Chuyện chưa kể về Tây Du Ký và nữ đạo diễn tài năng của phim
Cố đạo diễn Dương Khiết từng được coi là nữ đạo diễn thế hệ thứ nhất của truyền hình Trung Quốc đồng thời cũng là nhà điều hành sản xuất có tiếng. Không chỉ nổi tiếng với bộ phim Tây Du Ký, bà còn là đạo diễn cho nhiều bộ phim nổi tiếng khác song Tây Du Ký chính là bộ phim gắn liền với tên tuổi của bà. Năm 2017, sau 10 ngày hôn mê tại bệnh viện, cố đạo diễn Dương Khiết đã ra đi mãi mãi ở tuổi 88.
Dương Khiết – nữ đạo diễn tài năng của “Tây Du Ký”
Dương Khiết – Người phụ nữ nhỏ bé tạo nên siêu phẩm Tây Du Ký
Từ nhỏ, đạo diễn Dương Khiết đã rất yêu thích các tác phẩm văn học cổ đại và lần đầu tiên bà tìm đọc tiểu thuyết Tây Du Ký là khi lên 8 tuổi. Bên cạnh cuốn tiểu thuyết này bà cũng từng đọc các tác phẩm trong tứ đại danh tác của Trung Quốc bao gồm Hồng Lâu Mộng, Thủy Hử, Tam Quốc diễn nghĩa. Sau khi đọc xong những cuốn tiểu thuyết này bà đã từng mơ ước làm đạo diễn và mong trở thành người chuyển thể những tác phẩm nổi tiếng này lên màn ảnh.
Đạo diễn Dương Khiết xuất thân là một phát thanh viên, bà khởi nghiệp làm đạo diễn trên sân khấu Kinh kịch. Năm 1958, đạo diễn Dương Khiết được nhận vào làm tại Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc và tham gia làm đạo diễn cho một số chương trình. Năm 1980, bà mới bắt đầu làm đạo diễn phim truyền hình với bộ phim đầu tay. Trong 20 năm làm đạo diễn, Dương Khiết chỉ thực hiện 11 bộ phim truyền hình và thành công nhất trong số đó chính là Tây Du Ký.
Đạo diễn Dương Khiết đang chỉ đạo ở trường quay Tây Du Ký
Tới năm 1982, bà được đề nghị thực hiện Tây Du Ký trên màn ảnh nhỏ. Để tạo nên siêu phẩm truyền hình này, cố đạo diễn Dương Khiết đã mất tới 6 năm nghiên cứu để biến cuốn tiểu thuyết nổi tiếng thành những thước phim sinh động và cuốn hút. Trong những năm tháng làm nghề, nữ đạo diễn sở hữu dáng vẻ nhỏ bé này đã liên tục góp mặt trong danh sách những nghệ sĩ nổi tiếng của Trung Quốc.
Đạo diễn Dương Khiết kể lại quá trình quay phim: “Vào thời điểm năm 1982, kỹ thuật dựng phim còn rất thủ công, chưa có kỹ xảo điện ảnh, mà Tây Du Ký lại là bộ phim thần thoại ly kỳ, có nhiều phép thuật, muốn thể hiện 72 phép biến hóa thần thông của Tôn Ngộ Không là một vấn đề nan giải đối với cả đoàn làm phim”.
Để thực hiện 25 tập phim Tây Du Ký phần một, cả đoàn làm phim đã phải mất hơn 5 năm. Vì không đủ kinh phí, phim buộc phải dừng lại sau phần một. Dương Khiết không hài lòng với điều đó mà vẫn ấp ủ thực hiện những phần cuối cùng của phim.
“Tây Du Ký” (năm 1986) được thực hiện trong hơn 5 năm.
Năm 1999, đài truyền hình trung ương Trung Quốc quyết tâm đầu tư kinh phí thực hiện tiếp những tập còn lại của bộ Tây Du Ký. Khi bắt tay dàn dựng phần 2, đạo diễn Dương Khiết phải đối mặt với nhiều áp lực vì lo sợ thời lượng quá ngắn sẽ không gây được ấn tượng cho khán giả. Ngoài ra, kỹ thuật dựng phim vào năm 2000 cũng đã khác với 18 năm trước.
Bên cạnh đó, diện mạo của các diễn viên cũng đã thay đổi nhiều so với 18 năm trước. Sức khỏe của các diễn viên cũng không còn được như xưa. Năm 2000, Tây Du Ký phần 2 ra mắt đã có nhiều ý kiến khen chê trái chiều, nhưng đạo diễn Dương Khiết vẫn cảm thấy hài lòng vì tin rằng, mình đã hoàn thành sứ mệnh mang tên Tây Du Ký.
Năm 2010, đạo diễn Dương Khiết được Hội ủy viên công tác đạo diễn truyền hình Trung Quốc trao giải thưởng “Kiệt xuất cống hiến” cho những cống hiến không mệt mỏi của bà với nghệ thuật. 7 năm sau đó, bà qua đời vì bệnh tật.
Năm 2000, “Tây Du Ký” phần 2 được ra mắt khán giả, gần 18 năm sau phần 1.
Đạo diễn Dương Khiết ghi dấu ấn trong sự nghiệp với phần 1 của “Tây Du Ký” và tác phẩm cuối cùng trong cuộc đời bà chính là phần hai của “Tây Du Ký”.
Những bí mật chưa bao giờ công bố về Tây Du Ký
Đạo diễn Dương Khiết từng phát hành cuốn sách mang tên Dám hỏi đường đi phương nào, chia sẻ nhiều kỷ niệm trong cuộc hành trình kéo dài từ 1982 đến 1986 để hoàn thành 25 tập phim Tây Du Ký. Trong cuốn sách của mình, bà kể rằng, những thước phim sinh động trong Tây Du Ký từng được ghi hình bằng một máy quay duy nhất, và chiếc máy quay này không hề hiện đại.
Chiếc máy quay duy nhất tạo nên những thước phim huyền thoại của Tây Du Ký (năm 1986)
Trong phim Tây Du Ký (1986), các diễn viên đều nhận cát-sê khoảng vài chục nhân dân tệ một tập nhưng Vương Bá Chiêu – người đóng Bạch Long Mã lại nhận mức cát-sê cao đặc biệt. Trong phim, Vương Bá Chiêu được trả thù lao cao hơn cả bốn diễn viên chính. Qua 3 tập phim với vài chục phút xuất hiện, Vương Bá Chiêu được nhận 1.500 nhân dân tệ, gần bằng mức cát-sê mà Lục Tiểu Linh Đồng (Tôn Ngộ Không) nhận được trong 25 tập phim. Nguyên nhân là khi tham gia Tây Du Ký, Vương Bá Chiêu đã là một ngôi sao nổi tiếng.
Vương Bá Chiêu (phải) là một trong những diễn viên nhận cát-sê cao nhất trong “Tây Du Ký” (năm 1986)
Tương tự Vương Bá Chiêu, nữ diễn viên Mã Lan cũng nhận được mức cát-sê đặc biệt. Thời điểm tham gia bộ phim, Mã Lan là một ngôi sao nổi tiếng và đạo diễn Vương Khiết mời bà đảm nhiệm vai Ân tiểu thư – mẹ của Đường Tam Tạng. Để có được sự đồng ý của Mã Lan, đạo diễn Vương Khiết đã phải thuê máy bay, căn giờ chuẩn để nữ diễn viên có thể vừa hoàn tất cảnh quay rồi kịp quay về đoàn kịch. Chỉ riêng chi phí đi lại dành cho Mã Lan đã tốn 20 nghìn nhân dân tệ, gấp 10 lần cát-sê quay 25 tập phim của “Tôn Ngộ Không” Lục Tiểu Linh Đồng.
Nữ diễn viên Mã Lan (trái) cũng là ngôi sao được cố đạo diễn Dương Khiết ưu ái nhất khi tham gia “Tây Du Ký” (năm 1986)
Những cảnh hậu trường đầy thú vị của Tây Du Ký:
Những đám mây trên thiên đàng được thực hiện rất thủ công
Một cảnh bay lượn trên không của “Tôn Ngộ Không” Lục Tiểu Linh Đồng
Một cảnh bay lượn của Trư Bát Giới
Cảnh cưỡi mây và bay trên không trung của Tôn Ngộ Không được hỗ trợ bằng thang.
Đoàn làm phim “Tây Du Ký” thu hút sự quan tâm của công chúng
Trư Bát Giới và Tôn Ngộ Không tranh thủ nghỉ ngơi và ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt.
Sa Ngộ Tĩnh chụp hình cùng các fan nhí trong lúc nghỉ ngơi ở phim trường
Dàn yêu tinh nhền nhện phải ngâm mình dưới nước để thực hiện những thước phim chân thực.