Chỉ cao 1,68 m, tại sao Kante được gọi là người không phổi?
Tiền vệ của Chelsea duy trì chế độ ăn uống, tập luyện nghiêm ngặt để có cơ thể khỏe mạnh dù thân hình không quá chuẩn như các cầu thủ khác.
N’Golo Kante – tiền vệ thuộc biên chế Chelsea – nổi tiếng với nguồn thể lực dồi dào. Nhiều người nói anh giống “người không phổi” thứ hai của đội chủ sân Stamford Bridge sau Frank Lampard. Trong giới bóng đá, một câu nói thường được dùng để miêu tả Kante: “Trái Đất này 70% là nước, 30% còn lại được bao phủ bởi Kante”.
Những lời khen Kante nhận được thực sự đối lập nếu nhìn vào thân hình nhỏ bé của anh. Tiền vệ người Pháp chỉ cao 1,68 m và nặng 70 kg – con số khá khiêm tốn khi so với những tiền vệ trung tâm khác tại Premier League và 4 giải đấu hàng đầu châu Âu còn lại. Vậy điều gì đã giúp Kante sở hữu thân hình chắc khỏe và nguồn thể lực “vô tận” như thế?
Kante ăn gì?
Câu hỏi này đã được Kante giải đáp nhiều lần kể từ khi nổi tiếng cùng chức vô địch năm 2016 với Leicester. Khi mới đến Chelsea năm 2017, tiền vệ này tiếp tục nhận được câu hỏi tương tự.
Cầu thủ cho biết mình không có thực đơn đa dạng vào bữa sáng. Anh không giống những người dân ở xứ sở sương mù, nổi tiếng thích ăn trứng và đậu vào bữa sáng. Thay vào đó, Kante chọn ngũ cốc, sữa và một số loại trái cây.
Dù có thân hình nhỏ con, Kante vẫn sở hữu cơ bắp và nguồn thể lực dồi dào. Ảnh: Tonton Yaya.
Yogesh Suryawanshi của tờ Health Yogi tiết lộ thêm tiền vệ thích uống một ly whey protein trước khi dùng bữa sáng. Đây là thức uống được nhiều cầu thủ sử dụng để giúp cải thiện cơ bắp. Ngoài ra, nó cũng giúp tăng tốc độ hồi phục cơ bắp sau khi tập luyện cường độ cao.
F2 Freestylers có cuộc phỏng vấn với Kante năm 2018. Bộ đôi bóng đá nghệ thuật này đã gặng hỏi về chế độ ăn của Kante có gì khác người thường không? Họ không tin Kante chỉ ăn như người bình thường nhưng lại có thể lực vượt trội.
Đáp lại, Kante chỉ nói: “Tôi đâu phải người ngoài hành tinh. Tôi cũng như mọi người thôi, thích ăn mì ống và cơm”.
Đây cũng là những món yêu thích của anh cho bữa trưa. Cầu thủ người Pháp thường ăn mì ống kèm phô mai mozzarella cà chua và cà rốt nạo. Kể cả trước trận đấu, đây vẫn là thực đơn được Kante ưu tiên.
Kante thích ăn những thực phẩm mà nhiều vận động viên thường tránh như phô mai, mì ống hay pizza. Ảnh: Kitchen Stories.
Thực đơn trưa của Kante không cố định với những món này. Theo Health Yogi, cựu ngôi sao Leicester cũng chọn thịt viên, ớt xanh và nửa củ khoai lang vào bữa trưa.
Kante nhiều lần từ chối nói về bữa tối. Tuy nhiên, Yogesh Suryawanshi tiết lộ cầu thủ người Pháp có thói quen xấu là ăn đồ ngọt sau bữa tối. Thông thường, mỗi tuần, anh sẽ cho cơ thể xả hơi ăn những thực phẩm như pizza hay khoai tây chiên một lần.
Kante chạy từ nhà đến sân tập?
Đó là chuyện vui vẫn được truyền miệng trong giới bóng đá về cách Kante tập luyện mỗi ngày. Thời ở Leicester, một số nguồn tin nói anh thay vì đi xe tới sân tập lại chọn cách chạy bộ. Sau buổi tập, Kante lại chạy bộ về nhà.
Tuy nhiên, đây chỉ là câu chuyện đùa Jamie Vardy từng chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Goal. Tiền đạo người Anh kể người đồng đội cũ từng thực sự suy nghĩ chuyện chạy bộ tới sân tập. Dù vậy, điều này chưa bao giờ xảy ra và đến giờ cũng thế.
Những bài tập giúp Kante có thân hình chắc khỏe, không ngại va chạm với các đối thủ. Ảnh: Goal.
Thực tế, Kante duy trì thể lực dồi dào nhờ chế độ tập luyện nghiêm ngặt. Dưới đây là chế độ tập luyện của ngôi sao người Pháp.
Thứ 2 và thứ 5
– Bench press (tập ngực): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Lat pulldown (tập cơ xô): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Incline press (tập ngực): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Military press (đẩy tạ qua đầu): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Bicep curls (tập cơ tay trước): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Push-ups (chống đẩy): 10-12 lần, 3-4 hiệp
Thứ 3 và thứ 6
– Bar dips (tập cơ tay sau): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Bicep curls (tập cơ tay trước): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Abdominal crunches (gập bụng): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Dumbbell Lateral Raise (tập vai, phát triển cơ bắp): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Triceps Pressdown (tập cơ tay sau): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Stiff leg deadlifts (tập cơ đùi sau): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Romanian Deadlift (tập đùi sau, cơ mông, lưng dưới): 8-12 lần, 3-4 hiệp
Thứ 4 và thứ 7
– Back squats (tập mông, đùi sau): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Front squats (tập cơ đùi trước): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Ab crunch (tập cơ bụng): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Leg extensions (tập đùi trước): 8-12 lần, 3-4 hiệp
– Leg curls (tập cơ đùi sau): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Calf raises (tập bắp chân): 10-12 lần, 3-4 hiệp
– Power Clean (tập cơ đùi sau): 10-12 lần, 3-4 hiệp