Chân dung ‘người đi ngược’ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19

TP – Trong cuộc chiến chưa từng có tiền lệ chống lại đại dịch COVID-19 bác sĩ Trương Hữu Khanh không chỉ là chỗ dựa của người dân mà còn là một chuyên gia với tư duy ngược mang tính phản biện. Ông đã góp phần định hướng chiến lược phòng chống dịch đúng đắn, đẩy lùi dịch bệnh mang lại sự bình an cho cộng đồng.

Giữa cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 với nhiều mất mát, đau thương, một trong những người làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực y tế là BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã nhận được sự tin tưởng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn TPHCM. Phóng viên báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn riêng với ông quanh chủ đề này.

Chân dung 'người đi ngược' trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ảnh 1

Cộng đồng đang tôn vinh và cho rằng ông xứng đáng là một người hùng trong cuộc chiến chống dịch, quan điểm của ông về vấn đề này?

Tôi là bác sĩ, tôi chỉ cố gắng vận dụng những kiến thức và kinh nghiệm của mình để làm tất cả những gì có thể với mục tiêu duy nhất là bảo vệ sức khỏe cho người bệnh, bảo vệ sự an toàn của cộng đồng trước những nguy cơ bệnh dịch có thể gây ra. Những công việc tôi làm, ngoài mong muốn mang đến sức khỏe cho mọi người, tôi chưa bao giờ nghĩ mình làm để nổi tiếng hay được nổi tiếng hoặc được người khác phong là người hùng hay ưu tú gì cả.

Trong cuộc chiến chống dịch từ khi bắt đầu cho đến hiện nay, nhiều vấn đề chuyên môn mang tính định hướng cho hoạt động phòng chống dịch của ông đôi khi đi ngược với cơ quan chức năng đúng không thưa ông?

Nói là đi ngược thì cũng không phải, tôi đóng góp ý kiến trên những vấn đề mang tính khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của mình. Đây không phải là lần đầu tiên tôi đối mặt với đại dịch bởi trong thực tế 30 năm làm công tác chuyên môn của mình, tôi đã trải qua nhiều đợt dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, H1N1… khiến nhiều người tử vong.

Tuy nhiên, lần này COVID-19 đã tấn công vào nhóm bệnh nhân lớn tuổi nên có những điều tôi nói ra, ban đầu nhiều người chưa tin. Tuy nhiên các loại dịch bệnh đều giống nhau vì có đối tượng cảm ứng, nguyên tắc lây nhiễm của vi rút. Bây giờ nhìn lại người ta mới nói là BS Khanh nói đúng nhiều. Tuy nhiên, có những vấn đề phải chờ đến lúc phải trả giá mới nhận ra và có điều chỉnh. Cuộc chiến chống dịch chưa từng có tiền lệ không bao giờ dễ dàng mà trái lại nó quá căng thẳng, khốc liệt.

Những ý kiến nào ông từng đóng góp đã bị bỏ qua hoặc đến khi phải trả giá như ông nói thì mới được thực hiện thưa ông?

Nguyên tắc cơ bản khi dịch bệnh tấn công nhưng chưa phân lập được đường lây thì phải thực hiện chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, đó là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu số lượng bệnh nhân chuyển nặng, tử vong. Khi dịch COVID-19 mới xuất hiện và bùng lên ở tỉnh Vĩnh Phúc, tôi đã lên tiếng và đề xuất cần phải thực hiện chiến lược bảo vệ người nguy cơ bao gồm nhóm người lớn tuổi, người có bệnh lý nền. Khi đó cơ quan chức năng đã chủ động sàng lọc người nguy cơ, đếm số người lớn tuổi ở Việt Nam tuy nhiên gần như thời gian dài sau đó họ đã bỏ quên nhiệm vụ bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.

Khi biến thể Delta xuất hiện, chúng ta đã phản ứng chậm, những quyết sách thành phố và ngành y tế đưa ra là dùng xét nghiệm PCR để truy vết, khoanh vùng ca bệnh không theo kịp được tốc độ lây lan quá nhanh của dịch bệnh. Tôi đã góp ý với ngành y tế và lãnh đạo TPHCM cần phải chủ trương thực hiện test nhanh cho cộng đồng. Đưa test nhanh xuống gần dân nhất đừng để người bệnh phải đến bệnh viện thực hiện PCR vì nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra khi người bệnh di chuyển, tiếp xúc đông người. Tuy nhiên phải mất thời gian rất dài sau đó thành phố mới quyết định thay đổi.

Chân dung 'người đi ngược' trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ảnh 2

Một số đề xuất của ông trong việc chích ngừa vắc xin cũng trong tình trạng tương tự phải không ạ?

Đúng vậy. Nhưng đây không phải là góp ý của riêng tôi mà là ý kiến chung của nhiều người. Để bảo vệ tốt cho cộng đồng, đặc biệt là nhóm nguy cơ thì phải chích ngừa cho người lớn tuổi, người có bệnh lý nền. Tuy nhiên, việc đo huyết áp đã làm mất đi cơ hội của những người cần được chích ngừa nhất. Dù chúng tôi đã góp ý nhưng việc đo huyết áp vẫn tiếp diễn trong thời gian dài. Khi người lớn tuổi, người có bệnh nền mắc COVID-19 phải nhập viện điều trị, tình trạng bệnh diễn tiến nặng không ít người rơi vào nguy kịch, tử vong, giờ nhắc lại vẫn còn đau.

Chương trình chủng ngừa của Việt Nam rất tốt, tuy nhiên cũng để lại những hạt sạn trong quá trình thực hiện. Đúng ra phải ưu tiên chích vắc xin cho người lớn tuổi, có bệnh nền tại các bệnh viện sau đó mới chích ngừa trong cộng đồng thay vì thực hiện song song. Nếu bỏ đo huyết áp sớm hơn, bao phủ vắc xin nhanh hơn cho người thuộc nhóm nguy cơ thì đã giảm thiểu được tác động của đại dịch.

Tại sao có giai đoạn nỗ lực chống dịch của chúng ta đã thất bại thưa ông?

Đây là câu hỏi không nhiều người muốn trả lời. Trên thực tế, sự thất bại trong cuộc chiến chống dịch ở giai đoạn đỉnh điểm từ tháng 7 đến tháng 9/2021 là vì kinh nghiệm điều trị ban đầu và trang thiết bị chưa đủ; việc chọn lựa nhóm đối tượng để ưu tiên phủ vắc xin chưa đúng. Ngoài ra có quá nhiều thông tin gây nhiễu loạn làm dân hoảng loạn. Nhiều bệnh nhân tử vong nguyên nhân chính không phải do COVID-19 mà là do quá sợ hãi, hoảng loạn.

Cuộc chiến chống COVID-19 đến thời điểm này nhìn lại là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Những hạn chế, những bối rối trong việc đưa ra quyết sách phòng chống dịch là điều không ai mong muốn nhưng cũng là điều không thể tránh được bởi nó vượt quá khả năng và kinh nghiệm của toàn thế giới chứ không riêng bất kỳ quốc gia nào.

Nguyên tắc cơ bản khi đối đầu với các vấn đề dịch bệnh thì ai cũng dè chừng vì nó có xác suất sai số. Tuy nhiên, có những điều bắt buộc phải thay đổi để thích ứng và làm chủ thế trận, dù sự thay đổi không nhanh như kỳ vọng nhưng chúng ta đã điều chỉnh và từng bước khống chế thành công dịch bệnh. Điều đó cho thấy, cuộc chiến chống dịch hay bất kỳ cuộc chiến nào cũng cần sự đồng lòng, hợp sức.

Chân dung 'người đi ngược' trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 ảnh 3

Vì dịch bệnh nên thời gian qua tôi đã bỏ rơi đám trẻ của mình trên Fanpage Hỏi bác sĩ nhi đồng. Thời gian tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để chăm chút cho trang này. Tôi hy vọng những đứa trẻ lớn lên trong bình an và mạnh khỏe. Tôi luôn mang tâm thế của người làm nghề y nếu thấy những điều bất lợi cho sức khỏe cộng đồng thì sẽ sẵn sàng can thiệp.

Cuối tháng 9/2021 dịch COVID-19 tuy có giảm nhưng số ca mắc và tử vong vẫn cao. Vì sao ông lại tham mưu cho lãnh đạo thành phố mở cửa để phát triển kinh tế – xã hội?

Dấu hiệu giảm mạnh của dịch COVID-19 khi đó đã khá rõ, vắc xin đã được chủng ngừa tốt trong cộng đồng. Khi đó lãnh đạo thành phố vẫn còn những lo ngại nhất định về nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Một cuộc họp với sự góp mặt của các chuyên gia đã được thành phố tổ chức và quyết định đi đến thống nhất, mở cửa để phát triển. Tôi không võ đoán khi đưa ra ý kiến tham mưu cho chính sách mở cửa của thành phố mà căn cứ trên quy luật của dịch bệnh dựa vào độ phủ vắc xin và năng lực điều trị của hệ thống y tế kết hợp với học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước và ý thức phòng chống dịch của người dân.

Cá nhân tôi rất trân trọng sự lắng nghe ý kiến của các chuyên gia y tế từ ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM. Khi nhận ra hình thức họp trực tuyến gặp khó khăn trong việc chuyển tải thông tin, ông Nên đã chủ động chỉ đạo tổ chức họp trực tiếp. Từ khi lãnh đạo thành phố lắng nghe ý kiến của các chuyên gia thì việc họp và thảo luận mới đâu ra đó và các quyết sách phòng chống dịch mới thực sự phát huy hiệu quả.

Xin ông chia sẻ đôi nét về các hoạt động hỗ trợ cộng đồng trên mạng xã hội trong giai đoạn dịch bùng phát?

Suốt 30 năm làm bác sĩ, tôi thường xuyên va chạm với những nỗi lo của người dân. Dịch COVID-19 bùng phát, cộng đồng không chỉ dừng lại ở tâm lý lo lắng mà còn rơi vào hoảng loạn khi phải đối diện với một loại bệnh dịch đang cướp đi nhiều sinh mạng trên cả thế giới. Cuộc đời tôi làm nghề y đã thấu hiểu, người dân mình bệnh thì không quan trọng mà sự lo lắng còn lớn hơn cả bệnh.

Để hỗ trợ cộng đồng ngoài trang Facebook Huu Khanh Truong hiện có hơn 658.000 người tham gia, tôi đã lập 3 group trên mạng xã hội và tự mình vận hành để tư vấn chuyên môn cho tất cả những ai đang cần. Chỉ trong thời gian ngắn các trang lập ra đã thu hút sự tham gia của hàng trăm nghìn người.

Mục tiêu của tôi là mang đến sự an tâm cho người dân, chỉ cần họ vững tâm thì sẽ mọi khó khăn sẽ nhanh chóng vượt qua. Các vấn đề khác sai có thể sửa nhưng liên quan đến sức khỏe và sinh mệnh thì chỉ một lần sai có thể sẽ không còn cơ hội sửa chữa. Nhiều người được hướng dẫn chuyên môn đã làm đúng và tránh được những tác động không mong muốn.

Có khi nào ông cảm thấy bất lực trước những lo lắng và nỗi đau của người dân?

Trên thực tế khi dịch bệnh xảy ra, người dân rất tin tưởng và nghe theo những tư vấn, hướng dẫn của những người làm công tác chuyên môn. Trung bình mỗi ngày tôi tiếp nhận từ 500 đến 700 câu hỏi, giai đoạn cao điểm của dịch có thời điểm lượng câu hỏi vọt lên gần 1.000.

Tôi phải làm mọi cách để trả lời nhanh nhất có thể cho cộng đồng bằng các giải pháp tương tác trực tiếp trên máy tính, trên điện thoại, sử dụng hình ảnh, chỉ những đường link và liên tục livestream. Mỗi ngày khoảng 2 đến 3 giờ sáng tôi dậy để trả lời các câu hỏi mọi người gửi đến. Tôi thích xem bóng đá nên hôm nào có trận đấu thì vừa thức để xem vừa trả lời thông tin cho mọi người. Trong những giờ hành chính cũng tranh thủ vừa làm việc vừa họp vừa giải đáp các câu hỏi. Tôi đã quen làm cùng lúc 2 đến 3 việc.

Tuy nhiên, sức người có hạn, những thời điểm thắc mắc của mọi người gửi về quá nhiều thì đành “lực bất tòng tâm” không thể trả lời hết nên khá lo lắng sợ người không được trả lời làm sai. Có những lúc tôi thực sự cảm thấy bất lực, tôi hy vọng được người gửi câu hỏi thông cảm và mong rằng khi không nhận được câu trả lời từ tôi, họ sẽ nhờ người khác hỗ trợ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Nguyễn – Vân Sơn

Rate this post