CEO Peter Phạm: Phượng hoàng bay ngược kim tự tháp – CafeLand.Vn

Quyết định trở về Việt Nam thành lập công ty riêng, doanh nhân Việt kiều Peter Phạm đã tìm thấy ở quê hương nhiều cơ hội phát triển sự nghiệp và sử dụng hiệu quả dòng tiền đầu tư của mình.

Doanh nhân Việt kiều Peter Phạm, Nhóm chứng khoán Anphal Việt Nam

Vài năm trước, Peter Phạm nổi lên như một nhà đầu tư trẻ có tiếng trên thị trường kinh doanh vàng và phái sinh tại Canada và Mỹ bằng những chiến lược đầu tư khôn ngoan và khác biệt. Chính vì vậy, sự trở về của anh, cho dù là với quyết định thử sức với thị trường chứng khoán, cũng khiến giới đầu tư quan tâm.

Nhất là khi Nhóm chứng khoán Anphal VN với một đội ngũ nhân sự rải khắp toàn cầu do Peter Phạm sáng lập đã trở thành một đối tác quan trọng của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và hiện vẫn đang hoạt động như một đầu mối thực hiện và cung cấp các nghiên cứu, phân tích về triển vọng kinh tế và thị trường tài chính tại khu vực Đông Nam Á cho các tổ chức và định chế tài chính nước ngoài đang có ý định đầu tư vào thị trường Việt Nam.

Đây cũng là thế mạnh của Peter Phạm, bởi ngoài 12 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo và tư vấn đầu tư cho các Quỹ đầu tư quốc tế, ông còn là cây bút phân tích thị trường trên các tờ báo và kênh tài chính hàng đầu thế giới như Wall Street Jounal, CNN, MSN và Financial Times. Năm 2012, Peter Phạm đã cho ra mắt cuốn sách “Những chiến lược đơn giản để tối ưu hóa lợi nhuận” (The Big Trade: Simple Strategies for Maximum Market Returns), được Công ty Wiley and Sons, Nhà xuất bản sách về tài chính số 1 thế giới, xuất bản.

Bởi vậy, đầu năm 2014, khi Anphal VN thành lập Công ty Quản lý quỹ Phoenix Capital với tiêu chí tối ưu hóa giá trị cho khách hàng thông qua việc tối thiểu hóa chi phí quản lý, thị trường đặt kỳ vọng khá nhiều vào sức mạnh tiềm ẩn của… Phượng hoàng!

Sự trông đợi này có lý do. Ngay Peter Phạm cũng thừa nhận, Phoenix Capital ra đời trong bối cảnh thị trường quản lý quỹ Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang gặp nhiều bất ổn, phần lớn các quỹ đầu tư hiện tại đều đang lỗ.

Đối với các công ty quản lý quỹ ở Việt Nam, phần lớn nguồn thu đến từ phí quản lý thay vì quản lý hiệu quả. “Đó là vì họ đang quản lý giá trị tài sản lớn, tuy nhiên những nguồn lực này lại đang được phân bổ một cách không hợp lý và thiếu thận trọng vào các khoản đầu tư đầy rủi ro. Đây chính là cơ hội để Phoenix trở thành một công ty quản lý quỹ chuyên về tái cấu trúc hoạt động của các quỹ đang thua lỗ ở Việt Nam với hy vọng biến những sa mạc khô cằn trở thành những ốc đảo”, ông chia sẻ.

“Hướng đi của Phượng hoàng chủ yếu là quản lý các quỹ mở, nhằm giảm thiểu các chi phí giao dịch trực tiếp và gián tiếp cho khách hàng, đồng thời gia tăng lợi nhuận bằng các chiến lược tư vấn đầu tư hiệu quả, với tiêu chí khách hàng giàu có, cũng có nghĩa là chúng tôi giàu có” Peter Phạm chia sẻ thêm.

Phoenix Capital đã mua lại quyền quản lý quỹ của Quỹ Prestige Global & Income (PGGI) ở Anh. Trong những chuyến đi đàm phán kinh doanh trong thời gian tới, nhiều khả năng Phoenix Capital sẽ thâu tóm thêm một số công ty quản lý quỹ ở khu vực châu Á, linh hồn Peter Phạm của Phoenix Capital đã chia sẻ thêm.

II

Là người đưa ra triết lý đầu tư của Phoenix Capital bằng cách đặt chính mình vào vị trí nhà đầu tư, vì thế, cái họ cần là cái mình cần; điều họ không muốn, cũng chính là điều mình muốn tránh. Vì vậy, khi điều hành Quỹ, Peter Phạm xác định sẽ tuân thủ 4 bước mà ông đã đúc rút được chính từ kinh nghiệm đầu tư tài chính khá thành công của mình.

Một là, những phân tích cơ bản về triển vọng ngành nghề và những lợi thế cạnh tranh của công ty được xem xét.

Hai là, lý thuyết đấu giá thị trường, dựa trên sự cân bằng giữa các lực lượng thị trường trong giao dịch để tìm ra những quy luật vận hành.

Ba là, phân tích thị trường vĩ mô và triển vọng hiện tại và tương lai của các ngành nghề.

Bốn là, vận dụng các mô hình phân tích định lượng.

Dựa trên triết lý đó, Quỹ chủ yếu hoạt động trong việc quản lý các quỹ mở nhằm giảm thiểu các chi phí giao dịch trực tiếp và gián tiếp cho khách hàng, cụ thể giảm thiểu mức phí quản lý (management fee) đồng thời gia tăng mức phí quản lý hiệu quả (performance fee).

Khi bàn về tiêu chí để lựa chọn khi quyết định đầu tư vào một công ty nào đó cho khách hàng, Peter Phạm chia sẻ, ông thường dùng các mô hình đầu tư để phân tích và đưa ra các giả định cho họ với 3 mô hình chủ đạo trong kinh doanh.

Đầu tiên là mô hình kim tự tháp ngược. Các doanh nghiệp đầu tư theo mô hình này thường tập trung đầu tư vào các tài sản cố định có giá trị lớn, thời gian thu hồi lâu, tuy nhiên, lại không thể tạo ra được sự ổn định trong doanh thu cũng như dòng tiền định kỳ. Việc chi đầu tư hàng năm nhiều cho máy móc thiết bị làm cho hiệu quả sử dụng tài sản của công ty giảm và làm gia tăng chi phí bảo trì hàng năm. Mô hình này là điển hình cho sự thất bại của rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua.

Thứ đến là mô hình kim cương. Đây là một dạng mô hình đặc biệt và thường được áp dụng đối với các công ty trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Bản chất cạnh tranh của ngành công nghệ thông tin là rất cao, do đó việc nghiên cứu cho ra đời các sản phẩm mới thường đóng vai trò sống còn đối với các doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa lợi nhuận từ những dòng chi phí nghiên cứu phát triển hàng năm thường không cao. Những công ty đó hôm nay có thể là những gã khổng lồ nhưng ngày mai có thể biến mất như chúng ta đã chứng kiến sự thất bại của Tập đoàn Black Berry và Nokia trong thời gian vừa qua.

Mô hình thứ ba là kim tự tháp. Đây là mô hình kinh doanh của những công ty có tài sản thấp, nhưng có khả năng tạo ra doanh thu lớn cũng như dòng tiền ròng ổn định. Những công ty này có những đặc điểm của những công ty có thể tạo ra những lợi thế cạnh tranh ổn định trong tương lai, như sử dụng tài sản hiệu quả, không cần phải chi tiêu hàng năm đầu tư cho tài sản cố định, mức chi trả cổ tức cho cổ đông hàng năm cao. Một điểm nổi bật của những loại hình công ty này, đó là, chúng tiềm ẩn những giá trị tài sản vô hình mà không được phản ánh trên bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp. Chúng ta thường gọi loại tài sản này là lợi thế kinh tế.

“Trong 3 mô hình này, mô hình thứ ba sẽ mang lại thành công cho nhà đầu tư và cũng là mô hình tôi luôn hướng nhà đầu tư lựa chọn. Đây là mô hình các công ty nước ngoài đã triển khai nhiều, còn tại Việt Nam thì chưa phổ biến, nhưng tôi tin rằng, sắp tới sẽ có nhiều nhà đầu tư trong nước áp dụng mô hình này”, Peter Phạm chia sẻ.

III

Về sự phát triển của thị trường chứng khoán trong thời gian tới, Peter Phạm tin rằng, năm 2014, với những thuận lợi từ sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô và cơ hội đầu tư quốc tế mang lại, thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo tiếp tục sẽ là kênh đầu tư hiệu quả, nên có sức sinh lợi cao cho nhà đầu tư.

“Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vẫn được nhận định là động lực mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Cùng với đó, các hiệp định thương mại quốc tế được ký kết và việc room sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cho cả ngành ngân hàng và các tổ chức phi ngân hàng sẽ thu hút vốn dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán”, Peter Phạm phân tích.

Nhìn trên bình diện khu vực, những bất ổn về chính trị ở các nước trong khu vực gần đây đã làm cho các nhà đầu tư quốc tế thận trọng hơn khi quyết định rót tiền vào những quốc gia này, vì vậy Peter Phạm cho rằng, “đó có thể sẽ là cơ hội của Việt Nam trong thời gian tới, nếu chúng ta biết khai thác tốt những dòng vốn này”.

Rate this post