Chúa Giêsu là ai?
Lm Giuse Hoàng Kim Toan
Giáo Phận Ban Mê Thuột
https://gpbanmethuot.net/assets/images/logo.png
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa sinh ra từ trước muôn đời và là con của Đức Maria sinh ra trong dòng thời gian của lịch sử.
Chúa Giêsu là ai?
Câu hỏi không ngừng được đào sâu hơn để biết về Chúa Giêsu qua nhiều thế kỷ. Người là ai trong cõi nhân sinh này? Tại sao biết Chúa Giêsu lại quan trọng đến vận mệnh con người?
Tin Mừng Thứ Sáu tuần IX Thường niên, đặt ra câu hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?” (Mc 12, 35). Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa sinh ra từ trước muôn đời và là con của Đức Maria sinh ra trong dòng thời gian của lịch sử.
Càng giải thích lại càng rơi vào những câu hỏi khác. Nếu không tìm câu trả lời, người ta lại dễ bỏ qua, sao cũng được, khó quá! Cha muốn giảng dạy sao cũng đúng. Nguy hiểm hơn, ngày nay, người ta chẳng tin có Chúa nữa.
Biết về Chúa Giêsu Ki tô luôn là một điều khó, không chỉ giải thích về con người của Chúa, Con Thiên Chúa của Người. Thánh Lê ô cả viết: “Tin rằng Chúa Giêsu Ki tô chỉ là Thiên Chúa chứ không phải là người, hoặc chỉ là người chứ không phải Thiên Chúa. Cả hai đều nguy hiểm như nhau.”
Chúa Giêsu không để lại bút tích nào và hầu hết biết Ngài chỉ ra rao giảng khoảng ba năm rồi chịu đóng đinh và chịu chết. Chẳng biết gì nhiều về Chúa. Điều đầu tiên ghi nhận vào những năm 51 – 64 sau Công Nguyên trong các thư của Thánh Phao lô, trước khi các sách Tin Mừng viết ra. Chúa Giêsu là người Do Thái, con cháu vua David, làm nhiều dấu lạ, mạc khải về Chúa Cha, Chúa Thánh Thần. Sau cùng chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại, hiện ra với các tông đồ và với chính Phao lô trên con đường Damat.
Bài giảng đầu tiên của Thánh Phê rô cũng diễn tả bấy nhiêu về Chúa Giêsu. Các câu hỏi và hoài nghi dồn dập hơn bởi những trào lưu triết học thời đó và sau này. Có là người thật không? là Chúa thật không? Tại sao chỉ tin theo truyền thống các tông đồ, còn những truyền thống khác thì sao? Tại sao quy đức tin vào Kinh Tin Kính các Tông Đồ và sau này Kinh Tin Kính (Công đồng Nicea 325 và Contanstinople 381).
Thánh kinh tại sao chỉ nhận 73 cuốn bao gồm 46 quyển Cựu Ước và 27 quyển Tân Ước? Bao nhiêu Công Đồng trải qua nhiều thế kỷ bàn luận về Chúa Giêsu Ki tô. Bao nhiêu thực hành khác xoay quanh việc biểu lộ đức tin trong Phụng vụ, trong đời sống luân lý, trong Giáo hội. Thêm mãi nhiều môn học hơn nữa khi liên quan đến gia đình, xã hội, con người, giáo huấn Giáo Hội… Sự học trở thành mênh mông, như Thánh Gioan đã kết luận trong Phúc Âm của ngài: “Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21, 25).
Nhiều, nhưng vẫn tiếp tục học, tiếp tục hiểu biết thêm, bằng kiến thức, bằng đời sống phụng vu, đời sống cầu nguyện, thực hành Lời Chúa hằng ngày. Có châm ngôn viết: Vô tri bất mộ”. Hoặc như Thánh Augustine viết về niềm “Khao khát Chúa không ngừng”.
Cuối cùng, tại sao chúng ta cần học hỏi không ngừng về Chúa Giêsu Ki tô? Chúng ta bớt hiểu biết lầm lạc về Chúa, tránh những chuyện tưởng tượng, hoang đường trong niềm tin. Biết hơn về điều chúng ta đang dấn thân trong niềm tin Hội Thánh tin. Tôi tin và chúng tôi tin.
Và một câu hỏi luôn mãi với bản thân: Chúa Giêsu Ki tô là người bạn thân thiết với bạn, nhưng bạn biết gì về người bạn Chúa ấy? Hay chỉ biết chung chung hoặc chỉ nghe người ta nói?
L.m Giuse Hoàng Kim Toan