Chuyện tình của cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo | meddom.org
Chuyện tình của cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo
08:20 – Thứ Năm, 20/07/2017
Giadinh.net – Ông là một trong “Ngũ hổ tướng” được Bác Hồ cử đi học tại Trường Sĩ quan Hoàng Phố. Sự can trường, tài thao lược của cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là những bức hoành phi lịch sử được đất nước ghi nhận. Nhưng câu chuyện tình của vị tướng danh tiếng này dường như là khoảng trời bí mật mà chỉ đến những năm cuối đời, ông và “nhân vật chính” mới tiết lộ.
“Chọn” vợ qua… ảnh!
Cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, tên thật là Tạ Thái An, sinh năm 1921 tại xã Bảo Khê, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Ông tham gia cách mạng năm 1937. Ông được phong quân hàm Thượng tướng vào năm 1984.
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo là tác giả của nhiều tác phẩm có giá trị về đường lối quân sự, nghệ thuật quân sự, lịch sử quân sự VN. Ông được phong giáo sư ngành khoa học quân sự (năm 1986), nhà giáo nhân dân (năm 1988). Ông đã được trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
Năm 1936, khi mới 15 tuổi, ông là 1 trong 5 người được Bác Hồ cử sang Trung Quốc học ở Trường Sĩ quan Hoàng Phố. Năm 24 tuổi, ông đã là Tư lệnh Quân khu IV. Ông từng làm Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên và là chỉ huy trưởng trận đánh Buôn Ma Thuột lẫy lừng.
Năm 1948, sau khi lưỡng quốc Tướng quân Nguyễn Sơn được Bác Hồ đồng ý cho trở về Trung Quốc, Hoàng Minh Thảo được điều lên giữ chức vụ này. Khi ấy, ông mới 24 tuổi. Một ngày, người bạn thân thiết của Hoàng Minh Thảo là Vũ Đình Lai (sau này là Hiệu trưởng trường Đại học Giao thông Vận tải) đến chơi và bảo: “Thân lính tráng nay đây mai đó, lấy vợ đi ông ạ”. Hoàng Minh Thảo ngẫm nghĩ một lúc rồi nói: “Nhưng mình có quen cô nào đâu”. Vũ Đình Lai nghe vậy liền hứa sẽ giới thiệu cho.
Câu chuyện tưởng chừng như chỉ là lời gió thoảng, vậy mà mấy ngày sau, Vũ Đình Lai cầm một xếp ảnh chụp các cô nữ sinh trẻ trung, xinh xắn đến giới thiệu thật. Vị Tư lệnh Quân khu IV hết sức ngạc nhiên vặn hỏi thì Vũ Đình Lai ậm ừ: “Ờ, tớ vào hiệu ảnh, thấy đẹp thì xin ông chủ hàng mang về thôi. Toàn dân diploma Nam Định đấy. Cậu ưng cô nào để tớ làm mối”. Hoàng Minh Thảo nhướng nhướng cặp lông mày to và xếch ngắm nghía xấp ảnh, cẩn thận lựa những cô có khuôn mặt phúc hậu để sang một bên, rồi trả lại cho Vũ Đình Lai ảnh các cô gái sắc sảo, son phấn điệu đà.
Cuối cùng, ông đưa ra bức ảnh một cô nữ sinh có khuôn mặt phúc hậu, vẻ đẹp mặn mà và hỏi Vũ Đình Lai xem có quen không. Vũ Đình Lai mỉm cười, nói úp mở: “Cũng biết sơ sơ”. Mãi sau này, Hoàng Minh Thảo mới “ngã ngửa” khi biết cô nữ sinh có vẻ đẹp mặn mà ấy là Vũ Thị Minh Nguyệt, cháu gái của Vũ Đình Lai. Vài tháng sau ngày “phải lòng” cô gái qua ảnh, ông Lai bố trí cùng Hoàng Minh Thảo về tận Hải Hậu để giới thiệu cháu gái. Buổi chiều, mấy người rủ nhau đi ăn phở.
Nhớ lại ngày ấy, bà Minh Nguyệt bảo: Thấy chú rủ đi ăn phở cùng ông nhà, thì đi. Thời ấy, ai chả quý các anh bộ đội, nhất lại là bạn của chú. Thế nhưng, vị tư lệnh oai hùng trên chiến trận là thế mà lúc ấy lại bẽn lẽn, lúng túng như gà mắc tóc. Lúc ngồi ở quán, thi thoảng ông lại quay sang “liếc trộm” khiến cô gái ngượng đỏ mặt. Có lúc Hoàng Minh Thảo mải ngắm quá bị Vũ Đình Lai trêu liền lúng túng, suýt đánh rơi cả đũa
Đêm tân hôn trong căn nhà lá bỏ hoang
Người đồng đội năm xưa đã bật khóc khi gặp lại
Thượng tướng Hoàng Minh Thảo.
Buổi chiều năm 1948 ở Nam Định ngày ấy cũng là buổi chiều định mệnh, số phận của vị tướng hiển hách được định đoạt gắn chặt với cô nữ sinh Vũ Thị Minh Nguyệt. Bà kể, ngày ấy mới đang ở độ tuổi trăng rằm chẳng biết gì, chỉ gặp nhau có vài buổi vẫn còn chưa hết e ngại, cũng chẳng biết anh bộ đội có cặp lông mày xếch vắt ngang trán ấy chính là vị Tư lệnh Quân khu IV. Hồi ấy, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy nên cái “gật đầu” của ông chú ruột Vũ Đình Lai đã là “bản giao kèo” cho hôn lễ của hai người. Lại thêm sau vài buổi gặp mặt, cô nữ sinh Minh Nguyệt cũng tỏ lòng cảm mến anh bộ đội mà ông chú đích thân đưa về nên đám cưới đã diễn ra sau đó.
Ngày cưới, bên nhà trai chỉ có hai anh cán bộ đại diện còn bên nhà gái cũng chỉ có Vũ Đình Lai và mấy người trong gia đình. Cưới xong, cặp vợ chồng trẻ mượn căn nhà lá bỏ hoang làm chỗ động phòng. Ngay sau đêm tân hôn ấy, Hoàng Minh Thảo lại từ biệt vợ mới cưới, lên đường đi chiến dịch.
60 năm sống cuộc đời làm vợ tướng, gần như bà Minh Nguyệt phải làm đủ cả bổn phận của người chồng, người cha, người mẹ, người vợ để nuôi dạy các con trưởng thành. Đánh Điện Biên Phủ xong, cặp vợ chồng trẻ mới có thời gian được ở với nhau tới 5 năm. Lúc này ông Thảo làm Hiệu trưởng Học viện Lục quân, sáng đi làm, tối về nhà với gia đình.
Năm 1965, ông lại nhận nhiệm vụ của Trung ương vào chiến trường Tây Nguyên và ở trong đó cho đến ngày giải phóng miền Nam. Đó cũng là những ngày vất vả, khó khăn nhất trong cuộc đời làm vợ tướng của bà. Bốn mẹ con nuôi nhau, rồi bồng bế chạy lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc tránh bom. Đứa bé 8 tuổi còm nhom phải còng lưng cùng mẹ khiêng từng thùng nước leo lên từng bậc đá. Làm vợ tướng, đối với bà, dường như chẳng hơn gì vợ lính. Vẫn nuôi lợn, nuôi thỏ, nuôi gà, cuốc đất. Những ngày chồng ra chiến trận, bà và con nghe đài rồi nhìn lên bản đồ để đánh dấu xem chồng đang ở đâu. Có chồng đi trận, ai chẳng như ai. Một ngày, bà rụng rời chân tay khi nhận được điện của Tổng cục Chính trị gọi về ngay Hà Nội. Lúc ấy gần như suy sụp vì nghĩ có chuyện chẳng lành xảy ra với chồng nơi chiến trận.
Không bao giờ “cãi”… vợ!
Vợ chồng tướng Thảo trong những ngày hạnh phúc cuối đời.
Gặp phu nhân cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo trong ngôi nhà nhỏ có vườn cây nhỏ trồng đủ các loại cây của làng quê như bưởi, chuối, hoa nhài… và cả một ao cá nho nhỏ. Nhắc lại chuyện xưa, bà vẫn nhớ như in kỷ niệm đầu đời của mình. Đó là buổi chiều ngày đầu tiên Hoàng Minh Thảo đến nhà bà, anh Thảo mạnh dạn rủ cô nữ sinh Minh Nguyệt đi dạo quanh bờ ao trước nhà.
Bà kể: “Cả hai chúng tôi đều kiệm lời, nhưng cảm nhận được hạnh phúc và linh cảm được một sự gắn bó, thân thiết với nhau. Lần đầu tiên đi cùng nhau ấy cũng đã khiến tôi cảm thấy hạnh phúc. Cưới nhau 60 năm, nhưng chưa bao giờ cãi nhau hay to tiếng. Ông ấy tướng mạo thế nhưng tính tình hiền lành lắm. Lớn lên trong binh nghiệp nên không biết chiều vợ như người khác, nhưng cũng chưa bao giờ bắt bẻ vợ con điều gì cả. Tôi nghĩ đức tính giàu lòng vị tha ấy của ông ấy thực sự là tấm gương cho con cháu noi theo”.
Bà Nguyệt kể, nguyên tắc lớn nhất trong cuộc sống vợ chồng là tin tưởng, đó là sợi dây ràng buộc lớn nhất khi mà hai người hai ngả phân ly bởi chiến tranh. Một lần, được gặp Thượng tướng Hoàng Minh Thảo tại ngôi nhà ở Phùng Chí Kiên, tôi mạnh dạn hỏi chuyện riêng. Khi đó ông chỉ nói ngắn gọn “chuyện yêu đương ngày xưa đơn giản hơn ngày nay nhiều mà gia đình lại hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn, nề nếp”. Cũng trong buổi gặp ấy, tôi hỏi ông câu “truyền miệng” có phải có chuyện “ra trận oai hùng, về nhà sợ vợ” thì tướng Thảo bối rối nói: “Không… không… Tôi không sợ nhưng cũng không bao giờ cãi vợ!”.
Vào những ngày cuối đời, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo vẫn viết sách, viết báo và đi nói chuyện về nghệ thuật quân sự, dự các hội nghị khoa học. Ông vẫn là ủy viên Hội đồng chức danh của Bộ Quốc phòng… trên hết, ông vẫn là con người của trận mạc. Nhưng khi về với gia đình, ông là một người chồng “nghe” vợ, vị tướng lẫm liệt trên chiến trận bỗng ngoan hiền ngồi yên như một cậu bé để vợ sửa từng nếp gấp, cổ áo hay thắt lại chiếc cà vạt.
Lã Xưa
Nguồn: giadinh.net.vn/xa-hoi/chuyen-tinh-cua-co-thuong-tuong-hoang-minh-thao-20091217081627217.htm