Các nguyên lý trong trang trí hình vuông
Các nguyên lý trong trang trí hình vuông
Các nguyên lý trong trang trí hình vuông
Trang trí là nghệ thuật thị giác, do đó nó cũng sử dụng những phần lý thuyết cơ bản của nguyên lý thị giác. Trang trí hình vuông cũng gặp những tình huống tương tự. Nghĩa là chúng ta phải tuân theo một số nguyên lý thị giác cơ bản.
Sau đây là một số nguyên lý thị giác mà chúng ta sẽ quan tâm đến trong suốt quá trình trang trí hình vuông:
* Nguyên lý đăng đối, thăng bằng có trục, thăng bằng tĩnh:
Tất cả các họa tiết phải bố trí trên hệ thống các trục đăng đối thẳng đứng và nằm ngang. Điểm nhấn ngay trung tâm hình vuông.
Đăng đối
Thăng bằng tĩnh
* Nguyên lý bất đăng đối, thăng bằng động:
Tất cả các họa tiết phải bố trí theo dạng các cụm chính, phụ (1 nhóm chính và 2 hay 3 nhóm phụ). Điểm nhấn phải luôn luôn nằm trong nhóm chính. Không dựa vào hệ thống các trục đăng đối và cấu trúc hình vuông. Nó được coi như là trang trí hay vẽ tranh trên nền có dạng hình vuông.
Bất đăng đối
Thăng bằng động
* Nguyên lý ly tâm:
Nguyên lý này dành cho cách bố cục theo dạng đăng đối có trục và phải gây cảm giác về sự chuyển động hướng tâm (Centrifugale). Qua phối trí các họa tiết, hình nét, màu mảng, sắc đậm nhạt, làm thế nào tạo cho người xem cảm giác từ trung tâm bung tỏa ra bốn hướng của hình vuông. Điều cơ bản là sự chuyển động ấy đi từ trọng tâm ra ngoài một cách tế nhị, mạch lạc có nhịp điệu ảo giác lên xuống do màu nóng lạnh, đậm nhạt, tươi tái tạo ra giống như hiện tượng các vòng vuông gợn sóng từ tâm lan ra khi một viên sỏi rơi xuống mặt nước.
Muốn tạo cảm giác bung tỏa ra, chúng ta có thể dựa trên hình thức phối trí các họa tiết xoay quanh trung tâm, từ trong thì nhặt (các họa tiết nhỏ), bên ngoài thì thưa dần (các họa tiết thưa, lớn dần). Nếu chúng ta muốn làm giảm bớt độ bung tỏa từ tâm ra, thì có thể dùng 4 nhóm họa tiết ở 4 góc vuông tạo cảm giác tĩnh lặng, hoặc có xu hướng chuyển động ngược chiều vào tâm.
Chính sự quy tâm của 4 họa tiết phụ làm cho sự chuyển động của hình vuông được thăng bằng, thậm chí nó sinh động và phong phú hơn. Hai cảm giác hướng tâm và ly tâm có thể cùng một lúc được thể hiện ở trong một hình vuông và nếu có thể được nó còn tạo cảm giác lên xuống, ẩn hiện, thăng trầm thật đẹp mắt.
* Nguyên lý hướng tâm:
Nguyên lý này dành cho cách bố cục theo dạng đăng đối có trục và phải gây cảm giác về sự chuyển động ly tâm (Centripetal). Cũng dựa trên các cấu trúc đã phân tích chúng ta phối trí các họa tiết, màu mảng, hình nét, độ đậm nhạt, sắc nóng lạnh làm thế nào để tạo cho người xem cảm giác từ bốn góc chạy vào trung tâm hình vuông một cách dồn dập có nhịp điệu, sinh động.
* Nguyên lý xoáy trôn ốc:
Ghi chú: Hình 1, 2, 3 là minh họa về nguyên lý này được rút ra từ thiên nhiên và hình 4, 5 là hình tượng do cách trang trí tạo ra
Giống như hai nguyên lý hướng tâm và ly tâm, nguyên lý này cũng dành cho cách bố cục theo dạng đăng đối có trục và phải gây cho được cảm giác về sự chuyển động theo kiểu xoắn ốc thật sinh động (Spiral).
Tuy nhiên, phối trí các họa tiết màu sắc, hình nét, tạo thành cảm giác xoắn ốc quả không đơn giản. Cho nên, chủ yếu là chúng ta tạo được hai cảm giác nói trên cũng là đạt yêu cầu rồi.
Nói chung phương pháp bố cục hình vuông là loại bố cục đăng đối hoàn chỉnh có trục và tâm một cách chặt chẽ.
Tóm lại, 3 cảm giác nói trên là kết quả của sự phối kết, bố trí các họa tiết theo quy luật hỗ tương chồng chất lên nhau tạo sự chuyển động dồn dập, tạo đường lượn chìm nổi một cách sinh động và đẹp mắt.
* Nguyên lý thống nhất phong cách:
Đây là nguyên lý quan trọng, nó làm cho bài học hay tác phẩm nghệ thuật sau này có được sự hoàn thiện cao. Chúng ta có thể hình dung đơn giản như sau: không thể trong một bài học mà dùng phong cách cổ điển và hiện đại trọn lẫn vào nhau một cách hỗn độn. Phải chọn dứt khoát một phong cách một là cổ điển hai là hiện đại. Giống như đang hát một bản nhạc mà lúc thì theo điệu Slow lúc thì theo Rock.
Việc trộn lẫn phong cách với nhau cần phải có sự nghiên cứu rất công phu và không đơn giản.
Dưới đây là minh họa về việc áp dụng một phong cách thống nhất cho tất cả các đồ vật, tình huống trang trí.
* Nguyên lý về hệ thống chủ đạo:
Sự rối loạn, hỗn độn trong bố cục là do chúng ta không xác định các nhóm chính phụ, trọng tâm rõ ràng. Trên thực tế nếu chúng ta cho cái nào cũng nổi bật thì sẽ không có cái nào nổi cả là tạo ra sự rối loại, vô trật tự. Bố cục tốt chính là tạo sự trật tự và sự liên kết tốt giữa nội dung và hình thức, giữa các nhóm hình thức với nhau.
Hình thức diễn tả trong hình vuông hay tranh chính là những yếu tố thị giác: hình, mảng, màu sắc, đường nét, chất liệu.
Về hệ thống chủ đạo chúng ta có:
– Màu chủ đạo (Dominant Color): Bức tranh hay bài tập có màu chung (có diện tích trội nhất trên tổng diện tích bức tranh hay bài tập) là thuộc nóng hay lạnh. Hễ màu chủ đạo là nóng thì màu nhấn phải là màu lạnh và ngược lại. Như vậy, màu chủ đạo là những loại màu (nóng hoặc lạnh) chiếm diện tích trội nhất so với tổng diện tích bức tranh.
Màu lạnh là chủ đạo
Màu nóng là chủ đạo
– Chủ sắc (Dominant tonality): Đây là khái niệm về sáng tối, đậm nhạt.
Chúng ta lấy máy ảnh chụp một số bức tranh khác nhau sau đó rửa ra ảnh đen trắng. Khi ấy có khi ta thấy có bức tranh thì màu sáng nhiều hơn màu tối cũng có bức tranh thì màu tối nhiều hơn màu sáng.
Khi nào bức tranh có màu tối nhiều hơn thì ta gọi nó là bức tranh có “Chủ sắc đậm”. Còn khi nào bức tranh có màu sáng nhiều hơn thì gọi là “Chủ sắc sáng”. Như vậy, chủ sắc là những loại màu có độ đậm hay nhạt (cho dù nó là nóng hoặc lạnh) chiếm diện tích trội nhất so với tổng diện tích bức tranh.
Thông thường bức tranh hay bài tập cho chủ sắc đậm thì màu nhấn có chủ sắc sáng thì dễ đẹp và thu hút thị giác hơn.
Chủ sắc sáng
Chủ sắc đậm
Cũng vậy, bức tranh hay bài tập có chủ sắc là tái (đậm hay xỉn) mà dùng màu nhấn là những màu có độ tươi thắm (có cường độ mạnh) thì dễ đẹp và hấp dẫn hơn.
Chú ý: Độ tươi (Brightness hay intensity) khác với độ sáng (lightness).
– Nét chủ đạo (Dominant line): Có bức tranh mà tác giả lấy các đường nét thẳng làm chủ (nhiều nhất) cũng có bức thì nét cong làm chủ (nhiều nhất). Trên thực tế đường thẳng đứng hay ngang thường gây cảm giác tĩnh lặng, còn đường xiên, gãy thì gây ảo giác về sự chuyển động cứng (mạnh hay yếu còn tùy vào trường hợp cụ thể), còn đường cong thì tạo ảo giác về sự chuyển động mềm mại.
Như vậy, sự phối hợp về ảo giác giữa tĩnh và động, mềm mại và cứng cáp cũng do đường nét góp phần tạo ra.
Tóm lại, đường nét chủ đạo là loại đường nét chiếm số lượng nhiều nhất trong tranh hay bài tập. Trong bố cục ngoài việc phải xác định màu chủ đạo, chủ sắc thì còn phải xác định loại đường nét chủ đạo.
– Chất liệu chủ đạo (Dominant material hay dominant texture):
Một cái ghế ngồi bằng gỗ có bọc da ở một vài chỗ, thì chất liệu chủ đạo của nó là gỗ (Dominant material). Một cái ghế bằng inox có bọc simili vài chỗ, thì chất liệu chủ đạo của nó là kim loại. Một căn phòng mà trang trí toàn là gỗ thì chất liệu chủ đạo là gỗ.
Một bộ y phục có khi nhà thiết kế cố ý sử dụng chất liệu gây cảm giác sần sùi là chính và nhấn bằng vài bộ phận có chất liệu mịn, mềm, bóng hay ngược lại.
Ở trường hợp các chất liệu gây cảm giác: sần thô, mịn bóng, trong đục, nặng nhẹ, mềm cứng cho dù trong thiết kế vật thể 3 chiều hay 2 chiều thì người ta gọi nó là biểu chất (texture).
Hình vuông được trang trí bằng những họa tiết, hình mảng có nét chủ đạo là đường cong
Hình vuông được trang trí bằng những họa tiết, hình mảng có nét chủ đạo là đường thẳng và gãy
Đường xiên là chủ đạo
Đường cong là chủ đạo
Như vậy, chất liệu chủ đạo là một khái niệm cần thiết trong hệ thống màu chủ đạo.
Trong phạm vi trang trí hình vuông mà tác giả là nhà điêu khắc thì cần quan tâm đến điều này. Nếu họa sĩ sáng tác tranh với nhiều chất liệu hay sử dụng cách vẽ dày mỏng cũng cần học kỹ bài học về chất liệu hay biểu chất.
Xuất phát từ vai trò, vị trí của các bộ phận quan trọng bên trong hình vuông, chúng ta cần quan tâm đến các giải pháp bố cục, sắp xếp, phối trí các họa tiết. Đặc biệt là nên tránh tình trạng sau đây: Chỉ thấy nổi bật trọng tâm, còn toàn bộ đều bị chìm; Chỉ thấy nổi bật 4 góc hoặc 4 điểm chốt trên 4 cạnh, còn toàn bộ chìm hết; Tất cả các bộ phận đều có sự nổi bật ngang nhau, làm cho người xem bị rối mắt vì không biết đâu là trọng tâm, đâu là điểm phụ thứ nhất, điểm phụ thứ hai, nghĩa là tạo nên sự rối loạn thị giác.
>>> Các nguyên lý trong trang trí hình tròn
>>> Các quy luật trong trang trí hình tròn
>>> Trang trí hình vuông