Ca sĩ Thuỳ Dung: “Các con tôi chịu chế độ giáo dục khá hà khắc của mẹ”
Đã khá lâu rồi mới lại thấy ca sĩ Thùy Dung xuất hiện trên truyền hình, trong chương trình Quán thanh xuân của VTV3. Bất ngờ không chỉ sự trở lại mà còn bởi người nghệ sĩ ấy vẫn giữ được hình ảnh thân quen, từ mái tóc cho đến phong cách biểu diễn điệu đà, duyên dáng và đầy cuốn hút. Thời gian đi hát của ca sĩ Thùy Dung không nhiều, cũng không có nhiều sản phẩm âm nhạc nhưng ca sĩ của “Hãy đến với em” vẫn để lại dấu ấn khó quên cho khán giả. Có lẽ vì nhạc Việt đến nay vẫn hiếm quý một hình tượng nghệ sĩ vừa đàn piano vừa hát, với một chất giọng nồng nàn, phong cách biểu diễn sang trọng, quý phái và quyến rũ.
Và để trò chuyện về quãng thời gian vắng bóng, chị đã dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn tại nhà riêng. Trong một không gian tràn ngập ánh sáng, cây xanh, không thua khách sạn là mấy, ca sĩ Thùy Dung gây ấn tượng không chỉ bằng vẻ đẹp quý phái mà còn ở sự ấm áp, lối nói chuyện duyên dáng, hóm hỉnh. Nhưng ẩn sau đó là một Thùy Dung khác, mà nói như ba chị “mới chỉ Dung chứ chưa thấy Thùy”.
“Nhanh lên rồi tập đàn đi nhé!”
Mới đây thấy chị đăng tải bức ảnh con gái lớn Hạ Phương vào ĐH một trường quốc tế mà không phải theo nghệ thuật, dù bạn ấy từng học piano 7 năm ở Học viện Âm nhạc Việt Nam. Vì sao có sự chuyển hướng này?
– Vì tôi thấy con đường nghệ thuật nó chông gai quá. Môi trường ở Học viện Âm nhạc Việt Nam là học nghề, luyện đàn rất nhiều. Ngoài năng khiếu còn cần đến sự quyết tâm rất cao, cho nên tôi lo con không đạt được đòi hỏi khắt khe của nghề.
Thực ra ngay từ ban đầu tôi đã không muốn con theo nghề của mình rồi, dù trong 3 đứa thì Hạ Phương có năng khiếu âm nhạc tốt nhất, lại có đầy đủ tố chất để trở thành nghệ sĩ. Nhưng vì bố cháu muốn và tôi tôn trọng ý kiến đó. Bạn biết đấy, con cái lúc đầu thường học theo ý muốn của bố mẹ mà.
Hạ Phương, con gái lớn của ca sĩ Thùy Dung
Dù không muốn nhưng khi đã vào rồi thì phải học theo tinh thần “thiết quân luật”. Cái nghề này không thế khó thành tài được. Ngày xưa tôi phải luyện đàn 8 tiếng một ngày, kinh khủng lắm.
Nhưng khi học cấp 3, khối lượng bài của trường chuyên ngữ nhiều quá, lại phải tuân thủ lịch tập đàn hàng ngày thì con bắt đầu đuối. Con viết cho tôi một cái thư dài, nói rằng “con sợ mỗi lần ngồi trên xe buýt từ trường chuyên ngữ về, khi mẹ hỏi mọi việc xong hết rồi thì là “nhanh lên rồi tập đàn đi nhé!”. Bài piano thì quá dài, lại khó thuộc, bài chuyên ngữ cũng nhiều. Con sợ đến mức không ngủ được, vì áp lực, vì sợ làm mẹ buồn, sợ nhiều thứ và con thấy mệt mỏi…”.
Tôi suy nghĩ và cuối cùng để con được lựa chọn. Dừng học piano trong tiếc nuối nên vào đại học rồi bạn ấy lại ấp ủ năm sau sẽ thi tiếp vào Học viện Âm nhạc Quốc gia để trở thành cô giáo như mẹ.
Xem ra chị là người khá nghiêm khắc trong việc nuôi dạy con…
Tôi chưa bao giờ buông lơi con cái cả vì tôi thuộc kiểu “hắc xì dầu”. Hắc lắm chứ không phải hắc vừa đâu. Các con của tôi ở nhà chịu một chế độ giáo dục khá là hà khắc của mẹ. Và đến cô giáo của con cũng không thể ngờ một nghệ sĩ lại quản lý con chặt chẽ như thế.
Tôi không chấp nhận kiểu con cái block bố mẹ, rồi sống một cuộc sống riêng, gạt bố mẹ ra bên ngoài vì “con lớn rồi”. Đi về đến nhà là đóng sập cửa vào rồi đến bữa ăn thò mặt xuống, ăn xong rồi lại lên phòng.
Các con vào đại học mới được dùng smartphone
Trong hành trình rèn rũa đó chắc cũng không ít lần chị và con xảy ra xung đột?
Tuổi bản lề của con gái tôi là lớp 8-9. Con không thích chụp ảnh với mẹ. Hễ mẹ chụp là lấy tay che mặt. Ôm thì vùng vằng bảo “mẹ bỏ ra, sến quá!”. Tôi cứ nói đùa bạn này là làm cho mình khóc nhiều nhất. Tính trực, cái gì không thích là mặt cứ xị ra. Mà mình có mỗi một cô con gái nên mình rất yêu. Hai cậu con trai thì rất ngoan nhưng mình nghĩ con gái cần phải được nâng niu hơn, còn con trai phải nghiêm khắc hơn con gái.
Tôi mất một năm rất buồn, cảm giác con rất là xa. Cuối cùng thì mình hiểu đó là tất yếu của tâm sinh lý tuổi mới lớn và mình cứ lặng lẽ ở bên cạnh con. Tức lắm nhưng vẫn phải bỏ qua và vẫn phải tìm cách đến gần. Qua cái tuổi đó thì mọi thứ lại bình thường.
Bạn có tin một điều là điện thoại smatphone cho đến khi thi đại học xong, Hạ Phương mới được dùng. Suốt những năm đi học, mẹ chỉ cho dùng “cục gạch” Nokia để giữ liên lạc thôi. Con trai tôi đang học lớp 11 cũng theo nếp đó. Một tuần các bạn ấy mới được dùng 1 lần. Nhưng máy tính mỗi đứa một cái để phục vụ cho việc học.
Vì chuyện này mà Hạ Phương từng viết trên Facebook: “Cần thuê người làm hỏng cái điện thoại này”, bởi vì con từng đứng trên tầng 2 ném điện thoại xuống đất, xong nhặt lên lắp vào vẫn chạy bình thường. Tôi đọc buồn cười lắm nhưng không là không. Tôi thương rất thương nhưng vi phạm thì tôi mắng vỡ nhà ra ấy.
Lý do chị không cho con dùng smartphone là vì…
Với hai con trai tôi còn nghiêm khắc hơn. Dạy tính tiết kiệm từ bé. Vì đàn ông còn gánh trọng trách lo cho gia đình, nếu ông cứ hoang phí, không biết sắp xếp cuộc sống thì người thân sẽ rất thiệt. Tôi dạy tiết kiệm từ việc đi thang máy. “Nếu không có việc gì nhiều thì không được chạy lên chạy xuống tốn tiền điện của mẹ. Phải tính vài việc cùng một lúc. Khi lên phải nhìn quanh xem có ai lên cùng mình không”. Từ cái nhỏ như vậy đấy…
Là nghệ sĩ nổi tiếng, lại là giảng viên, nói thật, chị có bị áp lực con phải giỏi không?
Có đấy. Ở trung tâm của tôi có nhiều học sinh bị tự kỷ. Mình thương phụ huynh cực kỳ. Thương lắm luôn. Nuôi con như thế quá vất vả. Nhìn bố mẹ nào cũng buồn rười rượi ra. Khi tôi tiếp xúc với những phụ huynh như thế thì quan niệm nuôi dạy con của tôi bị thay đổi. Trước lúc nào cũng mong các con mình, học sinh của mình học giỏi vào, thành đạt vào, phấn đấu học trường top nọ top kia. Giờ thì chả còn top nào nữa.
Thế giới quan của tôi tự nhiên thay đổi khi mà tôi tiếp xúc nhiều với phụ huynh có con chịu số phận không may mắn như vậy. Tôi không còn đầu tư để các con phải học điên cuồng mà chỉ mong các bạn ấy khỏe, ngoan, lễ phép và có trái tim ấm áp. Cho tiền dễ lắm, cho ấm áp mới khó. Tôi hay nói với các con của tôi rằng điều đầu tiên mẹ quan tâm không phải là các con học giỏi mà là các con có ngoan không. Nếu các con hỏi mẹ mất cái gì khiến mẹ đau đớn nhất thì chính là mẹ mất đi sự ngoan ngoãn của các con. Và may mắn là đến giờ các con tôi vẫn giữ được những gì tôi mong muốn.
Con gái chị đã vào đại học, chị dạy con thế nào để chọn hạnh phúc cho mình?
Tôi luôn nhắc con đừng vội vã, đừng cuống khi bạn bè dập dìu rồi lại nhầm đấy. Cần phải có trái tim ấm áp nhưng phải có cái đầu tỉnh táo. Nếu để cảm xúc cuốn phăng đi tất cả là nguy hiểm cận kề.
“Con chỉ mới Dung thôi chứ chưa thấy Thùy”
Chị nghĩ mình là người phụ nữ truyền thống hay hiện đại?
Tôi nghĩ là mình vẫn có thể là người phụ nữ truyền thống được. Mặc dù mình rất mạnh mẽ, cá tính trong suốt thời trẻ.
Là nghệ sĩ, giảng viên piano nên ca sĩ Thùy Dung cho biết, chị nổi tiếng là nghiêm khắc
Có thời điểm chị một mình nuôi hai con thì có gặp nhiều khó khăn không?
Tôi lại không gặp vấn đề gì về chuyện nuôi con vì tôi tự chủ về kinh tế. Hai cái vai của tôi gánh vác chuyện gia đình từ năm 17-18 tuổi rồi, khi tôi bắt đầu bước chân đi biểu diễn.
Nhưng tôi kiếm tiền không phải do áp lực mà nó đến đến từ bản năng, vì tôi rất chăm chỉ, không nề hà bất cứ việc gì. Không đam mê hàng hiệu, vì tôi không thích lắm. Ừ thì cũng thấy nó đẹp nhưng tôi nghĩ chơi hàng hiệu cũng là một thứ văn hóa. Mình phải hiểu về nó thì mới xúc động khi nhìn ngắm nó. Ví dụ nhìn thấy cây đàn piano đẹp là tôi rất thích, sẽ phải xin được chơi một bài, nghe âm thanh, cảm nhận phím đàn, xem hiệu gì v..v… Và cuối cùng sẽ là ao ước được sở hữu. Bây giờ tôi mới nghĩ đến việc nuông chiều bản thân chút đây.
Tôi cũng thích có một ngôi nhà đẹp và đã có được điều đó nhưng tôi kiếm tiền không phải để có một ngôi nhà đẹp đâu nhé. Đó là tự nguyện và đam mê, chứ có bao nhiêu tiền tôi không để ý. Mẹ là người quản lý về kinh tế cho tôi. Cứ đi diễn hay đi làm show về là: “Mẹ, hôm nay con được từng này, mẹ cất cho con”.
Tôi nhớ năm 2009 xây lại căn nhà thành 7 tầng để mở trường nhạc nhưng sau 4 năm phát triển thì nó trở nên chật chội. Thật may là đúng lúc đó, năm 2014, hai cái nhà bên cạnh cùng bán, tôi hỏi: “Mẹ, con có bao nhiêu tiền? Có đủ mua hai cái nhà này không?”. Bấy giờ mẹ mới “rải thẻ” sổ tiết kiệm ra đếm và tôi cũng mới biết chính xác là mình có bao nhiêu tiền. Đó là lúc tôi bắt đầu có ý định mở trường nhạc của mình.
“Nếu mà đầu tư kinh doanh hay bất động sản thay vì gửi tiết kiệm thì giờ giàu to rồi”, chị có bao giờ nghe nói thế?
Ôi không, tôi sợ “món” đó lắm, sợ vô cùng. Vì tôi là người không biết buôn bán. Đầu tư là phải để ý đến lỗ lãi, đầu óc nào mà giảng dạy. Tôi chỉ thích đi làm thuê thôi. Xong việc là cầm tiền về. Vừa chắc chắn, vừa không phải lo nghĩ gì.
Nhìn lại hành trình đã qua, chị thấy một Thùy Dung hiện tại, khi đã làm vợ làm mẹ và một Thùy Dung của thời trẻ khác biệt thế nào?
Gia đình và bạn bè tôi đều bất ngờ khi làm vợ, làn mẹ thì tôi mềm mại đi rất nhiều. Cái tôi quá mạnh của ngày xưa đã được ép plastic và trở thành di sản của gia đình. Ba tôi ngày trước hay đùa: “Con mới được một nửa cái tên ba đặt. Mới được Dung thôi chứ chưa thấy Thùy đâu. Giờ thì ông hài lòng được rồi. Thậm chí đôi lúc bạn bè tôi hét lên: “Thùy quá thể rồi đấy!”.
Trong cuộc sống gia đình, điều quan trọng nhất cần phải gìn giữ thì theo chị đó sẽ là gì?
Tôi nghĩ đó là sự tôn trọng. Sống với nhau biết bao dung, nhân hậu và tình cảm thì sẽ giữ được sự tôn trọng, thương yêu nhau. Tôi sợ sự ích kỷ được ngụy biện là tình yêu. Nó làm cuộc sống ngột ngạt và giết chết cảm xúc. Rồi chúng ta cũng sẽ ngủ trên một cái giường thôi, ở một cái nhà thôi và bắt đầu phải ăn theo chế độ để giữ sức khỏe thì sự quan tâm về vật chất sẽ bớt đi nhiều lắm. Điều còn lại duy nhất là sự chia sẻ, cảm thông, bao dung với nhau. Hãy khen nhiều lên và cất bớt lời chê với những người xung quanh để mỗi ngày đều mang đến sự vui vẻ cho mình, cho mọi người.
Cảm ơn nghệ sĩ Thuỳ Dung về cuộc trò chuyện!
Ca sĩ Thuỳ Dung hát “Đêm mùa đông” trong chương trình Quán thanh xuân tháng 10/2020 của VTV3
Lê Thanh Hà (thực hiện)