Cải Lương Việt Nam – Bản Sắc Dân Tộc – cailuongvietnam.com
Chiếm ngôi quán quân giải Chuông vàng vọng cổ truyền hình 2010, chàng trai quê Cờ Đỏ, Cần Thơ được nhiều người trong giới chuyên môn kỳ vọng sẽ là một trong những gương mặt sáng giá của sân khấu cải lương bởi chất giọng ngọt ngào, tryền cảm và vẻ đẹp đầy nam tính.
Sau hai lần xuất hiện ở hai vở diễn trong chương trình Ngân mãi chuông vàng là Người tình trên chiến trận (vai A Khắc Chu Sa) và Tìm lại cuộc đời (đại úy Huy Bình), Bùi Trung Đẳng đã quyết định đầu quân cho đoàn cải lương Nhân dân Kiên Giang với mong muốn được gắn bó và đi xa hơn nữa với sân khấu cải lương chuyên nghiệp.
* Quyết định đầu quân cho đoàn Cải lương Nhân Dân Kiên Giang (CLNDKG) đúng lúc đoàn chuẩn bị dựng vở diễn tham dự Liên hoan sân khấu cải lương (LHSK), phải chăng anh đang nhắm tới một chiếc huy chương khác sau giải Ba cuộc thi Bông lúa vàng2009 và Chuông vàng Vọng cổ truyền hình 2010?
Bùi Trung Đẳng: Dù sống ở thành phố nhưng tôi vẫn thường xuyên cộng tác với Đoàn CLNDKG và tham gia khá nhiều chương trình biểu diễn của đoàn. Có điều trước đây tôi chỉ mới tham gia các tiết mục ca cổ chứ chưa lần nào tham gia vở diễn dài. Có lẽ nhờ thời gian cộng tác này mà tôi được lãnh đạo đoàn tin tưởng đưa vào danh sách diễn viên được phân vai tham gia LHSK lần này. Tôi sẽ hóa thân thành Đợi, đứa con trai chỉ vì phút hiểu lầm và muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình đã vô tình xua đuổi người mẹ ruột của mình để phải đau đớn, dằn vặt trước cái chết của mẹ. Vai diễn có một cảnh diễn cuối khá hay, có cơ hội để tôi thể hiện khả năng ca diễn của mình.
Tuy vậy, tôi hiểu khả năng của mình ở đâu nên chỉ chú tâm luyện tập và xác định phải biểu diễn hết mình chứ không hề đặt bất kỳ một mục tiêu nào về huy chương, giải thưởng. Tôi mới chỉ được học ca ở thầy Linh Vương chứ chưa hề được học qua một khóa học nào về diễn xuất. Chỉ giọng ca thôi chưa đủ để trở thành một diễn viên giỏi, tôi biết mình còn phải học nhiều, cố gắng nhiều và cần có thêm thời gian để trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp thực thụ.
* Nhưng nếu chỉ một vai diễn qua một kỳ liên hoan thì e chừng …con đường đến với chuyên nghiệp vẫn còn xa tít tắp?
– Một kỳ LHSK là dịp để tôi được học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm chứ chắc chắn không thể biến tôi trở thành một diễn viên chuyên nghiệp. Xác định rõ điều đó, tôi đã xin được trở thành diễn viên của Đoàn CLNDKG. Môi trường đoàn hát sẽ cho tôi nhiều cơ hội hơn để học hỏi và làm việc một cách bài bản, chuyên nghiệp. Những chuyến đi lưu diễn, diễn phục vụ, những kỳ liên hoan, hội diễn (dù chỉ ba năm /một lần)…là dịp để những diễn viên tay ngang như tôi được rèn luyện bản lĩnh sân khấu và phát huy khả năng ca diễn.
* SK Cải lương miền Tây từ nhiều năm nay cũng rơi vào tình hình khá khó khăn, sống ở TP chạy sô mệt nghỉ, giờ bị ràng buộc vì những quy định của một đơn vị nghệ thuật, liệu anh có ngại thu nhập của mình sẽ bị giảm sút?
– Trước khi ký hợp đồng, ban lãnh đạo đã hứa sẽ tạo điều kiện cho tôi tham gia những chương trình ngoài kế hoạch của đoàn. Lịch biểu diễn của các đoàn tỉnh cũng không quá dày đến mức tôi không còn thời gian chạy sô. Hơn nữa nếu có gác bỏ một vài sô diễn để tham gia những buổi luyện tập, biểu diễn của đoàn cũng là một cách học để có thêm kinh nghiệm để lớn lên trong nghề nghiệp. Làm nghệ sĩ không thể chỉ có chạy sô ca lẻ mà phải được diễn vở dài, phải có một nơi để gắn bó.
Một khi đã quyết định sẽ gắn bó với cải lương lâu dài tôi nghĩ mình cần phải “dũng cảm” và tỉnh táo để chọn lựa giữa cái lợi trước mắt và con đường đi cho tương lai. Có bỏ bớt vài sô diễn cho sự gắn bó đó cũng là điều nên làm bởi có những kinh nghiệm làm nghề tôi không thể mua được bằng tiền. Một giọng ca hay, một làn hơi đẹp có thể khiến khán giả yêu thích nhưng dễ mờ với thời gian. Trái lại một vai diễn hay, ấn tượng có thể làm khán giả nhớ hoài.
* Nhưng có một thực tế đang khiến nhiều người lo ngại là những gương mặt đoạt giải của các cuộc thi đang quá bận rộn với lịch chạy sô nên không còn thời gian luyện tập. E chừng những tài năng vừa phát hiện sẽ bị mai một hoặc gây nhàm chán vì thiếu sáng tạo mới?
– Tôi luôn lo lắng điều đó sẽ xảy ra với chính mình nên không bao giờ buông lơi việc tập luyện. Với một diễn viên không được đào tạo bài bản như tôi thì sự phấn đấu càng phải gấp đôi, gấp ba những bạn khác. Suốt một thời gian dài không có cơ hội diễn nguyên tuồng mà chủ yếu chỉ chạy sô ca lẻ tôi nên càng phải tự “làm mới” mình bằng cách tập bài ca mới liên tục. Tôi sợ nhất là gây sự nhàm chán cho khá giả vì sự cũ kỹ của mình.
* Nghe anh nói chuyện về nghề nghiệp, về sự phấn đấu của người nghệ sĩ… người đối diện có cảm giác như anh không phải là người tay ngang đến với cải lương?
– Gia đình tôi ở quê làm nghề mộc, họ hàng cũng không ai theo nghề hát. Tôi đến với cải lương chỉ bằng tình yêu khó diễn tả bằng lời. Mê hát, có lúc tôi cũng mơ mình được làm nghệ sĩ. Nhưng giấc mơ chỉ thoáng qua vì nhà tôi nghèo lắm, tôi nghĩ chẳng bao giờ ước mơ nghệ sĩ có thể trở thành sự thật. Nhưng không hiểu sao những lúc làm mộc với gia đình trong lòng tôi lại không thôi khát khao được đi tìm thầy học ca. Năm 2006, tôi quyết định lên TP “đem theo” niềm hy vọng vừa đi làm, vừa đi học ca.
Lận đận ở TP vì không tìm được việc, tôi về Bình Dương hết làm công nhân xưởng gỗ đến công nhân may. Một tháng tăng ca cũng chỉ kiếm được chừng 1,1 triệu đến 1,2 triệu khiến tôi cảm thấy tương lai mờ mịt, ước mơ được ca hát càng trở nên xa vời. Hai tháng ngắn ngủi học ca ở nhà thầy Linh Vương (Lái Thiêu), thầy chuyển nhà làm tôi càng hụt hẫng… Nhưng cuối cùng thì tôi cũng đã đến được ngày hôm nay.
* Con đường nào dẫn anh đến với Bông lúa vàng 2009 để rồi đoạt giải Ba?
– Nghe ké radio của bạn, tôi mới biết ở TP.HCM có một cuộc thi tuyển lựa giọng ca cải lương. Tôi “gà mờ” đến mức cũng chẳng biết đăng ký cách nào nên phải cầu cứu bạn bè. Giải ba ở cuộc thi đó đã mở ra cho tôi một con đường đi mới. Tôi nghỉ làm công nhân, về Bình Chánh (TP.HCM) tham gia CLB đờn ca tài tử, đi hát đám tiệc kiếm tiền.
* Cuộc sống của anh có lẽ khác nhiều lắm sau giải quán quân cuộc thi CVVC 2010?
– Như một giấc mơ mà tôi chưa bao giờ mơ thấy trước đó. Tôi được nhiều người biết hơn, có nhiều cơ hội để đến gần hơn với niềm đam mê của mình. Có thu nhập, tôi đã giúp được ba mẹ sửa lại căn nhà ở quê. Nhưng trên tất cả những điều đó còn là hạnh phúc vì tôi đã chạm được một tay đến cánh cửa cải lương chuyên nghiệp và trở thành một nghệ sĩ thực thụ.
* Cám ơn anh, chúc anh sẽ thành công hơn nữa và sớm có những vai diễn hay, để lại cho khán giả nhiều ấn tượng đẹp.
THẢO VÂN (thực hiện)