Ca sĩ Hoài Thương: “Tôi muốn tiếng hát của mình như lời động viên các chiến sĩ nơi đảo xa”

Trước thềm năm mới, ca sĩ Hoài Thương đã trò chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử nhân dịp Tết đến Xuân về.

Phóng viên (PV): Được biết chị tốt nghiệp ngành sư phạm âm nhạc tại Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang, lý do nào khiến chị đến với con đường âm nhạc?

Ca sĩ Hoài Thương: Tôi sinh ra ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, năm 1998 cùng gia đình chuyển vào Gia Lai sinh sống. Ngay từ khi còn nhỏ, hằng ngày được nghe mẹ hát ru bằng những làn điệu dân ca, những câu hát trữ tình, lớn hơn một chút lại được bà ngoại hát cho nghe những làn điệu chèo của miền Bắc. Và chẳng biết từ khi nào, những làn điệu dân ca quê hương ấy cứ thấm dần vào trong máu thịt của tôi để rồi đến khi trưởng thành, tôi không thể rời xa và càng yêu thích những làn điệu dân ca quen thuộc, những câu hát đò đưa ấy hơn… Chính vì vậy, mà tôi đã đăng ký thi vào ngành âm nhạc của Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Nha Trang.

leftcenterrightdel

Ca sĩ Hoài Thương.

PV: Khi còn là sinh viên, Hoài Thương tham gia thi Tiếng hát truyền hình Khánh Hòa rồi sau đó vượt qua vòng loại để đến với chung kết giải Sao Mai toàn quốc 2009. Vậy cơ duyên nào đưa chị đến với Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa)?

Ca sĩ Hoài Thương: Thú thật đến bây giờ tôi vẫn không nghĩ mình lại được đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa). Bởi vì chuyên ngành tôi học là sư phạm âm nhạc chứ không phải thanh nhạc, do vậy ước mơ được làm ca sĩ và đứng trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp còn khá xa vời. Thế rồi như một định mệnh, năm 2009 khi đang là sinh viên năm thứ 2, để thử sức và thỏa mãn niềm đam mê, Hoài Thương đã đăng ký dự thi “Tiếng hát truyền hình Khánh Hòa năm 2009”.  Sau đó với những nỗ lực của bản thân cùng sự động viên giúp sức của gia đình, thầy cô và bạn bè, Hoài thương đã đến được vòng chung kết giải Sao Mai toàn quốc tổ chức tại Phú Yên. Mặc dù chỉ dừng chân tại đó nhưng như thế cũng là niềm hạnh phúc rất lớn đối với Hoài Thương. Có lẽ trong thời gian tôi tham gia thi Tiếng hát truyền hình và vào được vòng chung kết giải Sao Mai toàn quốc, Ban lãnh đạo của Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng cũng đã theo dõi và có ý định tuyển, nên ngay sau khi cuộc thi kết thúc, tôi đã nhận được lời mời về làm việc tại Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng trước khi tốt nghiệp ra trường 1 năm. Đó chính là cơ duyên đưa tôi đến với đoàn.

leftcenterrightdel

Ca sĩ Hoài Thương và các chiến sĩ trên đảo Trường Sa.

PV: Được biết ngoài những ca khúc về tình yêu quê hương đất nước,, chủ đề về người lính luôn được chị ưu tiên thể hiện, chị cảm thấy thế nào khi hát các ca khúc về đề tài người chiến sĩ?

Ca sĩ Hoài Thương: Tôi đã từng hát rất nhiều ca khúc về đề tài người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, nhưng chủ đề mà tôi thích hát nhất vẫn là về các chiến sĩ Hải quân. Không phải vì tôi dành tình đặc biệt cho các chiến sĩ Hải quân mà vì tôi may mắn thường xuyên được tiếp xúc với các chiến sĩ bộ đội Hải quân nên phần nào thấu hiểu được nhiệm vụ của họ, nhất là sau 3 chuyến công tác ra Trường Sa. Chính vì thế, mỗi khi hát về người lính, đặc biệt là về người lính Hải quân, tôi cảm thấy rất bồi hồi và mong muốn những lời ca của mình như là một lời động viên các chiến sĩ đang canh giữ vùng biển thân yêu của Tổ quốc. Đó cũng là thể hiện tình cảm của hậu phương đất liền luôn hướng về những người lính nơi đảo xa với tình cảm thiêng liêng, sâu sắc…

leftcenterrightdel

Chị cảm thấy rất vui khi được tự tay chăm sóc vườn rau xanh trên đảo.

PV: Trong những chuyến ra công tác ở Trường Sa, kỷ niệm nhớ nhất của chị là gì?

Ca sĩ Hoài Thương: Kể từ khi về đầu quân cho Đoàn ca múa nhạc Hải Đăng, tôi theo đoàn công tác ra Trường Sa mới chỉ có 3 lần, nhưng kỷ niệm mà tôi nhớ nhất là  khi đến thăm các anh chiến sĩ trên đảo Trường Sa chính là lúc tôi và đoàn công tác đến đảo chìm Cô Lin, lúc đó do trời nắng nên tôi mang theo một chiếc nón lá. Khi đoàn công tác ra về thì có một chiến sĩ nói: “Em có thể tặng lại anh chiếc nón lá này được không ?”. Lúc đó tôi hơi bối rối nhưng khi nghe thấy anh ấy tâm sự rằng: “Lâu lắm mới thấy hình ảnh cô gái với chiếc nón lá, nếu được tôi tặng chiếc nón này thì các chiến sĩ sẽ vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ và người yêu”. Chỉ nghe thế thôi, tôi đã thấy nghẹn ngào trong lòng và tôi không ngần ngại đã tặng luôn cho người chiến sĩ ấy chiếc nón lá đó. Đây là một kỷ niệm không quên được đối với tôi.

PV: Công việc của chị thường phải đi biểu diễn, nhất là trong mỗi chuyến công tác ra Trường Sa phải mất từ 8 đến 10 ngày xa gia đình. Vậy gia đình có tạo điều kiện cho chị không?

Ca sĩ Hoài Thương: Tôi là một người phụ nữ may mắn khi được gia đình chồng yêu thương, tạo điều kiện để tôi theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật, được cống hiến sức trẻ cho ca hát. Chồng tôi là kỹ sư thủy sản, công tác tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3. Biết được niềm đam mê ca hát của tôi nên anh ấy luôn động viên tôi trên con đường nghệ thuật và thường xuyên khích lệ để vợ phấn đấu cống hiến hết mình cho công việc. Chồng tôi thường nói rằng, ca hát cũng là tình yêu và cũng giống như tình yêu tôi dành cho anh và gia đình.

PV: Chuẩn bị bước sang năm mới, chị có những dự định gì cho công việc của mình?

Ca sĩ Hoài Thương: Hiện tại tôi đang thu một CD với những ca khúc mà em rất tâm đắc, lần này tôi chọn bài rất kỹ, cố gắng sẽ hoàn thành trong dịp Tết này để tặng người thân và bạn bè. Hoài Thương cũng chưa có dự định gì trong năm nay mà chỉ muốn cống hiến hết mình cho công việc. Còn tương lai cứ để thời gian trả lời.

Nhân dịp năm mới 2018, Hoài Thương chúc tất cả mọi người luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành đạt, chúc các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở mọi miền của Tổ quốc đón xuân vui vẻ và có một năm mới tràn đầy hạnh phúc.

PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

MAI VĂN ĐÔNG (thực hiện)                                                                     

Rate this post