Cuộc đời đầy nước mắt của diễn viên Tố Uyên

(TNO) Con chim vành khuyên – bộ phim đầy chất thơ bi tráng, tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thập niên 60, đã ghi dấu tài năng diễn xuất của Tố Uyên trong vai cô bé Nga khi mới 13 tuổi. Nhưng, sau đỉnh vinh quang ấy, “con chim vành khuyên” đã sớm ngưng tiếng hót.

con-chim-vanh-khuyen

Cô bé Nga (Tố Uyên đóng) trong phim Con chim vành khuyên đã báo trước một tài năng điện ảnh – Ảnh: TL

Cô bé Nga (Tố Uyên đóng) trong phim Con chim vành khuyên đã báo trước một tài năng điện ảnh – Ảnh: TL

Người nghệ sĩ đã gần 70 tuổi ấy, bao năm qua vẫn sống lặng lẽ một mình trong căn nhà nhỏ nằm trên đường Tô Hiến Thành (Hà Nội).

Ánh hào quang rực rỡ

Bộ phim Con chim vành khuyên (đạo diễn Nguyễn Văn Thông và đạo diễn Trần Vũ) được sản xuất vào năm 1961, thời kỳ đầu của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Sau khi bộ phim ra mắt, Tố Uyên đã trở thành cái tên được khán giả nhớ đến và ấn tượng cho tới tận bây giờ. Bà kể, sau thành công của Con chim vành khuyên, bà được Nhà nước cử đi học tại trường múa. Hỏi bà vì sao không phải là trường điện ảnh mà lại là trường múa, bà nói “đó là do được sắp xếp như vậy”.

Đến năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường múa, Tố Uyên được điều về Xưởng phim truyện Hà Nội. Một thời gian ngắn sau, bà tiếp tục được chuyển công tác về Nhà hát Ca múa nhạc. “Ở nhà hát, tôi tham gia vào nhiều vở diễn lớn như Núi rừng hãy lên tiếng, Hòn Đất, Cô Sao. Vừa múa lại vừa dẫn chương trình”, Tố Uyên nhớ lại. Nói rồi, bà đứng dậy, đôi chân kiễng lên giống một nghệ sĩ múa ba lê. “Hồi trẻ tôi múa đẹp lắm đấy”, người đàn bà ở tuổi thất thập bồi hồi nhớ về một thời khi bà là diễn viên múa chính trên sân khấu.

To-Uyen-va-Luu-Quang-Vu

Tố Uyên và Lưu Quang Vũ trong ngày cưới – Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình

Đến năm 1968, Tố Uyên được điều trở lại Xưởng phim truyện, để tham gia bộ phim Cô giáo vùng cao – là bộ phim thứ 2 bà đảm nhận vai chính. Bộ phim đầu tiên – Con chim vành khuyên đã giành giải đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Quốc tế Karlovy Vary, đây cũng là giải thưởng lớn quốc tế đầu tiên của điện ảnh Việt Nam. Vai diễn Nga trong phim là dấu hiệu cho thấy một tài năng điện ảnh. Bộ phim Cô giáo vùng cao đã giành giải “Bông sen vàng” tại LHP Việt Nam năm 1970, với sự đóng góp công sức lớn của Tố Uyên. Bên cạnh đó, Tố Uyên cũng để lại nhiều ấn tượng dù chỉ với các vai diễn phụ trong Nổi gió, Ngày lễ thánh, Biển gọi, Ngôi sao biển… Ánh hào quang của người nghệ sĩ ấy nhiều người mong có được.

nghe-si-To-Uyen

Nghệ sĩ Tố Uyên thời trẻ – Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình

Nhưng ngay sau đó, bà kể đã gặp phải nhiều chuyện bất cập ở xưởng phim, đến mức bà phải rời khỏi đây, về làm việc tại Fafilm. Từ đó, bà dần xa điện ảnh, chỉ tham gia vài vai diễn nhỏ trong các phim ngắn của truyền hình công an, còn công việc chính hằng ngày của bà là thuyết minh phim, sửa morat, đôi khi viết báo cộng tác.

“Họ bảo gì thì tôi làm nấy, im lặng mà sống thôi. Tiền lương chẳng đủ nuôi con, tôi tìm thêm việc để làm, đi thuyết minh chỗ nọ chỗ kia, rồi đi đưa băng phim. Cứ giữa trưa nắng chang chang là tôi lại chở một thùng hàng trăm cái băng đưa đến các đại lý”, bà nhớ lại, giọng xót xa: “Cuộc đời có nhiều cái không công bằng với tôi”.

Sống trong hoài niệm

Ngôi nhà nhỏ của Tố Uyên treo đầy ắp những bức ảnh của chủ nhân khi đang trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp, cùng những bức ảnh của gia đình, trong đó có cả hình ảnh của người chồng cũ – cố nhà thơ, nhà biên kịch Lưu Quang Vũ. Ai cũng biết, Lưu Quang Vũ đã chia tay Tố Uyên để đến với nhà thơ Xuân Quỳnh, nhưng đến giờ hình ảnh của ông vẫn hiện diện trong ngôi nhà của bà. “Đó là mối tình đầu mà tôi vẫn còn sâu nặng lắm, dù cả đời mình có phải hy sinh”, bà nói.

gia-dinh-:Luu-Quang-Vu-To-Uyen

Nhà thơ Lưu Quang Vũ, con trai Lưu Minh Vũ và nghệ sĩ Tố Uyên – Ảnh chụp lại từ tư liệu gia đình

Tố Uyên nhớ, chính quãng thời gian xảy ra chuyện tại xưởng phim cũng là lúc sóng gió đến với gia đình mình. Tố Uyên nói, khoảng thời gian đó mang đến những cú sốc lớn cho cuộc đời của một phụ nữ trẻ như bà. “Đã có lúc tôi đã nghĩ đến chuyện tiêu cực, nhưng rồi lại nghĩ đến con để sống. Đau lắm chứ, nhưng tôi gạt đi tất cả, chỉ nghĩ đến việc nuôi con cho tốt”, bà nói.

nghe-si-To-Uyen

Nghệ sĩ Tố Uyên khi đã gần 70 tuổi

Tố Uyên nói có những quãng đời bà muốn dành cho nghệ thuật nhưng lại không thể làm được bởi chỉ cần lo cuộc sống sinh nhai đã đủ vất vả.

“Tôi giờ còn lại là… nỗi cô đơn”, “con chim vành khuyên” thơ ngây, hồn nhiên của điện ảnh năm nào, nghèn nghẹn giọng. “Nhiều khi tôi không biết con cái có hiểu về mình không”, bà nói. Tố Uyên sống một mình suốt bao năm qua trong ngôi nhà cùng những bức ảnh, những bức thư, những bài thơ, những kỷ niệm, những hồi tưởng về quá khứ. Bà sống dựa vào cái quá khứ ấy…

Rate this post