Cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Bà Huyện Thanh Quan
Giáo sư Dương Quảng Hàm đã từng ca tụng về tài năng thi phú của Bà Huyện Thanh Quan như sau “Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện”
Dù thân phận nữ nhi song, bà huyện thanh quan thể hiện tài năng của mình không thua kém bất cứ bậc nam nhân nào. Thơ của bà đầy chất nhạc và họa, ngôn từ điêu luyện, cảnh và vật rất đỗi trữ tình. Thơ bà thể hiện lòng yêu mến cảnh quan thiên nhiên, đất nước và tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay.
Tiểu sử về cuộc đời
Nguyễn Thị Hinh là người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây (nay là phường Quảng An, quận Tây Hồ), Hà Nội. Cha bà là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông.
Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ của Lưu Nghị (1804-1847), hiệu là Ái Lan, người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mạng thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là một phần huyện Đông Hưng và huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Sau đó, ông bị giáng chức rồi lại được bổ chức Bát phẩm Thư lại bộ Hình. Chồng bà làm quan trải đến chức Viên ngoại lang bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi).
Dưới thời vua Minh Mạng, bà được mời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi.
Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời.
Không biết rõ chính xác về thời gian sống của bà nhưng theo nhiều tư liệu ghi chú là bà sinh năm 1805 và mất năm 1848 ở tuổi 43. Mộ bà được đặt bên bờ Hồ Tây (Hà Nội), nhưng sau này sóng gió đã làm sạt lở không còn tăm tích. Bà là một trong số nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, hiện còn để lại sáu bài thơ Đường luật.
Sự nghiệp văn chương
Có lẽ hồn thơ của bà không chỉ bắt nguồn từ cái nôi của gia đình khoa bảng, mà trên hết, chính là từ mảnh đất quê hương bà, làng Nghi Tàm, nơi công chúa Từ Hoa, con gái vua Thần Tông nhà Lý vào thế kỷ XII đã lập trại dạy cung nữ trồng dâu nuôi tằm. Bà huyện Thanh quan sáng tác không nhiều, các tác phẩm của bà để lại cho hậu thế là rất ít ỏi, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện tìm được những bài sau:
-
Thăng Long thành hoài cổ
-
Qua chùa Trấn Bắc
-
Qua Đèo Ngang
-
Chiều hôm nhớ nhà
-
Tức cảnh chiều thu
-
Cảnh đền Trấn Võ
-
Cảnh Hương sơn.
Tuy sáng tác không nhiều, song các tác phẩm của bà đều gây được tiếng vang lớn trên thi đàn Việt Nam, thể hiện tấm lòng nhớ nước thương nhà hồn hậu, đau đáu khôn nguôi; một tài năng thiên bẩm về thi phú mà không phải ai cũng có được.
Nổi bật nhất trong sự nghiệp văn chương của nhà thơ có thể kể đến tác phẩm “qua đèo ngang”, một bức tranh tả cảnh và tình đẹp nao lòng, vừa diễn tả được thiên nhiên heo hút, vừa truyền tải được tâm sự u buồn trước thời cuộc đang đảo điên nhiều biến động.
Phong cách nghệ thuật
Thơ đường luật thường bị gò bó, hạn chế cảm xúc bởi các niêm luật, điển tích điển cố, thơ chữ nôm đôi khi lại quá nông không đủ để diễn tả được sức gợi của ngôn từ.Bà huyện thanh quan là một trong số ít nhà thơ có thể trung hòa được cả hai yếu tố trên. Chẳng thế mà, cố giáo sư Phạm Thế Ngũ đã đưa ra nhận định: “Thơ Đường trước bà người ta đã làm vô số, sau bà người ta cũng còn làm vô số. Nhưng trước cũng như sau, có lẽ không ai vượt được Nữ Sĩ Thanh Quan”. Các tác phẩm của bà vừa có sự cổ kính cần có, vừa có sự gần gũi giản dị. Cuộc đời bà Huyện Thanh Quan gắn liền với những thăng trầm của đất nước, cũng chính về thế tâm trạng và hồn thơ của bà mang đậm màu sắc thương nước thương dân, hoài niệm về quá khứ vàng son. Thơ bà như lời tự sự mượn cảnh nói tình, vừa gần gũi vừa mênh mang, và có cả nỗi buồn của sự cô đơn.
Giáo sư Nguyễn Lộc từng nhận xét: “Thơ bà thường viết về thiên nhiên, phần lớn là vào lúc trời chiều, gợi lên cái cảm giác vắng lặng và buồn bã. Cảnh bà miêu tả trong những bài thơ giống như những bức tranh thủy mặc, chấm phá…Hơn nữa, nói cho đúng thì cảnh trong thơ bà thực tế cũng không phải là cảnh, mà là tình. Tình cảm của bà thường là sự nhớ thương da diết đối với quá khứ vàng son đã một đi không trở lại. Do vậy, người ta gọi bà là nhà thơ hoài cổ. Thơ bà còn được chú ý vì một lẽ nữa, đó là nghệ thuật hết sức điêu luyện. Ở đó, niêm luật đều luật đều chặt chẽ mà không gây cảm giác gò bó, xếp đặt. Câu thơ của bà trang nhã, từ ngữ chải chuốt và chọn lọc công phu..” Phong cách nghệ thuật chủ yếu của bà huyện thanh quan là nỗi niềm hoài cổ về một thời vàng son, đau đáu khôn nguôi cảnh nước nhà, thể hiện phẩm chất của một người đoan trang, mẫu mực, tài năng hơn người. Những bài thơ Nôm của bà phần nhiều là tả cảnh, tỏ tình, nhưng bài nào cũng hay và tỏ ra bà là một người có tính tình đoan chính, thanh tao, một người có học thức thường nghĩ ngợi đến nhà, đến nước. Lời văn rất trang nhã, điêu luyện.
Trong lịch sử văn học nước nhà, khá hiếm các nữ nhà thơ do ảnh hưởng của chế độ phong kiến. Bà Huyện thanh quan là một trong những nữ thi sĩ hiếm hoi mà tài năng lại không thua kém bất cứ người nào. Thơ của bà thể hiện những tình cảm cao lớn như yêu nước, thương dân, bà là tấm gương về lòng trung hiếu mà thế hệ sau cần phải học tập.
Thảo Nguyên