Cán “Cris” – Từ đôi chân trần sân phủi đến Old Trafford

Cán “Cris” – Từ đôi chân trần sân phủi đến Old Trafford

Như một giấc mơ, cậu bé Đại Cán năm nào chỉ quen đá chân đất trên sân phủi đã được sải bước chạy trên thảm cỏ xanh mượt của sân Old Trafford huyền thoại…

Chiếc Ferrari của bầu Hồng “Trà”

Trà Dilmah được ghi nhận là đội bóng phủi nổi tiếng, giàu truyền thống bậc nhất làng bóng đá phong trào Hà Nội với cách làm bóng đá bài bản, đầu tư mạnh mẽ của bầu Hồng. Trà Dilmah thế hệ đầu của những “dị nhân” Tú “khỉ”, Long “Kim”, Anh “Tệu” từng làm mưa làm gió các sân 5, sân 7 suốt 15-20 năm trước. Sau thế hệ vàng này, một lứa cầu thủ trẻ khác cũng từng có thời gian gây ấn tượng cực mạnh trên các sân phủi giai đoạn 2011 – 2013. Đó là lứa các cầu thủ 8x đời cuối và 9x đời đầu được đánh giá là cực hay với những cái tên Linh “Becks”, Khánh “chóe”, Vũ “còi”, Đại Cán, Trung “ốc”, Sơn “móm”…

Cán “Cris” nhận giải thưởng cầu thủ xuất sắc nhất tháng 6 ở Ngoại hạng phủi mùa 1 (HPL-S1) năm 2013

Nhắc đến Khánh “chóe”, Trung “ốc” là nhắc đến những cú sút xa búa bổ, Linh “Becks” là khả năng chia bài tuyệt vời thì ở Đại Cán, đó là sự hoa mỹ và tốc độ. Trong các buổi tập về tốc độ mà HLV Anh “tệu” vẫn cho Trà Dilmah luyện trong công viên Bách Thảo hay trên sân bóng, Cán “Cris” luôn là người về nhất. Trên sân thi đấu, Cán cũng thường xuyên thể hiện được phẩm chất của mình bằng những pha bứt tốc qua người bằng tốc độ như một chiếc Ferrari, khả năng đi bóng khó lường bằng cả 2 chân. Trong nhiều trận đấu có tính toán chiến thuật của bầu Hồng hay coach Anh “Tệu”, Cán “Cris” thường được chỉ đạo cầm bóng đột phá để làm rối loạn hàng thủ đối phương, dựa trên kĩ thuật và tốc độ của mình.

Hành trình bước vào FC Trà Dilmah

Bóng đá là niềm đam mê từ bé của chàng trai sinh năm 1991 này. Sinh ra và lớn lên tại Nam Định, từ bé Đại Cán đã làm bạn với trái bóng và sân Quảng Trường, với những trận đá gôn tôm 4 vs 4 rực lửa. Từ cái nôi của phủi Nam Định với lối đá nhỏ thiên về kĩ thuật đó, Đại Cán lớn dần với những kĩ năng được trui rèn ngày một điêu luyện. Hầu như không có skill nào mà Đại Cán không “diễn” được, từ rabona, gắp bóng qua đầu, đảo chân như thần tượng Cristiano Ronaldo hay ”rắn đuôi chuông”…

 

Cán “Cris” và vợ bên cúp vô địch VCK Forumbongda năm 2012 trong màu áo Trà Dilmah. 

 

Có tố chất tốt, nhưng Cán chưa một ngày ăn tập chuyên nghiệp bởi cha mẹ không muốn anh đi theo con đường cầu thủ nhiều rủi ro với những nguy cơ chấn thương cao. Thi đỗ Học viện Ngoại giao, Đại Cán lên Hà Nội và nhanh chóng nhận ra mình đang theo học một ngôi trường mà đa số các nam sinh không thích đá bóng. Dần bắt được các mối đá bóng, Cán lập tức chơi cho thỏa thích. Sinh viên còn khó khăn, không có xe máy, nhưng Cán vẫn nhiều lần quyết tâm dốc hầu bao bắt xe ôm từ nhà trọ ở Pháo Đài Láng xuống Định Công đá phủi. Nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến Đại Cán chỉ đi chân đất khi thi đấu mà vẫn tạo ra những pha xử lý như… khiêu vũ, những cú nước rút thần tốc hoặc sút bóng ghi bàn như rocket. Phải mất một thời gian khá lâu sau đó, Đại Cán mới “bớt quê” đi khi bắt đầu quen mang giày khi đá bóng, ban đầu là giày bata “chiến binh” rồi chuyển dần sang các loại giày khác, nay là giày Nike, Adidas chính hãng. Ấn tượng của chàng trai này nhanh chóng khiến anh lọt vào đội hình FC MUSVN – một đội bóng có tiếng trên Forumbongda hồi những năm 2009.

Ở MUSVN, Cán chơi bóng cùng Linh “Becks”, người sau này hợp cùng anh trở thành bộ đôi ăn ý trong màu áo Trà Dilmah lừng danh. Chơi được một thời gian ngắn, Linh “Becks” kéo Đại Cán về ra mắt Trà Dilmah. Tối hôm đó, Đại Cán vui đến mất ngủ khi người anh – người đồng đội Linh “Becks” báo tin: “Chú Hồng khen em lắm, chắc là tập thêm vài buổi nữa em sẽ chính thức được nhận đấy”. Được nhận vào Trà Dilmah, dĩ nhiên là niềm tự hào và ước mơ của rất nhiều phủi thủ từ xưa đến nay.

 

BTV Đại Cán khi tác nghiệp ở V.League, chụp ảnh cùng ngôi sao một thời Văn Quyến 

 

Được Linh “Becks” rồi thủ môn Kiên “Mán”, thầy Anh “Tệu” chỉ dạy tận tình, chẳng mấy chốc Đại Cán hòa nhập và trở thành một thành viên ưu tú của Trà Dilmah. Một trong những danh hiệu cao quý trong làng phủi mà lứa của Đại Cán tại Trà Dilmah giành được là chức vô địch VCK Forumbongda 2012. Sau đó, anh cùng đồng đội còn nhiều lần vô địch các giải Bia Sài Gòn, Bia Larue…

Không những có phẩm chất tốt khi chơi bóng, Đại Cán còn là người có kiến thức, am hiểu và đam mê thể thao. Sau đó, anh nhanh chóng bén duyên với nghề BTV thể thao nhờ cầu nối của BTV Quốc Khánh – thành viên kỳ cựu của Trà Dilmah để bắt đầu từ năm thứ 3 học ở HV Ngoại Giao, Đại Cán đã làm công việc BTV ở Ban thể thao Đài THVN và đến giờ, đó đã là nghề nghiệp ổn định của anh.

Ở trường HV Ngoại Giao của mình, Đại Cán là ngôi sao sáng nhất và những pha đi bóng tốc độ, đẹp mê mẩn của anh đã truyền cảm hứng lớn cho bạn học. Có những trận chơi trên sân bê tông với đám bạn sinh viên trong trường, Cán đá nhiệt đến nỗi trượt ngã tướt hết cả một vùng da từ bắp chân lên đến hông và hậu quả là những cơn sốt cao. Ngọn lửa đam mê của Cán “Cris” đã khiến phong trào bóng đá của HV Ngoại Giao đi lên trông thấy trong những năm mà anh còn theo học.

Suýt thành Tú “ngựa” phiên bản 2

 

Đại Cán tham dự giải PTV Cup 2013

 

Thời còn sinh viên, cứ có “show” nào anh em, bạn bè nhờ là Cán gật đầu hết. Có những thời điểm, Cán đá 4 trận/ngày, 10 trận/tuần, các sân Long Biên, Bách Khoa, ĐH Y, Thủy Lợi…đều nhẵn mặt anh. Vừa nổi bật trong màu áo Trà Dilmah, lại đi “cứu tàu” nhiều, giới phủi biết đến Cán cũng nhiều. Hầu hết ai gặp Cán cũng thừa nhận: “gã này đủ trình độ đá chuyên nghiệp nếu có cơ hội”. Và cơ hội đến với Đại Cán thật. Ở PTV Cup 2014 – giải đấu thường niên của những người làm báo thể thao 3 miền tổ chức mỗi năm 1 lần vào dịp kỉ niệm ngày “giỗ Tổ nghề” 21/6, Đại Cán đã nhận được một lời mời nghiêm túc. Số là chủ tịch Nguyễn Giang Đông của CLB Hà Nội thời điểm đó (nay là CLB Sài Gòn) cũng xỏ giày vào sân thi đấu giải PTV Cup 2014, đã bị ấn tượng trước khả năng của Cán “Cris”.

Trên bàn nhậu sau lễ bế mạc, ông Giang Đông đã nói với BTV Quốc Khánh và Đại Cán về một lời đề nghị để chàng trai gốc Nam Định này đến thử việc tại CLB của ông. Dù rất thích và hào hứng nhưng Đại Cán đã từ chối để tiếp tục theo nghiệp báo chí. Biết đâu đấy, nếu ngày ấy Cán nhận lời, hôm nay anh đã khoác áo CLB Sài Gòn chơi ở V.League. Và bóng đá nước nhà lại có thêm một trường hợp khác, giống như tiền đạo Nghiêm Xuân Tú (T.Quảng Ninh) đi lên chuyên nghiệp từ phủi.

Lần đầu được hít thở không khí ở xứ sở sương mù, được thăm quan phòng truyền thống của Man United, gặp huyền thoại Denis Irwin rồi sải bước chạy trên thảm cỏ Nhà hát của những giấc mơ, Đại Cán vẫn không khỏi bồi hồi khi nhớ lại: “Cảm giác sung sướng lắm, mọi thứ như một giấc mơ”. Không sung sướng sao được bởi như nhiều người vẫn nói vui thì đến những cầu thủ chuyên nghiệp hàng đầu của Việt Nam như Công Vinh, Quế Ngọc Hải… cũng chưa có dịp chạy trên thảm cỏ Old Trafford. Trong chuyến đi đó, Đại Cán cũng không quên ghé thăm sân Etihad để mua tặng người đồng nghiệp (fan Man City) đã giúp anh có cơ hội thực hiện giấc mơ một món quà lưu niệm.

 

Man United luôn trong trái tim Cán 

Đôi chân đất chạy trên các sân phủi ngày nào giờ đã được sải bước trên thảm cỏ Old Trafford 

Đến giờ này, Đại Cán vẫn luôn tự nhủ anh là người may mắn khi nhờ đam mê bóng đá, anh được chơi ở Trà Dilmah – một đội bóng phủi hàng đầu Việt Nam, được làm việc ở VTV, được chơi bóng trên sân Old Trafford. Không theo nghiệp cầu thủ chuyên nghiệp nhưng Đại Cán vẫn vui vì hàng ngày, anh được làm việc liên quan đến bóng đá và được chơi bóng. Những may mắn và niềm hạnh phúc này, có được đều nhờ trái bóng, đó là câu chuyện của bóng đá. 

Rate this post