Cải Lương Việt Nam – Bản Sắc Dân Tộc – cailuongvietnam.com

Nguyễn Văn Thu lớn lên trong một gia đình ngư phủ, đi biển đánh cá từ năm 11 tuổi đến năm 17 tuổi. Do gia đình sống gần rạp cải lương Hải Lạc, ông bị cuốn hút theo nghề hát xướng. Ban đầu, ông thường nhại lại các giọng của Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn rất giống, được bà con tán tưởng.

 

Thanh Sang tên thật là Nguyễn Văn Thu, sanh năm 1943 tại xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu. Cha mẹ của Thu là người quê ở Bình Định, làm nghề ngư phủ. Hai ông bà đã đi đánh cá khắp các vùng biển từ Quy Nhơn đến Cà Mau, Phú Quốc. Hai ông bà chọn xã Phước Hải để định cư . Vì vậy bốn chị em của Thu đều sanh ra tại xã Phước Hải. Cha của Thu mất năm 1949. khi Thu được 7 tuổi. Người chị thứ hai, 10 tuổi đã phải đi bán khoai lang, chuối nấu để kiếm tiền phụ giúp mẹ nuôi em. Thu tuy mới 7 tuổi, cũng phải đi làm mướn cho chủ ghe cá, phụ việc khoanh chạc, tát nước, gở cá khi ghe đi biển đánh cá về.

Thu theo ghe đi biển, tập chèo sĩ, tát nước ghe, gở cá khi lưới kéo lên và nấu cơm, lo nước uống cho các ngư phủ khác.

Năm 14 tuổi, theo ghe ra biển, bị một trận bảo dử dội, nhiều ghe trong đoàn đánh cá bị chìm, ghe của Thu thoát nạn, khi em vô đến bải, chạy về nhà thì thấy mẹ và các chị em đang quỳ trên bải biển, cầu trời khẩn phật mong cho Thu tai qua nạn khỏi. Mẹ của Thu thấy con trở về bình yên, hai mẹ con ôm nhau mà khóc, cả xóm đều cảm động. Bà nhứt quyết không cho Thu theo ghe cá đi biển nữa, nhưng nghèo quá, đành phú cho số trời, Thu lại theo ghe cá đi biển. Thu có sức khỏe nên chuyên chèo sĩ và đánh lưới rùng.

Hơn năm mươi năm trước ghe đi biển chưa có máy nổ, người ta phải chèo hoặc dong buồm. Chèo lái dành cho người có kinh nghiệm và chèo mủi dành cho trai tráng có sức khỏe vì sóng gió đập mạnh vô người chèo sĩ, tức là chèo mủi, người ta thường nói là đứng mủi chịu sào, phải có sức khỏe mới chống cự được với gió to sóng lớn.

Ở Phước Hải có câu hát :

“ Gỏi nào ngon bằng gỏi cá Mai”

“Trai nào giỏi bằng trai lưới Rùng”

Cái lưới rùng là do dân Phước Hải đặt tên cho, trai làng biển phải “Rùng Mình” kéo lưới cá rất nặng, rồi khiên “Con Bò Lưới” nặng trên 100 kílô, ngày nào cũng gánh cá đi cả chục cây số, từ bải biển đến nhà chủ ghe hay ra chợ cá Phước Hải.

Cơ duyên đặc biệt

Thu sanh ra và lớn lên trong một gia đình ngư phủ, theo nghề đi biển đánh cá từ năm 11 tuổi cho đến năm 17 tuổi, nhờ cơ duyên đặc biệt, số phận của Thu thay đổi.

Cơ duyên đó là : gia đình của Thu mướn một căn nhà nhỏ ở sau rạp hát Hải Lạc, xã Phước Hải, vì vậy nếu có đoàn hát nào về hát ở rạp Hải Lạc thì Thu ngồi trong nhà cũng nghe được tiếng đờn câu ca. Nghe hát cải lương riết rồi đâm ra ghiền, mê vọng cổ, Thu theo các bạn học ca cổ nhạc để ca hát nghêu ngao những khi ngồi vá lưới hay đụng trận nhậu, ca chơi trợ hứng cho cuộc nhậu thêm vui…

Cô Kim Nên là thân mẩu của nghệ sĩ tân nhạc Thái Châu. Cô Kim Nên lúc đó là đào chánh, cô xin ông bầu Hoàng Kinh cho Thu theo gánh hát học hát. Thu được nhận cho đóng vai quân sĩ. Bản tánh của Thu cần cù, chịu học hỏi nên đêm đêm Thu ngồi bên cánh gà coi hát và học thầm theo tuồng hát. Đoàn đang hát vở “ Chiều Đông Gió Lạnh Về ”. Thu học thuộc được nhiều vai trong tuồng nầy Khi các vai quân báo hay kép cạnh đau yếu không hát được thì Thu thế vai đó được tròn vẹn, ông bầu Hoàng Kinh mới đặt nghệ danh cho Thu.

Thu nhận tên mới Thanh Sang và dẹp cái tên Thu vào trong quên lảng. Trong các thập niên 70, 80, người làng Phước Hải quên mất tên Thu mà chỉ nhớ và hảnh diện với tên Thanh Sang của anh dân chài làng biển trở thành ngôi sao sân khấu.

Thanh Sang có một dịp may bằng vàng: năm 1962, kép chánh Hùng Cường đánh anh hề Nguyễn Mỹ (con của danh hề Sáu Dình và nữ nghệ sĩ Năm Đặng) Hùng Cường đá Nguyễn Mỹ té xuống phòng khán giả. Hồi đó, Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu, Hội Công Nhân sân khấu, Chi hội Soạn giả, Hội ký giả kịch trường, Hội nào cũng bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ nên bảo trợ cho Nguyễn Mỹ kiện Hùng Cường ra Tòa, làm rùm beng lên để cho Hùng Cường bớt tánh hung hăng.

(Trước đó khi Hùng Cường ca rớt, anh thoi danh cầm mùVăn Vĩ và đá bể thùng âm phi của Văn Vĩ khiến cho danh cầm nầy thề là sẽ không bao giờ đờn cho gánh hát nữa. Văn Vĩ đã giử lời thề nầy cho tới khi anh chết).

Hùng Cường phải đi hầu Tòa nhiều lần, không thể theo gánh hát đi lưu diễn nên ông bầu Hoàng Kinh tập cho Thanh Sang thế vai của Hùng Cường. Đó là vai Đông Nhật trong tuồng Tuyết Phủ Chiều Đông, Thanh Sang trở thành kép chánh đoàn Ngọc Kiều. Các vai hát của Hùng Cường ở đoàn Ngọc Kiều đều được Thanh Sang thay thế.

Chất giọng trầm buồn

Thanh Sang có giọng ca trầm buồn, hơi khỏe khoắn, ngân vang lồng lộng, phong cách diễn xuất chững chạc, gặt hái được nhiều thành công nhưng phần số của Thanh Sang còn nhiều lận đận, Đoàn Ngọc Kiều về Sàigòn, đến trạm Bà Quẹo là rã gánh. Thanh Sang qua hát cho đoàn Ngọc Kiều Mới, nhưng ba tháng sau, Ngọc Kiều mới cũng rã gánh. Thanh Sang lại được mời về làm kép chánh cho đoàn Song Kiều, nhưng Song Kiều chỉ hát được một năm rồi rã gánh.

Thanh Sang nhận được Huy Chương Vàng giải Thanh Tâm năm 1964. Năm đó, đoàn cải lương Dạ Lý Hương hát vở Cô Gái Đồ Long, Tấn Tài thủ vai Trương Vô Kỵ, Bạch Tuyết vai Triệu Minh quận chúa, Út Hiền vai Trương Thúy Sơn, Ngọc Giàu vai Hân Tố Tố, Thanh Sang vai Kim Mao Sư Vương Tạ Tốn.

Thanh Sang mới 20 tuổi mà phải thủ diễn một nhân vật lão mù, trên năm mươi tuổi, lại đang trong tâm trạng nữa tỉnh nữa điên. Diễn viên rất sợ phải thủ diễn một nhân vật mù. Đôi mắt của diễn viên là một lợi khí sắc bén giúp cho diễn viên chinh phục khán giả trên sân khấu, cái liếc mắt tống tình, liếc mắt căm hờn, liếc mắt nghi ngờ, đôi mắt ngạc nhiên, đôi mắt bối rối… đôi mắt diễn đạt nhanh hơn và hiệu quả hơn lời nói, lời ca.

Diễn một nhân vật mù thì đã mất hết cái lợi thế của đôi mắt nên rất khó diễn. Nhưng Thanh Sang lại diễn nhân vật Tạ Tốn mù rất hay, anh được thưởng huy chương vàng giải Thanh Tâm nhờ vai tuồng nầy.Chỉ sau bốn năm theo nghề hát, Thanh Sang, một chàng trai chài lưới, chưa qua trường lớp nào của sân khấu đã trở thành một ngôi sao cải lương với cái huy chương vàng giải Thanh Tâm.

Thanh Sang thành công trong rất nhiều vai tuồng trước năm 75. Thanh Sang có chất giọng trầm, buồn, những vai nào cần diễn xuất nội tâm nhiều thì Thanh Sang thành công dể dàng như trong tuồng Kiều Phong – A Tỷ, Bạch Tuyết trong vai A Tỷ, Du Thản Chi – Thanh Sang, đầu bịt mặt sắt, lại cỏng A Tỷ trên lưng nhưng Thanh Sang đã dùng diễn xuất tỏ thái độ yêu đương mù quáng, ngu khờ, lúc nào cũng tuân theo mệnh lệnh của trái tim, nên làm cho khán giả thích thú và yêu mến chàng Du Thản Chi si tình.

Thanh Sang có nhiều vai tuồng “ Để Đời” như vai Trần Minh trong vở Bên Cầu Dệt Lụa, vai Thi Sách trong vở Tiếng Trống Mê Linh, vai Lê Hoàn trong vở Thái Hậu Dương Vân Nga, vai Thế Tử Ngũ Châu trong vở Đường Gươm Nguyên Bá.

Về nghệ thuật, Thanh Sang biết kếp hợp nhuần nhuyển giữa ca và diễn, biết khai thác ưu thế diễn xuất của mình để giọng ca trầm thêm tác dụng trong các vai lão. Thanh Sang tha thiết với sân khấu, sẳn sàng giúp bạn diễn và là người có kỹ luật, không bao giờ trể giờ tập tuồng, không trể giờ hát, nổi tiếng là một nghệ sĩ biết giữ chữ tín trong giới sân khấu.

SG Nguyễn Phương
 

NS THANH SANG

MỘT ĐỜI VỚI CẢI LƯƠNG

Thanh Sang tên thật Nguyễn Văn Thu, sinh năm 1943 tại xã Phước Hải, tỉnh Bà Rịa, là một nghệ sĩ của bộ môn cải lương ở miền Nam VN trong suốt những thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ 20. Ông cùng với nữ diễn viên cải lươngThanh Nga một thời được đánh giá là đôi uyên ương lý tưởng trên sân khấu.

Nguyễn Văn Thu lớn lên trong một gia đình ngư phủ, đi biển đánh cá từ năm 11 tuổi đến năm 17 tuổi. Do gia đình sống gần rạp cải lương Hải Lạc, ông bị cuốn hút theo nghề hát xướng. Ban đầu, ông thường nhại lại các giọng của Thành Công, Chín Sớm, Út Trà Ôn rất giống, được bà con tán tưởng.

Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Hoàng Kinh, Ngọc Đán đến Hải Lạc biểu diễn. Khi diễn vở “Chiều đông gió lạnh về”, ông Thu thường được đưa vào thay thế khi các kép bị ốm. Bầu Hoàng Kinh thấy vậy mới đặt cho nghệ danh là Thanh Sang.

Năm 1962, Thanh Sang được bầu Hoàng Kinh cho thế Hùng Cường, vai Đông Nhật trong vở “Tuyết phủ chiều đông”. Ông diễn thành công và từ đó thành một kép chánh trong đoàn Cải lương Ngọc Kiều.

Năm 1964 , ông chuyển về hát cho đoàn “Hoa mùa xuân”, sau đổi thành “Dạ lý hương”. Cũng trong năm này ông nhận huy chương vàng giải cải lương Thanh Tâm với vai Tạ Tốn  trong vở “Cô gái Đồ Long”. Vai diễn Tạ Tốn trong vở này bị mù, rất khó diễn song ông lại diễn rất hay, đến mức nhiều người nhắc đến ông bằng bốn chữ Kim Mao Sư Vương – danh hiệu của Tạ Tốn. Vai diễn đã đưa ông từ một anh chàng chài lưới, chưa qua trường lớp, trở thành một ngôi sao trong làng sân khấu.

Từ đó đến năm 1975, Thanh Sang còn thành công với nhiều vai khác như vai Trần Minh trong vở “Bên cầu dệt lụa”, vai Thi Sách trong vở “Tiếng trống Mê Linh”, vai Lê Hoàn trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga”…

Năm 1985, ông thôi hát ở các đoàn văn nghệ, chỉ thu băng đĩa và hát phục vụ khi có yêu cầu. Ba năm sau ông mới cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Paris biểu diễn.

Năm 2001, ông bị bệnh nặng, phải rời xa sân khấu một thời gian dài.

Các vai diễn nổi danh

Tạ Tốn trong vở  “Cô gái Đồ Long” – Trần Minh trong vở “Bên cầu dệt lụa” – Thi Sách trong vở “Tiếng trống Mê Linh” – Lê Hoàn trong vở “Thái hậu Dương Vân Nga” – Thế tử Ngũ Châu trong vở “Đường gươm Nguyên Bá” – Lục Vân Tiên trong vở “Lục Vân Tiên”  – Danh trong vở “Tần Nương Thất” – Đường Minh Hoàng trong vở “Dương Quý Phi”…

Tâm sự :

Nhìn về quãng đời nhiều năm gắn bó với nghệ thuật sân khấu của mình, Thanh Sang tâm sự :

“Đa số các vai thành công của tôi lại không phải là vai chọn cho tôi đóng. Lúc trẻ tôi được tin cẩn giao vai già, khi lớn tuổi thì lại được đóng vai trẻ, bên cạnh nhiều cô đào trẻ…”

Mục “bàn tròn nghệ sĩ” có đăng những ý kiến của ông về việc duy trì, phát triển nghệ thuật Cải lương hiện nay : “Nghệ sĩ ngày nay danh nổi trước tài, không chịu rèn luyện trao dồi. Chính nghệ sĩ cũng đang giết cải Lương với nhiều vấn đề như hát nhép, đòi cátxê cao, không thuộc tuồng, diễn hời hợt… Nghệ sĩ phải biết yêu cải Lương, thương cải Lương, trân trọng cải Lương để làm nghề tử tế, quên mình một chút vì cái chung cải Lương mới sống nổi, dù cải Lương sẽ không bao giờ chết.”

Nhận xét về Thanh Sang. Nữ nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết nói : – “Với Thanh Sang, gần như vai diễn nào, anh cũng đặt hết niềm đam mê vào đó và anh biết nắm bắt nhân vật để dẫn dắt bạn diễn đi cùng anh trên sân khấu”.

THANH SANG KHÔNG BAO GIỜ NÓI “GIẢI NGHỆ”

Trong một bài báo, ký giả Hoàng Kim viết :

Nghệ sĩ Thanh Sang năm nay 69 tuổi, có một căn nhà lớn ở khu Văn Thánh, chưa kể mấy căn nhà và đất khác chưa bán được. Vợ con đề huề, làm ăn khấm khá. Tuổi già của ông dường như chẳng có gì để than phiền.

Thật sự tính tình Thanh Sang không cởi mở ngay từ đầu. Mặt ông trông khó đăm đăm và lành lạnh, chẳng nhìn người đối diện. Ai mới làm quen sẽ ngạc nhiên và dễ bật ra. Nhưng khi đã quen rồi mới thấy ông nói nhiều, nói thẳng và chân tình. Ông nổi tiếng trong làng cải lương vì khí chất cứng rắn, bướng bỉnh, không sợ mích lòng. Vì vậy, ông buông một câu: “Tôi không có bạn thân. Mấy chục năm đi hát, người tôi gần gũi nhất chỉ có anh Nam Hùng”.

Cho nên, khi ông nghỉ hát, hầu như chẳng có ai tới lui ngoài mấy ông bạn nhậu ngoài nghề. Thanh Sang cũng chẳng buồn, ông còn cười tỉnh bơ : “Tôi xấu lắm, không ai chơi được đâu!”. Nói vậy mà miệng lại hỏi thăm sức khỏe người này, người kia. Hỏi Thanh Tú ra sao rồi, sau tai biến não đã đi đứng được chưa. Hỏi Diệu Hiền bị gai cột sống thì qua ông chỉ cho cách tập luyện theo Thiếu Lâm tự, vài tuần là hết đau. Bên trong con người ông dường như vẫn có một Trần Minh nồng nàn tình cảm nhưng không thích biểu lộ mà thôi.

Ông không biểu lộ cả những cơn đau. Ông nói về bệnh tật của mình nhẹ như… khoe : “Tôi có tới 7 bệnh à nghen. Tim, thận, gan, tiểu đường, gai cột sống, tuyến tiền liệt, cao huyết áp. Tôi không hiểu sao nhiều nghệ sĩ cứ giấu bệnh. Già thì phải bệnh, có gì xấu hổ mà giấu. Đời người ai hổng vậy!”.

Ông nói xong đứng dậy chỉ dẫn ngay 6 động tác đã giúp ông thu nhỏ 4 cái gai trong cột sống và không còn cảm giác đau đớn gì nữa. Rất đơn giản, dễ làm. Ông sống chung với bệnh như sống chung với lũ, mổ tim xong thì đi hát, tiểu đường thì kiêng ăn, rồi tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Cứ thế mà trôi qua thời gian. Nhưng ông cười hà hà : “Tôi kiêng vậy chứ tới chừng thèm là quất một trận. Bữa đi đám giỗ tại nhà thằng bạn, thấy nồi thịt kho nước dừa và tô dưa giá quá trời ngon, tôi “xử” luôn một hơi. Lâu lâu mình “phá giới” cũng chẳng sao !”.

Ông kể luôn chuyện nghệ sĩ Minh Phụng thèm ăn bánh kem, đã lén vợ ăn hết đĩa, rồi đặt miếng khác vào y như… chưa ăn. Ông chép miệng thương Minh Phụng chết sớm. Ông lại bình thản kể mình đã mua hai ngôi mộ dành sẵn cho hai vợ chồng ở Bình Dương, chẳng có gì phải sợ. Hỏi ông sao không vô nghĩa trang nghệ sĩ, ông lắc đầu : “Hồi sống đã không chơi thân với nhau, chết rồi ở chung sao được”.

Yếu không mang nổi giày vẫn diễn

Tối 17/92010, khá đông khán giả đã đến cổ vũ chuyên đề sân khấu kỷ niệm 40 năm đi hát của nghệ sĩ Kiều Phượng Loan. Có lẽ tiết mục làm mọi người hài lòng và cảm động nhất chính là Tiếng trống Mê Linh có sự tham gia của Thanh Sang. Sau một thời gian xa sân khấu vì lý do sức khỏe, anh đã trở lại với vai diễn để đời : tướng quân Thi Sách.

Mọi người không khỏi xúc động khi biết “chỉ 2 năm nữa là Thi Sách bước vào tuổi thất thập cổ lai hy” và chỉ vài ngày trước huyết áp anh lên rất cao tưởng phải nằm liệt giường. Rất may anh đã hồi phục kịp thời để góp mặt trong đêm diễn. Do vẫn còn yếu nên Thanh Sang đành phải mang… giày Tây thay vì vận đôi hài võ tướng vừa cao vừa rất khó đi. Khán giả cũng rất thông cảm với sơ suất bất khả kháng này và mỗi lần “Thi tướng quân” xuống vọng cổ (tất nhiên không còn sang sảng như thuở nào) đều nhận được những tràng pháo tay tưởng thưởng nồng nhiệt khắp khán phòng. (Ngọc Tuyết)

50 năm một tình yêu nghệ thuật

Một phóng viên phỏng vấn Thanh Sang trước một buổi diễn :

– Xa sân khấu đã hơn 6 năm, lần này anh trở lại sàn diễn với một live show có phải để giã từ sân khấu ?

– Không phải, tôi vẫn còn mang nợ với nghiệp tổ. Thực ra lâu nay tôi vắng mặt là vì bệnh nặng. Sức khỏe không cho phép mình lên sân khấu ca diễn. Nhưng sau chuyến sang Mỹ du lịch, được bà con kiều bào đề nghị ca vọng cổ, trước tình cảm đó tôi không đành từ chối. Không ngờ tổ nghiệp cho tôi có được cơ hội trở lại với sàn diễn và sau đêm của NS Lệ Thủy, tôi quyết định thực hiện chương trình này tại Nhà hát ở Sài Gòn, với thương hiệu Làn điệu phương Nam.

– Trong đêm diễn, anh sẽ tái ngộ với khán giả những vai diễn nào ?

– Hầu hết các vai tôi đóng đều để lại nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi được cái nhớ rất lâu, nên vai nào diễn qua tôi cũng thuộc tuồng. Trong đêm diễn này tôi sẽ đáp tạ tấm lòng yêu mến của khán giả qua các vai: Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), An Lộc Sơn (Dương Quí Phi), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Đảnh (Tần Nương Thất), Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga) cùng với các nghệ sĩ : Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Minh Vương, Hồng Nga, Ánh Hoa, Cẩm Tiên, Lệ Thu, Vũ Luân, Tú Sương, Cao Thúy Vy, Thạch Tiên, Bảo Quốc, Thanh Phú… và các nghệ sĩ hài: Thanh Thủy, Anh Vũ, Minh Béo.

– Được biết, hãng phim Trẻ sẽ thực hiện bộ phim về anh cũng trong dịp này ?

– Hãng phim Trẻ thực hiện các video clip để phát trong chương trình và làm một phóng sự ngắn về cuộc đời nghệ thuật của tôi, sau 50 năm đi hát. Bộ DVD này sẽ cùng phát hành chung với DVD. Tôi rất vui vì mình có được một cơ hội để gặp gỡ khán giả và bạn bè đồng nghiệp. Nhiều người đề nghị tôi diễn hai suất nhưng vì tập hợp nghệ sĩ trong mùa Tết rất khó, nên chỉ diễn một suất thôi. Sau này nếu có sức khỏe tôi sẽ hợp tác với chương trình Làn điệu phương Nam để ca diễn những bài vọng cổ của Hà Triều, Hoa Phượng, hai soạn giả mà tôi tâm đắc với nhiều tác phẩm được khán giả yêu thích.

Ông vẫn quan tâm tới cải lương vì vẫn còn sô hát thường xuyên. Trước tết, ông vừa hát với Kiều Phượng Loan trong trích đoạn Tiếng trống Mê Linh, vẫn vai Thi Sách để đời. Ông nói nghệ sĩ đừng bao giờ phát biểu câu “tôi giải nghệ”, nguy hiểm lắm. Vì tổ nghiệp sẽ khiến họ giải nghệ không được nhưng lại lên sân khấu trở thành trò cười cho khán giả. Cái nghề đã nuôi mình và gia đình mấy chục năm, tại sao phải giải ? Chỉ nên nói : “Tôi tạm nghỉ ngơi, chừng nào hát được thì hát”.

Vì vậy, dù sức khỏe kém khiến ông không muốn đeo đẳng sân khấu nữa, nhưng nếu chương trình nào cần ông hỗ trợ để bán vé khá hơn thì ông sẵn sàng giúp. Bà bầu Linh Huyền đang mời ông vào vai Trần Minh để dựng lại Bên cầu dệt lụa tại rạp Kim Châu, ông rất vui vẻ, nhưng phân vân vì không biết ai sẽ đóng Quỳnh Nga cho phù hợp. Ông lo lắng cho cải lương chứ không thản nhiên như vẻ ngoài của ông.

Nhưng ngày đi hát không bao nhiêu, ngày ở nhà mới dài đằng đẵng. Hỏi ông làm gì cho hết khoảng trống, ông chỉ tay vào căn phòng đóng cửa kín mít : “Nhà tù của tôi đó. Sáng đi tập thể dục xong là tôi chui vào, xem phim, xem cải lương, đọc sách, đọc kinh Phật. Tối trước khi đi ngủ cũng đọc vài bài chú Mật Tông”. Nói xong ông đọc một hơi khiến tôi ngạc nhiên. Chú Mật Tông khó đọc, khó thuộc, là thử thách của những phật tử.

Ông còn tỏ mắt để đọc sách như ngày xưa, cũng thật đáng nể. Văn học phương Đông, phương Tây gì ông cũng “ngốn” hết. Thói quen đọc sách hình như khiến ông “khác biệt” với giới đào kép cải lương hồi ấy. Ông cười: “Sách là bạn tốt nhất của tôi, nhờ vậy hết ngày hết tháng hồi nào không hay! Còn bạn nhậu ấy hả? Né hết rồi. Tôi là dân biển mà, nhậu không có đối thủ. Bây giờ đối thủ chính là mấy ông… bác sĩ. Thôi, nghe lời bác sĩ để yên than !”.

Quế phượng (tổng hợp)

 

Rate this post