Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Tuấn Khanh – Tác giả của những ca khúc bất tử Chiếc Lá Cuối Cùng, Quán Nửa Khuya…

Cuộc đời và sự nghiệp của nhạc sĩ Tuấn Khanh – Tác giả của những ca khúc bất tử Chiếc Lá Cuối Cùng, Quán Nửa Khuya…

Nhạc sĩ Tuấn Khanh tên thật Trần Trọng Ngọc, sinh năm 1933 ở Nam Định, là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nhạc tình ca và nhạc vàng trước năm 75. Ông là tác giả của những bài tình ca bất hủ như Chiếc Lá Cuối Cùng, Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiều Biên Khu… ca khúc nhạc xuân nổi tiếng Mùa Xuân Đầu Tiên, cũng như là đồng tác giả của nhiều bài nhạc vàng nổi tiếng như Quán Nửa Khuya, Hai Kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm… Ngoài viết nhạc, Tuấn Khanh còn là một ca sĩ nổi danh vào thập niên 1950 với cái tên Trần Ngọc.

Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy từng nói rằng: “Tuấn Khanh đã thành công khi nối liền âm nhạc miền Nam với không khí thời tiền chiến”. Đúng như lời nhận xét của Phạm Duy, ca khúc tiêu biểu nhất gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ Tuấn Khanh là ca khúc Chiếc Lá Cuối Cùng, được sáng tác cuối thập niên 1950 nhưng mang hơi thở của nhạc tiền chiến với lời đẹp như thơ và giai điệu dạt dào tình cảm…

Vào năm 1950, gia đình nhạc sĩ Tuấn Khanh từ Nam Định về Hà Nội. Vốn mê âm nhạc từ nhỏ nên ông được người anh cả là Trần Trọng Tuấn dạy chơi violin. Sau đó, nhạc sĩ Tuấn Khanh (lúc này vẫn là Trần Trọng Ngọc) học thầy Nguyễn Văn Diệp (vốn là học sinh trường “Pháp quốc Viễn đông âm nhạc viện” từ năm 1927). Từ thầy Diệp, ông lại được học thầy người Pháp tên là De Haut, đến khi thầy về Pháp thì được giới thiệu học thầy Rits. Tuy học violin nhưng nhạc sĩ Tuấn Khanh lại có cả giọng hát bẩm sinh rất hay.

Nhân kỳ thi giọng hát hay do Đài Pháp – Á tổ chức năm 1953, ông đã đăng ký thi với cái nghệ danh Trần Ngọc và đoạt giải nhì sau nữ ca sĩ Thanh Hằng (sau này là ca sĩ Lệ Hằng) – Vốn là bóng hồng trong ca khúc “Tà Áo Xanh” của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Hôm đó ca sĩ Trần Ngọc đã hát bài Đôi Chim Giang Hồ của nhạc sĩ Ngọc Bích.

Khi nói về cơ duyên với nghiệp ca hát, nhạc sĩ Tuấn Khanh kể lại rằng khi ông hồi cư và chơi đàn violin ở đài phát thanh Hà Nội cùng các đàn anh như nhạc sĩ Đan Thọ, Xuân Tiên… trong ban nhạc Sóng Vàng của trưởng ban Hoàng Hưng, ông đã gặp được danh ca Minh Đỗ rất nổi tiếng thời ấy. Vào đầu thập niên 1950, có 3 danh ca tân nhạc hàng đầu ở 3 miền cùng tên Minh, đó là Minh Trang ở Sài Gòn, Minh Diệu ở Huế (sau này cũng cùng chồng là nhạc sĩ Mạnh Phát vào Sài Gòn), còn ở Hà Nội có danh ca Minh Đỗ.

Khi bà Minh Đỗ tình cờ nghe được tiếng hát của Trần Trọng Ngọc, nhận thấy triển vọng của giọng ca này, bà đã khuyến khích ông ghi danh cuộc thi giọng hát hay của Đài Pháp-Á, rồi từ đó bước chân vào sự nghiệp ca hát từ năm 1953 cho đến năm 1970 với nghệ danh Trần Ngọc.

Nói về bút danh khi sáng tác là Tuấn Khanh, ông kể rằng ông có người anh tên là Trần Trọng Tuấn, là người khai tâm trong âm nhạc cho ông vào thuở ban đầu. Khi Tuấn Khanh quyết định vào Nam, ông muốn lấy một cái tên ghi nhớ kỷ niệm với người anh của mình, nên ghép tên của người anh này và người con đầu lòng của Trần Trọng Tuấn (tên Trần Trọng Khanh), trở thành Tuấn Khanh.

Năm 1955, khi vào đến Sài Gòn hoạt động âm nhạc và hát trên đài phát thanh trong ban nhạc Võ Đức Tuyết, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã sáng tác ca khúc đầu tay chung với nhạc sĩ Y Vân. Ông có cơ duyên gặp gỡ người bạn cùng tuổi là Y Vân tại đài phát thanh, rồi cảm thấy hợp ý, họ đã cùng nhau sáng tác ca khúc mang tên Đò Ngang năm 1958.

Thời gian sau đó, ngoài ca hát với tên Trần Ngọc và sáng tác với tên Tuấn Khanh, ông còn làm việc ở đài phát thanh, phụ trách các ban nhạc như Ban Hoa Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy, ban Phương Hoa của nhạc sĩ Vũ Thành và ban Võ Đức Thu. Công việc của Trần Ngọc – Tuấn Khanh là mời ca sĩ, lên chương trình, nộp chương trình, giám sát thu âm… cho các ban nhạc này khi chơi nhạc trên đài phát thanh.

Trần Ngọc cũng là giọng hát quen thuộc trên đài phát thanh, là một trong những ca sĩ góp mặt thu âm đầu tiên trường ca Con Đường Cái Quan của nhạc sĩ Phạm Duy.

Cũng từ đài phát thanh, nhạc sĩ Tuấn Khanh quen biết với nhạc sĩ Hoài Linh, là thành viên trong ban Vì Dân của đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Những năm này, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã nổi tiếng với các ca khúc “nhạc thính phòng” như Hoa Soan Bên Thềm Cũ, Chiếc Lá Cuối Cùng, Một Chiều Đông, Dưới Giàn Hoa Cũ… Khi Tuấn Khanh gặp nhạc sĩ Hoài Linh, họ đã hợp soạn ra những ca khúc nhạc vàng được yêu thích cho đến ngày nay như Quán Nửa Khuya, Hai kỷ Niệm Một Chuyến Đi, Nẻo Đường Kỷ Niệm. Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh cho biết thì đây là những bài hát được ông viết nhạc, sau đó nói ý tưởng, nội dung để nhạc sĩ Hoài Linh viết lời.

Ngoài những bài soạn chung với nhạc sĩ Hoài Linh, nhạc sĩ Tuấn Khanh còn sáng tác riêng ca khúc nhạc vàng rất quen thuộc mỗi dịp đầu năm, đó là Mùa Xuân Đầu Tiên (sau này nhạc sĩ Văn Cao sáng tác 1 ca khúc khác trùng tên).

Ngoài ra nhạc sĩ Tuấn Khanh còn sáng tác nhiều ca khúc thuộc dòng nhạc đại chúng và lấy các bút danh khác nhau như Vì Lỡ Thương Nhau (ký tên Trần Kim Phú), Lệ Tình (ký tên Thương Hoài Thương), Tình Buồn Em Gái (ký tên Hoàng Mộng Ngân). Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, lý do của việc lấy bút danh khác như vậy là ông muốn cái tên Tuấn Khanh của mình chỉ gắn với loại nhạc thính phòng mang tính chất sang cả, còn các bài nhạc đại chúng thì viết với tên khác. Tuy nhiên, dù những bài hát đại chúng không được đánh giá cao về mặt nhạc lý, nhưng lại vô cùng ăn khách và bán được rất nhiều bản nhạc rời. Theo ông kể thì sồ tiền thu được nhờ bài hát Vì Lỡ Thương Nhau đã giúp ông trang trải được cuộc sống trong hoàn cảnh khó khăn vào thời điểm năm 1968, ngoài ra còn dư tiền để ông tậu được một xế hộp cũ.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh chia sẻ việc này trong một bài phỏng vấn như sau:

“Tôi có làm hai loại nhạc khác nhau. Loại nhạc có người nghe chọn lọc thường đuợc gọi là “nhạc sang”, tôi đề tên là Tuấn Khanh. Còn loại nhạc dành cho đại chúng, tôi lấy nhiều tên khác nhau như Thương Hoài Thương (Lệ Tình, Tuy Anh Không Nói), Trần Kim Phú (Vì Lỡ Thương Nhau, Tỉnh Giấc), Hoàng Mộng Ngân (Tình Buồn Em Gái)….

Khi tôi viết loại nhạc đại chúng thì loại nhạc này bán rất chạy. Nó không những lợi về phần tài chánh mà còn lợi phần tiếng tăm nổi hẳn lên. Bởi lẽ giới bình dân đông trăm người, chỉ có một trí thức. Trong khi những tác giả có bằng âm nhạc đeo đầy ngực mà chẳng khi nào quần chúng biết tên.

Sáng tác nhạc, không phải là học nhạc xong là có thể viết nhạc hay nổi tiếng mà nó đòi hỏi năng khiếu trời cho nữa. Bằng sáng tác của người dân cấp cho mới là cái bằng quan trọng nhất.

Thời đó những bài loại này tôi vừa viết ra, quần chúng mua ào ào. Nhà in phát hành 5000 bản, chỉ 1,2 ngày là bán hết. Cứ 7 đồng một bản. Tôi là một trong vài ba tay tự in nhạc lấy không qua nhà xuất bản nào hết. Nhạc sĩ Lam Phương là người có nhạc bán chạy cũng tự in lấy. Nếu qua nhà xuất bản họ mua bản quyền 1 năm, trả mình 1500 đồng. Họ in bao nhiêu bản để bán mình không biết. Giả dụ họ nói in 2 ngàn bản nhưng thực ra in 10 ngàn bản rồi bán, mình cũng chẳng biết. Tuy nhiên in lấy phải có tiếng và có khách mới được, ngược lại chỉ lỗ tiền in. Một bản nhạc như “Quán nửa khuya” in đợt đầu và tái bản đã được 5 ngàn bản, sau lên 10 ngàn và đem được về 200 ngàn đồng. Nhà xuất bản Tinh Hoa điều đình mua lại bản quyền với giá 200 ngàn đồng. Lúc đó, bài hát đã bán chậm rồi nên tôi mừng lắm. Còn những bản nhạc ký tên Tuấn Khanh, nhà xuất bản mua một năm trả 1500 đồng đã mừng rồi, nếu họ mua 3 năm, 4500 thì mừng lắm. Khi đó một tô phở giá 3 đồng”.

Tuấn Khanh giải nghệ ca hát năm 1970, khi đó ông vẫn tiếp tục viết nhạc và chơi violin cho đến năm 1975. Năm 1983, ông rời đất nước đến đảo Bidong, cũng là thời điểm ông viết ca khúc Nỗi Niềm, nói về hoàn cảnh chia ly, từ biệt với vợ con để ra đi. Sau đó ông đến Mỹ và mở một quán phở mang tên Hoa Soan Bên Thềm Cũ ở Quận Cam – Cali và vẫn còn cho đến nay.

Lần gần đây, khi người viết bài này nói chuyện với nhạc sĩ Tuấn Khanh qua điện thoại, ông cho biết ở tuổi gần 90, ông vẫn tự lái xe để đi lại. Lúc đó ông đang ôn bài chuẩn bị thi lấy lại bằng lái xe (Quy định ở Mỹ là trên 70 tuổi thì hiệu lực của bằng lái xe chỉ 1-2 năm, sau đó phải thi lại. Nếu trên 75 tuổi thì có thêm bài kiểm tra thị lực).

Có thể thấy ở tuổi U90, nhạc sĩ Tuấn Khanh vẫn khỏe mạnh và thường xuyên theo dõi hoạt động âm nhạc ở trong nước, đặc biệt là các chương trình tôn vinh dòng nhạc xưa đang rất phổ biến trên truyền hình.

Giới trẻ ngày nay, khi nhắc đến tên nhạc sĩ Tuấn Khanh, họ thường nghĩ đến Tuấn Khanh thế hệ sau (sinh năm 1968) mà ít người biết đến người nhạc sĩ sinh năm 1933 này. Được biết rằng cách đây 1 thời gian, Tuấn Khanh 1968 đã sang Mỹ, ghé thăm quán phở gia đình của Tuấn Khanh 1933 ở Orange County để phân trần việc Tuấn Khanh là tên thật của anh, và anh không cố ý đặt trùng nghệ danh, gây nhầm lẫn với người nhạc sĩ thuộc thế hệ tiền bối này.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Rate this post