Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến: Không quá 5 – 7 năm nữa, hàng triệu bạn trẻ sẽ có nguy cơ bị mất việc!
“Với nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế số đang trở thành đặc trưng và xu hướng phát triển quan trọng. Đối với Việt Nam, Covid-19 đã cho thấy chúng ta cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.
Với sự phát triển của kinh tế số, ông Hoàng Nam Tiến – Chủ tịch HĐQT FPT Telecom – cho rằng có 4 nhóm người trẻ chúng ta cần quan tâm.
– Nhóm 1: Những người sẽ mất việc bởi kinh tế số
“Tôi đã trình bày rất nhiều lần, trong vòng không quá 5 – 7 năm nữa, Việt Nam sẽ có hàng triệu người trẻ đang có công ăn việc làm sẽ mất việc làm bởi kinh tế số”, ông Hoàng Nam Tiến cho biết tại Hội thảo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam”.
“Chúng ta đã và đang nhìn thấy rất rõ 2,7 triệu công nhân may; 1,7 triệu công nhân liên quan lĩnh vực giầy da; gần 1 triệu công nhân lắp ráp điện tử… Nhóm công nhân này, về cơ bản, khoảng 70% sẽ thất nghiệp trong vòng 10 năm tới. Lý do rất đơn giản là người máy sẽ thay thế”.
Trước Covid, nhiều doanh nghiệp còn băn khoăn việc đưa người máy vào các nhà máy tại Việt Nam. Nhưng sau giai đoạn vừa qua, ông Tiến khẳng định hàng loạt người máy sẽ được đưa vào Việt Nam.
“Giá người máy rẻ hơn, từ khoảng 300.000 USD/người máy thì nay tụt xuống còn 40.000 USD thôi. Khi đó chúng ta không có cách nào đua được với người máy về năng suất lao động, chất lượng, thời gian làm việc liên tục với người máy”.
“Hàng triệu người trẻ, rất trẻ sẽ thất nghiệp”, ông Tiến nói.
Nhóm 2: Công dân toàn cầu
Trong thế giới phẳng, những người tài năng của Việt Nam đủ sức cạnh tranh sòng phẳng trên thế giới về công nghệ, trình độ – những người mà ông Tiến gọi là “công dân toàn cầu”. Chủ tịch FPT Telecom cho rằng đấy là nhóm nhân lực chúng ta cần tập trung đào tạo.
“Đây là trách nhiệm của các trường đào tạo, đặc biệt là doanh nghiệp”, ông Tiến nói.
– Nhóm 3: Đào tạo cho những người làm chủ
Nhóm “người làm chủ” ông Tiến bao hàm cả các quan chức Nhà nước, lãnh đạo các địa phương, đặc biệt là chủ các doanh nghiệp về việc sử dụng công nghệ.
“Tôi muốn nói đây là đào tạo, không phải dự hội thảo. Tôi chứng kiến rất rất nhiều các hội thảo dành cho các nhà lãnh đạo rồi, chỉ dự hội thảo thôi không ăn thua đâu”, vị Chủ tịch FPT Telecom nhìn nhận.
– Nhóm 4: Trẻ em
“Chúng ta có gần 20 triệu học sinh – sinh viên, chúng ta phải đưa vào phương pháp giáo dục mới. COVID-19 vừa rồi rất tàn nhẫn nhưng các cháu, các con đã biết cách học online như thế nào. Chúng tôi tạm gọi là Edu-Next, tức chúng ta phải có một Next-generation – một thế hệ mới về đào tạo”.
“Điều này chắc chắn không thể chỉ là nhiệm vụ của Chính phủ, của Bộ giáo dục và đào tạo, mà cần sự tham gia của cả các doanh nghiệp công nghệ”, ông Tiến khẳng định.
Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” cho thấy, nếu được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, công nghệ số có thể đem lại hơn 1,733 triệu tỷ đồng (74 tỷ USD) cho Việt Nam vào năm 2030. Khoản tiền này tương đương 27% GDP của Việt Nam trong năm 2020. Dự kiến, các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo.
Đào tạo nhân lực là một trong ba trụ cột hành động quan trọng để Việt Nam nắm bắt tối đa cơ hội số, TS. Fraser Thompson – Công ty AlphaBeta – cho biết.
TS. Thompson khuyến nghị Chính phủ cần tập trung mạnh mẽ vào việc trang bị cho nhân lực hiện tại và lực lượng lao động tương lai các kỹ năng số cần thiết để tiếp cận các cơ hội kỹ thuật số, thông qua các chương trình đào tạo kỹ năng số dành riêng cho từng lĩnh vực, tăng cường cơ hội học nghề liên quan Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM).
Đồng thời, chú trọng hơn vào “kỹ năng mềm” trong chương trình giảng dạy từ mẫu giáo đến lớp 12.
Hai trụ cột còn lại cần hành động là Phát triển hệ sinh thái công nghệ trong nước và Phát triển một môi trường thuận lợi cho thương mại số.
“Các quy định chuyển giao công nghệ quốc tế và cải tiến cơ sở hạ tầng số đã và đang góp phần thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng số trong nước. Việt Nam có thể tiến xa hơn trong việc giải quyết những khoảng trống về phạm vi bao phủ của cơ sở hạ tầng số, cũng như rào cản pháp lý mà các nhà lập trình trong nước đang phải đối mặt, giúp họ kinh doanh dễ dàng hơn”, báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” của AlphaBeta cho biết.
Liên quan đến việc chuyển đổi số ở cấp độ doanh nghiệp, ông Tiến hài hước nhận định: “Tôi chưa gặp công ty nào chuyển đổi số mà chết cả, cho nên doanh nghiệp cứ yên tâm. Nhưng 5 năm nữa không chuyển đổi số, các anh chị còn tồn tại không thì là một câu hỏi lớn”.