Ngô Tấn Lực- Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý( Bình Thuận) cho biết, toàn đảo có ba xã Tam Thanh, Ngũ Phụng và Long Hải và dân số khoảng 29.000 người.
Theo ông Lực, trước đây, người dân sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên biển các dịch vụ liên quan. Mấy năm gần đây, một số người dân trên đảo làm du lịch theo mô hình homestay, mục đích hỗ trợ những nhóm phượt nên giá rất bình dân.
Ông Ngô Tấn Lực- Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quý( Bình Thuận). Ảnh: Bùi Phụ
Gần đây du lịch đang phát triển nên trên đảo hiện có nhiều nhà nghỉ, khách sạn đã và đang được xây dựng để phục vụ khách du lịch, bởi tương lai khác sẽ đến đảo đông hơn…
Cũng theo ông Lực, UBND huyện Phú Quý, đang vận động và hướng dẫn thủ tục cho các hộ kinh doanh du lịch trên đảo “nâng cấp” thành công ty lữ hành du lịch để phục vụ du khách bài bản hơn.
“Chúng tôi sẽ chọn những món ăn ngon truyền thống của bà con trên đảo đưa vào làm chuỗi ẩm và đặc biệt là xây dựng thương hiệu cua Huỳnh Đế của đảo Phú Quý thành những món ăn hàng đầu của đỏa để phục vụ du khách thức thức…”, ông Ngô Tấn Lực chia sẻ.
Theo các ngư dân trên đảo Phú Quý, cua Huỳnh Đế thịt ngon như tôm hùm, chắc, gạch thơm béo và chứa nhiều dinh dưỡng. Khi xưa loài cua này chỉ được dâng lên các vị vua chúa dùng vào các dịp lễ tết, nên được người xưa đặt là cua hoàng đế. Như sau đó, do sợ trùng tên với vua nên đổi sang tên Huỳnh Đế.
Loài cua này thường sống ở xa bờ, vùng biển sạch, nước sâu, nơi có đất cát và sỏi. Cua huỳnh đế được bắt bằng cách lặn hoặc dùng bẫy. Nhờ thiên nhiên ban tặng, đảo Phú Quý là vùng nước sinh ra cua Huỳnh Đế thuộc tốp ngon nhất nước…
Một góc làng bè ở đảo Phú Quý. Ảnh: Bùi Phụ
Phú Quý – Hòn ngọc giữa biển khơi
Thiên nhiên đã ban tặng cho Phú Quý một phong cảnh hoang sơ với các bãi tắm đẹp như vịnh Triều Dương, bãi doi Dừa, bãi nhỏ Gành Hang… Phú Quý có nhiều danh thắng nổi tiếng với 3 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp tỉnh.
Ngoài vai trò quan trọng về kinh tế, Phú Quý còn là khu du lịch hấp dẫn với nhiều điểm đến. Trong số đó, cột cờ chủ quyền là điểm đến thiêng liêng mà bất cứ ai đến Phú Quý đều không thể bỏ qua.
Theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh Bình Thuận, đến năm 2030, Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch cấp tỉnh và là điểm đến hấp dẫn với thương hiệu du lịch biển, độc đáo. Đến năm 2025 Phú Quý đón khoảng 45.000 lượt khách, năm 2030 là 74.000 lượt khách, doanh thu du lịch đạt 380 tỉ đồng/năm.
Du khách đến Phú Quý rất thích lên núi Cao Cát chụp hình và ngắm biển… Ảnh: Bùi Phụ
Kinh tế biển của Phú Quý
Huyện đảo Phú Quý cách TP Phan Thiết khoảng 110 km về phía Đông Nam. Phú Quý có vị trí quan trọng về kinh tế, quốc phòng khi nằm trên tuyến giao lưu giữa đất liền với quần đảo Trường Sa và nằm tiếp cận tuyến hàng hải quốc tế, là căn cứ nổi phục vụ các đội tàu đánh bắt cá xa bờ.
Nhờ sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đảo, Phú Quý nay đã phát triển toàn diện. Đặc biệt, hệ thống các công trình hạ tầng thủy sản được quan tâm đầu tư; cảng biển được nâng cấp, mở rộng; đã hoàn thành công trình Khu neo đậu tránh trú bão tàu cá Phú Quý – giai đoạn 1, các công trình bảo vệ đê kè biển tiếp tục thực hiện các gói còn lại của dự án Kè chống xói lở bảo vệ bờ biển đảo Phú Quý.
Kinh tế biển là ngành mũi nhọn của Phú Quý. Một làng bè trên đảo Phú Quý. Ảnh: Bùi Phụ
Kinh tế biển là ngành mũi nhọn của Phú Quý. Qua 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng khai thác hải sản 12.045 tấn, đạt 40,15% kế hoạch. Số lồng bè có 72 cơ sở với diện tích mặt nước 9.301m2; hồ chắn 11 cơ sở với diện tích 5183,9m2; sản lượng xuất lồng cá nuôi 39 tấn, đạt 54,16% kế hoạch.
Hiện nay, số ngôi nhà cấp 4 kiên cố ở Phú Quý không ngừng được tăng lên. Hạ tầng giao thông đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài vai trò quan trọng về kinh tế, Phú Quý còn là khu du lịch hấp dẫn với nhiều điểm đến. Trong số đó, cột cờ chủ quyền là điểm đến thiêng liêng mà bất cứ ai đến Phú Quý đều không thể bỏ qua.
Clip: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên đảo Phú Quý. Thực hiện: Bùi Phụ
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý (giai đoạn I)
Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, công trình quan trọng và cấp thiết để bảo vệ tàu thuyền của ngư dân trong mùa mưa bão.
Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Thuận làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 544 tỷ đồng. Đây là công trình neo đậu tránh trú bão cấp vùng, có thể đáp ứng cho 1.000 tàu cá có công suất đến 600 CV của tỉnh Bình Thuận và các tỉnh lân cận hoạt động khai thác hải sản trên ngư trường vùng biển Nam Trung bộ, quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 vào neo đậu, tránh trú bão.
Quy mô diện tích mặt nước khu neo đậu là 55 ha. Công trình bao gồm 2 hạng mục là đê chắn sóng phía đông, đê chắn sóng phía tây và hệ thống phao neo tàu.
Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý. Ảnh: Bùi Phụ.
Công trình được khởi công vào ngày 26/12/2016 đến nay đã hoàn thành. Công trình nhằm bảo vệ đất đai, diện tích của huyện đảo giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia đối với vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế. Chống sạt lở bờ biển nhằm bảo vệ tính mạng, nhà cửa, đất đai của người dân sống tại nơi đây. Đồng thời, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung của khu vực, góp phần thúc đẩy kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với quy mô, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của công trình, mặc dù gặp nhiều khó khăn, điều kiện thi công chịu nhiều ảnh hưởng trực tiếp của sóng, gió, mưa bão và thủy triều.
Đặc biệt là sự tác động của dịch Covid -19, nhưng các đơn vị: Chủ đầu tư, đơn vị thi công… đã nỗ lực khắc phục, nhất là nhà thầu thi công đã tập trung tăng cường thêm nhân lực, thiết bị, tranh thủ thời tiết thuận lợi, thi công đảm bảo về kỹ thuật, chất lượng, mỹ thuật.