“Công chúa băng giá”: Có một số người xứng đáng để bạn tan chảy

Khác với hình tượng công chúa yếu đuối, nhu mì trong nhiều bộ phim hoạt hình kinh điển, chị em công chúa Elsa – Anna trong “Nữ hoàng băng giá” (Frozen) được Walt Disney “cải cách” theo phong cách hiện đại, gần gũi và độc đáo hơn.

Các nhân vật trong Nữ hoàng băng giá

Phá vỡ mô típ “yêu từ cái nhìn đầu tiên” của công chúa, hoàng tử

Được dựa trên câu chuyện Bà Chúa Tuyết (The Snow Queen) lấy từ truyện cổ Andersen, Nữ hoàng băng giá (Frozen) đặt nhân vật trung tâm là hai chị em công chúa Elsa (Idina Menzel lồng tiếng) và Anna (Kristen Bell). 

Bộ phim kể câu chuyện của hai nàng công chúa Elsa và Anna. Elsa sở hữu quyền năng phép thuật băng tuyết cực mạnh đến nỗi phải giam mình trong căn phòng nhỏ để kiềm chế nó, còn Anna là cô công chúa vừa trưởng thành – ngây thơ và nhiệt huyết. 

Thời gian thấm thoắt trôi đi, đã tới ngày Elsa đủ lớn để kế tục ngôi Nữ hoàng, trị vì vương quốc Arendelle. Trong ngày lễ nhậm chức, Arendelle quyết định mở cửa để đón dân chúng, khách mời vào thành. Cũng trong dịp này, Anna hào hứng bay nhảy khắp nơi trong kinh thành và gặp được hoàng tử điển trai Hans (Santino Fontana). Giữa họ nảy sinh “tình yêu sét đánh” và Anna nhanh chóng nhận lời cầu hôn từ chàng. 

Đôi trẻ tới trước Elsa để nhận sự đồng ý, nhưng Nữ hoàng đã từ chối bởi quyết định ấy quá vội vã, khiến Anna tỏ ra tức giận với chị mình. Vì không kiềm chế  được cảm xúc, Elsa đã vô tình bộc lộ phép thuật và khiến cả Arendelle chìm trong băng giá. 

Nhận ra rằng chị mình có bí mật riêng và mình đã vô tình khơi ra nó, Anna quyết định lên đường tìm chị để mang mùa hè trở lại cho vương quốc. Trên đường đi, cô được gặp những bạn đồng hành thú vị như chàng trai miền núi Kristoff (Jonathan Groff), chú tuần lộc Sven và đặc biệt là người tuyết Olaf (Josh Gad). 

Anna đã trải qua nhiều khó khăn để tìm được chị gái Elsa 

Đúng như Elsa dự đoán với lí do “lần gặp đầu tiên không phải là tình yêu chân thành”, hoàng tử Hans không phải là “định mệnh” của Anna. Chàng trai Kristoff chất phác – người đã sát cánh cùng Anna trong chuyến phiêu lưu mới là tình yêu đích thực của cô. Nhà báo Melissa Leon cho rằng, Nữ hoàng băng giá đã phá vỡ những mô típ thông thường về tình yêu của những bộ phim về công chúa – hoàng tử, không còn tình yêu từ cái nhìn đầu tiên như thường lệ.

Trong các câu chuyện cổ tích từ Bạch Tuyết, Công chúa ngủ trong rừng hay Lọ Lem đều có những “cú sét ái tình” với những chàng bạch mã hoàng tử. Nhưng hiện nay, câu chuyện về chàng hoàng tử dường như không còn sức hấp dẫn như trước. Nên trong Nữ hoàng băng giá, một cô công chúa thì được các nhà làm phim ban cho sức mạnh quá khủng khiếp, cô còn lại thì tự tay đập tan giấc mộng “tiếng sát ái tình”.

Hans (ảnh trên) không phải là “tình yêu đích thực” của Anna mà chính là chàng trai miền núi Kristoff 

Âm nhạc tuyệt hảo và hình ảnh được chăm chút kĩ lưỡng

Nữ hoàng băng giá giành giải Phim hoạt hình xuất sắc ở cả hai giải thưởng danh giá là Oscar và Quả cầu vàng. Ngoài ra, bộ phim còn giành giải Nhạc phim hay nhất tại Oscar 2014.

Dù được lấy cảm hứng từ nguyên tác Bà Chúa Tuyết nhưng Nữ hoàng băng giá lại mang màu sắc tươi vui hơn, nhờ những nhân vật và những bài hát trong phim. Được sáng tác riêng cho từng phân cảnh, những ca khúc như: For the First Time in Forever, Love is an Open Door, In Summer… 

Đặc biệt là ca khúc chủ đề Let it go qua phần thể hiện của diễn viên lồng tiếng India Menzel, sau khi nữ hoàng Elsa khi rời bỏ vương quốc đã làm người xem thích thú. Bài hát là nỗi lòng cô đơn của một cô gái nắm trong tay quyền năng vượt bậc phải từ bỏ quê nhà, trong phút chốc đã vang vọng khát khao tự do và rồi bùng nổ mạnh mẽ như chính cách Elsa thỏa thích sử dụng sức mạnh của mình. 

Elsa hát ca khúc Let it go để bày tỏ nỗi lòng của mình

Sau khi phim ra mắt, Let it go đã có 7 tuần đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200. Trong một thời gian dài, ca khúc này cũng phổ biến trên mạng xã hội và được nhiều trẻ em trên thế giới thuộc lòng và hát theo.

Một nhà phê bình đã đánh giá bộ phim là một tác phẩm nhạc kịch đích thực và hoàn toàn không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó có một phiên bản nhạc kịch của “Frozen” được trình diễn ở sân khấu Broadway danh giá.

Hình ảnh trong phim cũng là một điểm cộng, khi Disney đã đầu tư 150 triệu USD vào sản xuất. Từng chi tiết trong phim đều được chăm chút kĩ lưỡng, từ những thứ nhỏ nhưng rất quan trọng trong câu chuyện như những bông tuyết cho tới tòa lâu đài nguy nga tráng lệ được làm hoàn toàn bằng băng. Đội ngũ làm phim đã cần tới 50 họa sĩ để tạo nên lâu đài băng của Elsa.

Bí mật thú vị của người tuyết Olaf

Olaf là hiện thân của sự ngây thơ và niềm vui của thời thơ ấu. Cậu ta hài hước và đáng yêu, như một đứa trẻ tinh nghịch, không hề bị ảnh hưởng bởi thế giới bên ngoài. Nhân vật này đem lại tiếng cười bởi sự hồn nhiên (mong mùa hè tới mà không hay biết rằng nó sẽ khiến mình tan chảy) và tình cảm.

Ban đầu, Olaf được dự định mang theo một quả cầu tuyết đại diện cho cái tốt tồn tại trong Elsa nhưng chi tiết này đã bị cắt bỏ bởi bộ phim đã có quá nhiều biểu tượng ẩn dụ. Hơn nữa, sẽ thật kì quặc nếu như Olaf cứ cầm một quả cầu đi lại trong suốt bộ phim.

Người tuyết Olaf dễ thương sưởi ấm cả mùa đông băng giá trong phim

Câu nói: “Có một số người xứng đáng để bạn tan chảy?” của Olaf để thuyết phục Anna không bỏ cuộc là một chi tiết quan trọng đối với nhân vật này. Ban đầu, mặc dù các họa sĩ rất yêu thích Olaf nhưng họ không biết phải đặt vị trí của cậu ta ở đâu trong câu chuyện. Chi tiết kể trên đã giúp cho Olaf có một chỗ đứng ý nghĩa trong phim.

Hấp dẫn bởi cốt truyện, âm nhạc và sự hài hước, Nữ hoàng băng giá thật sự là bộ phim hoạt hình đáng xem, biết cách sưởi ấm mọi trái tim với sự ngọt ngào của mình. 

Đón xem bộ phim hoạt hình “Nữ hoàng băng giá” (Frozen) phát sóng lúc 16g25, thứ bảy (24/8) trên kênh Fox Movies thuộc hệ thống Truyền hình Cáp HTVC.

Kha Đồng

Rate this post