Chuyện đời của “cha đẻ” Tây Du Ký: Thi cử lận đận, không có địa vị cao quý
Tây Du Ký là tác phẩm tiểu thuyết kinh điển của văn học Trung Quốc. Sau khi được chuyển thể thành bộ phim Tây Du Ký 1986, tác phẩm này lại càng nổi tiếng hơn. Và khi tác phẩm nổi tiếng, khán giả bắt đầu quan tâm tìm hiểu về “cha đẻ” của nó – tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân. Cuộc đời đầy vất vả của Ngô Thừa Ân từng được diễn viên Lục Tiểu Linh Đồng (người đóng vai Tôn Ngộ Không) tìm hiểu và kể lại trong cuốn Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du.
Theo Wiki, Ngô Thừa Ân (1500/1506 – 1581) tự Nhữ Trung, hiệu Xạ Dương sơn nhân, là một nhà văn, nhà thơ Trung Quốc, sống trong thời nhà Minh. Ông sinh ra ở huyện Liên Thủy (Hoài An, tỉnh Giang Tô). Gia đình ông làm nghề buôn bán nhỏ, chuyên bán chỉ và đồ thêu nhưng lại có thú tàng trữ sách. Ông nội và cha Ngô Thừa Ân đều xuất thân quan lại qua đường thi cử. Ông từng học tại Nam Kinh Thái học (Đại học Nam kinh cổ) trong hơn 10 năm.
Tranh vẽ tiểu thuyết gia Ngô Thừa Ân
Từ nhỏ, Ngô Thừa Ân đã là người thông minh, ham học hỏi. Ông từng đọc nhiều sách, thích truyện dã sử và chịu ảnh hưởng của văn học dân gian. Ông từng viết trong Ngu Đỉnh Ký: Từ nhỏ đã rất thích nghe ngóng những thông tin ly kỳ. Khi đi học thì hay trốn ra ngoài sưu tầm những truyện truyền miệng hay dã sử, sợ cha biết được sẽ vứt hết đi, nên thường trốn vào chỗ không có người để đọc”.
Lớn lên, ông tỏ ra là người có tính tình khẳng khái, những câu nói của ông lúc bấy giờ thể hiện tính cách của ông,”không để người đời thương hại”, “trong lòng mài mãi dao trừ tà, muốn dẹp sạch đi, buồn không đủ sức”. Ông nổi tiếng văn hay chữ tốt nhưng lại lận đận đường thi cử.
Năm Gia Tĩnh thứ mười (khoảng 1532), ông đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi Khoa khảo và Tuế khảo, cùng bạn bè đi Nam Kinh để thi Hương. Nhưng sự tài hoa của ông không giúp ông thi đỗ trong kỳ thi đó. Cha ông qua đời mà vẫn ôm sự tiếc nuối về đường khoa bảng của con trai.
Ba năm sau, ông tiếp tục thi cử nhưng bảng vàng vẫn không có tên Ngô Thừa Ân. Hai lần thi Hương đều trượt, cùng cái chết của cha khiến Ngô Thừa Ân vô cùng buồn tủi, lâm bệnh nặng.
Tây Du Ký là tiểu thuyết kinh điển của Ngô Thừa Ân
Cha mất, gánh nặng cơm áo của gia đình đổ lên vai Ngô Thừa Ân. Quân bách, ở tuổi 51, ông tới Nam Kinh tìm việc nhưng không được như ý nguyện. Ông từng nhận một chức quan nhỏ nhưng không chịu được cảnh luồn cúi nên chẳng bao lâu từ quan.
“Nếm trải đến bội thực những cay đắng của xã hội, ông bắt đầu tỉnh ngộ, suy nghĩ triệt để mọi vấn đề, đồng thời dùng thơ văn của mình để đấu tranh cho sự bất công của xã hội bấy giờ”, Lục Tiểu Linh Đồng viết trong sách Lục Tiểu Linh Đồng bình Tây du.
Tác phẩm của Ngô Thừa Ân phong phú nhưng bị mai một gần hết. Kho tàng truyện truyền thuyết, thần thoại dân gian mà ông yêu thích từ nhỏ đã được vận dụng để sáng tác. Điều này thể hiện rõ trong những tác phẩm như Thụy Long ca, Nhị Lang sưu sơn đồ ca… Ông còn có tác phẩm Vũ Đĩnh chí (tiểu thuyết thần tiên ma quái). Di cảo còn lại của ông sau này được tập hợp trong bộ Xạ Dương tiên sinh (gồm 4 quyển).
Cả đời chật vật, Ngô Thừa Ân phấn đấu hoàn thành tác phẩm Tây du ký. Tuy thi cử lận đận, cuộc đời không có địa vị cao quý, song ông để lại cho đời sau một tác phẩm kinh điển.
Xem thêm: 6 sự thật ít biết trong phim Tây Du Ký 1986: Đường Tăng ghét Tôn Ngộ Không?