Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ – nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh – Một trong tứ trụ nhạc vàng

Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ – nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh – Một trong tứ trụ nhạc vàng

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh là ca sĩ kiêm nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng nhất của miền Nam trước 1975. Cùng với Duy Khánh, Hùng Cường và Chế Linh, ông được xưng tụng là 1 trong tứ trụ nhạc vàng, là sự vinh danh và thừa nhận của công chúng đối với tài năng, cũng như sự đóng góp to lớn của ông trong làng nhạc miền Nam.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại làng Phú Trinh, Phan Thiết, Bình Thuận. Theo lời tự thuật thì ông chỉ học nhạc lý qua sách vở và tập viết nhạc khi mới 13 tuổi, đến năm 16 tuổi thì 1 số sáng tác của ông đã được nhiều người biết đến, trong đó Hàn Mặc Tử là 1 trong những sáng tác đầu tiên của ông.

Khi còn ở quê nhà Phan Thiết, ông học trường trung học Phan Bội Châu, là ngôi trường Trung học công lập đầu tiên trên đất Phan Thiết.

Nhật Trường – Trần Thiện Thanh đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp trong cả 2 lĩnh vực sáng tác và ca hát. Ông dùng tên thật khi sáng tác, và sử dụng nghệ danh Nhật Trường khi hát. Lý do chọn tên này được ông giải thích lúc sinh thời:

“Hồi nhỏ tôi thích ca hát lắm nhưng bố mẹ tôi không cho. Thế là tôi phải chờ đến ban đêm đợi bố mẹ đi ngủ rồi mới dám hát. Nhiều khi ban ngày thèm hát quá mà phải đợi đến tối, thấy ngày sao dài ghê nên tôi chọn tên Nhật Trường, có nghĩa là ngày dài”.

Ngoài ra, Trần Thiện Thanh còn dùng nhiều bút danh sáng tác khác là Anh Chương, Thanh Trân Trần Thị, Trần Thiện Thanh Toàn.

Trần Thiện Thanh cưới vợ năm 1960 khi mới 18 tuổi, sau khi cưới, họ vào Sài Gòn để sinh sống và có người con trai đầu là Trần Thiện Anh Chương vào năm 1963. Khi vợ của ông mang thai, cuộc sống 2 vợ chồng rất khó khăn với đồng lương giáo viên ít ỏi của nghề giáo. Để có tiền nuôi gia đình, Trần Thiện Thanh bán bản quyền ca khúc Chuyến Đi Về Sáng cho nhạc sĩ Mạnh Phát – vốn đã thành danh trước đó. Vì mua đứt bản quyền nên ca khúc này được phát hành với tên người sáng tác là Mạnh Phát, nhưng thật ra đây là 1 ca khúc do Trần Thiện Thanh sáng tác, và nhạc sĩ Mạnh Phát có sửa lại. Vì vậy có thể xem đây là 1 bài hát được hợp soạn của 2 người.

Ngoài ra, theo bà Trần Thị Liên – người vợ đầu của Trần Thiện Thanh kể trên Asia 50 vào năm 2006, thì ca khúc Qua Xóm Nhỏ được ký tên Mạnh Phát cũng là một sáng tác của Trần Thiện Thanh khi còn đi học, viết về kỷ niệm khi ông sang nhà bà Liên lúc mới vừa quen nhau. Sau này cũng như bài Chuyến Đi Về Sáng, bài hát Qua Xóm Nhỏ được bán đứt bản quyền cho nhạc sĩ Mạnh Phát.

Khi mới vào Sài Gòn, vợ chồng Trần Thiện Thanh ở nhờ nhà người chị ở Vĩnh Hội, thời gian này còn khó khăn, ông đi dạy kèm để kiếm thêm tiền. Sau khi sinh người con đầu, tên tuổi của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh bắt đầu có tiếng, họ tích góp để có thể chuyển ra ở riêng tại Hòa Hưng. Thời gian này ông làm xướng ngôn viên tại đài phát thanh.

Được 1 thời gian, Trần Thiện Thanh theo học trường hạ sĩ quan ở Nha Trang trong vài tháng. Thời gian đó ông đưa vợ con về lại quê ở Phan Thiết ở. Sau khi tốt nghiệp hạ sĩ quan và được vào làm việc tại cục tâm lý chiến thuộc Bộ Tổng tham mưu, ông đón vợ con vào lại Sài Gòn, chuyển về sống tại Thị Nghè để gần nơi làm việc. Vợ ông là bà Trần Thị Liên vẫn sống tại căn nhà này cho đến nay.

Trần Thiện Thanh gắn bó với cục tâm lý chiến cho đến tháng 4 năm 1975. Ông cũng là Trưởng ban văn nghệ của Ðài Phát thanh và Truyền hình Quân Ðội, sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Ngoài ra, Trần Thiện Thanh còn phụ trách chương trình âm nhạc Tiếng Hát Đôi Mươi trên đài Truyền Hình Sài Gòn và chương trình nhạc chọn lọc được phát thanh trên đài Tiếng Nói Quân Đội vào mỗi thứ 2 hàng tuần vào buổi tối, bắt đầu từ lúc 22h30.

Vì là một quân nhân phục vụ tâm lý chiến nên thời kỳ này những sáng tác của Trần Thiện Thanh đa số là ca ngợi hình tượng người lính VNCH: Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Đồn Vắng Chiều Xuân, Chiều Trên Phá Tam Giang, Biển Mặn, Rừng Lá Thấp, Chuyện Tình Mộng Thường, Tình Thư Của Lính, Mùa Xuân Lá Khô…

Lúc sinh thời, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh đã từng nói về các sáng tác của mình như sau: “Tôi lớn lên vào những ngày tháng khói lửa, tôi nghĩ những khổ đau kiêu hùng của đời lính, sự mất mát của mỗi người trong chiến cuộc là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tác phẩm của tôi”.

Ông còn sáng tác nhạc phim kịch với đề tài người lính, hay diễn chung với Thanh Lan. Ông từng thực hiện nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương mà trong đó, ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ.

Vào thập niên 1960, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy (em gái của ông), Vân Quỳnh và Diễm Chi. Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành tờ nhạc và thu băng tên là Tiếng Hát Đôi Mươi, sản xuất và phát hành được 12 băng nhạc mang chủ đề Nhật Trường – Tiếng Hát Đôi Mươi.

Sau tháng 4 năm 1975, Trần Thiện Thanh bị cấm hoạt động âm nhạc, và toàn bộ các ca khúc sáng tác trước đó của ông cũng đều bị cấm lưu hành hoàn toàn. Với cấp bậc hạ sĩ quan chế độ cũ, ông còn bị đi cải tạo 1 thời gian, sau đó ông vượt biên thất bại và lại bị giam 1 thời gian nữa ở Long Xuyên trước khi được thả năm 1978.

Sau đó, ông có đi theo một đoàn hát do Ngọc Giao làm trưởng đoàn, đi hát ở 1 số làng xã nhỏ ở dọc từ miền Trung cho đến Cà Mau. Theo lời kể của con của ông, thời gian này cuộc sống gia đình rất khó khăn, ông phải đi hát chui để nuôi vợ và 4 người con.

Vào thập niên 1980, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh đã chia tay người vợ đầu Trần Thị Liên. Họ có với nhau 6 người con: Trần Thiện Anh Chương (tức ca sĩ, ký giả Thanh Toàn), Trần Thiện Thanh Trúc, Trần Thiện Thanh Trân, Trần Thiện Anh Châu. Ông kết hôn với người vợ thứ 2 là ca sĩ Kim Dung và có thêm 1 người con Trần Thiện Anh Chính. Ít người biết rằng bà Kim Dung này cũng chính là ca sĩ Hạnh Dung trong Biệt đoàn văn nghệ trung ương năm xưa, là nhân vật chính trong bài hát Thành Phố Buồn của nhạc sĩ Lam Phương.

Tới năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại, nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới. Thời gian này ông có sáng tác 1 số ca khúc, nổi tiếng nhất là Chiếc Áo Bà Ba.

Từ năm 1991, chính quyền có chính sách mở cửa đối với văn nghệ, một số ca khúc tình yêu, không nhắc về người lính của Trần Thiện Thanh sáng tác trước năm 1975 đã được cấp phép lưu hành trở lại sau hơn 15 năm bị cấm, đó là Tình Có Như Không, Chuyện Hẹn Hò, Gặp Nhau Làm Ngơ, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối…

Năm 1993, Trần Thiện Thanh qua được Mỹ theo diện “fiancé” do nữ ký giả Nam Trân bảo lãnh. Tuy nhiên sau đó, lục đục xảy ra giữa hai người nên vấn đề di trú của Trần Thiện Thanh không được hợp thức hóa, cho đến khi được người con trai trưởng của ông là Anh Chương, qua Mỹ trước đó và đã có quốc tịch Hoa Kỳ, đứng ra bảo lãnh.

Sang Mỹ không lâu thì Nhật Trường chung sống với nữ ca sĩ Mỹ Lan nhưng không có hôn thú, có thêm được một người con là Trần Thiện Anh Chí. Ông cộng tác với các Trung tâm Hollywood Night, sau đó là các trung tâm Asia, Làng Văn, Mây, Hoàn Mỹ… và còn lập hãng đĩa riêng Nhật Trường Productions.

Số phận của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sau năm 1975 có phần phũ phàng. Trước năm 1975, trong khoảng hơn 10 năm, tên tuổi của ông sáng chói trong làng nhạc miền Nam. Nhưng trong gần 20 năm sau thời điểm 1975, ông bị kẹt lại Việt Nam và sống âm thầm, gần như không tham gia các hoạt động âm nhạc trong nước. Đặc biệt là trong thời điểm thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, là thời kỳ cực thịnh của nền âm nhạc hải ngoại, thì lại hoàn toàn vắng bóng Nhật Trường – Trần Thiện Thanh.

Đến khi sang được Mỹ thì lại bị trục trặc về vấn đề pháp lý cư trú, nên hoạt động âm nhạc của Trần Thiện Thanh đã bị hạn chế rất nhiều cho đến tận lúc gần qua đời. Số phận thật trớ trêu, khi ông sang Mỹ từ năm 1993, nhưng đến tận cuối năm 2004 mới nhận được thẻ xanh dành cho thường trú nhân. Chỉ 3 tháng sau đó, ông phát hiện bị bệnh ung thư, và qua đời 6 tháng sau khi trở thành công dân chính thức của Hoa Kỳ.

Click để nghe nhạc Trần Thiện Thanh thu âm trước 1975

MC Nguyễn Ngọc Ngạn có nhắc đến hoạt động âm nhạc của Nhật Trường tại Mỹ sau năm 1993 như sau:

“Những năm sau này, anh ít đi show, trừ các show Hội Đoàn hay Hội Chợ Tết, mặc dầu tiếng hát Nhật Trường vẫn còn nguyên vẹn như trước năm 1975. Có ba trung tâm băng nhạc hoạt động đều đặn là Asia, Thúy Nga và Hollywood Night thì không may, anh lại cộng tác với Hollywood Night là trung tâm yểu tử đầu tiên! Anh lập trung tâm Nhật Trường, tự thực hiện vài chương trình thu hình chính những ca khúc hay nhất của mình, nhưng kết quả tài chánh thu nhập rất èo uột bởi anh đầu tư kỹ thuật sơ sài quá”.

Từ một tượng đài của nhạc vàng trước 1975, nhưng sau 1 thời gian dài mới trở lại âm nhạc, Nhật Trường – Trần Thiện Thanh lại gặp rắc rối pháp lý trên xứ người, sau đó lại không đạt được thành công như mong muốn trong các hoạt động âm nhạc, đó là sự tiếc nuối rất lớn đối với riêng ông và đối với cả công chúng yêu nhạc Trần Thiện Thanh.

Trần Thiện Thanh qua đời vào ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam, California (Hoa Kỳ) do bệnh ung thư phổi. Ông được hoả táng và đưa về Việt Nam thờ tự tại chùa Phước Huệ, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.

Năm 2006, chỉ một năm sau khi ông qua đời, Trung tâm Asia thực hiện chương trình đặc biệt Asia 50 – Nhật Trường Trần Thiện Thanh – Anh Không Chết Đâu Anh, rồi đến năm 2009 thực hiện chương trình Asia 61 – Nhật Trường – Trần Thiện Thanh 2 để vinh danh ông. Hai chương trình này nổi tiếng và được yêu thích đến nổi cho đến nay vẫn nắm giữ kỷ lục về số lượng đĩa bán ra ở hải ngoại.

Như vậy là chỉ sau khi qua đời, âm nhạc của Trần Thiện Thanh mới đạt được những thành công vang dội đến như vậy kể từ sau năm 75.

Bài: Đông Kha
Nguồn: nhacvangbolero.com

Rate this post