“Cô giáo livestream” Minh Thu viết tâm thư xin lỗi, rút danh xưng cô giáo
“Cô giáo livestream” dạy Vật Lý – Trần Thị Minh Thu trở thành hiện tượng mạng xã hội chỉ trong thời gian ngắn, khó tránh khỏi nhiều sai sót và còn rất nhiều điều phải thích nghi, học hỏi để “gánh” được áp lực và kỳ vọng của dư luận dành cho “cô giáo livestream thế hệ GenZ”.
Trong vòng nửa tháng sau khi nổi tiếng trên mạng xã hội, cô gái sinh năm 1997 gặp phải nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Cụ thể, dân mạng cho rằng Minh Thu vẫn chưa tốt nghiệp chuyên ngành Sư phạm Vật lý của ĐH Sư phạm nên chưa thể tự xưng là cô giáo. Minh Thu gây tranh cãi bởi cách giao tiếp chưa đúng chuẩn mực sư phạm với học sinh, có những biểu cảm, lời nói chưa phù hợp…
“Cô giáo livestream” Minh Thu đang đối mặt với “bão” dư luận sau khi nổi tiếng.
Minh Thu đã giữ im lặng trong suốt thời gian “giông bão” dư luận vừa qua. Đến tối 9/8, Minh Thu có động thái đầu tiên là đổi tên fanpage “Cô giáo Minh Thu” thành “Ms Minh Thu” với lời giới thiệu là “diễn giả truyền cảm hứng”.
Đồng thời, Minh Thu cũng chia sẻ một tâm thư dài, giải thích nhiều điều về những lùm xùm gần đây.
Mở đầu bài viết, Minh Thu gửi lời chào mọi người và bắt đầu tâm sự. Cô viết: “Đây có lẽ là lần duy nhất mình lên tiếng về vấn đề này để mọi người hiểu mình hơn, mình xin phép sau này sẽ không nhắc lại chuyện này để chỉ tập trung vào công việc. Mình muốn chia sẻ với tư cách cá nhân vì vấn đề này đang gây ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống riêng của mình. Và hơn nữa, mình biết rất rõ bản thân cũng chưa là gì cả, chỉ đang cố gắng làm tốt công việc mà thôi. Mình muốn đây là sự giãi bày, chia sẻ, chứ không hề biện minh hay đổ lỗi cho bất kì ai”.
Về việc Minh Thu có biểu cảm trợn mắt, “quát mắng” học trò
Thu giải thích: “Đầu tiên, về việc mình trợn mắt. Mình nhận có trợn mắt. Tuy nhiên lúc đó mình không trợn mắt trong sân si, tức giận hay quát mắng học sinh gì cả, mà chỉ là đang trêu đùa, vui vẻ với các bạn ý. Vì sao? Vì ngay từ ban đầu, mình xác định nền tảng TikTok là nền tảng để vui, giải trí như một TikToker bình thường chứ không hề có ý định chia sẻ kiến thức như trên Facebook.
Clip trợn mắt là ở trong trường hợp mình react (phản hồi – PV) lại câu ask (lời mời) của người khác và lúc đó mình chỉ đang cố tạo ra nội dung. Những người phê bình hoàn toàn có thể phê bình vì sao mình sáng tạo nội dung dở thế, lố thế và vô duyên thế chứ không nhất thiết phải suy ra rằng, mình là một cô giáo xấu tính, cục súc như những bài viết gần đây.
Còn về hai chữ “quát mắng” học sinh thì nó cũng được lấy ra từ clip mà mình “trợn mắt” đó. Mình thấy mọi người dùng từ “quát mắng” ở trong trường hợp này là quá nặng nề.
Khi làm video đó, mình chỉ đơn giản nghĩ đó là “hài hước” và “ngầu” nhưng thật không may, nó lại không hề hài hước và ngầu như mình tưởng, làm người xem cảm thấy phản cảm và trái ngược với hình ảnh hiền lành của một “cô giáo” mà học sinh vẫn nghĩ. Mình xin lỗi về hành động này nhé. Mình hứa sẽ thay đổi và ngày càng ý thức hơn về hành vi của mình trên mạng”.
Minh Thu từng nói đang cố gắng hoàn thành chương trình học còn thiếu để tốt nghiệp. Cô muốn sửa lỗi sai để tiến bộ hơn.
Về việc trả lời sai câu hỏi của học sinh nhắn trên fanpage về “quy tắc bàn tay trái”
“Cô giáo livestream” nói: “Về phần kiến thức, mà cụ thể ở đây là quy tắc bàn tay trái và quy tắc nắm tay phải. Trong những buổi livestream dạy học, mình không hề nhắc gì về phần kiến thức này. Đấy là hôm có một bạn bình luận vào bài đăng của mình “Cô ơi, cô phát biểu quy tắc nắm bàn tay phải giúp em đi ạ. Năm nay 22 tuổi đầu rồi nhưng chưa biết cầm tay người yêu”. Sau đó fanpage của mình trả lời lại bình luận đó một bức ảnh nhưng tấm hình đó lại bị nhầm sang quy tắc khác. Người comment đó thì không phải là mình mà là một bạn cộng tác viên trực page giúp mình.
Bạn cộng tác viên thấy bình luận của anh bạn kia khá hài hước nên muốn bình luận lại một cái gì đó để tương tác lại thôi, chứ không có mục đích giáo dục gì ở bình luận đó cả.
Mình xin được nhận lỗi trong việc quản lí và điều hành page không tốt, dẫn đến sự hiểu lầm của mọi người là không nắm chắc kiến thức căn bản này.
Mình đã làm rất nhiều livestream và không thể chắc chắn các livestream đó không có lỗi ở mặt hình ảnh, biểu cảm, lời nói nhưng mình chắc chắn mình không đến nỗi không nắm được “kiến thức cơ bản Vật lý” và giảng sai cho các bạn học sinh.
Mình tin và biết rằng, có rất nhiều bạn học sinh sau khi xem livestream của mình thì có được kết quả và thành tích tốt trong việc học Vật lý”.
Ý kiến về việc “cô giáo” dạy học ít mà “chém gió” với học trò nhiều
Về vấn đề này, Minh Thu trả lời: “Về ý kiến mình không dạy trên Facebook mà chỉ lên livestream để nói chuyện chém gió thì hoàn toàn không đúng với những gì mình đã làm trong hơn 1 tháng qua.
Ở thời điểm ban đầu, do chưa đủ kinh nghiệm nên mình thường xen kẽ giữa việc chia sẻ kiến thức và nói chuyện với học sinh và sau khi được góp ý về vấn đề này thì mình đã thay đổi và phân chia thời gian để có thể hợp lí hơn như sau:
Trong một bài livestream thời điểm hiện tại khoảng 1 tiếng rưỡi, mình dành 15 phút đầu để ổn định lớp, kiểm tra kết nối và đường truyền tín hiệu xem có vấn đề gì không để kịp thời khắc phục, đảm bảo tốt nhất cho phần dạy học không bị gián đoạn; 60 phút tiếp theo mình nghiêm túc, tập trung chia sẻ kiến thức và giải bài cho các bạn; rồi sau đó mình ở lại giao lưu với các bạn một lúc rồi chào các bạn đi ngủ.
Hiện tại đó mới chỉ là cái khung livestream hiện nay. Mình vẫn đang đau đáu việc tìm ra một khung giờ thích hợp cho người dạy và người học, sao cho cân bằng giữa việc chia sẻ kiến thức với việc nói chuyện tâm sự, lắng nghe những học sinh.
Các buổi dạy học online của nữ sinh Minh Thu thu hút hàng trăm ngàn người xem cùng lúc.
Nếu các bạn quan tâm, các bạn có thể xem lại các livestream. Và như đã nói ở trên, mình luôn tuân thủ trong khoảng 60 phút tập trung truyền đạt kiến thức.
Mình cũng hiểu cho suy nghĩ cô không dạy gì, bởi người đó có thể xem livestream khi đang ở đầu live hoặc cuối live và chỉ thấy mình cười nói vui vẻ thôi. Điều này cũng dễ hiểu bởi những lúc mình livestream, thời điểm đầu và cuối livestream rất nhiều lượt view nhưng đến lúc bắt đầu vào việc chia sẻ kiến thức Vật lý, lượt view giảm đáng kể, lúc này có lẽ chỉ có các bạn học sinh đang xem”.
Về vấn đề “cô giáo” livestream chơi game
Thu giải thích: “Ngoài việc yêu và chia sẻ kiến thức Vật lý, mình còn là một người chơi game. Bây giờ việc có nên chơi game hay không, học sinh có nên chơi game hay không có lẽ vẫn đang còn tồn tại rất nhiều luồng suy nghĩ và tranh cãi trái chiều nên mình cũng sẽ không bày tỏ quan điểm cổ súy hay là bài xích việc chơi game.
Mình chỉ đơn giản là người chơi game và muốn được chơi game với mọi người cũng như chia sẻ những giây phút thư giãn của mình thôi. Mình không hề nghĩ, tính trước hay biết chắc được rằng việc chơi game của mình có vô tình cổ xúy các bạn học sinh chơi game hay không.
Mình sẽ cố gắng có trách nhiệm hơn với vấn đề này trong tương lai để không làm ảnh hưởng đến việc học của các bạn học sinh và hình ảnh chia sẻ kiến thức của mình.
Còn về việc nói bậy trên video thì mình đã sai rồi và mình muốn xin lỗi tất cả mọi người. Việc nói bậy ở trên mạng không chỉ sai với hình ảnh một người đang chia sẻ kiến thức mà là với bất cứ ai. Thế nên, mình sẽ cố gắng không lặp lại việc này gây ảnh hưởng xấu đến các bạn học sinh theo dõi”.
Minh Thu đã đổi tên fanpage, không còn tự xưng là “cô giáo”.
Gửi lời xin lỗi và thay đổi danh xưng cô giáo
“Cô giáo livestream” nổi tiếng trên mạng xã hội cho rằng: “Về sự việc lần này và mình cảm thấy mình đã có lỗi, có sai nhưng chưa có “tội” để mọi người “lên án” một cách mạnh mẽ và tiêu cực về cả con người lẫn việc truyền đạt kiến thức như vậy. Mình thật lòng cảm ơn những ai đang yêu thương và ủng hộ.
Bản thân mình đã tự hứa với lòng rằng vẫn sẽ luôn thay đổi hành vi và sửa đổi cách biểu hiện ra bên ngoài mà số đông thấy là không phù hợp, miễn sao mình luôn giữ được mục đích ban đầu là truyền tải kiến thức. Danh xưng cô giáo có lẽ đang không phù hợp, mình xin được rút lại. Mình chỉ xin bây giờ được livestream, làm nội dung truyền tải kiến thức với tư cách như một nhà sáng tạo nội dung. Tuy nhiên ở thời điểm này, mình xin vẫn giữ cách xưng hô cô – em vì các bạn học sinh xem mình đã quen với điều đó và cách xưng hô sẽ giúp các bạn cảm thấy gần gũi hơn khi nghe mình chia sẻ”.